Chuyện phim ảnh


Thế là mai lại phải đi làm.
Mấy ngày nghỉ cuối năm tôi định cập nhật CV cho hoành tráng, kết hợp với hoàn thành vài khóa học trên mạng. Tất nhiên, cũng như bao dự định tốt đẹp khác từ trước đến nay, tôi nhanh chóng nhận ra, thế quái nào tôi lại đang xem phim “Thái Bình Thiên Quốc”?
Vừa xem tôi vừa cười. Cười từ tập đầu đến tập cuối. Cười vì nội dung phim chỉ một phần, cười vì nhớ lại hoàn cảnh xem phim ngày xưa mới là phần lớn. Đài truyền hình trung ương chiếu cho cả nước coi, mà sao quanh tôi không ai nhận ra phim đang đá đểu Đảng Cộng Sản nhỉ? À, tất nhiên nói thế thì hoàn toàn không chính xác, mục đích và nội dung phim không có tí gì hàm ý “phản động” cả, chẳng qua các câu chuyện chính trị cho đến tận bây giờ, thời đại nào cũng thế, chỉ là bình mới rượu cũ.
Tôi cũng chợt nhận ra, lâu lắm rồi tôi chưa xem một phim lịch sử Trung Quốc nào hay đến thế. Những bộ phim gần đây kĩ xảo hoành tráng, dàn diễn viên lung linh xinh đẹp, các cảnh cao trào kịch tích cảm động xuất sắc với các triết lý cao siêu đấu trí cân não đều có, nhưng lại thiếu đi quá nhiều nhân vật, tình huống và chi tiết nhỏ được xây dựng một cách tinh tế. Vì thế, tổng quan tôi luôn cảm thấy có gì đó xộc xệch, thô kệch và thiếu thẩm mỹ khi xem mấy bộ phim lịch sử Trung Quốc được chế tác ở thời bây giờ. Có lẽ (chỉ là võ đoán thôi – vì tôi không thể nào xem hết tất cả các phim của các nhà sản xuất Trung Quốc làm ra trong giai đoạn hiện tại), vì sự phát triển vũ bảo của nền kinh tế, người Trung Quốc đang quá tự tin mà mất đi những ẩn ức nhạy cảm cần thiết với giới chính trị?
Ngoài ra, một khả năng không nhỏ, những bộ phim truyền hình Việt Nam thời xưa không tệ đến mức như tôi từng nghĩ. Vì chiếu cùng thời với mấy tác phẩm xuất sắc như “Thái Bình Thiên Quốc” nên lép vế là phải. Lúc nào tôi phải tìm vài ba bộ phim truyền hình của nước nhà khi đó mới được. Biết đâu lại phát hiện ra tác phẩm nào đó hay hơn đa số – nếu không muốn nói là tất cả phim đang được chiếu trên tivi bây giờ?
Nghĩ là vậy, sau đó tôi vẫn quyết định xem phim Tây chứ không phải phim Việt. Dù sao, một cách thành thật với bản thân, phim Tây vẫn hay hơn. Đêm giao thừa tôi mua một bịch gà rán và ngồi xem Collateral, một trong những bộ phim mà tôi ấn tượng nhất. Suốt từ đầu đến cuối, hai nhân vật chính ngồi trên xe taxi, hình thành một sự chuyển đổng tự nhiên cho bộ phim. Những điềm dừng là khi hai nhân vật chính trao đổi với nhau bằng các câu thoại giàu tính biểu tượng – nhiều khả năng đã được biên kịch vuốt ve kĩ lưỡng, và những khung cảnh hành động nơi nhân vật sát thủ thể hiện kỹ nghệ siêu việt cùng tài quan sát tỉ mỉ. Khung sườn tương phản của bộ phim đã quá tuyệt vời rồi, biên kịch còn thêm vào đó hai đoạn hài hước sâu cay, sát thủ đi gặp mẹ lái xe taxi còn lái xe taxi lại đi gặp người ký hợp đồng với tay sát thủ. Nhạc phim rất sướng tai. Vai diễn xuất sắc nhất của Tom Cruise trong sự nghiệp. Tôi từng quan niệm đây là một bộ phim hoàn hảo, chỉ trừ đoạn kết. Có cố gắng thế nào, tôi vẫn không thể tiêu hóa được cảnh một lái xe taxi có thể đấu súng thắng một sát thủ chuyên nghiệp.
Lần xem mới nhất cũng không khá hơn. Tôi còn phát hiện ra sự gượng ép khi nhà làm phim cố nhét hình ảnh tàu điện ngầm vào cuối phim. Bực tức, tôi định lên youtube làm hẳn comment 1000 chữ chửi từ đạo diễn tới quay phim. Đang nghĩ xem viết tiếng Anh thế nào cho đúng ngữ pháp, tôi chợt ngó lên comment được nhiều người bấm like nhất, có thằng cha giải thích cảnh cuối như thế này: “Các bạn hãy để ý cánh cửa tàu điện ngầm đi. Có ba vết đạn ở đấy. Hai vết dưới thân ngực và một vết ở trên đầu. Vincent đã bắn theo kĩ nghệ được tập luyện lâu năm của mình chứ không phải tự nhiên mà Max thắng được”.
Tôi giở ngay đoạn cuối phim ra xem lại. Đúng thế thật. Tôi xem phim đến năm lần mà không thấy được chi tiết đó. Tôi sững người vì mình ngu đã đành, mà còn vì ý định thể hiện sự ngu si đầy phẫn uất của mình lên youtube. Đã thế, câu cuối cùng của Vincent còn là “Think anybody will notice?”. Nó thực sự làm tôi sởn hết gai ốc.
Tởm. Bộ phim này quá tởm. Tởm, ở đây, ý tôi là xuất sắc đến ghê rợn.
Thời gian còn lại của quỹ ngày nghỉ, tôi quyết định đọc lại một manga cũng cũ rồi – Old Boy. Tổng quan mà nói, theo “khẩu vị” cá nhân, thì manga này cũng chỉ trên trung bình thôi. Nhưng tác giả có lát cắt phân tích tâm lý quá kinh điển, rằng đừng nghĩ chỉ những tổn thương to lớn mới là thứ gây hại. Với những con người nhạy cảm và phức tạp, những tổn tương nhỏ đôi khi mới là thứ hủy diệt. Bởi vì họ nhạy cảm, nên ngay cả những tổn thương nhỏ cũng làm họ đau đớn. Bởi vì họ phức tạp, nên họ có thể dễ dàng dùng lý trí để lừa gạt những người xung quanh, tệ hơn là lừa cả chính họ, rằng mấy thứ như thế nhỏ ý mà, rằng họ sẽ vượt qua nó dễ dàng ý mà, đến lúc thành thật nhận ra thì những tổn thương nhỏ đó đã xói mòn hết tâm trí họ. Đoạn hội thoại cuối truyện của hai nhân vật chính hay đến lạnh xương sống.
Tuy nhiên, các nhà làm phim không hiểu, hoặc cố tình không thèm hiểu. Khi chuyển tác bộ manga này lên màn ảnh, đạo diễn với biên kịch đua nhau thêm thắt – một cách thực sự vớ vẩn – tình huống việc trả thù có liên quan đến cái chết của người chị, biến sự phức tạp tâm lý mà mangaka có gắng xây dựng thành một điều nhạt thếch. Đi xa nhất là một vị đạo diễn Hàn Quốc nào đó, phải cố gắng nhét bằng được chi tiết loạn luân vào câu chuyện. Những nhà bình luận phim trứ danh ở liên hoan Cannes, dĩ nhiên không bao giờ thèm đọc một truyện tranh Nhật Bản, đua nhau ca ngơi bộ phim bằng các mỹ từ lung linh, chấm điểm 5/5 rồi cho vào danh sách 100 phim hay nhất năm XXX. Trên vài trang xem manga online còn có những comment thể hiện sự không biết đọc của mình bằng cách khoe manga này có loạn luân hay lắm đấy.
Tởm. Đôi khi tôi thấy thế giới thật quá tởm. Tởm, ở đây, ý tôi là ghê tởm và kinh tởm.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét