Người đọc sách thôi đừng hợm hĩnh


1.
Cách đây một năm, trước lúc nghỉ làm, mình điên cuồng mua sách. Trong đó phải đến gần 20 quyển là những cuốn self-help, thể loại mà trước đó mình không bao giờ mua. Rốt cuộc mình cũng chỉ đọc đôi ba quyển và viết một bài review về chúng (cũng được hưởng ứng khá nhiệt tình). Đó là thời điểm mình khủng hoảng trước khi đưa ra quyết định quan trọng ảnh hưởng tới toàn bộ tương lai sau này, và mình thực sự cần một cái gì đó để bấu víu. Thoạt tiên, mình đọc những cuốn về sắp xếp thời gian để điều chỉnh công việc. Mình làm theo, khá hiệu quả. Nhưng mình vẫn lún sâu vào khủng hoảng. Mình lại đọc một cuốn về tâm lý đối diện với việc bỏ làm hay không. Cân bằng được một tháng, cuối cùng mình vẫn bỏ. (Chuyện nên bỏ làm hay không, mình sẽ nói (lại) vào một dịp khác). Ở đây, mình chỉ nói về tâm lý của những bạn tìm đến self-help để đọc. Bất luận nhiều người chỉ trích những cuốn thuộc thể loại này, mình trước tiên nghĩ, người tìm tới self-help thực sự muốn làm những điều tốt đẹp hơn cho chính mình nên bản thân họ không sai. Self-help lại có hai kiểu, một là sách kỹ năng, hai là sách dạy làm giàu. Sách dạy làm giàu thì mình chưa đọc, vì mình không đặt chuyện tiền bạc làm ưu tiên số một của đời mình. Nhưng bạn nào đọc mình nghĩ cũng chẳng sao. Nếu sai lầm, bạn sẽ tự rút ra bài học.
Trong cơn khủng hoảng, anh mình từng đọc hết 100 cuốn sách trong 3 tháng. Chúng gồm cả sách kỹ năng, sách dạy làm giàu, hồi ký của người thành công và anh nói không với tiểu thuyết. Đến giờ anh cũng không đọc tiểu thuyết vì nghĩ nó vô ích. Nhưng anh đọc nhiều sách về sức khỏe, về thiền và Phật giáo. Giờ anh không còn bị cuốn theo cuộc đua xem ai kiếm tiền giỏi hơn nữa. (Xin nói rõ, anh mình từng kiếm tiền rất giỏi trước đợt khủng hoảng kinh tế. Mua sắm không phải nhìn giá cả, nhà và xe đều mua mà không phải nghĩ).
2.
Những người đọc nhiều sách về self-help, về kinh tế.. lại thường bĩu môi chê những người đọc sách văn học. Họ cho rằng đọc văn học là mất thời gian vô ích. Giờ bảo đọc văn học có lợi gì thì mình cũng chịu không trả lời được. Chỉ biết, với cá nhân mình, thì phần tử tế và tốt đẹp nhất, hay ho nhất mà người khác có thể nhìn thấy ở mình, chính là nhờ sự dạy dỗ của bố mẹ và những cuốn sách văn học.
Người Nhật có một khái niệm đối với chuyện đọc, ấy là 行間を読む (Gyokan wo yomu). Cách dùng từ này rất hay, Gyokan nghĩa đen là khoảng cách những dòng viết. Ý cụm từ này nói về việc hiểu và cảm nhận điều tác giả thực sự muốn nói ẩn sau câu chữ. Thế nên, đọc văn học, ta hiểu GYOKAN CỦA CON NGƯỜI, hiểu tâm lý và động cơ ẩn sau mỗi hành vi của họ. Từ đó mà ta có được sự thông cảm với người khác cũng như biết cách để sống nhân văn và tốt đẹp với nhau. Với mình thì chẳng có gì tốt đẹp hơn sự tử tế cả, đọc gì thì đọc mình cũng quay lại với văn học để tìm sự nương tựa cho tâm hồn.
3.
Rất nhiều người đọc về hai thể loại trên tiếp tục chê ngôn tình. Mình không hiểu sao cái từ “ngôn tình” lại được đẻ ra để bài xích một dòng văn học của riêng Trung Quốc. Nói thật, nếu thay tên đổi họ vô số tác phẩm của phương Tây, bạn sẽ chẳng phân biệt được đâu là ngôn tình của Tàu và ngôn tình của Mỹ nữa. Có thể nói đây là những cuốn viết về tình yêu và hơi thiếu chiều sâu, nhưng cũng chẳng sao cả nếu bạn đọc nó. Sách vở là thứ phản ánh rõ nhất về xã hội. Ngôn tình chỉ thể hiện là có một bộ phận tác giả và độc giả có cuộc sống khá hạnh phúc và thoải mái mơ mộng. Thế cũng tốt mà, kệ họ đi.
4.
Những người đọc rộng hơn, đọc tới những cuốn được coi là “khó đọc” về lịch sử, văn hóa, triết học, tôn giáo mà mình biết, thường họ rất kiệm lời. Họ không dành thời gian để phê phán chê bôi một thể loại nào đó. Họ đã có sự chọn lọc riêng về sách, có gu đọc nhất định, và có sự ổn định tương đối về việc định vị họ ở đâu trong đời. Họ trao đổi những điều đó ở chốn không ồn ào, ít thị phi. Họ nói điều cần nói, với ai muốn nghe hoặc với người mà họ quan tâm. Họ tranh luận văn minh ở nơi họ thấy cần phải lên tiếng.
5.
Có những người chẳng đọc gì cả. Nhưng họ có tinh thần cầu thị và chịu khó học hỏi từ tất cả những người quanh mình. Họ không đọc sách, có thể vì quá bận rộn hoặc vì không có điều kiện. Nhưng sự học hỏi ấy mang lại cho họ nhiều hơn cả việc đọc sách. Mình quen nhiều bạn, có những người chẳng đọc sách mấy nhưng họ cực kỳ hiểu biết trong lĩnh vực mà họ đam mê: có người rành về âm nhạc, người lại rành về mỹ phẩm, thời trang… và sự hiểu biết ấy nuôi sống họ. Mình luôn nghĩ việc trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó là điều rất tuyệt.
6.
George R.R.Martin nói một câu rất nối tiếng và được nhiều người yêu thích: “Một người hay đọc sách sống hàng ngàn cuộc đời khác nhau trước khi anh ta chết. Một người không bao giờ đọc sách chỉ sống một cuộc đời”.
Nhiều câu nói của người nổi tiếng hay được mặc định là đúng, nhưng với mình thì tư tưởng này sai. Nó chỉ có ích cho việc khuyến khích người ta đọc sách, còn ta chỉ sống một cuộc đời của mình thôi. Ta chẳng bao giờ hiểu được cuộc đời của người khác chỉ bằng việc đọc sách (nhưng có thể học hỏi từ họ). Về cơ bản, mình không thích cách nó phân biệt người có đọc sách và người không đọc.
KẾT
Bạn thích đọc sách gì thì cứ đọc tiếp, rồi các cuốn sách sẽ dẫn lối cho bạn. Một cuốn ngôn tình từng là bạn đồng hành của mình trên mọi chặng đường trong suốt hai năm ở xứ người. Nhưng chẳng có chất độc nào tiết ra từ nó cả.
Người Nhật đọc sách rất nhiều. Nhưng chẳng ai khoe khoang về việc đọc sách. Chẳng ai chụp ảnh để khoe sách đã mua rồi vứt xó. Và nếu bạn có dịp tiếp xúc và nghe những người bạn nước ngoài cùng trang lứa trò truyện, có dịp đọc những cuốn nhắc tới nhiều tri thức mà bạn không biết nhưng lại không kèm theo chú giải, bạn sẽ nhận ra mình nông cạn và hời hợt thế nào, nhận ra nhiều thứ ta không biết nhưng lại được coi là thường thức ra sao. Bởi vậy, trước khi nói những lời to tát về chuyện đọc sách, hãy làm sao để chính mình thấy việc đọc sách là một điều bình thường, cao hơn, là một niềm vui trong cuộc sống đã.
Riêng mình, nếu được khuyên ai đó xem một thứ gì, thì đó lại không phải là một cuốn sách, mà là 45 phút cuốn phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Đó là tác phẩm mà mình luôn ao ước mỗi người Việt Nam chịu xem nó ít nhất một lần trong đời, một tác phẩm đã từng có thể coi là niềm tự hào của người Việt!

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét