Chủ nghĩa xê dịch


Năm 2009, tôi thu thập toàn bộ tài sản của mình, bán chúng đi hoặc đưa đi lưu kho, rời khỏi căn hộ của tôi, và bay tới Nam Mỹ. Vào thời điểm đó trang blog nho nhỏ tư vấn về tình yêu đôi lứa của tôi thu hút được một lượng người xem kha khá và tôi đã kiếm được một số tiền khiêm tốn nhờ vào việc bán sách bản PDF và các khóa học trực tuyến. Tôi lên kế hoạch dành toàn bộ mấy năm tiếp theo sống ở nước ngoài, trải nghiệm những nền văn hóa mới, và tận dụng lợi thế của mức sống thấp hơn ở những quốc gia đang phát triển như châu Á và châu Mỹ La Tinh để tiếp tục phát triển việc kinh doanh. Đấy là một giấc mơ du cư thời đại số và với một kẻ-tìm-kiếm-sự-phiêu-lưu-hai-mươi-nhăm-tuổi, đó chính xác là những gì tôi mong muốn trong cuộc sống này.
Nhưng dù cái kế hoạch của tôi có hấp dẫn và quả cảm ra sao, không phải tất cả những giá trị thúc đẩy tôi tới lối sống du mục kiểu này đều lành mạnh cả. Dĩ nhiên, tôi cũng có duy trì được một vài những giá trị tốt đẹp — niềm khao khát được ngắm nhìn thế giới, sự ham hiểu biết về con người và nền văn hóa, lòng tìm kiếm sự mạo hiểm theo đúng tinh thần truyền thống. Nhưng vẫn còn đó những điều đáng xấu hổ ẩn dưới tất cả những thứ khác. Vào lúc ấy tôi khó lòng nhìn ra được điều đó, nhưng nếu như tôi hoàn toàn thành thật với bản thân, tôi sẽ thấy có một giá trị rất dở bị che giấu, ở đâu đó bên dưới bề mặt. Tôi không thể nhìn ra điều đó, nhưng trong những thời điểm tĩnh lặng khi tôi hoàn toàn thành thật với bản thân mình, tôi có thể cảm nhận được nó.
Đi cùng với việc tự tự cho mình đặc quyền trong suốt những năm hai mươi tuổi của tôi, “ca chấn thương thật c*t” của thời niên thiếu đã để lại cho tôi một mớ những vấn đề về sự cam kết. Tôi đã dành ra vài năm cố gắng bù lại quá đà cho việc không thể thích nghi và chứng sợ xã hội của những năm thiếu thời, và kết quả là tôi cảm thấy như mình có thể gặp được bất kỳ ai mà tôi muốn, kết bạn với bất kỳ ai mà tôi muốn, yêu bất kỳ ai mà tôi muốn, ngủ với bất kỳ ai mà tôi muốn — vậy thì tại sao tôi lại phải gắn bó với một người duy nhất, hay một nhóm xã hội duy nhất, hay là một thành phố duy nhất hoặc một đất nước duy nhất hoặc nền văn hóa duy nhất? Nếu như tôi có thể trải nghiệm mọi thứ ngang nhau, vậy thì tôi nên trải nghiệm tất cả những thứ ấy như nhau, đúng không?
Được trang bị với thứ cảm giác vĩ đại về sự liên kết với thế giới này, tôi nhảy tới nhảy lui giữa các quốc gia và đại dương trong trò chơi ô ăn quan thế giới suốt năm năm trời. Tôi đặt chân tới năm mươi lăm quốc gia, kết bạn với hàng đống người, và rơi vào vòng tay của vô số người tình — tất cả bọn họ đều nhanh chóng bị thay thế và một vài trong số đó thì bị lãng quên ngay trong chuyến bay kế tiếp tới đất nước kế tiếp.
Đó là một cuộc sống kỳ lạ, đầy những trải nghiệm diệu kỳ, mở rộng tầm mắt và cũng vô cùng hời hợt được kiến tạo ra để làm tê liệt nỗi đau bị che giấu trong tôi. Hồi ấy nó dường như vừa sâu sắc mà lại vừa vô nghĩa, và đến giờ vẫn vậy. Một trong những bài học vĩ đại nhất trong cuộc đời tôi và cả những thời khắc hình thành nhân cách nữa đã diễn ra trong khoảng thời gian này. Nhưng một trong những sự phí hoài lớn nhất về thời gian và sinh lực của đời tôi cũng sinh ra từ đó.
Hiện tôi đang sống ở New York. Tôi có một căn hộ và đồ đạc nội thất và cái hóa đơn tiền điện phải trả và một người vợ. Chẳng có gì trong số đó là quyến rũ hay hấp dẫn cả. Và tôi thích mọi việc vận hành như thế. Bởi vì sau tất cả từng ấy năm sống đầy hứng khởi, bài học lớn nhất mà tôi thu được từ những chuyến phiêu lưu chính là: tự do tuyệt đối, tự thân nó, không có nghĩa lý gì hết.
Tự do mang đến cơ hội cho những ý nghĩa lớn hơn, nhưng bản thân nó thì không nhất thiết phải có nghĩa. Rốt cuộc, cách duy nhất để có được ý nghĩa và cảm giác về tầm quan trọng trong cuộc đời một người là thông qua một sự loại bỏ bớt các khả năng, một sự thu hẹp của tự do, một lựa chọn gắn kết với một nơi chốn, một niềm tin, hay (nuốt khan) một con người.
Sự nhận thức này dần dần đến được với tôi trong những năm tháng tôi đi đó đi đây. Cũng như hầu hết những sự thừa thãi khác trong đời sống, bạn cần phải đắm chìm vào trong đó để rồi nhận ra chúng không khiến cho bạn hạnh phúc. Đối với tôi việc xê dịch chính là như vậy đấy. Khi mà tôi đắm mình vào đất nước thứ năm mươi ba, năm mươi tư, năm nươi lăm, tôi bắt đầu hiểu ra rằng trong khi toàn bộ những trải nghiệm của tôi thật là thú vị và tuyệt vời, chỉ rất ít trong số chúng mới thực sự có ý nghĩa dài lâu. Trong lúc bạn bè tôi ở nhà đã ổn định cuộc sống với hôn nhân, mua nhà, và đầu tư thời gian của họ cho những công ty thú vị hay mục tiêu chính trị, thì tôi vẫn loạng choạng từ cơn hưng phấn này sang cơn hưng phấn khác.
Năm 2011, tôi đặt chân tới Saint Petersburg, ngước Nga. Thức ăn ở đó dở tệ. Thời tiết thì kinh khủng. (Tuyết rơi vào tháng 5 á? Bạn đang đùa tôi cái ‘beep’ đấy à?) Cái căn hộ nơi tôi ở cũng tệ không kém. Chẳng có cái quái gì ra hồn cả. Giá cả của mọi thứ thì như cắt cổ con nhà người ta. Và dân bản địa thì thô lỗ mà lại còn bốc mùi ngộ lắm. Chẳng ai biết cười và tất cả đều uống như hũ chìm. Vâng, tôi mê chốn này lắm. Đó là một trong những chuyến đi yêu thích của tôi.
Nước Nga có một thứ văn hóa thẳng thắn dễ làm phiền lòng những người Tây phương. Ở đấy không có cái kiểu tử tế giả tạo và một mớ những ngôn từ lịch sự. Bạn không cười với người lạ hay vờ vịt thích thú những điều mà thực ra bạn không hề thấy thế. Trên đất Nga, nếu có thứ gì đó thật ngu ngốc, thì bạn sẽ nói rằng nó ngu vãi. Nếu ai đó cư xử không ra gì, thì bạn sẽ bảo với hắn rằng hắn là một thằng khốn. Nếu như bạn thực lòng thích một ai đó và hai bạn có với nhau một buổi tối vui vẻ, thì bạn sẽ bảo với cô ấy rằng bạn thích cô ấy và tối nay thật là vui. Chẳng hề gì nếu đó là một người bạn, một người lạ, hay một ai đó mà bạn mới vừa gặp trên phố vào năm phút trước.    
Tuần đầu tiên tôi phát hiện ra toàn bộ điều này cũng chẳng dễ chịu gì. Tôi có hẹn cà phê cà pháo với một cô nàng người Nga, và trong vòng ba phút kể từ khi mới ngồi xuống cô ấy nhìn tôi lạ lắm và bảo với tôi rằng những lời tôi nó thật là ngu. Tôi gần như là sặc cả thứ nước mình đang uống. Không hề có ý gây hấn gì trong lời nói của cô ấy; nó được nói ra như thể đó là một việc rất thông thường — như là tình hình thời tiết vào ngày hôm đó, hay cỡ giày của cô ấy vậy — cơ mà tôi vẫn sốc. Rốt cuộc, ở phương Tây sự bộc trực như thế được xem như là cố tình gây sự, đặc biệt là từ một người mà bạn vừa mới gặp. Nhưng ở đây ai cũng cư xử như vậy hết. Mọi người đều thô lỗ trong mọi thời điểm, và kết quả là, cái tâm hồn được nuôi dưỡng bên trời Tây của tôi cảm thấy như thể chịu tấn công từ mọi phía. Sự bất an dai dẳng triền miên bắt đầu nổi lên trên bề mặt trong những tình huống mà chúng chưa hề tồn tại trong nhiều năm.
Nhưng rồi nhiều tuần lễ trôi qua, tôi bắt đầu quen dần với sự thẳng thắn của người Nga, cũng như là những buổi hoàng hôn lúc nửa đêm[1] và rượu vodka trôi xuống bụng như là nước đá. Và rồi tôi bắt đầu cảm kích nó vì bản chất thực sự của nó: sự bộc lộ thuần khiết. Sự chân thật trong ý nghĩa đúng đắn nhất của ngôn từ. Sự giao tiếp mà không cần đến các điều kiện, không ràng buộc, không động cơ, không vì mục đích bán hàng, không vì để được yêu thích.  
Vì một lý do nào đó, sau nhiều năm chu du, đấy có lẽ là nơi chốn không-hề-Mỹ nhất mà lần đầu tiên tôi được nếm trải hương vị của tự do: cái khả năng nói ra bất kỳ điều gì mà tôi nghĩ hay cảm thấy, mà không hề cảm thấy sợ hãi về hậu quả. Đó là một hình thái lạ kỳ của sự tự dothông qua việc chấp nhận sự cự tuyệt. Là người luôn thèm khát cái thể loại bày tỏ thẳng thắn như thế này trong phần lớn cuộc đời mình — đầu tiên là bởi sự dồn nén cảm xúc trong gia đình, rồi sau này là bởi sự phô bày giả tạo về sự tự tin được sắp đặt dàn dựng một cách tỉ mỉ — tôi đắm chìm trong nó như thể, ồ, như thể đó là thứ rượu vodka ngon lành nhất mà tôi từng được nếm. Một tháng tôi ở Saint Petersburg trôi qua trong nháy mắt, và đến cuối thì tôi thật chẳng muốn rời đi.
Xê dịch có thể là một công cụ phát triển bản thân tuyệt vời, bởi vì nó giải thoát bạn khỏi hệ giá trị của nền văn hóa mà bạn đang sống và chỉ cho bạn thấy rằng xã hội khác có thể sống với những giá trị hoàn toàn khác biệt mà vẫn vận hành tốt và không hề chán ghét bản thân nó vì thế. Sự tiếp xúc với những giá trị và thước đo văn hóa hoàn toàn khác biệt ấy buộc bạn phải kiểm tra lại những gì có vẻ như là hiển nhiên trong cuộc đời bạn và nghĩ lại rằng có lẽ đó không nhất thiết phải là cách tốt nhất để sống đời sống này. Trong trường hợp này, nước Nga đã buộc tôi phải xem xét lại cái lối giao tiếp nhảm nhí, giả vờ tử tế đã quá đỗi phổ biến trong nền văn hóa Ăng-lê, và tự đặt ra cho mình câu hỏi rằng liệu có phải điều này theo một cách nào đó đã khiến cho chúng ta cảm thấy bất an về nhau và khiến cho việc xích lại gần nhau trở nên thật gian nan.
Tôi nhớ rằng mình từng bàn luận về cái sự đối lập này với ông giáo người Nga của tôi vào một ngày nọ, và ông ấy đã đưa ra một lập luận rất thú vị. Đã sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa qua nhiều thế hệ, với việc gần như không có được cơ hội kinh tế và bị giam cầm trong một nền văn hóa của sự sợ hãi, xã hội Nga nhận thấy thứ tiền tệ có giá trị nhất là lòng tin. Và để xây dựng được lòng tin thì bạn cần phải trung thực. Điều này có nghĩa là khi mà sự việc không được hay ho cho lắm, bạn cứ việc trình bày thẳng thắn và không cần phải ngại bố con thằng nào. Những người mà bày tỏ sự thật mất lòng có thể sẽ được tưởng thưởng như là một bằng chứng đơn giản cho việc họ vô cùng quan trọng cho việc sống còn — bạn cần phải biết ai xứng đáng để mình trông cậy vào hoặc là không, và bạn cần phải nhận biết điều này thật nhanh.
Nhưng, trong thế giới phương Tây “tự do,” thầy giáo người Nga của tôi tiếp tục, có vô số cơ hội kinh tế — quá nhiều các cơ hội về kinh tế là đằng khác, thành ra sẽ giá trị hơn nhiều khi thể hiện bản thân bạn theo một cách thức nhất định, dù là giả dối đi chăng nữa, còn hơn là thành thành thật thật. Lòng tin đã mất đi giá trị của nó. Vẻ bề ngoài và nghệ thuật bán hàng trở thành hình thái diễn đạt mang lại lợi thế hơn. Việc quen biết hời hợt nhiều người thì có lợi hơn so với việc thân thiết với chỉ một số ít người. 
Vì lẽ đó mà nó trở thành quy chuẩn trong nền văn hóa phương Tây khi mỉm cười và nói những điều lịch sự ngay cả khi bạn không cảm thấy như vậy, khi sử dụng những lời nói dối nho nhỏ vô hại và đồng ý với người khác dù thực ra bạn thấy bất đồng quan điểm. Vì lẽ đó mà con người ta lại học cách để giả vờ làm bạn bè với những người mà họ không thực sự yêu quý, mua những thứ mà họ không thật sự cần. Hệ thống kinh tế của chúng ta đang xúc tiến cho cái sự dối trá này.
Mặt tiêu cực của điều này nằm ở chỗ, bạn không bao giờ biết, trong xã hội phương Tây, rằng liệu bạn có thể hoàn toàn tin tưởng người đang nói chuyện cùng mình hay không. Đôi khi đây là vấn nạn xảy ra ngay cả giữa vòng bạn bè thân thiết và các thành viên gia đình. Cái sức ép rằng cần phải được yêu thích ở xã hội phương Tây khiến mọi người thường ngụy trang cá tính chân thật của họ tùy thuộc vào việc người đang đối diện với họ là ai.
[1] mặt trời xuất hiện lúc nửa đêm (midnight sun) là hiện tượng mặt trời không bao giờ lặn vào mùa hè tại Bắc cực. Khi ấy, hoàng hôn và bình minh cùng kết hợp tạo thành một chương trình biểu diễn màu sắc và ánh sáng tuyệt vời, kéo dài từ 8 đến 12 giờ đồng hồ. Ánh sáng trở nên lung linh và huyền ảo nhất vào lúc này, khi mặt trời hầu như không xuống quá thấp dưới đường chân trời và rồi mọc trở lại.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ thường xuất hiện hiện tượng thiên nhiên này: Canada (Yukon, các vùng đất nằm ở phía tây bắc, và Nunavut), Greenland, Iceland, Phần Lan, Na Uy, Nga, Thuy Điển và Mỹ (Alaska).
Người ta thường dùng cụm từ ‘midnight sun’ nhưng nguyên gốc của cuốn này lại dùng từ ‘midnight sunset,’ phải chăng bạn Mark muốn ám chỉ các cuộc nhậu thâu đêm?

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét