Đến năm 26 tuổi, khi không còn mơ mộng đến những chàng đẹp trai các kiểu, mình mê Holden Caulfield.
Bắt trẻ đồng xanh (tiếng Anh: The Catcher in the Rye) là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Mỹ J. D. Salinger. Tác phẩm dùng cách tường thuật ở ngôi thứ nhất, cũng là nhân vật chính của truyện, Holden Caulfield, kể lại câu chuyện của Holden trong những ngày cậu ở thành phố New York sau khi bị đuổi khỏi Pencey Prep, một trường dự bị đại học.
Lần đầu,
cầm Bắt trẻ đồng xanh trên tay, mình cố đọc xong chương đầu và gấp lại. Mình thấy ôi thanh niên này sao mà xàm xí thế, ngôn ngữ thì thế này thế kia, bây giờ mình hiểu, thời điểm đó mình chưa đủ trải nghiệm, nên mình chẳng thể đồng cảm nổi và phán xét Holden.
Lần thứ hai mình đọc,
để lí giải vấn đề giữa mình và em trai. Khi có một khoảng thời gian, hai đứa cứ bắt đầu nói chuyện là cãi nhau, và trong giọng điệu của em mình phần lớn là chán đời, là trách cứ hoàn cảnh, là khó chịu với gia đình với thầy cô với công việc part-time. Lúc đó mình đọc, hiểu ít nhiều về tâm lý của em. Để không còn lên đời giảng đạo, không mắng mỏ khi em làm trái ý, để lúc mà em kêu ca ấy, mình lắng nghe và chia sẻ giống như em Phoebe với Holden. Mình tin là mọi điều rồi sẽ ổn, như mình cũng đã tạm thời vượt qua và chuyển sang giai đoạn khác. Nhưng thú thật, khi nghe em mình và đứa em hàng xóm bình phẩm về một đứa con gái, mình thấy khá sốc. Vì tụi nó giờ lớn nhanh ghê . Nhưng mình không phàn nàn gì cả.
Mà thực ra, dù lịch sử của mình là một đứa trẻ được mọi người khen là ngoan, thì mình cũng đã trải qua phần nhiều những suy nghĩ và cảm xúc giống như chàng trai trẻ đó. Phần nào, thì chắc hormone không mạnh mẽ đến mức thôi thúc mình bỏ đi bụi, chứ ngày xưa cũng đã không dưới vài lần trong đầu nảy ra ý định "xách ba lô lên và đi" sau đó gặp một anh zai ngon lành nào đó và sống hạnh phúc suốt đời.
Mình cũng đã từng cảm thấy nhiều người thật bộ tịch, thi thoảng mình cũng thế (đến bây giờ mình vẫn thấy thế, nhưng đỡ hơn vì mình ít quan tâm đến xung quanh nhiều nữa, trừ những người làm điều đó quá lố). Mà thực ra, khi lí giải hay hiểu sâu hơn về một ai đó, mình không thấy ghét, mình thấy thương những người bộ tịch. Nên mình bỏ bớt đi, những cuộc tụ tập nên không vui, mình từ chối tham gia. Những buổi nói xấu sếp, mình lảng đi chỗ khác, thành ra mình không thể hòa nhập được ở công ty cũ nữa.
Mình cũng đã từng băn khoăn rằng mình là ai, mình sinh ra để làm gì, từng mất phương hướng. Thực ra câu hỏi như thế này sẽ tồn tại đến cuối đời mà chẳng có câu trả lời thống nhất thông suốt được. Có người bảo với mình, trong mỗi giai đoạn, chúng ta sẽ có những câu trả lời tạm thời chấp nhận được. Sau đó, khi tích đủ lượng và chất thay đổi, chúng ta lại đi tìm định nghĩa mới.
Thực ra, Holden luôn là một phần trong mỗi chúng ta, có người thừa nhận, có người chối bỏ. Chỉ đơn giản là một ngày mệt mỏi, ta chán ghét tất cả mọi thứ trên cuộc đời. Hay đã từng có cảm giác mình đặc biệt, khác lạ với phần còn lại của thế giới, nhưng hoá ra thì cũng bình thường vậy thôi. Những cảm xúc tiêu cực luôn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào dù cho bạn là người tích cực như thế nào đi chăng nữa. Nếu ta chối bỏ, nó lại càng mạnh mẽ, càng tích tụ. Thay vì vậy, nhìn nhận nó như một phần tất yếu, thông cảm cho bản thân hay bất kì ai về những giây phút hay cả một quãng đời ngang ngược, và hãy để nó nhẹ nhàng qua đi, có lẽ sẽ tốt hơn nhiều.
Lần thứ ba, để đổi gió,
mình lại đọc Bắt trẻ đồng xanh. Mình đi tìm một chút gì đó khác biệt, một chút thả lỏng. Càng đọc kĩ lại càng nhận ra, Holden là một chàng trai hay ho phết đấy chứ!
1. Cao: Cái này là sở thích hoàn toàn cá nhân thôi :)) Nhưng điểm cộng của mình đầu tiên cho Holden là cái này. Mặc dù, trước giờ mình chẳng hẹn hò với ai trên m7 cả. Nhưng mình vẫn thích.
2. Thích đọc sách: Holden có thể trốn học, có thể trượt hết tất cả các môn, nhưng chàng ta lại mê đọc sách. Đọc sách là một cách tự học vô cùng hiệu quả. Anh chàng này chỉ không thích những thầy cô và sách giáo khoa biên soạn, chứ không hề không thích học đâu. Công bằng thì đây là một người thông minh đấy chứ, chẳng qua người xung quanh không hiểu hay không đủ để hiểu điều đó thôi. Riêng cái cách cả câu chuyện cứ kể bằng cái giọng bất cần đời, mà lại cực cuốn, có vẻ xàm xàm, nhưng cái nhìn lại sâu sắc và châm biếm, không thông minh chắc không thể hiện nổi đâu nhỉ.
3. Yêu trẻ con: Mình rất thích tình cảm của Holden cho em Allie và Phoebe. Cái lúc viết bài luận về chiếc găng tay của Allie, hay cách chàng tự hào về em, kể những mẫu chuyện về em và Phoebe.
Tôi suýt khóc lớn lên nữa, vì tôi cảm thấy sung sướng bm, nói thật với bạn. Tôi cũng không hiểu tại sao. Chỉ vì em trông thật dễ thương đến như thế kia , cái kiểu em cứ xoay quanh, trong chiếc áo choàng xanh của em các thứ.
Hay cái ước mơ "Bắt trẻ đồng xanh" , đứng ở một cái mỏm đá điên khùng và trông chừng hàng ngàn đứa trẻ trong đồng lúa mạch, không những chẳng điên khùng mà thật là dễ thương nữa.
4. Tử tế: Mặc dù có vẻ không ưa, nhưng Holden vẫn tiếp chuyện Ackley, vẫn đến chào tạm biệt thầy Spencer, hay làm bài luận và cho Stradlater mượn áo. Chỉ qua những điều kể vụn vặt, dù thái độ lồi lõm một chút, nhưng Holden chưa bao giờ thể hiện mình là người nhỏ nhen. Hay những ngày dạt nhà đi bụi, vẫn trò chuyện với mẹ của Ernest trên chuyến xe lửa, đóng góp cho hai nữ tu sĩ, hay mua đĩa hát cho Phoebe.
5. Có những cảm xúc rất chân thật: Có một đoạn rất buồn cười (với mình) là lúc chàng trai khóc lớn khi Sunny và Maurice quay lại lấy thêm 5 tì. Mặc dù đã nhiệt tình "đấu tranh" nhưng Holden đã không thể giữ lại "phần công bằng" đó. Ừm, lúc ấy, hẳn là có rất nhiều tức giận và cả bất lực nữa. Những cảm xúc đến, người ta hay dặn nhau là hãy kìm nó lại, rằng đàn ông thì không được khóc và phải mạnh mẽ. Nhưng để khóc hay thừa nhận mình yếu thế, cũng là một loại dũng cảm đó. Vì cuộc đời có phải lúc nào cũng xuôi gió thuận buồm và mong gì được nấy đâu. Trong những lúc khó khăn, thi thoảng mình cũng bật khóc. Xong đâu vào đấy, mình thấy ổn hơn và lại tiếp tục cố gắng. Những lúc đó mình nói đùa rằng: Ôi, thì ra mình vẫn còn nhân tính! Hơn bất kì giây phút nào trong cuộc đời, khi đó mình cảm giác được sự tồn tại thực sự của bản thân. Hay khi đánh nhau với Stradlater, khi tưởng tượng những điều nó đã làm với Jane, Holden lúc đấy thật là mạnh mẽ. Dù là có vẻ trẻ con đi, khi đánh nhau vì một đứa con gái, nhưng ai mà chẳng có một thời xốc nổi hay khao khát sự xốc nổi mỗi lần điên tiết lên.
Hôm trước mình nghe một buổi tư vấn, có bạn nữ hỏi một câu đại ý là: "Em thấy cứ ở bên cạnh nhau lâu, sẽ nảy sinh cảm giác chán ghét, vì mình hiểu rõ người ta hơn." Và câu trả lời cho bạn là: "Nếu em chán ghét, tức là em chưa hiểu và đang phán xét. Nếu em thực sự hiểu một người, em sẽ biết tại sao họ làm vậy, em sẽ thương người ta hơn." Mình rất thích câu trả lời này. Có lẽ bởi vậy, mãi đến năm 26 tuổi, mình mới mê Holden :))
Vậy đó, Bắt trẻ đồng xanh từ ngày xuất bản đã gây nhiều tranh cãi, có người khen, có kẻ chê. Có người mê, có người ghét. Nhưng nếu bỏ xuống đi những nghi kị, hay phán xét về một cuốn sách mà "Nhiều kẻ sát nhân nổi tiếng thế giới như Mark David Chapman – người ám sát John Lennon, hay John Hinckley, Jr., người hạ sát hụt cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan, đều là fan cuồng của Bắt trẻ đồng xanh", mình tin rằng bạn sẽ có những trải nghiệm hoàn toàn mới lạ, khác biệt và hấp dẫn.
Kết nối không được xây dựng từ chối bỏ, kìm kẹp hay phủ nhận, tẩy chay, nó được xây từ tình yêu, sự lắng nghe và chân thành thấu hiểu. Một câu mà mình khá thích trong The secret life of Walter Mitty:"Beautiful things don't ask for attention". Khi đứng im và yên lặng, phải chăng ta sẽ nhận ra được nhiều điều tốt đẹp? Khi không còn tranh cãi và kết luận, ta sẽ nhìn được tâm hồn ẩn sâu của Holden Caulfield. Những thứ tốt đẹp vốn dĩ rất nhiều, chỉ là chúng ta vô tình hay cố ý bỏ qua thôi.
Thôi mà, ai chẳng phải trưởng thành, dù năm 1951 hay 2020. Ai mà chẳng có thói hư tất xấu và những tính cách tốt đẹp. Thứ hoàn hảo nhất chắc là sự bất toàn. Nên hãy nhìn mọi thứ nhẹ nhàng một chút, rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy cả .
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét