Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?




Hồ sơ xin việc – tưởng dễ mà không dễ :

Ngày nay việc ứng tuyển công việc thật dễ dàng. 
Lên mạng tham khảo cả đống hồ sơ, rồi làm cho mình 1 cái CV thật pro.
Tham khảo các tình huống trong phỏng vấn, và chuẩn bị cho mình một phong thái tự tin khi tiếp cận nhà tuyển dụng.
Lên mạng tìm kiếm tin tuyển dụng, và apply ngay email ứng tuyển, chẳng cần hồ sơ, công chứng… rầy rà.
Ấy vậy mà hình như còn rất rất nhiều ứng viên chưa chú trọng đúng mức việc tham khảo các lời khuyên trong các bài viết về kỹ năng xin việc nên ngay từ đầu không gây được ấn tượng cho nhà tuyển dụng.
Mình không phải HR manager, nhưng với vai trò marketing leader ở nhiều cty, cũng có khá nhiều kinh nghiệm về tuyển dụng cho team marketing của mình. Mình xin chia sẻ 1 số sơ suất thường gặp ở ứng viên. Mong các bạn sinh viên mới ra trường lưu ý, để có thể lấy điểm nhà tuyển dụng ngay từ vòng nộp hồ sơ. Những kinh nghiệm này thiên về các công việc liên quan đến marketing, các công việc về tài chính, kỹ thuật… lại có những tiêu chí đánh giá khác, mình không đề cập ở đây.
Những chia sẻ này bạn có thể tìm thấy trong rất nhiều bài báo ở mục Việc làm hay trên các trang web về Việc làm, nhưng tiếc thay hình như các bạn vẫn chưa chú ý nên vẫn thường hay mắc những sai lầm làm cho người ta đánh giá bạn là chưa “pro”.
– Hãy chú trọng đúng mức vào các điểm nổi bật thể hiện trên CV, nếu công ty có sẵn mẫu CV thì bạn cũng cố gắng tìm chỗ chèn các điểm đáng chú ý của mình vào sao cho nhà tuyển dụng không dễ dàng quên lãng bạn giữa núi CV mà họ nhận được. Hãy tưởng tượng, 1 ngày nhận được ít nhất vài chục cái CV, nếu cái nào cũng chỉ có: học ở trường A, làm việc này kia ở cty B, cha mẹ thế này, nhà cửa thế kia… chẳng có gì đáng lưu ý thì chẳng có lý do gì để họ sắp xếp cho bạn 1 cuộc phỏng vấn. Hãy mô tả vài nét về công việc mình đã làm, những gì bạn học hỏi được, hay ít nhất thì lý do vì sao bạn nghĩ mình có thể làm tốt công việc này. Hãy đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng và tự hỏi:”ứng viên này có điểm nào đáng lưu ý để mình gọi phỏng vấn đây?”
– Đừng bao giờ gửi 1 cái mail chỉ attach độc nhất cái CV mà không nói thêm 1 lời nào trong mail, thậm chí không buồn gõ cái topic cho mail. Điều này không gây ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng đâu, thực tế mình gặp rất rất nhiều email dạng này thường thì mình cho out ngay những ứng viên gửi email kiểu này, vì mình không tin tưởng vào tính chuyên nghiệp của ứng viên đó nếu mình nhận vào và giao cho họ công việc liên quan đến giao dịch với đối tác.
– Chú ý địa chỉ mail bạn sử dụng, nên tạo 1 hòm mail có tính nghiêm túc, một hòm mail kiểu như cobehandoi@yahoo, boynhangheo@yahoo chỉ phù hợp để gửi cho bạn bè.
– Nếu công ty không yêu cầu, không cần gửi đầy đủ giấy tờ, từ giấy khai sinh đến giấy khám sức khoẻ có đóng dấu và công chứng, điều này làm bạn mất công (vì phải photo, chứng giấy tờ) mà nhà tuyển dụng cũng không cần mấy. Apply qua email, chỉ cần 1 đơn ứng tuyển (cover letter), 1 SYLL (CV) có ảnh, nếu tốt hơn thì có bản tóm tắt quá trình làm việc, thư giới thiệu là đủ. Các giấy tờ mang tính hành chính sẽ bổ túc sau, lúc bạn đã được nhận vào công ty.
– Hãy gửi CV qua mail hoặc gửi đến công ty, chờ đợi nhà tuyển dụng sắp xếp cho mình 1 cuộc phỏng vấn. Đừng đường đột cầm hồ sơ đến gặp trực tiếp họ, hoặc muốn họ phỏng vấn bạn ngay tại lúc cầm hồ sơ đến. Điều này không gây được ấn tượng tốt cho họ.
– Nhận được email hẹn phỏng vấn của nhà tuyển dụng, bạn hãy reply ngay lại để họ biết là bạn nhận được rồi (nhiều nhà tuyển dụng không gọi điện thoại mà gửi mail để hẹn gặp ứng viên). Hoặc trước khi đi bạn gọi lại để confirm với họ, tránh việc họ nghĩ rằng bạn chưa nhận được mail nên lại không sắp xếp thời gian đón tiếp bạn.
– Hãy tham khảo càng nhiều thông tin về cty bạn ứng tuyển càng tốt. Công ty nhỏ, ít thông tin thì không nói làm gì, nhưng nếu công ty có website và nhiều thông tin trên mạng mà bạn lại chẳng biết gì mấy về nó thì nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi về tính chuyên nghiệp trong công việc của bạn đó.
– Đừng dẫn theo bạn bè khi đi phỏng vấn, đi phỏng vấn chứ không phải đi chơi cho nên nếu có người đi cùng hãy bảo họ đợi ở nơi khác, đừng để nhà tuyển dụng thấy có người đang ngồi đợi bạn phỏng vấn. Nhìn không chuyên nghiệp cho lắm.
– Đừng tin tưởng hoàn toàn vào các cuốn sách dạy trả lời phỏng vấn. Thực tế nó sẽ không như những gì họ mô tả. Hãy tin tưởng vào những điểm mạnh, và kinh nghiệm thực tế của mình, học cách diễn đạt nó thật tốt để lấy điểm trước nhà tuyển dụng.
– Có một thực tế là không phải nhà tuyển dụng nào cũng có con mắt và kỹ năng đánh giá ứng viên tốt, họ sẽ rất phân vân trước nhiều ứng viên khác nhau. Cho nên đừng đợi họ hỏi gì thì bạn trả lời nấy, nếu bạn cảm thấy những gì họ hỏi chưa đủ để bạn thể hiện hết bản thân mình, hãy đề nghị họ cho bạn thêm cơ hội nói về bản thân, và hãy nói điều gì mà bạn cho là họ cần biết để lựa chọn bạn chứ không phải ai khác.
Còn nhiều lắm nhưng do thời gian có hạn, mình chỉ kể ra 1 vài vấn đề mà mình gặp nhiều trên thực tế thôi. Chúc các bạn có được 1 công việc như ý.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Để có một cuộc phỏng vấn thắng lợi :




Ở bài viết này, BB sẽ lưu ý thêm 1 số điểm để chuẩn bị cho 1 buổi phỏng vấn thành công:
  1. Những gì cần đem theo
  • Profile hay CV: Có thể nhà tuyển dụng đã in sẵn profile của ứng viên và cầm trên tay trước khi gặp bạn. Nhưng bạn cũng nên in một bản của riêng mình, họ sẽ đánh giá cao sự chu đáo của bạn. Hay trong những trường hợp đột xuất, mà việc này thực tế không thiếu, như ông giám đốc chuẩn bị lên máy bay, bà trưởng phòng người nước ngoài phải hẹn bạn ở một bữa ăn trưa nào đó cho tiện lịch công tác dày đặc của họ… thì bạn có thể cung cấp ngay CV của bạn cho họ. Lưu ý là CV bạn nên modify một chút cho phù hợp mỗi công ty, ví dụ công ty đang có nhu cầu tuyển một nhân viên PR mà CV của bạn đề cập quá nhiều đến những kinh nghiệm về sales thì cũng không hợp lý, nên tập trung vào những dữ liệu phù hợp hơn ví dụ bạn đã từng là cộng tác viên của báo nào đó, bạn đã từng quản lý website/fan page cho công ty cũ.
  • Hình ảnh, thông tin về những gì bạn đã làm: Bạn đã từng tổ chức sự kiện? Hãy chuẩn bị những hình ảnh, tài liệu về sự kiện bạn đã làm như thiệp mời, checklist công việc, hình sự kiện… Bạn đã từng chuẩn bị brochure cho công ty? Hãy mang những brochure đó đến chỗ phỏng vấn. Bạn được sếp/khách hàng khen? Hãy in email đó ra. Năm rồi bạn được thưởng? Hãy in quyết định thưởng ra. Bạn vừa mới được tăng lương/tăng chức? Hãy đem theo Offer letter về việc đó. Bạn chưa có kinh nghiệm gì cả? Không sao, bảng điểm (nếu không quá tệ), phiếu học bổng, huy chương vàng chạy điền kinh cấp quận, hình ảnh làm PG cho một chương trình chạy xe đạp roadshow hay kế hoạch tổ chức hội thảo cho CLB cấp trường cũng chứng tỏ được điểm ấn tượng của bạn.  Quan điểm của BB là cái gì cũng cần rõ ràng, thực tế, sinh động, nếu bạn vẫn thắc mắc về cách bạn trình bày chúng thì hãy đón xem sau 1 vài phút nữa ở ngay bên dưới. Tất cả bạn sắp xếp gọn gàng, dễ tìm kiếm trong 1 folder, tốt nhất là nên có phân trang, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao cách bạn sắp xếp công việc qua những việc nhỏ như vậy.
2. Nội dung phỏng vấn
  • Bạn nên viết ra giấy bố cục “câu chuyện” của mình: Từng làm ở công ty nào, làm những gì ở đó, đạt được thành quả gì đáng kể, vì sao lại nghỉ công ty đó. Nếu bạn phỏng vấn bằng tiếng nước ngoài thì lại càng nên viết, vì không chắc là lúc phỏng vấn bạn không có đôi chút hồi hộp mà quên béng một số từ bình thường khá là quen thuộc. Bạn nên đọc lại phần viết của mình 3, 4 lần để đảm bảo bạn nắm được ý chính nhưng tránh sa đà vào học thuộc vì lúc nói trông bạn sẽ mất tự nhiên và dễ bị bối rối nếu quên mất  “bài”.
  • Luyện tập cho mình một phong thái tự tin: Tưởng tượng mình đang đi vào phòng gặp nhà tuyển dụng, mỉm cười vừa đủ và cất giọng chào có năng lượng, bắt tay vừa đủ chặt và nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng, môi vẫn giữ nụ cười. Bạn nên luyện tập trước gương, nhất là lần đầu đi phỏng vấn vì BB thấy một số bạn sự hồi hộp, rụt rè thể hiện ngay từ lúc đầu và chỉ cần vài giây ban đầu đó cũng đủ để lưu “ấn tượng” với người phỏng vấn và nó sẽ quyết định thành công sau này của cuộc phỏng vấn.
3. Trong cuộc phỏng vấn
  • Làm tan băng: Thông thường nhà tuyển dụng sẽ có 1 vài câu hỏi thăm xã giao nhằm “làm tan băng”, tạo không khí thoải mái, dễ chịu, ví dụ: Nhà em xa đây không, em đi lên đây bằng gì… Có sao bạn cứ trả lời vậy, và nếu có thể, nên chủ động hỏi lại họ một vài câu ví dụ anh chị trước học ở trường gì, sẽ là đề tài để phát triển thêm câu chuyện, nếu họ học cùng trường của bạn thì hên quá ít ra hai người có một điểm chung để thấy cởi mở hơn còn nếu không cũng không sao, bạn vẫn có thể phát triển thêm vấn đề “À, trường A thì nổi tiếng về phong trào văn nghệ rồi, chẳng hạn như vậy.
  • Tự giới thiệu: Sau khi tạo được bầu không khí gần gũi cởi mở hơn, nhà tuyển dụng thường đề nghị ứng viên tự giới thiệu về bản thân. Đây là cơ hội để bạn nói những gì cần nói về mình. Hãy nói một cách ngắn gọn về bản thân: Tốt nghiệp trường nào, đi làm ở đâu, công việc gồm những gì, có điểm gì đáng lưu ý trong quá trình làm… Tất cả theo hướng cho nhà tuyển dụng thấy được những ưu điểm của mình và thấy mình hoàn toàn phù hợp với vị trí công việc họ đang cần.
  • Để bổ trợ cho phần nói của mình thêm sinh động và thêm thuyết phục, BB khuyên các bạn nên trình bày những “bằng chứng” mình đã chuẩn bị ở trên, nói đến đâu chỉ cho nhà tuyển dụng xem đến đó. Trừ khi bạn có khả năng nói và thuyết phục rất xuất sắc, không gì chắc chắn làm cho nhà tuyển dụng bị thuyết phục trừ khi bạn đưa ra những bằng chứng mắt thấy, tai nghe, tay sờ. Đây là cách BB đã từng sử dụng để vào được những công ty như mong muốn, được người phỏng vấn cảm thấy thuyết phục, và họ cũng có lời khen ngợi “You are indeed a marketing professional, I am impressed with your presentation”. Một người làm marketing giới thiệu đầy thuyết phục và sinh động về bản thân mình như vậy sẽ làm nhà tuyển dụng tin tưởng khi trao sản phẩm, thương hiệu của mình vào tay họ. Tin tôi đi, bạn sẽ làm cho nhà tuyển dụng thấy ấn tượng nhất trong những người họ từng gặp.
  • Làm rõ vấn đề: Chắc chắn là nhà tuyển dụng sẽ muốn làm rõ thêm vài điểm họ còn băn khoăn, đưa ra một số câu hỏi thăm dò năng lực, tính cách của bạn. Không sao, bạn cứ xem họ như một người anh/chị hay người bạn, cứ thẳng thắn chia sẻ quan điểm. Đừng tự gây áp lực cho mình phải cố gắng tạo ấn tượng tốt, thành ra lại như một cuộc hỏi cung.
  • Đàm phán lương: Đây là một phần tương đối gai góc ngay cả đối với những người kinh nghiệm đầy mình. Thông thường nhất, nhà tuyển dụng sẽ hay thăm dò mức thu nhập của bạn ở công ty gần đây nhất. Sau đó họ sẽ hỏi bạn mong muốn thu nhập như thế nào. Vấn đề này bạn có thể thấy nhan nhản khắp nơi nên có thể có nhiều nguồn tham khảo. Nhưng kinh nghiệm riêng của BB thì: Nếu bạn tự tin là thu nhập cũ của bạn đủ cao so với mặt bằng chung nghề đó, ngành đó, độ tuổi và kinh nghiệm như vậy, bạn cứ đưa ra hợp đồng lao động/offer letter của công ty cũ. Sau đó khi họ hỏi về mức lương, bạn có thể nói bạn đang tìm kiếm mức thu nhập cao hơn xx phần trăm so với thu nhập cũ. Còn nếu thu nhập cũ khiêm tốn thì bạn không cần phải trình ra, chỉ cần nói thu nhập cũ thực ra cũng khá khiêm tốn và mình đang tìm kiếm một mức xứng đáng hơn đối với năng lực và kinh nghiệm của bản thân. Theo kinh nghiệm của BB thường BB cũng ít đưa ra ngay mức mình mong muốn, chỉ nói là mình cũng chưa nắm rõ mô tả công việc, khối lượng công việc cũng như yêu cầu mong muốn của nhà tuyển dụng nên họ có thể chủ động offer mức lương mà họ thấy phù hợp để mình cân nhắc. Nếu nhà tuyển dụng vẫn muốn đẩy phần offer lương về ứng viên, bạn có để đưa ra một phần trăm hay một khoảng nào đó ví dụ muốn cao hơn xx phần trăm so với thu nhập cũ hay muốn thu nhập nằm ở khoảng từ xx đến yy Việt nam đồng/USD. Nhà tuyển dụng có thể đàm phán lương với bạn ngay tại lúc đó hoặc họ cũng có thể nói họ sẽ cân nhắc và trả lời bạn sau.
  • Câu hỏi của ứng viên: Buổi phỏng vấn thường kết thúc với câu hỏi của nhà tuyển dụng, rằng ứng viên có câu hỏi nào dành cho họ/cho công ty hay không. Hãy tận dụng để tìm hiểu thêm về cơ cấu phòng ban mình có thể vào làm, chính sách và phúc lợi của công ty, văn hóa công ty. Có nhiều điểm bạn cần phải cân nhắc khi lựa chọn một công ty, nhất là khi bạn có nhiều sự lựa chọn (ví dụ khi bạn đậu phỏng vấn ở 2 công ty trở lên) chứ không chỉ có nhà tuyển dụng được quyền đánh giá, cân nhắc bạn. Vì vậy càng tìm hiểu thêm thông tin, bạn càng có lợi. Tuy nhiên cách đặt câu hỏi phải khéo léo, để tránh gây mất thiện cảm với nhà tuyển dụng như thể bạn là một tiểu thơ danh giá đang kén chọn bạch mã hoàng tử cho mình.
4. Sau cuộc phỏng vấn:
Bạn nên viết một email cám ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho mình, bày tỏ mong muốn được vào làm việc trong một công ty như vậy. Bạn sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao về sự chuyên nghiệp cũng như thiện chí, và họ sẽ càng có lý do cân nhắc bạn hơn nếu họ đang phân vân giữa một vài ứng viên tương đương.
Với một công ty chuyên nghiệp và thực sự đang cần vị trí công việc như vậy, họ sẽ không “bỏ quên” do đó không cần thiết phải liên lạc với nhà tuyển dụng để hỏi về kết quả phỏng vấn. Họ sẽ chủ động liên lạc với bạn sau 1 tuần, 1 tháng… tùy thời gian họ dành để phỏng vấn ứng viên, bàn bạc nội bộ… Có khi 2, 3 tháng cũng không biết chừng, hic, trường hợp này có thể họ đã thử việc một ứng viên và thấy không phù hợp nên bạn là lựa chọn tiếp theo, hoặc bạn nằm trong back up database của họ cho một vị trí tương tự.
Bạn có thể phải lặp lại cuộc phỏng vấn với và ba người phỏng vấn nữa tùy quy trình từng công ty, ví dụ HR, tổng giám đốc, giám đốc khu vực…
Nếu mọi thứ suôn sẻ, bạn được họ chính thức nhận việc, các công ty chuyên nghiệp thường sẽ gởi bạn Offer letter mời bạn nhận việc. Chúc mừng bạn đã đạt được thành công đầu tiên, nhưng cũng dành thời gian xem kỹ các điều khoản nêu trong offer letter trước khi ký nhé vì nó cũng chính là tiền đề cho hợp đồng lao động cũng như những đàm phán về chính sách, phúc lợi lao động sau này.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 Cái bẫy ‘Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?’ 


Tạp chí “Fast Company”, Mỹ đã từng đưa tin, cho dù ứng viên có bằng cấp cao và năng lực nhưng chỉ cần trả lời sai một câu hỏi này, điểm ấn tượng của bạn sẽ bị giảm đi nhiều, thậm chí trở thành nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại khi phỏng vấn.
Phỏng vấn thực ra cũng là một khâu kiểm tra kỹ năng. Tuy nhiên, mỗi một nhà tuyển dụng khi phỏng vấn đều đưa ra những câu hỏi khác nhau, nhưng nhất định có một vài câu hỏi chắc chắn sẽ sử dụng. Mà trong đó câu hỏi quyết định thành công hay thất bại chính là: “Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”
Nếu khi đi phỏng vấn bị hỏi câu hỏi này, bạn sẽ trả lời như thế nào? Rất nhiều người thiếu kinh nghiệm sẽ chọn một câu trả lời trung thực, nói thẳng là “Trưởng phòng (hoặc đồng nghiệp) không hợp”, “Phúc lợi đãi ngộ của công ty kém”, v.v…, thậm chí còn trách móc công ty cũ, điều này sẽ khiến cho nhà tuyển dụng có ấn tượng xấu về bạn là một người thích phàn nàn.
Cần biết rằng, cuộc phỏng vấn thường diễn ra trong khoảng 10 – 15 phút ngắn ngủi, nhà tuyển dụng phải dựa vào biểu hiện của ứng viên để phán đoán. Nếu trong lúc này người ứng viên trả lời nguyên nhân nghỉ việc ở công ty cũ, chỉ nói những điều tiêu cực của công ty cũ ra, người phỏng vấn cũng sẽ nghĩ ngay rằng “Bạn rất biết phàn nàn”, “Sau này sẽ không tốt”, “Có thể sau này bạn cũng nói công ty chúng tôi như thế”, vì vậy ấn tượng của bạn đối với nhà tuyển dụng sẽ giảm đi nhiều.
Hãy thử nghĩ nếu như bạn là người phỏng vấn mà ngồi trước mặt là một ứng viên biểu hiện rất nhiệt tình và có năng lực, nhấn mạnh những lý do nghỉ việc công ty cũ là “Bởi vì tôi muốn tốt hơn”, “Tôi hy vọng tìm được một công việc có tính thách thức”, “Đây là mục tiêu cá nhân của tôi, tôi dự định sẽ…”, “Tôi hy vọng có thể nâng cao kiến thức chuyên môn của mình”, v.v… có phải là bạn sẽ có một ấn tượng hoàn hảo đối với ứng viên này?
Như vậy, mọi người biết rõ mấu chốt của phỏng vấn nằm ở đâu rồi phải không? Thực ra nhà tuyển dụng không thực sự đi tìm hiểu nguyên nhân bạn nghỉ việc ở công ty cũ, họ chỉ là thông qua đề tài này để tìm hiểu con người của bạn, xem bạn có phẩm chất đặc biệt gì, phán đoán xem bạn có phải là người họ cần tuyển dụng hay không.
Nhìn sâu hơn, kỹ năng nói chuyện không chỉ là mấu chốt thành bại của phỏng vấn mà là một kỹ năng bắt buộc phải có của một người. Chỉ cần bạn có kỹ năng giao tiếp tốt, sẽ khiến cho người đối diện cảm thấy thoải mái, tích cực thì tự nhiên sẽ khiến cho người khác có một ấn tượng tốt về bạn. Nhanh chóng chia sẻ cho bạn bè chú ý vấn đề này khi đi phỏng vấn, bởi vì nó chính là nhân tố quyết định có được tuyển dụng hay không.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét