Trở lại từ bờ vực


Vấn đề của việc kết hôn với chàng trai bạn yêu năm 18 tuổi là bạn khó có thể nhìn nhận anh ấy khác cậu trai gày gò, rụt rè bạn hôn ở bên cạnh tủ đồ sau khi tan học khi bạn nghĩ không có ai nhìn. Nhiều năm sau, khi bạn nhìn lại người chồng tự tin, sơ mi cravat là lượt chuẩn bị đi làm, bạn vẫn thấy một nét gì đó của chàng trai đang yêu đi tàu hai tiếng để thăm bạn tại ký túc xá trường đại học, và nằm cạnh bạn cả đêm trên chiếc giường chật chội.
Trong năm đầu của cuộc hôn nhân, tôi thường ước rằng giá như mình và Matt không gặp nhau khi còn quá trẻ vậy, giá như tôi gặp được Matt khi anh ấy đã là người đàn ông hiện giờ, thay vì là cậu trai trẻ trước kia. Ăn mặc đẹp và tốt bụng, vui tính và tự tin, anh ấy là mẫu người đàn ông mà tôi sẽ tìm kiếm nhưng lại luôn cho rằng mình không thể nào tìm thấy.
Thay vào đó, chúng tôi gặp khi anh ấy vẫn đổ mồ hôi tay khi chúng tôi ở gần nhau và anh ấy vẫn cần xin phép bố mẹ để sử dụng ô tô buổi tối trong tuần. Khi chúng tôi kết hôn, tôi biết rằng anh ấy là tất cả những gì tôi mong muốn, một người tôi có thể dựa vào, yêu tôi và hiểu được mong muốn được độc lập của tôi. Nhưng đồng thời tôi cũng sợ sẽ mất anh nên tôi luôn kiềm chế bản thân để không làm gì tổn thương đến anh ấy.
Tôi có mối quan hệ phức tạp với chứng trầm cảm từ khi bắt đầu cuộc hôn nhân của mình. Việc học của tôi không thuận lợi, dù luôn là vì lý do chính đáng (người thân trong gia đình qua đời, cảm thấy bị cô lập bởi những người tôi yêu thương), nên đương nhiên tôi nghĩ rằng mọi việc sẽ khá hơn khi tôi tốt nghiệp và trở về nhà. Mùa đông đầu tiên sau khi kết hôn, tôi lại thấy mình mất cân bằng, ngủ quá nhiều và khóc quá thường xuyên, cảm thấy choáng ngợp và kiệt sức dù chỉ làm những công việc đơn giản.
Ngày Valentine đầu tiên sau khi cưới của hai đứa cũng là ngày mà khi trở về nhà, anh thấy tôi vẫn mặc nguyên bộ pijama, tê liệt bởi suy nghĩ của chính mình, quá sợ hãi để có thể di chuyển. Cố hết sức để giúp, anh đưa tôi vào nhà tắm, gội đầu cho tôi khi tôi đứng yên đó, trần truồng và thổn thức, không thực sự hiểu việc gì đang diễn ra. Chỉ tới khi tôi quyết định sẽ tự tử thì tôi mới cảm thấy – sau một khoảng thời gian dài – rằng tôi có gì đấy để mà trông đợi. Matt đã bắt đầu một công việc mới vài tháng trước, làm việc lâu và kiếm được nhiều tiền. Chúng tôi quyết định cho tôi đi học lại, để tôi có thể thay đổi công việc của mình, để tôi thấy hạnh phúc hơn. Nhưng thay vào đó tôi chỉ đi lại quanh trường, cảm thấy lo lắng và ngập ngụa trong bài tập và kì vọng, trong lúc phân tích ưu khuyết điểm giữa treo cổ và cắt cổ tay.
Buổi sáng tôi thấy mình cần phải đến phòng cấp cứu, tôi không gọi Matt, anh ấy đang tham dự một buổi hội thảo, mà gọi Sarah, một người bạn ít gặp nhưng dường như luôn có mặt khi tôi cảm thấy cuộc đời mình bắt đầu sụp đổ.
“Tớ sợ,” tôi nói, đánh thức cô ấy vào lúc 5 giờ sáng.
“Đừng đi đâu,” cô ấy nói. “Tớ đến đón cậu ngay.”
Khi bạn đến bệnh viện và được cho là có thể gây tổn thương cho bản thân, bạn sẽ được đưa vào một căn phòng, nơi mọi người liên tục ra vào hỏi những câu giống nhau: “Chị có kế hoạch tự sát không?”, “Chị bị như thế này bao lâu rồi?”, “Hiện giờ chị có sử dụng thuốc gì không?”.
Sau khoảng một hay hai tiếng, Matt xuất hiện ở cửa phòng tôi. Sarah đã gọi anh ngay sau cuộc gọi với tôi – đương nhiên rồi – nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi thấy anh. Ngạc nhiên và xấu hổ.
Lúc đầu anh ấy không nói gì, nhưng nhìn thấy khuôn mặt anh ấy khiến tôi nhận ra, lần đầu tiên, là tôi đã quá đà thế nào. Tôi chỉ ước rằng anh ấy đừng nhìn tôi nữa.
“Đừng phán xét em,” tôi nói. “Anh đang phán xét em.”
“Anh ấy không phán xét cậu đâu,” Sarah trả lời. “Anh ấy đang lo lắng cho cậu.”
Nhưng lo lắng lại làm tôi khó chịu hơn là phán xét. Chẳng thà anh cứ phán xét tôi, điều đấy hợp lý hơn. Tôi đã làm một việc tồi tệ, lạm dụng sự tận tâm của anh dành cho tôi. Tôi muốn anh ấy nổi giận, muốn anh ấy bảo tôi rằng anh ấy chịu đủ rồi, rằng anh ấy không kết hôn với một con vợ điên và rằng anh ấy đã phạm sai lầm. Tôi muốn anh ấy ghét tôi nhiều như tôi tự ghét chính mình.
Khi một nhân viên bảo vệ hộ tống tôi sang một căn phòng nhỏ tí (không khác lắm với căn phòng ký túc có cái giường chật chội Matt và tôi từng nằm chung nhiều năm trước), tôi thấy bực bội. Tôi chẳng biết tôi mong đợi cái quái gì khi đến bệnh viện và thú nhận sự “điên” của mình, nhưng tôi thấy ngạc nhiên về việc quy trình có vẻ gượng ép và cảm giác thiếu hợp tác. Tôi đã khóc và từ chối trả lời rất nhiều câu hỏi thăm dò (intake questions), van xin Matt đưa tôi ra khỏi nơi này.
“Anh không thể bỏ em lại đây,” tôi rên rỉ.
Anh nhìn tôi, khuôn mặt vẫn còn nguyên cảm xúc đau đớn chưa giảm đi chút nào từ khi anh ấy đến.
Tôi khóc đến lúc thấy tim mình thắt lại, từ chối thuốc an thần lorazepam mà lẽ ra tôi phải uống từ lâu. Matt ngồi yên lặng, nắm tay tôi và không hỏi gì cả.
Tôi đã không thể hiểu được tại sao anh không nổi giận, tại sao anh không cảm thấy bị phản bội khi mà tôi đã sẵn sàng để anh ấy góa vợ khi mới chỉ 26 tuổi, vứt bỏ tất cả hi vọng và ước mơ của cả hai. Tôi tự thấy tức giận với mình thay cho anh ấy và tự xỉ vả bản thân vì tất cả mọi việc tôi đã thất bại, trong vai trò một người trưởng thành, một cô vợ mới cưới, một người có tất cả và cũng không có gì. Tôi biểu tình bằng cách tuyệt thực tối hôm đấy. Sau đó, tôi nhìn thấy một nhóm làm đồ thủ công trong căn phòng bên kia hành lang, đầy những người mà dường như cuộc đời họ cũng đã sụp đổ. Khoa bệnh tâm thần ,tôi đột nhiên cảm thấy, giống hệt như một cái nhà trẻ người lớn, nơi mà tất cả mọi thứ xung quanh đều được hướng dẫn và cung cấp đầy đủ, nơi mà mọi người không kì vọng bạn sẽ làm được gì, nơi mà bạn không được nhận điện thoại hay email hay vật sắc nhọn hay trách nhiệm. Bạn chỉ cần thức dậy, ăn sáng, nói về cảm xúc của mình và trang trí bookmark khi tham gia trị liệu bằng nghệ thuật. Cảm giác rất nhẹ nhõm, như là được hít thở khi đang đuối nước. Tôi nhìn mọi người trang trí hoa giả lên mấy cục xốp. Tôi thấy kiệt sức, nhưng đồng thời biết rõ rằng tôi muốn thử làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn (ngay cả khi tôi không thể thừa nhận như vậy), nên tôi quay sang nói với Matt, “Có lẽ em nên thử cái này.” Anh ấy trông ngạc nhiên, và nhẹ nhõm: “Ồ, đương nhiên, chắc chắn rồi. Ý kiến hay đấy.”
Chúng tôi cùng nhau đi qua đấy, chần chừ. “Anh sẽ chờ bên ngoài nhé, được không?” anh nói. “Em vào đi.” Tôi ngồi xuống ghế, cảm thấy xấu hổ vì tôi đang ở đây, nhưng lại thấy vui sướng vì cuộc sống mới của tôi đơn giản biết nhường nào. Tôi cần ở một nơi mà tất cả những gì tôi cần làm chỉ là tồn tại. Tôi cần phải sắp xếp hoa giả và được khen ngợi bởi một người phụ nữ được trả tiền để đối xử tốt với tôi. Khi kiệt tác bằng hoa của tôi hoàn thành được một nửa (thành thật mà nói, nó trông như cái vòng cổ bằng mì macaroni), tôi liếc nhìn Matt đang đứng ở hành lang. Tôi nhìn anh ấy một lúc, thực sự nhìn anh, người đàn ông tôi cưới, người mà đối với tôi giống gia đình hơn bất cứ người nào tôi từng gặp.
Tôi nhìn mái tóc dày mà tôi thích lùa ngón tay vào và phần giữa cổ và vai của anh, nơi mà tôi úp mặt vào hằng tối để ngửi mùi nước hoa đang nhạt dần và cọ má vào đám râu lún phún hai-ngày-chưa-cạo khi anh đang ngủ say. Tôi nghĩ đến việc anh ấy từng trông khác thế nào, anh ấy từng mạnh mẽ và thông minh và dũng cảm hơn bây giờ như thế nào, và việc tôi ít khi còn được thấy những phẩm chất đấy nơi anh trong cuộc sống hàng ngày.
Anh bắt gặp tôi đang nhìn anh và mỉm cười, ánh mắt anh vẫn ấm áp và yêu thương như ngày nào, nhưng tôi chưa bao giờ chú ý. Thay vào đó, tôi đã luôn chờ đợi anh ấy chứng tỏ tình yêu của anh bằng lời nói, luôn nghĩ rằng: “Anh nói nữa đi. Hãy nói ba lần. Và tiếp tục nói yêu em vì em không tin anh đâu.”
Tôi đã luôn chờ đợi cái ngày mà hiện thực thức tỉnh anh và khiến anh nhận ra anh đã sai lầm khi nghĩ tôi sẽ là người vợ tốt, khi trong thực tế tôi trầm cảm và tìm cách tự hủy hoại mình. Nhưng ngày đó không bao giờ đến.
Thay vào đó, anh đứng trong hành lang, theo dõi tôi đang trong cơn suy nhược tinh thần, và tôi nhận thấy điều anh vẫn cố nói với tôi bấy lâu nay.
Anh yêu em.
Anh cảm thấy lo lắng cho em.
Anh muốn em được hạnh phúc.
Anh vẫn ở đây.
Đó là điều mà tôi cần hơn bất cứ thứ gì nhưng lại nghĩ mình không bao giờ có được. Không phải cho những cô gái như tôi, với trí óc đen kịt và nội tâm tan vỡ. Đó là điều mà tôi có thể phải dành cả đời van xin để có được mà không nhận ra mình đã có nó. Vào cái ngày mà tôi suýt nữa đã kết thúc cuộc đời, tôi mới nhận ra sự khởi đầu thực sự với cậu trai tôi cưới và người đàn ông mà anh trở thành.
Nguồn: http://www.nytimes.com/2015/06/07/style/crawling-back-from-the-ledge.html?_r=2

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét