Chuyện ti tiện



Lần đâu tôi xem phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thuỷ, tôi đã khóc. Lần thứ hai tôi xem, tôi vẫn khóc. Lần thứ ba, nghĩa là lần gần đây nhất tôi xem, chả hiểu sao tôi lại lờ mờ nghi ngờ có gì đó không đúng. Tôi ngẫm nghĩ mãi, rồi mới nhận ra, bộ phim đem cho tôi cảm giác bản thân mình là người tốt đẹp, phần xấu xa và tồi tệ nếu có, chả qua là bị xã hội và chế độ tác động lên mà thôi.
Một cảm giác rất ti tiện.
Hồi còn nhỏ tôi cũng từng đọc một tiểu thuyết của Dương Thu Hương. Những thiên đường mù thì phải. Hồi đó tôi không thể nuốt nổi cách xây dựng nhân vật của bà. Sao bà có thể xây dựng mọi nhân vật tủn mụn, ti tiện đến thế? Sao chúng ta không nhìn vào phần tốt đẹp của con người? Lớn lên rồi, tôi mới hiểu, nhìn từ một góc độ nào đó, con người đều là lũ ngu cả. Đương nhiên, phải đủ thông minh, hoặc tự cho mình đủ thông minh, như Einstein hay mấy ông triết gia nào đó – tôi đọc sách họ viết rồi nhưng không hiểu gì, cũng chả nhớ được tên – mới dám công khai phát biểu hoành tráng về sự ngu dốt bẩm sinh của con người, mà không sợ bọn khác chửi lại. Và cũng nhìn từ một góc độ nào đó, con người đều là lũ ti tiện cả. Nhưng phải đủ tinh tế mới có thể khắc hoạ và lột tả rõ sự ti tiện đó.
À, tại thời điểm vài chục năm trước, bà Dương Thu Hương không chỉ đủ tinh tế đâu, còn phải đủ dũng cảm nữa.
Tôi cũng phải nhìn nhận lại rằng, tác dụng của những câu chuyện tốt đẹp không lớn như người ta tưởng. Nó giúp người đọc nghĩ mình là người tốt đẹp, chứ không giúp người đọc trở nên tốt đẹp. Những câu chuyện lột trần sự xấu xa của bản thân, của con người như của Nguyễn Minh Châu lại chứa sự hối lỗi quá đẹp để người đọc níu cái sự ti tiện vào. Những câu chuyện hiện đại nơi xoá nhoà tốt xấu đúng sai thì quá tởm, chúng đang văn minh hoá sự ti tiện. Những câu truyện khích lệ truyền cảm hứng là thuốc độc, nó dạy cho con người ta là họ có thể thoát khỏi sự ti tiện của bản thân. 
Chỉ có những tác phẩm như tiểu thuyết của Dương Thu Hương, như một sự phẫn nộ, với tiếng nói mạnh mẽ thâm trầm rằng tất cả lũ chúng mày bẩm sinh là loài ti tiện, và sẽ không thoát nổi sự ti tiện đó đâu, mới khiến người đọc không thể che giấu nổi sự ti tiện của mình.
Tất nhiên, người ta vẫn có cách lảng tránh, bằng việc kiểm duyệt, bằng việc không cho xuất bản, bằng việc vùi dập Nhân Văn Giai Phẩm, bằng việc cho Dương Thu Hương vào tù.
Cảm nhận được điều đó, tôi mới thấy những đề xuất đòi bỏ chuyện Tấm Cám vì có hành vi tàn ác của Tấm, đòi bỏ chuyện Chí Phèo vì anh Chí quá xấu xa, đòi bỏ Chị Dậu vì blah blah …. là những ý kiến rất ti tiện. Tin tôi lần này đi, giáo dục kiểu gì cũng sẽ đào tạo ra một thế hệ đáng ghê tởm cả thôi. Giáo dục với toàn những tấm gương sáng ngời, với toàn những câu chuyện mẫu mực rực rỡ thì còn tệ hơn, nó sẽ cho ra lò một thế hệ đáng ghê tởm mà không biết mình đáng ghê tởm.
Mà lịch sử trên toàn thế giới cũng đâu thiếu những thế hệ như thế. Mấy vị đề xuất chưa từng đọc sử hay sao?

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét