Phần 1: Tự do là gì?
Câu hỏi này rất thú vị và hấp dẫn đấy - tôi sẽ phải tốn một chút thời gian để chuẩn bị cho câu trả lời, bởi vì có quá nhiều thứ cần phải được phân tích và làm rõ ở đây, nên hi vọng là bạn đã chuẩn bị được tâm thái phải đọc cả một lô chữ đấy nhé! À mà xin nói trước, là tôi không có thời gian để biên tập lại, nên nếu có sai sót nhỏ thì hãy bỏ qua nhé.
Trước tiên thì tôi muốn nói một chút về cách chúng ta học về chế độ nô lệ. Đầu tiên, và cũng là điều quan trọng nhất, thì không phải cứ ai nghiên cứu về nô lệ cũng đều là sử gia về lĩnh vực này đâu, và không phải người nào tự nhận mình là một sử gia về chế độ nô lệ cũng tiếp cận vấn đề cùng góc độ với những người trên. Tốt hơn là tôi nên đưa ra một ví dụ nhỉ: một người có thể nghiên cứu về chế độ nô lệ, nhưng chưa chắc là do người ta thích thú đặc biệt với vấn đề này, mà bởi đề tài nghiên cứu của họ là về tình hình chính trị xã hội của Hoa Kỳ vào thế kỷ 19. Một số người khác có thể sẽ ngó qua phần chế độ nô lệ bởi vì họ có hứng thú với lịch sử Pháp thời chủ nghĩa đế quốc chẳng hạn. Hoặc là lịch sử tổng thể của Brazil, kiểu thế. Việc một sử gia nói đến vấn đề nô lệ để tập trung làm rõ vào một bối cảnh địa lý và thời gian cụ thể, là rất thường thấy - và với những học giả nói tiếng Anh, thì bối cảnh hay gặp nhất là Hoa Kỳ - và hầu hết độc giả cũng như sinh viên lịch sử tin rằng đó là cách đúng đắn để học tập nghiên cứu. Tình cờ thay, ở hầu hết các lĩnh vực, điều đó lại đúng. Nếu bạn tự giới thiệu mình là một sử gia - thì dù là dân nghiệp dư hay chuyên nghiệp - thì người ta nghĩ lĩnh vực nghiên cứu của bạn, hẳn phải là một quốc gia cụ thể, hay một giai đoạn cụ thể nào đó.
Nhưng đó không phải là cách duy nhất để ta nhìn về quá khứ. Có những người trong số chúng ta lại dành nhiều hứng thú với những hiện tượng đã vượt qua ranh giới lãnh thổ và thời đại - những người muốn nhìn lịch sử thông qua các khái niệm, sự kiện, hay những sắc thái đặc thù xuất hiện lặp đi lặp lại trong tài liệu lịch sử. Mặc dù flair của tôi trong AskHistorians là "về chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ và Caribbean ở Anh", tôi lại không phải là một người Mỹ; với tôi bối cảnh địa lý chỉ là thứ yếu: Tôi tiếp cận lịch sử dưới góc nhìn của một sử gia về lao động: Tôi hứng thú với lịch sử của lao động và của những con người phải làm việc để sinh tồn, đặc biệt là bóc lột lao động, hay là lịch sử của những người phải làm việc ngược với mong muốn của bản thân, dù với bất cứ lí do gì. Tôi nghiên cứu cách một hệ thống bóc lột lao động được hình thành, và trải nghiệm của những người phải chịu đựng sự bóc lột ấy. Nghiên cứu của tôi nhằm mục đích làm rõ ranh giới giữa tự do và mất tự do, nhằm so sánh sự khác biệt giữa các hệ thống cưỡng chế khác nhau, hiểu được cách chúng xây dựng trong lý thuyết, và áp dụng vào trong thực tế. Tôi quan tâm đến Hoa Kỳ chủ yếu chỉ vì nó liên quan nhiều đến chế độ nô lệ; còn về phần chuyên môn địa lý của tôi thì lại nằm ở những vùng như Jamaica, Barbados, hay Trinidad & Tobago.
Vậy nên những câu hỏi như thắc mắc của bạn khiến tôi bị cuốn hút kinh khủng: cái gì đã khiến cho lĩnh vực tôi hứng thú nhất, trở nên khác biệt với chế độ nông nô? Tại sao chúng ta lại dùng hai từ khác nhau để mô tả lao động cưỡng bức? Tại sao chúng ta lại không dùng một từ khác để mô tả việc bóc lột lao động diễn ra trong thời kỳ Hi Lạp và La Mã cổ đại? Liệu nguyên nhân là thuần trong lĩnh vực ngữ nghĩa của từ, hay là có một nguyên nhân lịch sử hợp lí để giải thích cho sự khác biệt này? So sánh trong lịch sử là một điều không hề dễ dàng, bởi hiếm ai có thể tinh thông về nhiều bối cảnh khác nhau; nhưng so sánh lại cần thiết để có thể nắm rõ được một hiện tượng như chế độ nô lệ. Tôi sẽ nói luôn (cho những độc giả vẫn đang tự hỏi quan điểm của tôi là gì), thì sử gia rất quan tâm đến sự khác nhau giữa chế độ nô lệ và chế độ nông nô, và có rất nhiều cách để diễn tả rằng, chế độ nô lệ là thứ tệ hơn trong cả hai.
Giờ trước khi chúng ta xem xét các ví dụ cụ thể về chế độ nô lệ ở Mỹ và nông nô ở Châu Âu (bạn có thể đoán được từ lời giới thiệu của tôi nhỉ), tôi muốn nghĩ về câu hỏi này dưới góc nhìn rộng hơn nữa. Một phần của vấn đề là cách chúng ta sử dụng từ "nô lệ" rất rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Trong văn hóa đại chúng, thì chúng ta dùng từ "nô lệ" với hai nghĩa:
1: một người bị coi như là sở hữu của một người khác, và họ có thể bị mua bán qua lại để lấy tiền mặt, hoặc trao đổi với các hiện vật khác.
2: một người phải lao động ngược lại với mong muốn của mình, và nhằm đem đến lơi ích cho người khác.
Chúng ta thường hay có xu hướng dùng nghĩa thứ 2, trong việc phải làm những điều không mong muốn. Người ta sẽ mô tả những vị sếp độc đoán như kiểu một dạng “chủ nô”, kiểu thế, và chúng ta cũng nghe kha khá về những nô lệ thời hiện đại trong ngành kinh doanh tình dục (cả hợp pháp lẫn không hợp pháp), hay là kinh doanh thuốc phiện, hay là việc bóc lột lao động trong những nhà máy. Nhưng việc tập trung vào chi tiết lao động cưỡng ép này, lại chỉ là một mảnh ghép của bức tranh. Cả chế độ nông nô và nô lệ đều là hai ví dụ của hiện tượng lịch sử và ngày nay được mô tả là “lao động phi tự do”, và để hiểu vì sao chúng ta phải phân biệt cả hai, chúng ta cần phải hiểu định nghĩa chính xác của tự do. Tôi đoán là riêng với những người ở phương Tây, thì cái câu trên của tôi thật là lạ lùng (còn nếu bạn là sinh viên ngành Triết thì chắc sẽ không thấy lạ). Với những người ở phương Tây, nhất là ở năm 2018, tự do gần như là một khái niệm rất trực quan và dễ hiểu; hầu hết mọi người đã trưởng thành trong một xã hội luôn tự hào rằng họ đang ở một đất nước tự do, với những con người tự do, và “tự do” là bản chất cho những cuộc bàn luận về chính trị và văn hóa của chúng ta. Chúng ta là những con người tự do, vậy chắc chắn chúng ta phải biết tự do là gì.
Vấn đề ở chỗ cách chúng ta dùng từ để mô tả tự do vào năm 2018, về cơ bản đã bóp méo cấu trúc hình thành nên từ đó; nghĩa là cách chúng ta nói về tự do lại khiến chúng ta hiểu sao về cách tự do hoạt động. Lấy một ví dụ cụ thể về một hình thức của tự do rất hay được viện đến trong những cuộc thảo luận chính trị ở khắp thế giới dân chủ phương Tây những ngày gần đây: Tự do ngôn luận. Nếu tôi muốn khẳng định quyền tự do này, tôi sẽ dùng một hình thái sở hữu; tôi có quyền tự do ngôn luận. Quyền tự do này là một thứ mà tôi sở hữu, một thứ tôi có, và nó thuộc về tôi. Nếu chính quyền kiểm duyệt tôi, tôi có thể nói rằng họ đang xâm phạm, tước đoạt, vi phạm hay hạn chế tự do ngôn luận của tôi – những từ gợi đến hình ảnh một người đang bước qua vùng đất mà họ không sở hữu, hay là chiếm đoạt một thứ không phải của họ. Trong cách chúng ta nói về tự do (dù là kiếm được, hay là bẩm sinh đã có), thì tự do là một thứ chúng ta sở hữu, và có thể bị cướp đi khỏi tay ta. Tự do cũng đồng nghĩa với sự tự chủ về thân thể cũng như tâm hồn: nó bao gồm tất thảy những hành động, lời nói mà con người có thể thực hiện, kiểu như việc họ hoàn toàn có quyền thờ phượng bất kỳ một tôn giáo nào họ muốn, và có quyền di chuyển tới bất kỳ đâu trong đất nước của mình.
Vấn đề với cách hiểu truyền thống về tự do là nó nhanh chóng sụp đổ nếu ta thử nghĩ về cách chúng ta ủng hộ tự do. Liệu việc bạn nghĩ lương tâm mình tự do có còn quan trọng mấy không khi tôi đấm vào mặt bạn mỗi khi bạn trình bày một ý tưởng bất đồng với tôi? Liệu việc bạn tin mình sở hữu quyền tự do theo đuổi bất kỳ tôn giáo nào có còn quan trọng không nếu chính quyền quẳng bạn vào tù vì không đến nhà thờ thường xuyên? Nó chỉ trở nên quan trọng khi bạn cảm thấy bị lăng mạ và khủng bố. Thực tế rõ ràng rằng bạn không hề tự do. Có lẽ bạn có thể, viện vào vài lí do kiểu tự do là một thứ bẩm sinh đã có, bởi chí ít với việc là một con người, chúng ta đã được trao cho vài quyền tự do nhất định - - nhưng lý lẽ này sẽ dễ dàng bị sụp đổ. Chính phủ có thể trừng phạt bạn vì phát ngôn chống lại nó, nhưng lại không thể ngăn chặn bạn gào lên những lời chỉ trích ở ngoài nghị viện nếu nó không biết rằng bạn tính làm thế. Tôi có thể đốt nhà bạn nếu bạn nói điều tôi không ưng, nhưng tôi không thể nào chui vào trong đầu và thay đổi suy nghĩ của bạn được.
Thay vì thế, sẽ tốt hơn nếu hiểu tự do là một quan hệ - một mạng lưới rộng lớn và phức tạp, nhưng bản chất vẫn là quan hệ. Bởi vì để khiến bạn có tự do ngôn luận, để cho bạn có quyền được nói những gì mình muốn, thì quyền hạn của tôi phải bị giới hạn. Quyền tự do ngôn luận của bạn ứng dụng trong thực tế theo một cách nào đó, thì tương ứng cũng phải có biện pháp ngăn cản tôi không phương hại đến bạn mỗi khi bạn thực hiện tự do ngôn luận. Khi chúng ta nói chúng ta có quyền tự do tôn giáo, thực chất ý của ta là chúng ta đồng thuận rằng Nhà nước và xã hôi không thể thực hiện hành động nào để bắt buộc bạn phải ngưng theo một tôn giáo trong hòa bình, mặc kệ cho việc người ta thấy niềm tin của bạn kỳ cục đến cỡ nào. Có thể hình dung tự do như một mạng lưới các quan hệ, mà tại đó chúng ta cảm thấy quyền lực giữa ta và người khác được cân bằng một cách hợp lý; tự do của một cá nhân đạt được khi quyền lực trong mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa cá nhân với xã hội, được cân bằng theo một biện pháp cụ thể. Đấy là những điểm mà về cơ bản bị hiểu sai, và còn mơ hồ trong những cuộc tranh luận về chính trị xung quanh vấn đề tự do, mặc dù tôi sẽ không đi sâu vào nó để trở về chủ đề chính.
Nếu bạn đã theo dõi tôi từ trước, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng khái niệm về tài sản có mối liên hệ chặt chẽ với khái niệm tự do là một mối quan hệ trên. Chúng ta nhận định một thứ thuộc sở hữu của mình dựa trên sự bản chất mối quan hệ của chúng ta với những người khác, khi ta biết được một vật là tài sản của người khác, chúng ta cũng sẽ biết được về sự mất cân bằng về quyền lực giữa người đó với những người còn lại trong xã hội, khi mà chúng ta đề cập đến đối tượng được coi là tài sản riêng. Kiểu, tôi cực kỳ thất vọng khi không thể sử dụng xe của bạn mà không được cho phép, bởi lẽ bạn có quyền sử dụng vũ lực để ngăn cản tôi, và chính quyền có thể khiến tôi phải bóc khá nhiều cuốn lịch bởi hành vi trên.
Phần 2: Chế độ nông nô ở Nga
Vậy, khi chúng ta diễn tả kiểu "lao động phi tự do", thứ mà chúng ta muốn nói đến chính xác là về mối quan hệ giữa bạn và người chủ thuê, mối quan hệ đặc trưng bởi sự mất cân bằng về quyền lợi với phần hơn nghiêng về phía người chủ, mà đã vượt khỏi ranh giới của vùng mà chúng ta gọi là "tự do". Và theo lẽ thường, "tự do" không đồng nghĩa với "tự nguyện" khi chúng ta nói đến vấn đề lao động, dù ở quá khứ hay hiện tại. Vẫn có khả năng bạn bị đẩy vào vùng "phi tự do" khi bạn thỏa thuận làm việc cho ai đó một cách tự nguyện. Ví dụ, bạn có thể lựa chọn làm việc cho bất kỳ ai bạn thích trong khu vực của mình = nhưng bạn có thể không thực sự là một người lao động tự do nếu người duy nhất bạn thấy được lại không trả tiền lương, và đánh bạn nếu bạn làm việc không đủ chăm chỉ. Dĩ nhiên là việc xác định phân vùng chính xác lao động “tự do” vẫn đang còn nhiều tranh cãi, trên cả ba phương diện đạo đức, triết học và kinh tế - chắc chắn là hầu hết mọi người, kể cả ở những đất nước phát triển, đều thích làm việc ít hơn, nhưng bởi vì vấn đề tài chính mà chúng ta bắt buộc phải lao động với cường độ hiện tại. Nhưng hầu hết những người hiểu biết sẽ chấp nhận lao động như một điều thiết yếu của cuộc sống, là thứ cần thiết cho sự sống còn của một cá nhân, thậm chí rộng hơn, của cả một giống loài chí ít là cho việc sản xuất lương thực, và tìm nơi trú ẩn, vân vân. Hầu hết chúng ta sẽ thừa nhận một điểm mà tại đó, lao động tương đối phù hợp với cách mô tả về tự do, theo nghĩa trong triết học và trừu tượng. Với những vùng văn hóa và chính trị khác nhau, thì vị trí của điểm này cũng sẽ có sự bất đồng.
Có một điểm đáng phải chỉ ra, rằng trong giai đoạn này, có rất nhiều học giả không tin chế độ nô lệ là sai lệch của tự do, mà lại tin tự do là sai lệch của chế độ nô lệ*; tức là khái niệm của chúng ta về những gì cấu thành tự do, không có cùng khởi điểm với họ, là những quan điểm tổng quát nhất về nhân quyền và nhân phẩm, với chế độ nô lệ là những điểm sai lệch từ những đặc trưng trên. Ý tưởng của chúng ta về tự do, là một phản ứng đáp trả với sự tồn tại của chế độ nô lệ, và cách chúng được được hình thành, và tái cấu trúc xuyên suốt các thế hệ. Tôi sẽ không đi sâu vào chủ đề trên, bởi có lẽ sẽ khiến chúng ta bị lạc đề – nhưng những điểm trên đáng để ghi nhớ mỗi khi chúng ta đụng đến vấn đề lịch sử của tự do và nô lệ đấy.
(*từ gốc là: aberration, mình tạm dịch là sai lệch, ccả đoạn trên các bạn cứ hiểu nôm na là khái niệm tự do xuất hiện sau khi chế độ nô lệ được hình thành, bởi khi bắt đầu có sự "bất công", người ta mới suy nghĩ đến vấn đề tự do)
Vậy sau những thuật ngữ về khái niệm và lý thuyết sau đó, có lẽ cách giải thích tốt nhất của chúng ta về sự khác biệt giữa nông nô và nô lệ là sự khác biệt về phạm vi tại vùng mất cân bằng về quyền lợi trong mối quan hệ giữa người làm và chủ thuê; cả hai đều tồn tại ở trong vùng ngoài tự do, nhưng trong vùng đó, chúng không ở cùng một vị trí. Và cách chúng được cấu thành hạn chế quyền tự chủ với những nạn nhân của chúng cũng khác nhau. Với những hiểu biết về cách chúng ta nhìn nhận về lao động phi tự do, thì tại sao những sử gia lại cho rằng chế độ nông nô và chế độ nô lệ là hai khái niệm khác nhau, mặc dầu cả hai đều vượt ra ngoài ranh giới của vùng tự do? Để trả lời câu hỏi trên, tôi sẽ đi vào những lĩnh vực và tôi tương đối quen thuộc ở Châu Âu (cơ mà tôi không phải dạng biết tuốt hết đâu), với chế độ nông nô được thực hiện ở Nga (mặc dù tôi phải nói rằng Nga là một vùng lãnh thổ rộng lớn và việc chế độ nông nô được thực thi sẽ có sự khác nhau tương đối ở các vùng).
Ta có thể đoan chắc việc chế độ nông nô ở Nga có nhiều điểm tương đồng với chế độ nô lệ, các học giả cho rằng sự tương đồng này có căn nguyên từ thực tế nông nô là một sự tiến hóa từ các hành vi bóc lột ở quá khứ, nhứng thứ gần giống với nô lệ hơn (mặc dù chế độ nông nô có xu hướng bóc lột nhiều hơn, chứ không phải ít hơn theo thời gian). Trong chế độ nông nô, trọng điểm không phải ở những cá nhân bị buộc phải lao động, mà là ở vùng đất mà họ lao động. Trong khi những người chủ đất ở Nga coi nông nô của họ là những tài sản quan trọng hơn hẳn so với bản thân đất đai (rất nhiều vùng đất nông nghiệp sẽ không có mấy giá trị nên bạn không thể khai thác triệt dể), thì bản thân đất đai lại chiếm vai trò quan trọng hơn hẳn trong việc hình thành luật lệ và sự cấu thành xã hội trong chế độ nông nô. Jeffre Sallaz cho rằng chế độ nông nô có bản chất là sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với các nguồn lực hơn là việc nô dịch hóa các cá nhân; trọng tâm của nó luôn nằm ở đất đai và sản lượng của vùng đất đó.
Chế độ nông nô ở Nga bị chi phối bởi một bộ khung luật pháp về cai trị nông nô tương đối mơ hồ và lỏng lẻo, cho phép những người chủ có quyền lực đáng kể với cuộc sống của những người đang ở trên vùng đất của họ, những tổ chức tạo thành bộ luật trên cũng cực kỳ linh hoạt. Bởi vì nông nô về cơ bản bị trói buộc cùng với vùng đất họ làm việc, nên họ sẽ có một số quyền hạn ít ỏi với nó. Trong khi việc bán hay thế chấp một nông nô ở Nga tương đối dễ dàng hơn các nơi khác, việc bán một mảnh đất thường cần một đề nghị minh bạch hơn rất nhiều. Nông nô có giá trị với các chủ đất bởi họ lao động ở trên vùng đất, và sản xuất ra sản lượng phù hợp, không phải chỉ để cho sự sinh tồn của chính bản thân họ. Những quyền hạn của họ với mảnh đất, và quan trọng hơn cả, cách họ được khái niệm hóa như một người làm công cho họ một số quyền hạn, một ít tự do và và quyền lợi nhất định - mặc dù nó nằm trong một khuôn khổ hạn định. Người chủ dưới chế độ nông nô không cần nhất thiết phải dính dấp quá nhiều đến vấn đề bất động sản của mình nếu không thích, và cũng không phải là hiếm khi người chủ dưới chế độ nông nô hành động như một người cho thuê đất – đơn giản là người ta thu tiền thuê và lợi tức từ đất của họ - và ở khá nhiều trường hợp, thay vì hành xử như một gã chủ độc đoán, họ để những người nông nô được quyền tự chủ khá đáng kể và một mức tự do trong giới hạn ở vùng đất đai của mình.
Ở nước Nga, hệ thống nông nô đã tồn tại từ thế kỷ 18, có nguồn gốc chủ yếu từ một hệ thống được hình thành để thưởng cho những quý tộc đã phụng sự trong quân đội cho Đức Vua. Thực ra, chế độ nông nô không hẳn là một sản phẩm do một nỗ lực có ý thức đến từ giới quý tộc để xây dựng một lực lượng lao động dễ bảo và có hiệu suất cao, mà chính ra nhiều khả năng nó là một phương cách đảm bảo sản lượng trên vùng đất phong cho những quý tộc đã chiến đấu trong cuộc chiến của Nhà Vua. Nói chung, những nông nô ở khắp Châu Âu hầu như đều giữ được quyền tự chủ ở mức độ nhất định, thường là được quyết định việc mình sẽ trồng cây gì, và được bán số nông sản còn dư lại từ vụ mùa của mình. Khi được giải phóng, nhiều nông nô ở khắp Châu Âu có thể giữ lại một phần mảnh đất mà họ đã làm việc nhiều năm, được công nhận như lệ thường theo quyền hạn của họ với vùng đất ấy. Nông nô có thể phục vụ cho nhà nước như một người lính hoặc dân thường, và có quyền lợi với tài sản của riêng mình. Vài người đàn ông gắn bó với mảnh đất dưới tư cách một nông nô có thể được hưởng lợi đáng kể nhờ sự kết hợp giữa một xã hội gia trưởng sâu sắc, sự cô lập tương đối, một người chủ hay vắng mặt hoặc ít quan tâm, họ sẽ thiết lập mình thành một người có quyền lực và ảnh hưởng với trong cộng đồng của mình. Ở xã hội thượng lưu, có những lo ngại về việc nếu thẳng tay xóa bỏ quyền hạn của nông nô sẽ kích phát những cuộc nổi dậy, như khiến những người đang làm tốt phận sự của mình trên vùng đất phong trở nên tức giận bởi việc đe dọa quyền sở hữu đất đai truyền thống hay quyền lực ở địa phương của họ.
Có lẽ đây là điểm quan trọng nhất, mặc dù chắc chắn họ bị coi là tầng lớp kém cỏi hơn so với giới quý tộc, nhưng bản thân chế độ nông nô chưa đạp nạn nhân của nó xuống thành tầng lớp dưới cùng hoàn toàn bị bóc lột. Nông nô vẫn là một phần của xã hội rộng lớn, một phần của nền văn minh, và được hưởng một mức độ bảo vệ và công nhận cơ bản trong luật và tập quán. David Moon cho rằng quý tộc và chính quyền Nga đã công nhận, ít nhất là trên lý thuyết, rằng nông nô hoàn toàn có quyền và lợi ích hợp pháp trong phạm vi nhất định, mà không liên quan đến lợi ích của người chủ. Vào thế kỷ 19, dưới ảnh hưởng của ý tưởng khai sáng về cả năng suất kinh tế của lao động tự do và quyền cá nhân, thậm chí đến cả những quý tộc hưởng lợi trực tiếp từ hệ thống nông nô, cũng đã xem xét chế độ này (mặc dù chắc chắn sự bãi bỏ chế độ này không phải là kết quả của một hành động ân sủng nhân đạo). Chế độ nông nô hoàn toàn là một hệ thống cưỡng bức, bóc lột tàn bạo, nhưng nó cũng là một hệ thống với nhiều vấn đề phức tạp. Nông nô là đối tượng của luật pháp và nhà vua, họ không phải đồ vật của nó. Họ vẫn có nhân dạng về mặt luật pháp và văn hóa, mặc dù họ phải chịu sự bóc lột và áp bức của thể chế.
Điều này tương phản rõ ràng với những người từ hệ thống nô lệ băng qua Đại Tây Dương và con cháu của họ. Những nô lệ không hề có nhân dạng của riêng mình về luật pháp hay văn hóa; hệ thống nô lệ xuyên qua Đại Tây Dương là đại diện của sự suy đồi đến tận cùng của nhân loại. Những người nô lệ trở thành thứ đồ vật không được luật pháp nơi họ bị giam giữ bảo vệ. Họ không được hưởng bất kỳ một quyền bảo vệ cơ bản nào, cả ở trong bộ khung về chính trị hay văn hóa mà những nông nô vẫn được hưởng. Họ là tài sản của những người chủ theo nghĩa đen, và vì lý do đó mà họ có giá trị, không đơn thuần là bởi khả năng lao động nữa. Đặc điểm chuyên biệt của chế độ nô lệ là nó hoàn toàn mất nhân tính theo mọi hướng. Những người nô lệ bị tước đoạt hoàn toàn khỏi bất kỳ hoạt động hợp pháp nào trong xã hội, và nếu được tham dự vào thì đó chỉ đơn thuần là do ý thích của những người sở hữu họ.
Phần 3: Về chế độ nô lệ xuyên qua Đại Tây Dương
Orlando Patterson đã đưa ra định nghĩa quan trọng nhất về chế độ nô lệ tính đến nay, một trong những định nghĩa được các sử gia chấp nhận một cách rộng rãi. Theo định nghĩa của Patterson, các đặc tính đặc trưng của một người nô lệ là tình trạng bị nô dịch đưa họ đến một cái chết về mặt xã hội, và trở thành đối tượng cho quá trình mà ông gọi là sản sinh xa lánh. Với từ này, ông muốn nói rằng toàn bộ danh tính (identity) của người nô lệ sẽ được gộp chung vào người chủ của họ. Họ không có quyền công dân, không có quyền pháp lý, không có bất kỳ mối liên hệ hợp pháp nào với xã hội rộng hơn. Nhân vị tính (personhood) của bạn trở thành một món hàng. Mọi mối quan hệ máu mủ mà bạn có thể có, đều bị hủy bỏ - một người phụ nữ hoàn toàn có thể sinh con trong xã hội nô lệ; nhưng trong xã hội nô lệ, mối quan hệ giữa mẹ và con không phải là mối quan hệ quyết định; thứ quyết định là mối quan hệ giữa chủ sở hữu và tài sản hợp pháp. Theo Patterson, nô lệ là đại diện cho một sự bóc lột lao động vượt mức. Chế độ nô lệ trở thành một bản án tử: cuộc đời một người nô lệ vĩnh viễn bị đặt dưới vòng nguy hiểm, bởi những ranh giới mà người chủ đặt ra, dù cho những ranh giới đó có vẻ “rộng lượng” đến cỡ nào với một vài cá nhân, thì cũng không thể chối bỏ được rằng nó khiến người nô lệ không gì hơn là một loại tài sản. Chế độ nông nô có thể liên quan đến các biện pháp bạo lực về thể xác và tinh thần để thực thi tình trạng nô dịch, còn chế độ nô lệ phụ thuộc hoàn toàn, ít nhất là một quá trình bạo lực tâm lý không ngừng nghỉ, có hệ thống rõ ràng – và tương tự cả với bạo lực về mặt thể xác. Một nô lệ không bao giờ được đối xử tốt; một nô lệ luôn luôn là kẻ chịu ngược đãi, bất kể sự ngược đãi đó trông có vẻ nhẹ nhàng đến mức nào.
Sự phi nhân đạo nói trên là một đặc điểm thống nhất cho chế độ nô lệ. Cả Aistotle và Plato đều viết về bản chất thấp kém bẩm sinh mà họ thấy nơi những người nô lệ, và tin rằng có những người sinh ra đã mang số phận phải phục vụ người khác – trong khi Homer tin rằng chế độ nô lệ đã làm hèn hạ hóa con người trong một mức độ vừa phải, để biến họ trở thành tầng lớp thấp kém mãi mãi. Ấy thế mà ở chế độ nô lệ xuyên qua Đại Tây Dương, những đặc điểm khủng khiếp của sự nô dịch hóa đã lên một tầm cao mới, với việc đưa thêm yếu tố chủng tộc vào. Chế độ nô lệ xuyên qua Đại Tây Dương không phải sự bóc lột những cá nhân dựa trên những phẩm chất vô hình nào đó mà bẩm sinh họ đã có, hay bởi nơi mà họ không may mắn được sinh ra – chế độ nô lệ ở Tân Thế Giới dựa trên đặc điểm di truyền có thể nhìn thấy bằng mắt thường, màu da, thứ mà những nạn nhân của nó không thể kiểm soát, hay có cách để thoát khỏi. Những ý tưởng hiện đại của chúng ta về chủng tộc không thể nào tách rời khỏi những gì đã trải qua ở chế độ nô lệ - có một mối quan hệ ngấm ngầm vẫn tồn tại giữa những hiểu biết hiện đại của chúng ta về vấn đề chủng tộc và sự tồn tại của chế độ nô lệ. Sự khác biệt chủng tộc về màu da được hình dung văn hóa phương Tây không phải là một phần nhỏ cho việc phân bậc trong chế độ nô lệ, nơi mà da trắng nghĩa là tự do, và da đen nghĩa là nô lệ
Nguồn gốc Châu Phi của những nô lệ ở Tân Thế Giới đưa ra một giải thích đầy đủ cho câu hỏi tại sao những sự kiện trải qua ở chế độ nô lệ xuyên qua Đại Tây Dương lại khác biệt với hầu hết những hình thức lao động cưỡng bức khác. Toàn bộ quá trình buôn bán, trao đổi nô lệ xuyên Đại Tây Dương được thiết kế để hèn hạ hóa một cách bạo lực, và để khuất phục những người đã bị bắt giữ. Trong khi những hình ảnh phổ biến của những cuộc trao đổi nô lệ xuyên qua Đại Tây Dương ở trên những chương trình TV lại không thể mô tả hết những sự kiện chính yếu đã xảy ra, kiểu hình ảnh những người da trắng chạy vòng vòng quanh phía Tây Phi với mấy cái lưới và xiềng xích để bắt cóc mấy người da đen làm nô lệ, mặc dù những người bị bắt giữ và bán đi trong chế độ nô lệ trong hoạt động buôn bán nô lệ ở Tây Phi phải đối diện với một thể chế không hề giống như những gì chúng ta hình dung trên lục địa này. Trích dẫn một trong những câu trả lời tương đối nổi tiếng của tôi ở r/Askhistorians về việc trao đổi nô lệ:
“Chỉ riêng ngành thương mại nô lệ của Anh/Mỹ đã sát hại gần 600,000 người, chưa kể 2.9 triệu người đã bị biến thành nô lệ ở Tân Thế Giới. Đại Tây Dương trở thành một nấm mồ khổng lồ theo nghĩa đen, với hàng triệu xác người, của những người đàn ông Châu Phi, những người phụ nữ, những đứa trẻ; cuộc đời của họ bị tước đoạt bởi sự kết hợp giữa bệnh tật, bạo lực, và đói ăn. Những sự kiện tàn nhẫn được nhắc ở đoạn giữa không phải là vô tình: những con tàu chuyên chở nô lệ được trao quyền đưa càng nhiều người đến Tân Thế Giới càng tốt, và toàn bộ quá trình hèn hạ hóa con người với những hình thức cực đoan và kinh tởm nọ, là một phần của hệ thống hòng muốn phá hủy linh hồn và lý trí thuộc về một Con Người trong sâu thẳm những nạn nhân của chúng. Nó là một hệ thống mà ngay từ đầu đã không thoát khỏi chữ tàn bạo, và mọi người công nhận lẽ ấy; nó được tạo ra để cho người Châu Phi biết được giá trị thấp hèn của họ trong mắt những kẻ bắt giữ ấy, và cưỡng ép họ nhận biết, ngay từ lúc ban đầu, về vị trí của họ trong trật tự phân cấp chủng tộc của xã hội ở Tân Thế Giới.”
Những người sinh ra trong chế độ nông nô ở Châu Âu hay Nga chẳng thể xếp vào người sinh ra trong sự ưu ái – nhưng ít nhất khi họ đến thế giới này, họ sẽ được ở cạnh bạn bè và gia đình, ở trên mảnh đất mà họ đã gắn bó, được lớn lên cùng những người có chung nền văn hóa, nói chung một thứ ngôn ngữ, và có chung những truyền thống. Những người đàn ông, đàn bà, trẻ em ở Châu Phi, bị buộc phải dứt bỏ với mảnh đất quê hương và phải di chuyển nửa vòng Trái Đất để đến một vùng đất lạ lẫm, những người vây quanh họ thì tàn nhẫn và thù địch. Hầu hết những con tàu chở nô lệ chứa những nô lệ đến từ các vùng khác nhau của Tây Phi, họ không có cùng ngôn ngữ, và phong tục cũng chẳng hề giống nhau, chính điểm này khiến cho việc họ có thể ngay tức thì móc nối được với nhau là không tưởng. Hãy thử tưởng tượng xem mọi chuyện sẽ khó khăn như thế nào nếu bắt một người Mỹ bình thường ngay lập tức cố gắng kết nối với những người, ừm để xem, đến từ Hàn Quốc trên một hòn đảo, một mối liên hệ mật thiết ấy – đó trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chuyện đấy có vẻ dễ dàng hơn so với thời quá khứ nhiều rồi.
Dù cho bạn vẫn còn sống sót sau chuyến hành trình, thì đập vào mắt bạn sẽ là một thế giới bắt bạn phải nhận thức hoàn toàn về việc những kẻ bắt bớ đó chẳng hề quan tâm đến sinh mạng của bạn, dù chỉ một ít; về chuyện bạn phải ngay lập tức lao động, và sẽ bị trừng phạt một cách dã man với bất kỳ vi phạm nào mắc phải. Chẳng ai thèm quan tâm đến việc để bạn hòa nhập với xã hội ngoài kia, hay với nền văn hóa rộng lớn nọ. Rồi có lẽ bạn sẽ ảo tưởng về những gì gã chủ kia mong muốn ở thế giới này. Và rồi con cái của bạn sẽ đến với thế giới này với niềm tin như thế; người chủ nô muốn những đứa trẻ nô lệ sinh ra trên đồn điền của mình để cho chúng nhận thức được rằng, chúng là tài sản. Nó không phải là một sự kiện đặc biệt nào đó dưới chế độ nô lệ - mà đây là tiêu chuẩn tuyệt đối của chế độ nô lệ. Và trong khi người chủ đất của chế độ nông nô có thể bằng lòng để những nông nô dưới quyền của ông tự quản lý công việc của chính họ, thì chuyện này lại không thể nào xảy ra ở Tân Thế Giới. Ở nơi này, những người chủ - có thể trực tiếp hoặc gián tiếp qua trung gian – đầu tư một cách mật thiết cho việc điều khiển cuộc sống của những khối tài sản hình người của họ, dưới những phương thức chẳng hề dễ chịu.
Bạo lực chắc chắn là một công cụ để khiến chế độ nông nô có thể được thi hành ở Châu Âu. Nhưng trong trường hợp của chế độ nô lệ xuyên Đại Tây Dương, bạo lực không chỉ đơn giản là một công cụ để kiểm soát – chế độ nô lệ chính bằng bạo lực. Chắc chắn dưới chế độ nô lệ xuyên qua Đại Tây Dương, một việc như kiểu kẻ nô lệ được đối xử tử tế là chuyện không tưởng; bạo lực về mặt thể chất và tâm lý là một thành phần thiết yếu cho việc cấu thành chế độ này, không chỉ cho việc thi hành chế độ. Có một lý do vì sao xuyên suốt dòng chảy lịch sử, chúng ta thấy con người tạo ra những phương cách độc đáo và tàn nhẫn vào hạng nhất, để đóng dấu thể hiện thân phận nô lệ của một người trước khi yếu tố chủng tộc của cuộc trao đổi xuyên Đại Tây Dương trở nên thắng thế trong việc đánh dấu nô lệ: Nó là một phần của quá trình phi nhân hóa (dehumanization)* và lam dụng về tâm lý cần thiết để chế đô nô lê đi vào hoạt động. Nó, như Patterson đã nói, là cái chết về mặt xã hội.
(Tạm dịch thế, dehumanization có thể hiểu là một quá trình làm mất đi hoàn toàn tính cá nhân của một người, kiểu cho dễ hiểu thì bạn biết phép nhân hóa trong văn học đúng không, đưa vật vô tri thành có tính người; đây là cách ngược lại, cố biến con người thành vật vô tri)
Và đương nhiên, có những điểm tương đồng đáng kể về cách cấu thành của chế độ nông nô và chế độ nô lệ. Việc bảo chúng ta không thể so sánh giữa hai chế độ ấy không hề đúng, chúng ta hoàn toàn có thể làm điều ấy. Nhưng những sử gia cũng rút ra những khác biệt về khái niệm (conceptual ) giữa hai hình thức ứng dụng cũng như nhiều hình thức khác của lao động cưỡng bức. So sánh thì, hầu hết đều có quan điểm rằng chế độ nô lệ là một hình thức lao động cưỡng bức đặc biệt độc hại và bạo lực, mà khiến nạn nhân của chúng bị hèn hạ hóa một cách đáng tởm. Dù cho có lúc những trải nghiệm của một cá nhân ở chế độ nông nô có thể có những lúc kinh khủng một cách khó hiểu, thì yếu tố đó lại không thật là một phần bản chất của chế độ nông nô cần thiết cho việc bóc lột sức lao động và duy trì trật tự xã hội. Và ngược lại, đó lại hoàn toàn là bản chất của chế độ nô lệ - nhất là khi những người ở bậc cao hơn đã thực hiện việc trên theo những cách thực được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Mặt khác, cấu trúc pháp lý của chế độ nô lệ cũng chặt chẽ hơn chế độ nông nô gấp nhiều lần, một phần bởi chế độ nô lệ xuyên qua Đại Tây Dương trùng với khoảng thời gian hiện đại hóa luật dân sự và hình sự ở phần lớn các nước phương Tây, phần vì chế độ này tồn tại dựa trên sự ủng hộ hợp pháp cực kỳ lớn của Chính phủ để có thể cai trị, và thực thi những hành vi quá mức của nó. Thực ra vẫn còn nhiều khía cạnh nặng tính chuyên môn hơn khác ta có thể xem xét giữa các hệ thống cưỡng bức lao động khác nhau (một vài trong số đó tương đối rắc rối) nhưng trên đây là những điểm cần thiết nhất; một số tài liệu trong thư mục đọc của tôi có thể hữu ích hơn nếu bạn muốn khám phá câu hỏi này chi tiết hơn nữa.
Phần 4: Phân biệt chủng tộc không phải là một “quá khứ xa vời”
Nhưng có một điều tôi phải nói: Sử gia không phải nghề nghiệp định lượng nỗi khổ đau của con người, và tôi thấy mừng vì bạn đã sử dụng từ “khổ đau” (gốc: suffering) bởi nó sẽ dẫn chúng ta đến một thế tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức. Không có một phép đo chính xác nào mà tôi có thể đưa ra để có thể nói rằng bên nào đau khổ hơn. Với tư cách một người thuộc giới chuyên môn, từ những sử liệu tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nói những người nô lệ xuyên qua Đại Tây Dương phải chịu đựng sự bất công và mất đi phẩm giá nhiều hơn những người dưới chế độ nông nô phải chịu đựng. Nhưng chuyện trên chẳng thể nào giảm bớt nỗi bất công và cả hai nhóm người trên phải gánh chịu; nỗi đau của những người đàn ông, của những người phụ nữ, của những đứa trẻ sẽ chẳng thể nào vơi bớt bởi những nhận định của chúng tôi về việc hệ thống nào có cách cai trị và bóc lột tàn nhẫn hơn. Sự tàn bạo hiện diện trong mọi hệ thống lao động bóc lột, rất nhiều. Nông nô, nô lệ, nô lệ gán nợ, nô lệ hợp đồng – tất thảy đều là những tội ác chống lại phẩm giá của con người. Chúng đã và đang tiếp tục là những ngón tra tấn tàn bạo giáng lên nạn nhân của những kẻ có quyền, và chúng ta không thể nào biện minh cho chúng. Hiểu được chúng – nhưng không bao giờ được biện minh cho chúng (và tôi đã đưa ra góc nhìn của mình về lịch sử nô lệ và sự hung bạo tại đây (https://www.reddit.com/…/why_do_historians_reject_…/d62tbxz/).
Với tư cách một nhà nghiên cứu về chế độ nô lệ, niềm cảm hứng của chúng tôi dựa trên sự hiểu biết giữa những phương thức áp dụng này, và nhờ đấy mà chúng tôi có thể hiểu thêm về cách làm sao có thể loại bỏ chúng, cho những nỗi đau khổ con người từng phải chịu đựng vì chúng sẽ không rơi vào quên lãng.
Để suy nghĩ trên thành hiện thực, chúng ta cần phải đạt được những hiểu biết đúng đắn. Câu chuyện của những người sống đời nông nô, hay những kẻ chịu kiếp nô lệ ở Tân Thế Giới hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này, đều xứng đáng được lắng nghe. Chế tạo ra những tội ác mới, hay phóng đại quy mô của những hình thức lao động phi tự do khác để đẩy chúng “lên ngang tầm” chế độ nô lệ là một kế hoạch đáng khinh – nhất là khi những kẻ thực hiện chúng tuyên bố rằng nỗi khổ đau của những người đi trước vẫn còn “chẳng thấm chi”. Tôi thấy một hành động trên có hàm ý đặc biệt đáng sợ - đáng sợ ngang với việc xét lại và khiến chế độ nô lệ trông có vẻ như ”không tệ lắm”, và chúng ta có thể đánh đồng nó với chế độ nông nô hay là nô lệ gán nợ. Cả đôi bên đều đùng để phục vụ một chương trình nghị sự cụ thể ở thế kỷ 21. Cả đôi bên đều hạ thấp những ký ức của những con người bằng xương bằng thịt. Cả đôi bên đều chối bỏ những gì họ đã trải qua, và củng cố bộ máy áp bức mà họ vẫy vùng trong đó suốt cả phần đời của mình. Trong sử liệu, những câu chuyện của những con người này hiếm hoi ít ỏi, nhờ ơn vào cách chúng ta đối xử với họ. Thứ cuối cùng mà họ cần, đó là được nói chuyện cùng chúng tôi.
Và giờ thì sau khi nói tất cả mấy thứ trên, tôi muốn đề cập đến thêm một số suy nghĩ bên lề về những thứ mà có lẽ là động lực cho bài post này của bạn. Có vẻ như câu hỏi này bắt nguồn từ một bình luận mới đây của Jordan Peterson trên một chương trình phỏng vấn radio hay một postcast nào đó. Peterson đã khẳng định: “Mọi người đều từng là một nô lệ” ở thời điểm nào đó và dựa trên quan điểm rằng ở những giai đoạn khác nhau của lịch sử, đại đa số nhân loại đều là nạn nhân của lao động cưỡng bức, và ông đã dùng chế độ nông nô làm ví dụ.
Về cơ bản, có một điểm Peterson nói khá đúng: mối quan hệ lao động xuyên suốt chiều dài lịch sử hầu như đều tương đối bất lợi và bất công đối với hầu hết con người. Đúng, hầu như tất cả chúng ta, nếu không muốn nói là tất cả chúng ta, có thể nói rằng ở một giai đoạn nào đó trong cây phả hệ, tổ tiên của chúng ta phải chịu kiếp nô lệ - và đó là một yếu tố rất quan trọng trong lịch sử nhân loại, chí ít nó cũng giúp bác bỏ những ý tưởng vô nghĩa về chuyện vài người trong số chúng ta “sinh ra để làm thuê” và một số thì “sinh ra để đứng đầu”. Nhưng với từng câu chuyện cá nhân của chúng ta, nó lại không phải là một phần quan trọng. Nếu theo ý trên, thì chuyện một trong số chúng ta, ai rồi cũng từng trở lại La Mã cũng khả thi. Tôi là kẻ không được thành công lắm trong chuyện thuyết phục Nữ Hoàng rằng tôi được kế thừa một phần tài sản của bà ấy, nhưng mà biết đâu đó, có người lại làm được.
Lịch sử của chế độ nông nô đưa đến những giải pháp có ý nghĩa trong việc giải thích vì sao vài dòng họ ở khắp Châu Âu lại chịu vài điều bất lợi vào ngày nay. Nhưng không ai trong số chúng ta lại chịu bất công ở bất kỳ chốn nào ở Châu Âu chỉ vì có nguồn gốc nông nô; những bất lợi mà chúng ta có thể chịu đựng vào hiện tại không phải kiểu có ai sẽ nhìn xuống bạn một cách khinh khỉnh và nói: “Ờ nhà mày là nông nô vào năm 1775, cho nên bọn mày không được vào trường tốt hay cưới người mày muốn, ờ công việc tốt cũng không có phần cho tụi mày luôn”. Thành kiến kiểu đó vẫn tồn tại một khoảng thời gian sau khi chế độ nông nô bị lật đổ ở vài quốc gia, nhưng ngày nay nó không còn nữa. Một khoảng thời gian dài đã trôi qua, và xã hội cũng đã đổi thay quá nhiều. Thế hệ con cháu của những người nông nô đã hòa lẫn với thế giới từng bắt họ chịu cảnh lệ thuộc, và giờ cũng không còn cách nào để xác định chính xác một người có phải dòng dõi nông nô hay chăng.
Chế độ nô lệ xuyên qua Đại Tây Dương thì khác. Yếu tố biến bạn trở thành nô lệ không đơn giản là dòng họ hay nơi chốn bạn sinh ra. Màu da là một yếu tố sinh học tự nhiên – một số người sẽ có màu da tối hơn những người khác. Nhưng chủng tộc, yếu tố chúng ta gán lên màu da, lại là một cấu trúc xã hội. Bạn dễ dàng tách thế giới ra thành cách chủng tộc khác nhau dựa trên màu da hay màu mắt. Bạn có thể xây dựng nên các hệ thống chủng tộc khác, dù chúng ta không có những từ ngữ để mô tả chính xác, thì hệ thống đó vẫn phải dựa trên đặc điểm về da hay khuôn mặt dù không dùng đến tông màu của da. Khái niệm hiện đại của chúng ta về “đen” và “trắng” đơn giản là không tồn tại như cách mà chúng tôi trình bày về nó vào ngày nay. Chúng ta không thể nói về những hệ thống phân loại chủng tộc cho đến đầu thế kỷ 17, hay nói đúng hơn là vào thế kỷ 18 và 19. Con người luôn luôn có nhận thức về sự khác biệt giữa tông màu da của mình – người da tối đã xuất hiện ở Châu Âu trước những cuộc buôn bán nô lệ, nhưng những lần này mang một ý nghĩa khác với những lần trước đó.
Những sự kiến diễn ra dưới chế độ nô lệ đã hoàn toàn thay đổi mọi thứ. Gần như tất thảy những quan niệm hiện đại của chúng ta về chủng tộc đều bắt nguồn từ những cuộc thảo luận và tranh biện xung quanh vấn đề buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ xuyên Đại Tây Dương ở phương Tây. Những khái niệm hiện đại về chủng tộc xuất hiện dựa trên việc phản ứng lại cũng như biện minh cho việc nô lệ hóa những người dân gốc Châu Phi. Không một ai ở Châu Âu có thể khái niệm hóa danh tính của họ dưới cái tên: “người da trắng” trước thời kì diễn ra việc buôn bán nô lệ. Có lẽ họ mô tả mình có nước da sáng màu hơn, nhưng điều đó không phải là một khía cạnh để định danh chính bản thân họ. Hệ tư tưởng chủng tộc bạo lực đã biện minh cho chế độ nô lệ ở khắp vùng đấy phương Tây – hệ tư tưởng coi những người gốc Phi về cơ bản là thấp kém hơn những người gốc Châu Âu – và hệ tư tưởng ấy, không hề chết đi theo sự tan rã của chế độ nô lệ. Tư tưởng phân biệt chủng tộc ấy len lỏi sâu vào trong nền văn hóa của những xã hội nô lệ, và cả những vương quốc nô lệ. Nó nằm trong trái tim và khối óc của con người, giúp những kẻ đó biện minh cho tội ác mà họ đang góp phần vào. Người chủ nô không phải ngay lập tức thừa nhận những nô lệ đã được giải phóng đứng ngang hàng với mình, sau ngày chế độ nô lệ bị bãi bỏ. Gần như tức thì, họ đã tìm được những phương thức mới để hạn chế sự tự chủ của những người nô lệ cũ, và bẫy họ vào trong một guồng máy bóc lột mới.
Sự phân chia một cách hợp pháp ở Hoa Kỳ, mới chỉ kết thúc vào những năm 50- và những người ủng hộ và tin tưởng vào sự phân chia nọ không thể nào tự nhiên thay đổi quan điểm của họ, như những người chủ nô không thể thay đổi góc nhìn của mình ngay tức thì sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ. Nếu bạn khoảng hơn 24 tuổi, bạn có thể đã sinh ra trước cuộc bầu cử đa chủng tộc đầu tiên ở Nam Phi. Phân biệt chủng tộc không phải là một “quá khứ xa vời”, nó vẫn còn hiện hữu trong xã hội này. Bạn không thể vờ như mình không phải người da đen; bạn không thể che giấu màu da của mình để chối bỏ nguồn gốc của mình. Những tư tưởng còn sót lại của sự phân biệt chủng tộc vẫn ngoan cố bám trụ, và tồn tại khắp vùng đất phương Tây, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nơi đã phải có một cuộc nội chiến bạo lực máu lửa để có thể kết thúc chế độ nô lệ. Con cháu của những người nô lệ, hay của những người Châu Phi không phải là nô lệ, nhưng cũng bị đưa đến Mỹ một cách tự do hoặc bán tự do, không thể dễ dàng thoát khỏi những di chứng của tội ác nọ dễ dàng như những nạn nhân của các hình thức bóc lột khác. Đó là lí do vì sao việc hiểu về chế độ nô lệ, và nói về những gì nó để lại là rất quan trọng.
Bởi lẽ Peterson và những người giống ông ấy có vẻ như chỉ nghe lời từ những người mà họ thích, tôi muốn lách luật một chút và thêm vào vài chi tiết về cuộc đời của tôi – chỉ để minh họa cho một quan điểm, chứ không phải để chứng minh thêm điều gì mới. Tôi là một người Anh da trắng gốc Ý. Dòng tộc của tôi ở Ý tương đối sâu xa và chúng ta sẽ nói thêm nếu có dịp; là những người thợ thủ công khéo tay kiếm sống ở thành Roma. Và mọi chuyện đã đổi thay vào thế kỷ 19, họ đến Anh Quốc để bắt đầu một cuộc sống mới. Chào đón họ là sự nghèo đói, sự cô lập, bị gạt qua bên lề và tôn giáo bị đàn áp. Họ không nói được ngôn ngữ bản xứ, không thể tuân theo những tiêu chuẩn tôn giáo và văn hóa của những người bản xứ hay hồ nghi.
Phần 5 (phần cuối):
Nhưng rồi qua từng thế hệ, dòng tộc của bắt đầu kết hôn với người bản địa – thường xuyên đến một cộng đồng Công giáo Ailen, với những người mà họ tìm thấy điểm chung, và rồi dần dần, họ trở thành những người Anh ở phương. Họ học ngôn ngữ bản địa, và có thể di chuyển tự do, hình thành các cộng đồng nhỏ ở khắp nước Anh. Câu chuyện về gia tộc của tôi góp phần giải thích vì sao cha mẹ lại nuôi dạy tôi trong cảnh cảnh nghèo khổ - vì sao tôi bắt đầu đi làm thêm vào năm 14 tuổi, đến một ngôi trưởng tệ hại, và bằng lẽ nào đó tôi lại chống lại được cái truyền thống và trở thành người đầu tiên trong dòng tộc đến được đại học (nhưng tôi đã thất bại ở lần đầu cố gắng đầu tiên). Có vô số lí do khiến cuộc đời tôi trở nên không được thuận lợi và đơn giản cho lắm. Nhưng những rào cản lớn nhất mà tôi vấp phải đến từ tầng lớp xã hội của bản thân tôi, và chúng không bắt nguồn từ gốc Ý của tôi – mặc dù vẫn có những định kiến về những người miễn Nam Châu Âu. Không có một ai, hay một tổ chức nào tỏ vẻ khinh thị hay cản trở tôi chỉ vì gốc gác của tôi. Không ai nhìn chằm chằm vào tôi và nói: “Ờ, ừm anh ta chắc chắn không phải người Anh” , và không chỉ được xuất xứ hay quốc gia cụ thể. Và nếu tôi có con, mong là chúng sẽ không bao giờ phải biết đến những khó khăn và rào cản mà tôi đã từng phải đối diện. Những đứa con mà tôi sẽ có, sẽ không phải gặp cảnh lao đao vì tài chính như tương lai của tôi, và hi vọng rằng chúng sẽ không phải đi làm để trả tiền hóa đơn vào cái tuổi 14.
Nhưng những người có gốc gác Châu Phi, bất kể cha mẹ họ có thành công đến bậc nào, vẫn sẽ phải đối diện với sự phân biệt chủng tộc đến từ xã hội của chúng ta cho đến khi nào chúng ta có thể giải quyết được nó. Không có bất kỳ giải pháp nào khiến họ thoát khỏi tình trạng trên ngay cả khi trải nghiệm cá nhân của họ sẽ tương đối nhẹ nhàng so với vài người khác (và mặc dù có những cách để không còn là người da đen nữa, cơ mà mấy cách đó lại không thực cần thiết, và nên là không cần thiết). Phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại và lẩn khuất khắp trời Tây. Khi những người như Jodan Peterson thúc đẩy cái ý kiến rằng sự tức giận với những gì chế độ nô lệ này để lại, có phần dựa trên những hình ảnh tưởng tượng, họ sẽ - nhất là với trường hợp có học thức như Peterson – góp phần vào việc duy trì và cổ vũ sự phân biệt chủng tộc, sẽ tiếp tục làm tổn thương và đàn áp người da đen vào thời hiện tại. Dù một số vấn đề hiện thời của cộng đồng da đen có thể được giải thích bằng những yếu tố khác, thì chế độ nô lệ vẫn là nguyên nhân gốc rễ cho việc vì sao những người da đen lại phải chịu nhiều thiệt thòi hơn rất nhiều. Bằng việc phân tích và bàn luận về những di chứng để lại của chế độ nô lệ, và vẽ những thứ không chính xác về những gì mà ngày nay chúng ta gọi là: “tội lỗi trắng”, Peterson vừa khiến cho cơn tức giận và thù địch trong cộng đồng người da đen tăng cao, vừa khiến những cuộc đối thoại quan trọng mà chúng ta cần phải có về những gì còn sót lại của chế độ nô lệ vào ngày nay tắt ngấm.
Một người da trắng sống ở Hoa Kỳ vào ngày nay không phải chịu trách nhiệm cho chế độ nô lệ. Thật là thế, nếu ai thử cổ vũ quan điểm kiểu mọi người da trắng đều có tội sẽ khiến vấp phải sự tranh cãi– mọi tội lỗi của người da trắng đã làm là đưa địa vị của người da trắng vào vị trí trung tâm, và dập tắt tiếng nói của những người da đen ở trong sử liệu. Mượn lời của cuốn Book of Eziekiel, có thể nói rằng tội của cha sao có thể tính lên đầu con. Nhưng chúng ta, với tư cách là một tập thể, đều phải chịu trách nhiệm chung về mặt đạo đức với tình trạng của thế giới mà chúng ta đang sống bây giờ. Nếu Jordan Peterson thực sự là một “nhà trí thức cộng đồng” dũng cảm (bất kể điều đó có nghĩa là gì) như những gì người hâm mộ của anh nói, thì đáng anh ta phải dùng trí não để đối diện với những câu hỏi khó khăn, chứ không phải là bỏ chạy khỏi nó
Và giờ note dưới đây, là những tư liệu tham khảo
Không phải tất cả đều là nguồn tương ứng; một số trong đó là kiểu: “nó giúp mở rộng câu trà lời này hơn”, do tính chất của câu hỏi. Những tác phẩm dưới đây đã tương đối ổn, và tôi sẽ cố gắng bắt đầu với những tác phẩm tốt nhất.
• Peter Kolchin, Unfree Labour: American Slavery and Russian Serfdom (1987).
• David Moon, "Reassessing Russian Serfdom", European History Quarterly 26, no. 4 (1996): 483 - 526.
• David Moon, The Abolition of Serfdom in Russia, 1762 - 1907 (2001).
• Tracy Dennison, The Institutional Framework of Russian Serfdom (2011).
• M. L. Bush, Serfdom and Slavery: Studies in Legal Bondage (1996).
• Steven Hahn, The Political Worlds of Slavery and Freedom (2009).
• Richard Hellie, "Russian Slavery and Serfdom, 1450 - 1804" in The Cambridge World History of Slavery Volume 3: AD 1420 - AD 1804, ed. David Eltis and Stanley Engerman (2011; 275 - 296).
• Orlando Patterson, Slavery and Social Death: A Comparative Study (1982).
• Orlando Patterson, Freedom in the Making of Western Culture (1991).
• Bruce Dain, A Hideous Monster of the Mind: American Race Theory in the Early Republic (2002).
• Jean Allain, The Legal Understanding of Slavery: From the Historical to the Contemporary (2012).
• James Walvin, Questioning Slavery (1996).
• Winthrop Jordan, White Over Black: American Attitudes toward the Negro, 1550 - 1812 (1968) or the abridged version, The White Man's Burden: Historical Origins of Racism in the United States (1974).
• Christopher Tomlins, Freedom Bound: Law, Labor, and Civic Identity in Colonising English America, 1580 – 1865 (2010).
• Hilary Beckles, White Servitude and Black Slavery in Barbados 1627 - 1715 (1990).
• Alden Vaughan, "The Origins Debate: Slavery and Racism in Seventeenth-Century Virginia", The Virginia Magazine of History and Biography 97, no. 3 (1989): 311 - 354.
• Riva Berleant-Schiller, "Free Labor and the Economy in Seventeenth-Century Montserrat", The William and Mary Quarterly 46, no. 3 (1989): 539 - 564
• Hilary Beckles and Verene Shepherd, Caribbean Freedom: Economy and Society from Emancipation to the Present (1996).
• Gayatri Spivak. “In Response: Looking Back, Looking Forward”, in Can the Subaltern Speak?: Reflections on the History of an Idea, ed. Rosalind C. Morris, 227 – 236 (2010).
• Gayatri Spivak. “Can the Subaltern Speak?” revised edition, from the “History” chapter of Critique of Postcolonial Reason”, in Can the Subaltern Speak?: Reflections on the History of an Idea, ed. Rosalind C. Morris, 21 - 80 (2010).
• El Habib Louai, “Retracing the concept of the subaltern from Gramsci to Spivak: Historical developments and new applications” African Journal of History and Culture 4, no. 1 (2012): 4 – 8.
• Peter Ripley, Witness for Freedom: African American Voices on Race, Slavery and Emancipation (1993).
• David Moon, "Reassessing Russian Serfdom", European History Quarterly 26, no. 4 (1996): 483 - 526.
• David Moon, The Abolition of Serfdom in Russia, 1762 - 1907 (2001).
• Tracy Dennison, The Institutional Framework of Russian Serfdom (2011).
• M. L. Bush, Serfdom and Slavery: Studies in Legal Bondage (1996).
• Steven Hahn, The Political Worlds of Slavery and Freedom (2009).
• Richard Hellie, "Russian Slavery and Serfdom, 1450 - 1804" in The Cambridge World History of Slavery Volume 3: AD 1420 - AD 1804, ed. David Eltis and Stanley Engerman (2011; 275 - 296).
• Orlando Patterson, Slavery and Social Death: A Comparative Study (1982).
• Orlando Patterson, Freedom in the Making of Western Culture (1991).
• Bruce Dain, A Hideous Monster of the Mind: American Race Theory in the Early Republic (2002).
• Jean Allain, The Legal Understanding of Slavery: From the Historical to the Contemporary (2012).
• James Walvin, Questioning Slavery (1996).
• Winthrop Jordan, White Over Black: American Attitudes toward the Negro, 1550 - 1812 (1968) or the abridged version, The White Man's Burden: Historical Origins of Racism in the United States (1974).
• Christopher Tomlins, Freedom Bound: Law, Labor, and Civic Identity in Colonising English America, 1580 – 1865 (2010).
• Hilary Beckles, White Servitude and Black Slavery in Barbados 1627 - 1715 (1990).
• Alden Vaughan, "The Origins Debate: Slavery and Racism in Seventeenth-Century Virginia", The Virginia Magazine of History and Biography 97, no. 3 (1989): 311 - 354.
• Riva Berleant-Schiller, "Free Labor and the Economy in Seventeenth-Century Montserrat", The William and Mary Quarterly 46, no. 3 (1989): 539 - 564
• Hilary Beckles and Verene Shepherd, Caribbean Freedom: Economy and Society from Emancipation to the Present (1996).
• Gayatri Spivak. “In Response: Looking Back, Looking Forward”, in Can the Subaltern Speak?: Reflections on the History of an Idea, ed. Rosalind C. Morris, 227 – 236 (2010).
• Gayatri Spivak. “Can the Subaltern Speak?” revised edition, from the “History” chapter of Critique of Postcolonial Reason”, in Can the Subaltern Speak?: Reflections on the History of an Idea, ed. Rosalind C. Morris, 21 - 80 (2010).
• El Habib Louai, “Retracing the concept of the subaltern from Gramsci to Spivak: Historical developments and new applications” African Journal of History and Culture 4, no. 1 (2012): 4 – 8.
• Peter Ripley, Witness for Freedom: African American Voices on Race, Slavery and Emancipation (1993).
EDIT: Giờ ở Anh cũng tương đối muộn rồi, và tôi có cái hẹn thường lệ với bệnh viện vào ngày mai, nên việc trả lời với tin nhắn và bình luận của mọi người sẽ chậm trễ một chút – nhưng tôi hứa là sẽ trả lời những câu hỏi thêm ở dưới.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét