Tôi vẫn phải sửng sốt mỗi khi đọc vài dòng xỉa xói nào đó của một gã đàn ông dành cho phụ nữ. Phụ nữ xỉa xói đàn ông thì tôi hiểu, thực ra thì vẫn không hiểu, nhưng tôi có thể coi đó là một đặc tính của phụ nữ – một loài sinh vật mà tôi không hiểu chút gì. Nhưng đàn ông? Có thể tôi cũng không hiểu gì về đàn ông. (Thông thường, một người có thành công giỏi giang sẽ không bảo đàn ông ai cũng thế, về cơ bản, giỏi giang là chuyện của cá nhân tôi, đám đàn ông còn lại đều là lũ bất tài. Nhưng một người đi chơi gái lung tung thì sẽ bảo đàn ông ai cũng thế, về cơ bản, đó không phải lỗi của cá nhân tôi, chả may tôi sinh ra là đàn ông thôi) Tôi cứ ngỡ cái trò chia phe con trai – con gái chỉ có học sinh tiểu học mới làm thôi chứ, đến cấp hai tuổi dậy thì, các bạn phải biết yêu nhau rồi chứ, mà không yêu cô-anh này thì yêu cô-anh khác, sao cứ phải cay cú với nhau thế? Phong trào nữ quyền mượn việc công kích đàn ông để tranh thủ đòi hỏi tiền bạc, địa vị và công danh cho cá nhân thì rõ rồi, nhưng sao đàn ông, vốn đã có nhiều tiền và quyền lực hơn, lại đi công kích phụ nữ?
À khoan, không phải đàn ông nào cũng giàu có và quyền lực, kể cả những người vốn được thiên hạ đồn đại là vĩ đại về mặt trí tuệ.
Những người được thiên hạ đồn đại là vĩ đại về mặt trí tuệ thường viết rất nhiều. Nhưng vài thứ hay ho nhất trong đống ngồn ngộn đó nhiều khi lại là vài thứ được bàn tán ít nhất. Còn những câu rất dở hơi thì lại được đông đảo quần chúng nhân dân trích dẫn và tranh luận mãnh liệt. Một người hiểu biết, nếu chả may đọc phải một câu nào đó, do một người được thiên hạ đồn đại là vĩ đại về mặt trí tuệ viết ra, không đúng đắn cho lắm, thì sẽ bỏ qua, ai lải nhải nhiều quá chả có lúc nhầm. Nhưng đám ngớ ngẩn thì không, vớ được một câu nào đó, do một người được thiên hạ đồn đại là vĩ đại về mặt trí tuệ viết ra, mà hợp ý chúng nó, nghĩa là ngớ ngẩn, vì chỉ có thứ ngớ ngẩn mới khiến bọn ngớ ngẩn hợp ý (còn thứ không hợp ý với bọn ngớ ngẩn, nghĩa là mấy điều khôn ngoan sáng suốt, bọn nó sẽ cho rằng ai lải nhải nhiều quá chả có lúc nhầm), ngay lập tức chộp lấy, thi thoảng lôi ra trích dẫn, rồi từ đó viết hươu viết vượn, lấy làm tâm đắc lắm, có đứa còn lồng vào ảnh đưa lên mạng xã hội, lồng vào status có trạng thái công khai, để khoe với thiên hạ là một người nổi tiếng có thể ngu đến thế nào.
Tất nhiên, con người có thể thay vì lên internet đọc miễn phí mọi tiểu thuyết của Leo Tolstoy chả hạn, lại lên internet đọc từ status vớ vẩn này đến status vớ vẩn khác, có gì khôi hài mà họ không làm được đâu?
Một điều khôi hài hơn, nhiều độc giả vô cùng háo hức cứ muốn phỏng vấn tác giả mình yêu thích. Thậm chí có người còn đè tác giả ra hỏi ngấu nghiến tại sao lại viết thế này, tại sao lại viết thế kia, và có tác giả lố bịch đến nỗi đi trả lời thật. Về cơ bản, cái gì không thể nói rõ ràng ra được qua vài ba câu phỏng vấn thì mới nên viết thành sách. Về cơ bản, viết là một quá trình dài hơi, nơi tác giả quyết tâm lọc bớt sự ngu si và dối trá của mình để tạo ra một tác phẩm có giá trị, còn phỏng vấn, nhất là những cuộc phỏng vấn bất ngờ không được chuẩn bị trước, là một môi trường quá thích hợp để cả người hỏi lẫn người trả lời bộc lộ sự ngu si và dối trá của bản thân. Biết con người ngoài đời của tác giả mình yêu thích đôi khi là một vụ việc cay đắng. Tôi sợ hãi và nhút nhát đến mức mỗi khi nhìn thấy tên người được phỏng vấn là một tác giả nào đó mà tôi mến mộ, tôi sẽ không bao giờ xem. Ngược lại, nếu là một tác giả tôi không mê tham gia cuộc phỏng vấn, tôi sẽ đọc bằng hết để ve vuốt bản thân mình: không đọc sách lão (bà) ta viết ra là một điều không thể chính xác hơn.
Đi kèm với phong trào đọc sách là phong trào viết sách. Tội lỗi lớn nhất của phong trào đọc sách là nó làm nảy sinh ra phong trào viết sách. Về cơ bản (vâng, lại về cơ bản, một lần nữa), nếu không có người đọc, số lượng người viết nói chung sẽ giảm đi quá nữa, và số lượng người chỉ chăm chăm viết ra những thứ dối trá nói riêng sẽ giảm đi gần hết. Tất nhiên, vẫn có những người viết ra những thứ đần độn, và có cả những ngưới viết ra những thứ dối trá, nhưng họ không chăm chăm, nghĩa là không chủ động, nghĩa là sự dối trá của họ nảy sinh ra từ việc tự mình lừa chính mình, chứ không phải sự dối trá nảy sinh ra từ việc cố tình lừa người khác. Tội lỗi lớn nhất của phòng trào viết sách là nó làm lãng phí thời gian (của cả người viết lẫn người đọc) và tài nguyên rừng. Với sự phát triển của máy tính và sách ảo, sự lãng phí tài nguyên rừng may mắn được giảm đi thì sự lãng phí thời gian lại tăng lên. Như cá nhân tôi chả hạn, đáng lẽ dịp Tết phải đi làm mấy việc lớn lao có ích cho xã hội như bóp vai đấm lưng cho mẹ, lại ngu si ngồi viết mấy dòng này.
Quên, chúc mừng năm mới cho ai dở hơi đi đọc mấy thứ lảm nhảm tôi đã, đang và sẽ viết ra.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét