Chưa có một cuốn sách nào khiến tôi băn khoăn như Kim Bình Mai. Viết gì đây khi tất cả mọi người đọc đến tên đều mỉm cười ý nhị, ngụ ý ai cũng hiểu đây là một cuốn dâm thư? Cuốn truyện kể về Tây Môn Khánh từ khi gặp Kim Liên, trước đây tôi cứ băn khoăn không hiểu tại sao lại đặt tên là Kim Bình Mai, hóa ra đây là tên gọi tắt cho 2 người thiếp và một a hoàn được Tây Môn Khánh yêu thích. Cuộc đời của Tây Môn Khánh cùng với thê thiếp được dự báo qua lời xem tướng của Ngô thần tiên. Có câu tinh hoa phát tiết ra ngoài, con người có thể dùng tiền bạc mua chuộc cửa quan, lòng người nhưng không thể che được mọi hành vi xấu xa của mình. Tình dục vốn dĩ không xấu, thậm chí đây là phương pháp thể hiện ái tình sâu sắc nhất. Nhưng tình dục quá độ dẫn đến cái chết như Tây Môn Khánh, Xuân Mai, vì tình dục nỡ lòng cùng người tình xuống tay hạ độc người chồng hiền lương của mình như Kim Liên, vì mối thông dâm với Tây Môn Khánh mà hại chết Hoa Tử Hư như Bình Nhi... những việc xấu xa đó đáng để thiên hạ cười chê. Đọc Kim Bình Mai hay Hồng lâu mộng ta đều thấy một chân lý muôn đời mà người xưa muốn gửi gắm: Cuộc đời là giấc mộng phù hoa, là một chuỗi hên xui may rủi nên chớ thấy ngày nay sung sướng giàu sang mà không biết trân trọng, cũng không nên buồn phiền vì nghèo khó mãi biết đâu ngày mai sẽ đổi đời. Luật nhân quả thể hiện rất rõ, gieo nhân nào gặt quả ấy, gieo ân báo ân, gieo oán báo oán.
Tây Môn Khánh chỉ là một con người bình thường nhưng đã để phần con lấn át phần người. Phần con hoang dâm vô độ, tham rượu mê gái, ham tiền bỏ bạn hữu. Tình dục phản ánh bản chất con người rõ ràng nhất. Tây Môn Khánh không từ một thủ đoạn, không kể một hạng người nào: từ góa phụ Lâm Thái thái đến kỹ nữ Ái Nguyệt 16 tuổi, từ vợ bạn cho đến tôi tớ, kẻ hầu người hạ, từ người đẹp cho đến loại nhan sắc trung bình lại già như vợ Bôn Tứ cũng không tha. Thói đàng điếm cho thấy lối sống lệch lạc buông thả, bản tính con người tuy mặt ngoài đẹp đẽ mà lòng lang dạ sói không từ một thủ đoạn gì trước tiền bạc và nhan sắc, miễn đạt được mục đích.
Tiền không mua được tất cả nhưng có nhiều tiền sẽ mua được. Làm thế nào mà một kẻ gian phu có mẽ ngoài đẹp đẽ nhưng bản chất đê tiện xấu xa bỉ ổi có thể tồn tại và tác oai tác quái như vậy? Theo sau hắn là lũ bạn bâu nhâu, có tiền có cơm rượu có bạn, hết tiền hết bạn hết anh em. Thời đại đồng tiền lên ngôi, từ trên xuống dưới từ tên tri huyện đến Tây Môn Khánh chỉ là một kẻ trọc phú đã dùng tiền hoành hành áp bức người dân, bởi vậy đã sản sinh ra những con người nghĩa hiệp núi Lương Sơn như Võ Tòng, Lý Quỳ...
Tây Môn Khánh chiếm vợ của bạn Hoa Tử Hư đồng thời chiếm luôn cả tiền bạc. “Cho hay một khi người đàn bà trong nhà đã thay lòng đổi dạ thì người chồng không còn chỗ cất đầu lên nổi. Vợ chồng lấy nhau vì duyên vì số nhưng bao giờ cũng phải đúng câu phu xướng phụ tùy, bao giờ chồng cũng phải chế ngự nổi vợ thì gia đình mới bền vững được.” Bởi vì Hoa Tử Hư không mở to mắt khi kết bạn, dẫn lang sói vào nhà, và bởi vì người vợ lăng loàn mất nết thông dâm với Tây Môn Khánh nên đã đẩy Hoa Tử Hư vào chỗ chết. Nỗi oán hận thâm sâu đã theo Hoa Tử Hư xuống địa ngục và quyết không tha cho kẻ thủ ác đã hại mình. Âu cũng là nhân quả ở đời.
Phần người giúp đỡ những kẻ ăn bám như Ứng Bá Tước, Tạ Hy Đại, Ngô Thiên Ân... không mảy may cần báo đáp. Phần người thương nhớ Bình Nhi sau khi chết khôn nguôi.
Kim Liên cũng vậy, người đàn bà tham vàng bỏ ngãi, ham mê thú vui xác thịt. Cho hay người đàn bà, con gái trời phú cho chút nhan sắc lại có tính cách lanh lợi thì đời nào chịu gắn bó với một người chồng nhan sắc xấu xí, tính tình cục mịch. Thế nên trong nhân gian mới có câu: Con vợ khôn lấy thằng chồng dại/ Như bông hoa nhài cắm bãi phân trâu. Đoạn tả Kim Liên khóc chồng tác giả khéo mỉa mai khi phân biệt 3 loại khóc ở đàn bà, khóc có nước mắt, không nước mắt và chỉ có tiếng gào.
Kim Liên một đứa con đến tiền trả phu kiệu cho mẹ cũng không trả, lại còn trách mắng khiến Phan lão bà uất ức mà khóc giận. Tác giả viết một câu chuyện tưởng tượng phản ánh xã hội phong kiến Trung Quốc nhưng những hiện tượng, con người và vấn đề xã hội thì đến nay vẫn còn rất thời sự. Phải chăng xã hội nào cũng có những kẻ suy đồi đạo đức, táng tận lương tâm bạc bẽo với mẹ cha và ruột thịt trong nhà?
Kim Liên tiếc người mẹ đẻ ra mình mấy tiền để trả phu kiệu song lại sẵn sàng mang bánh, đồ ăn ra bố thí cho ông lão lau gương giả vờ nghèo khổ. Con người luôn luôn ngược đời và nực cười như vậy. Bình Nhi hại chết Hoa Tử Hư để theo Tây Môn Khánh dù cho sau này có sống hài hòa với mọi người trong nhà Tây Môn Khánh xong vẫn không thể tránh khỏi cái kết đau buồn: con trai chết và mình cũng bỏ mạng. Thương cho ca nhi vô tội bị chết oan vì kẻ hãm hại. Qua đó cũng thấy một thực trạng đa thê đa thiếp ở nhà một quan lại nhỏ như Tây Môn Khánh mà các bà đấu đá tranh giành nhau dù ngoài mặt vẫn tươi cười.
Mọi người hay cho rằng Kim Bình Mai là cuốn dâm thư có lẽ vì bản chuyển thể phim đã khắc họa quá sinh động hình ảnh Tây Môn Khánh – một kẻ dâm đãng cùng với Kim Liên lẳng lơ đúng là một cặp trời sinh. Nhưng có đọc truyện ta mới thấy văn phong của người Trung Quốc xưa nói chuyện dâm đãng mà không dùng ngôn ngữ thô tục. Mặt khác tác giả sử dụng những thủ pháp nghệ thuật nói giảm nói tránh, ẩn dụ, nhân hóa, nói hoa chỉ người, nói vật tả cảnh cùng với ngôn ngữ kiểu cách thời xưa cho ta thấy khung cảnh con người và thiên nhiên diễm lệ. Con người yêu chuộng cái đẹp: từ ăn mặc đến đầu tóc, trang sức, đến ca hát, thú vui tiệc tùng thâu đêm suốt sáng nghe ca nữ đàn hát. Đàn ông như Tây Môn Khánh, Thư Đồng, Ứng Bá Tước cũng có thể hát múa giỏi. Chưa kể đến những người ca nữ xinh đẹp đàn hay hát giỏi như Quế Thư, Ngân Nhi...
Cũng giống như những tác phẩm cùng thời Trung Quốc xưa, Kim Bình Mai thường thêm những yếu tố ma quái khó đoán, ví dụ đoạn người vợ thứ 3 của Tây Môn Khánh sắp chết mơ thấy cổng địa ngục hay vị đạo sĩ hát xẩm đến mắng bọn Tây Môn Khánh sau cái chết của vợ y hay việc Tây Môn Khánh đi xem giải mộng, bói chữ... đều thể hiện sự mê tín của người xưa và khẳng định một điều lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát, những kẻ thủ ác thì sẽ không tránh được việc phải đền tội. Một dự cảm chẳng lành cho Tây Môn Khánh và đồng bọn.
Thế mới biết lúc triều chính suy vong kỷ cương rối loạn thì quan tham nhũng lại đầy đất mặc sức lộng hành. Người hiền lương thì bị diệt trừ, thiên hạ đảo điên muôn dân cùng khốn. Công lý chỉ thuộc về tay kẻ có tiền. Bộ mặt hiện thực xã hội thối nát được phơi bày, dường như tuyến nhân vật toàn vai phản diện và ít có vai chính diện. Vai chính diện giống như sao đổi ngôi chỉ vụt lóe sáng lên rồi sẽ mãi mãi chìm vào tăm tối bởi bè lũ tham quan vô lại, những tay sai của phe phản diện sẽ tiêu diệt họ ngay tức khắc. Cho hay thói đời đen bạc.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét