Một số bạn có gởi email về cho Bánh bèo chia sẻ tâm sự về công việc, đại ý nói rằng công việc không như ý muốn. Trong đó có bạn hoang mang không biết làm marketing như vậy có là đúng marketing hay không, khi mà trên trời dưới bể việc gì cũng phải nhận, không như học trong sách vở marketing là xây dựng thương hiệu, PR, quảng cáo, tổ chức sự kiện, làm social media này kia.
Ví dụ đây là một đoạn tâm sự:”Em có một chút tài lẻ về thiết kế, cộng với gu thẩm mỹ tương đối khá, em không thể chấp nhận những cái gì thô thiển xấu xí. Khi vào công ty này, thấy mọi thứ còn khá sơ khai, em mày mò thay đổi một vài thứ như profile giới thiệu công ty, namecard… để nhìn cho chuyên nghiệp hơn. Sếp mừng như bắt được vàng khi những gì em làm rất hợp gu sếp, không như công ty thiết kế (kiêm in ấn) hồi giờ hay làm cho công ty làm hoài mà vẫn chưa trúng ý sếp. Vậy là từ đó tất cả những vật phẩm quảng cáo trong công ty một mình em ngồi thiết kế, ngay cả catalog sản phẩm có khi mất hơn 2 tháng để hoàn thành. Sau một năm trời nhìn lại, thấy bộ nhận diện thương hiệu của công ty thật lung linh, nhưng ngoài nó ra em chẳng làm được gì vì thời gian làm việc đã dành cho thiết kế là chủ yếu. Em xin sếp xem lại công việc cho mình, sếp trả lời rằng anh ấy vẫn rất hài lòng với công việc của em, công ty không mong muốn gì hơn và khuyến khích em cứ tiếp tục như vậy. Em lúng túng tự hỏi mình đang là designer hay marketer”.
Xin thưa là vấn đề bạn gặp phải chắc chắn không phải của riêng bạn, mà là của rất nhiều người, không chỉ của các bạn trẻ mới chân ướt chân ráo vào nghề, mà ngay cả của trưởng phòng marketing kỳ cựu cũng có thể phải đối mặt. Làm sao để chấm dứt tình trạng không mong muốn này?
Việc linh tinh không chừa một ai
Có một cái khổ của những bạn làm marketing thường là đa tài và tháo vát vì họ thường ứng dụng nhiều kỹ năng đa dạng cho việc làm marketing, họ lại thường có ngoại hình coi được hoặc ít nhất là nhanh nhẹn, có khả năng ăn nói. Cho nên việc nào ”cũng có vẻ” phù hợp với họ.
Mới vào nghề ư? Thôi thì chỉnh sửa bài trình bày của sếp, viết biên bản cho buổi họp công ty, may đồng phục cho nhân viên, ai đó yêu cầu đến là phải cung cấp ngay logo công ty (mặc dù đã copy chần dần lên ổ đĩa share), trang trí công ty nhân dịp Tết, làm MC cho tiệc cuối năm, cùng sếp đi tiếp khách quý… Nói chung dường như những công việc không biết giao cho phòng ban nào phù hợp thì được giao cho marketing, cả ở công ty gia đình Việt Nam cho đến công ty nước ngoài chuyên nghiệp, đôi khi họ cảm thấy mình như thư ký của sếp kiêm admin kiêm phòng mua hàng vậy.
Mà đôi khi còn kiêm IT hỗ trợ đồng nghiệp nữa, ngồi ở trong Nam mà đồng nghiệp tận ngoài Bắc gọi điện thoại vào hỏi “Em ơi cái file powerpoint giờ chị muốn làm như thế này thì phải làm sao?”. Hỏi coi như vậy có đủ khổ không?
Đã lên một vị trí cấp cao hơn, trưởng phòng quản lý nhiều nhân viên cấp dưới? Chắc chắn bạn sẽ thoát khỏi chân sai vặt viên khi mà đã có một dàn đệ tử hùng hậu bên dưới hỗ trợ bạn. Tuy nhiên vẫn có nhiều công việc có-chút-ít liên-quan cho đến không-hề-liên-quan đến mức khó tưởng tượng mà họ mặc định phòng marketing phải làm. Ví dụ hỗ trợ phòng kinh doanh sắp xếp lịch hẹn cho chuyên gia nước ngoài, tổ chức tiệc sinh nhật cho các thành viên công ty vào mỗi tháng, lo quà tặng thiệp chúc mừng, lịch Tết các kiểu cho nhân viên, trực hotline tiếp nhận đăng ký tham dự hội thảo, làm bản tin báo cáo nội bộ cho khối kinh doanh, tổ chức họp cho lực lượng bán hàng…, phòng marketing luôn là ưu tiên hàng đầu mà mọi người nghĩ đến để cắt cử cho các trọng trách này.
Đó là thực tế BB cũng phải trải qua khi nắm giữ nhiều vị trí trong nhiều công ty đa dạng về quy mô, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước khác, cứ như là những việc không tên, không liên quan là thứ không thể thoát được vậy.
Viễn cảnh không xán lạn
Dành quá nhiều thời gian cho những việc không trọng tâm, chúng ta mất dần thời gian cho những công việc chính. Trong khi hiệu quả làm việc và năng lực được đánh giá trên những tiêu chí chính không đạt được, thì những việc linh tinh không được ghi nhận nhiều, cũng không phải là cái cớ tốt để chúng ta giải thích cho sự chậm trễ hay kém hiệu quả của hoạt động marketing mà chúng ta tiến hành.
Hơn nữa, không được tập trung vào chuyên môn dễ khiến người làm marketing chán nản, nhất là ở những vị trí thấp, khi không thấy được vai trò và dấu ấn của mình trong thành công chung của công ty (về phương diện marketing và bán hàng).
Một ngày nọ, bạn – sai vặt viên tự phong – nếu trước đó không bị cho thôi việc vì “không làm nên tích sự gì đáng kể”, quyết định đối mặt với cấp trên trong một cuộc họp nhỏ, trình bày rằng đã chán những công việc như vậy, muốn tập trung vào chuyên môn nhiều hơn. Sếp của bạn chăm chú lắng nghe, sau đó có thể đưa ra một trong các ý sau để thuyết phục bạn tiếp tục với công việc cũ:
- Người marketing tiền nhiệm cũng từng làm như vậy, giờ họ cũng khó thay đổi khi mà mọi thứ đã có tiền lệ hoặc Chi nhánh công ty các nước trong khu vực cũng làm như vậy, không có lý do nào nước ta không theo vậy
- Việc ấy cũng ít nhiều liên quan đến marketing đó chứ, và cũng theo sở trường của em (đưa ra một số dẫn chứng)
- Công ty mình đang thiếu người hoặc Nếu việc này không giao cho phòng marketing làm, thì theo em nên giao cho phòng ban nào hợp lý hơn?
- Em vẫn đang làm rất tốt mà, khả năng của em thể hiện qua từng công việc nhỏ rất OK, làm marketing thành công phải bắt đầu từ chuyện nhỏ
Bạn đem Job Description ra nói chuyện với sếp, nhưng ngặt nỗi cuối Bản JD này thường thòng thêm một câu “Và các công việc khác theo yêu cầu và phân công của công ty”. Sau một hồi tranh đấu, bạn đành quay trở về với công việc như cũ hoặc có được đôi chút nhượng bộ từ sếp, tiếp tục những chuỗi ngày làm việc trong mệt mỏi, chán nản. Sau đó bạn quyết định rời khỏi công ty để tìm kiếm một công việc thú vị hơn.
Nhưng thật trớ trêu, qua công ty mới lớn hơn, chuyên nghiệp hơn nhưng mọi thứ cũng vẫn không khác nhiều. Thế là bạn lại long đong trên đường tìm cho mình lời giải cho câu hỏi “Đâu là công việc marketing chính hiệu?”. Bạn tự hỏi tại sao họ thuê một người làm marketing vào rồi cho làm công việc không khác gì một thực tập viên hay trợ lý.
Mạnh dạn viết lại job description cho bản thân
Trong trường hợp bạn không hài lòng với công việc hiện tại, một cuộc đối thoại với cấp trên hay phòng nhân sự là cần thiết tuy nhiên nó cần được chuẩn bị kỹ. Bạn hãy có một niềm tin rằng, bạn là người hiểu hơn ai hết những mục tiêu công việc và tình trạng hiện tại, và bạn biết những gì đúng đắn nên làm. Bạn chứ không phải ai khác phải tự định ra cho mình một Job description phù hợp với mình nhất, học cách từ chối những gì cảm thấy không phù hợp.
Tôi khuyên các bạn hãy dành thời gian nhìn nhận lại bản thân mình và chuẩn bị : khả năng, sở trường và những gì đã đóng góp cho công ty. Tiếp đến bạn cần vạch ra những gì mình có thể làm cũng như kế hoạch làm việc cụ thể cho thời gian tới.
Trong cuộc gặp, đầu tiên bạn hãy trình bày những khó khăn gặp phải trong công việc và bày tỏ nguyện vọng muốn cống hiến nhiều hơn cho công ty đúng với chuyên môn, sở trường của mình. Tất nhiên kèm những gạch đầu dòng về kế hoạch cụ thể để dễ thuyết phục. Bạn cần chứng minh cho sếp thấy rằng không phải bạn ngại việc nhỏ, mà thực sự bạn muốn tập trung hơn cho hiệu quả cốt lõi của công việc. Nếu sếp nói rằng việc này trước giờ đã như vậy khó thay đổi được tiền lệ hay nước khác cũng làm như thế không có lý gì nước ta phải khác đi, thì tôi cho rằng đó chỉ là lý lẽ của một vị sếp yếu đuối. Một người sếp đủ mạnh mẽ và trọng hiệu quả sẽ biết nên làm gì đúng chứ không phải làm theo những gì là khuôn mẫu hồi giờ mà không dám thay đổi (tiếng Anh có câu là Do the right things is better than do things right). Bạn cần chỉ cho sếp thấy rằng không có gì là không thể, không có tiền lệ nào là không thể phá vỡ nếu việc đó thực sự đem lại hiệu quả công việc tốt hơn.
Bạn hãy cho sếp thấy rằng, việc trả lương cho một người làm marketing để cuối cùng không đạt được mục tiêu về marketing là một sự lãng phí nguồn lực đáng kể. Bạn cũng nên vẽ ra một viễn cảnh của người làm marketing quá sa đà vào việc ngoài chuyên môn, thì kết quả marketing của công ty sẽ đi về đâu, tác động của nó như thế nào, và cũng khéo léo ngầm thông báo là bạn sẽ chán chường như thế nào nếu mãi chẳng có gì cải thiện (ví dụ Em sẽ rất thất vọng và cân nhắc đi tiếp khi mà thời gian và nỗ lực tâm huyết mình dành ra lại không phục vụ được cho mục tiêu chung của công ty).
Bạn cũng cần chuẩn bị một Job Description mà bạn cho là phù hợp để đề xuất với sếp khi sếp hỏi đến hướng giải quyết của bạn. Bạn cũng nên có một vài phương án ví dụ tuyển thêm thực tập viên, chia sẻ công việc với các phòng ban khác, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên các công việc… Nói chung bạn và sếp cần ngồi lại nghiên cứu sửa đổi job description cho phù hợp nguyện vọng cả hai bên.
Trong cuộc gặp, điều cốt lõi là bạn cần bày tỏ chính kiến và sự quyết đoán của mình, chỉ thực hiện một số sự nhượng bộ cần thiết nếu bạn cảm thấy nó không ảnh hưởng lắm đến động lực và mục tiêu công việc của bạn. Cuộc đối mặt này có nhiều thử thách nhưng nếu vượt qua được nghĩa là bạn đã nắm được cơ hội cải thiện công việc của mình.
Kết quả tệ nhất là sau cuộc gặp bạn phải nhượng bộ hoàn toàn sếp và không có gì thay đổi cả. Đó là cái kết do bạn lựa chọn vì đã không chuẩn bị tốt và không đủ mạnh mẽ và lý lẽ để đàm phán thắng lợi. Lúc này tiếp tục công việc như thường ngày hay chuyển qua một chỗ làm khác là quyết định của bạn. Chuyển đổi công việc không phải là quyết định tồi vì bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn cho mình một công việc phù hợp hơn. Tuy nhiên cần phải ghi nhớ là trình bày thẳng thắn những khó khăn trong công việc ở công ty cũ ở cuộc gặp lần đầu với nhà tuyển dụng và nghiên cứu kỹ job description ở ngày đầu nhận công việc mới để không lặp lại vòng lẩn quẩn.
Chúc bạn thành công!
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét