Chuyện chém gió



Trong những nhạc sĩ trẻ tuổi nổi lên thời gian gần đây, ai là người tôi thích nhất?
Chỉ có một cái tên mà thôi. Phan Mạnh Quỳnh.
Tôi không có chuyên môn để nhận xét về phần nhạc, nhưng về lời, tôi có thể hiểu và cảm nhận được tâm sự chân thành của một anh chàng nhà quê đồng bằng Bắc Bộ, hiền lành, nhút nhát, nhiều tình cảm và có thể ít học nữa. Nhạc như thế không nổi tiếng mới lạ. Cá nhân tôi thích Lê Cát Trọng Lý hơn đấy, nhưng lời của Lê Cát Trọng Lý vẫn ảo lắm, không được thực như thế. Ảo theo nghĩa là nghe xong, cả người nghe lần người sáng tác đều không hiểu bài hát đang đề cập đến vấn đề nào.
Nhưng cái ảo của Lê Cát Trọng Lý còn thành thật. Nghĩa là ngay từ lúc nhìn tên bài hát, rồi bắt đầu nghe cho đến khi kết thúc, người nghe đã mặc định sẵn, thứ nhạc mình đang nghe là ảo, chỉ cần bắt cảm xúc thôi chứ đừng nghĩ tới việc chẻ hoe lời bài hát ra. Cái thật trong ảo đó đối nghịch với thứ nhạc ảo trong thật đang lan tràn ngoài kia. Thứ nhạc mà nhìn tên thì rất dễ hiểu, lời lẽ cũng đơn giản toàn anh anh em em, nghe câu nào có thể nuốt ngay câu đấy, mà cuối cùng khi nghe xong, ta vẫn không hiểu bài hát vừa nói đến cái gì.
Đỉnh cao nhất của cái sự ảo trong âm nhạc vẫn chưa dừng ở đó. Nếu bạn từng say mê dòng nhạc rap underground, các bạn sẽ biết khẩu hiệu của các rapper là “Đem sự chân thực của đường phố vào âm nhạc”. Các rapper mặt mũi trẻ măng, với tội lỗi lớn nhất là cúp học, đua nhau đem súng và cần sa vào lời bài hát. Các rapper nhà giàu nứt đố đổ vách đua nhau kể chuyện cuộc đời nghèo khó đen bạc ra sao. Fan hâm mộ nào nghe xong cũng phải sụt sùi nước mắt.
Dù vậy cũng phải thấy rằng, trong dòng nhạc rap, cả người hâm mộ lẫn nhạc sĩ đều trẻ. Mà tuổi trẻ thì ai mà chả ảo. Ngày xưa tôi cũng ảo chả kém lũ chúng nó. Bạn nào từng đọc bài tôi phân tích nhân vật Khổng Minh trên internet cỡ dăm năm trước thì biết, triết học trải từ đầu đến đít. Bọn trẻ hơn thấy bài của tôi ngứa mắt nhưng chỉ dám thậm thụt, không dám comment thẳng vì sợ, “anh ấy giỏi quá mình cãi sao lại”. Mấy bác già hơn thấy bài của tôi ngứa mắt nhưng cũng đành bỏ qua, không dám làm gì vì sợ, “thằng đấy bệnh thế, thuốc gì chữa cho nó khỏi bây giờ?”
Thành thực mà nói, thói chém gió đó tôi bị nhiễm cũng từ các cụ nhà Ta ra cả. Mà các cụ nhà Ta thì cũng học từ các cụ Tàu. Các bạn cứ đọc những bài viết thời xưa về đạo trị quốc thì biết. Những khái niệm cao cả lớn lao văng tứ tung cả, nào thì công bằng chính trực, nào thì vương đạo, nào thì lòng dân, nhưng có mỗi việc giữ cho dân không chết đói đến mức làm phản mà triều đại nào cũng chả làm được (chứ đừng đòi hỏi GDP hàng năm tăng x%). Thi thoảng cũng có người muốn cải cách đi một chút như Vương An Thạch thì bị xúm vào đập, còn cái mạng là may đấy. (Biết vậy thì mới hiểu tại sao Trần Mưu lại bức xúc, dìm hàng Viên Ngỗi với Đổng Thừa trong truyện Hỏa Phụng Liêu Nguyên đến thế.)
Bây giờ tôi ít sinh hoạt trên facebook, nhưng với xu hướng phát triển thăng hoa của nền kinh tế Trung Quốc, có lẽ nhiều thanh niên ủ trong người Tứ Thư Ngũ Kinh đang búa xua khắp nơi rồi, trong số đó kiểu gì chỉ chả có những thành phần chưa đọc hết “Luận Ngữ” nhưng cũng oang oang “Khổng Tử lọ, Khổng Tử chai”, rồi “văn hóa Trung Quốc lên lên xuống xuống trái phải trái phải A B A B”
Tất nhiên, chém gió cũng có giá trị của nó. Nói gì thì nói, thỉnh thoảng đọc “Xuất sư biểu”, tôi vẫn phải rơi nước mắt.
Tái bút: Dạo này đời tôi rất chán, nên sẽ lảm nhảm rất nhiều.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét