Tất cả thanh niên có đầu óc và nhiệt huyết đều nên quan tâm đến chính trị.
Và nhất là, phải tham gia thường xuyên vào những cuộc tranh luận hăng say, đang diễn ra hàng ngày trên internet. Tôi nhớ đến vấn đề Triều Tiên, một anh nào đó đến thăm Bắc Triều Tiên dăm bữa nửa tháng, viết một bài đầy xúc động, rằng cuộc sống của dân Bắc Triều Tiên thanh bình êm ả lắm, khác xa mô phỏng của phương Tây. Và sau đó là màn lý luận kịch liệt giữa hai phe, tiêu biểu có các ý kiến đại loại như: “Tôi đã đi bốn mươi nước”, “Chúng mày đã đọc nghiên cứu xã hội của giáo sư ABC ở viện XYZ chưa?”, “Chúng mày không biết tội ác của người phương Tây à?”… Một bầu không khí hừng hực được tạo ra, chả kém như khi người ta đua nhau tâng bốc lẫn mạt sát một cuốn sách nào đó của một chị nào đó đã đi qua dăm chục nước nào đó chừng vài năm nào đó trước đây.
Dĩ nhiên, tôi hiểu tại sao người dân lại cuồng nhiệt đến thế trước các tác phẩm thuộc thể loại du ký. Chúng ta từng nghèo về cả tiền lẫn kiến thức, thành ra bất cứ ai đi được Tây bỗng nhiên trở thành một người uyên bác thành đạt. Câu chuyện đó kéo dài tới tận thời điểm hiện tại và nhanh chóng trở nên lố bịch. Các bài viết du ký thay vì miêu tả lại những trải nghiệm chân thực và có phần dễ thương trên con đường khám phá nhiều điều chưa biết như ông Hai Lúa ra đô thị, thì nay trở thành nơi biểu diễn những kiến thức choang choang – dường như bất cứ ai đi đến đâu đều cố kiếm một thứ gì đó sâu sắc. Kiểu tôi đã đến dòng sông Hằng, chìm đắm trong những triết lý của đạo Phật, suy tưởng về cuộc sống hiện tại của người dân Ấn Độ. Hay tôi đã đến Tử Cẩm Thành, hoài niệm về cuộc đời của Khang Hy đại đế, cảm phục truyền thống ngàn năm của người dân Trung Quốc. Hoặc tôi đã đến Hà Nội, vào Văn Miếu xoa đầu rùa, tựa chân cầu Thê Húc ngâm thơ Nguyễn Du, ngẫm nghĩ về tương lai của dân tộc Việt.
Thế nên, cũng không khó hiểu khi nhiều người Nhật xem phim Lost in Translation lại có cảm giác bực bội trong lòng. Không phải tại phim dở, ngược lại mới đúng, bộ phim rất thành công trong việc lột tả toàn bộ quá trình tọc mạch của một gã người Mỹ mới sang Nhật. Giống như mấy chuyện tọc mạch cá nhân: bạn sắp kết hôn chưa, lương tháng bạn bao nhiêu, hai vợ chồng bạn lấy nhau sao mãi chưa đẻ con thế; chuyện tọc mạch của dân du lịch cũng không hơn là bao. Tôi đến nước Nhật để xem đám cưới truyền thống của họ ra sao; tôi đến nước Nhật để xem họ ăn sushi bằng tay hay bằng đũa; tôi đến nước Nhật để xem tàu điện ngầm mỗi sáng của họ chở lợn hay chở người. Cuối cùng, tổng kết chuyến đi, bọn soi mói sẽ tổng hợp thành những lý thuyết hoàn toàn ngớ ngẩn và vớ vẩn: người Nhật thế nọ người Nhật thế chai, con đó không cưới được chồng vì kén quá mà, thằng kia xấu thế bao giờ mới lấy được vợ.
Có đoạn nào trong phim Lost in Translation thoát ra khỏi sự tọc mạch khó chịu đó không? Có, đoạn cuối phim, khi nhân vật chính ngồi một mình trong chiếc xe buýt trên đường ra sân bay về nước, nhìn ánh đèn phản chiếu lập loè trên bảng hiệu trong trời nhập nhoạng tối. Một gã không còn tình yêu trong hôn nhân, lạc lõng giữa đất nước xa lạ, chỉ còn biết tọc mạch để sống qua ngày; tọc mạch vào lối sống của người bản xứ, tọc mạch vào mối tình kỳ quặc với cô gái nhỏ hơn mình hai mươi tuối; cuối cùng, khi quay lại thực tại, bỏ qua mọi thứ tọc mạch, nhận ra chân thực nỗi cô đơn của mình cũng như nỗi buồn của thành phố mình đang ghé. Một kịch bản được phát triển trọn vẹn. Tôi không có gì phàn nàn về giải Oscar mà nó giành được.
Vậy tọc mạch có tốt không? Quá tốt. Chỉ cần chúng ta biết tọc mạch một cách lịch sự – phân biệt được tọc mạch nào làm đối tác thấy vui, và tọc mạch nào làm đối tác thấy phiền. Người ta mua cái áo mới đẹp mà không ai tọc mạch thì cũng buồn lắm. Làm dịch vụ du lịch mà không khai thác được sự tọc mạch của khách thăm quan thì khó kiếm được tiền. Có bọn vô đạo đức đến mức đã được tọc mạch dân bản xứ như xem khỉ trong vườn thú lại còn không chịu móc hầu bao. Tuy vậy, với đám cuồng nhiệt thói tọc mạch có khi chúng lại ngưỡng mộ: các anh/chị ấy tọc mạch khắp nơi thành công mà chả mất xu nào, giỏi thế chứ lị. Một số người sẵn sàng làm khỉ miễn phí, à nhầm, sẵn sàng giao tiếp với Tây bụi đời để cải thiện khả năng tiếng Anh, hướng tới ngôi vị công dân toàn cầu, khoe khoang với chúng nó: dân Việt Nam bọn tao ăn thịt chó mắm tôm đấy, chúng mày có ăn được không?
Nếu ngưng thói tọc mạch thì sao? Bạn chỉ cần ngưng thói tọc mạch vài phút thôi, bạn sẽ hiểu ra, số thứ với số người mình thực sự quan tâm trên đời này ít tới thế nào. Đằng sau là cả một nỗi cô đơn lớn lao (chứ không phải nỗi cô đơn kiểu mãi không có ai yêu). Đi sâu vào nỗi cô đơn đó, nếu bạn chưa thành chính quả, bạn rất dễ gặp quỷ. Có thể là con quỷ dục vọng đang thiêu đốt tâm can bạn, có thể là con quỷ trống rỗng đang gặm mòn tâm can bạn. Lúc này điều bạn nên làm duy nhất là chạy, chạy thật nhanh như Munsu; hãy tọc mạch như chưa bao giờ từng tọc mạch, nhắn tin hỏi thằng bạn mười năm chưa gặp là lấy vợ chưa – lấy rồi thì gửi cho tao ảnh vợ mày để, ờ, cùng nhau ngắm nhé; đừng bước về phía quỷ như Hae Mo Su, nếu không, không có ai trên đời này cứu nổi bạn đâu – hoặc tệ hơn, không có ai trên đời này được cứu khỏi bạn đâu.
(Giờ bạn đã hiểu được toàn bộ truyện Shin Angyō Onshi chưa? Có cần tôi giải thích thêm không?)
Tóm lại, gặp quỷ giúp ích gì cho bạn? Chỉ giúp bạn hiểu ra được mấy thứ vớ vẩn thôi, như hiểu tại sao trên đời có người tốt đến mức dường như không cần gì đáp lại, hiểu tại sao trên đời có đứa bệnh hoạn đến mức dường như không có gì giới hạn, hiểu một cuốn tiểu thuyết mà trước đây bạn ngỡ cả đời mình sẽ không hiểu được.
Tốt nhất không gặp quỷ thì vẫn hơn. Không có niềm vui và hạnh phúc nào nảy sinh từ việc đó đâu.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét