Tâm sự đáng suy ngẫm của cử nhân luật


Còn nhớ trong cuộc phỏng vấn vào trường luật, 2 bác giáo sư đã hỏi tôi về vấn đề sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Tôi trả lời rằng ở Việt Nam, không nhiều người quan tâm lắm đến sở hữu trí tuệ. Bằng chứng là, những cửa hàng băng đĩa lậu lúc nào cũng đông khách, còn các cửa hàng thời trang thì nhan nhản bán hàng “fake”, nhiều chị bán hàng thậm chí còn nhiệt tình giới thiệu đây là “fake” loại 1, kia là “fake” loại 2 etc. Hai bác mới hỏi tiếp, cháu nghĩ như vậy là tốt hay xấu? Tôi đáp, là tốt hay xấu cũng còn tuỳ là mình đang nói từ cái nhìn của ai. Đối với người tiêu dùng thì Việt Nam là thiên đường, đối với chủ sở hữu trí tuệ thì Việt Nam lại là địa ngục. Còn đối với cơ quan chức năng nhà nước thì… Tôi dừng lại 1 lúc, làm ra vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Thế là 2 bác giáo sư hỏi ngay, vẻ mặt hứng thú: “Thì sao hả cháu??” Tôi đáp: “Chắc là cơ quan nhà nước đau đầu lắm ạ, vì họ không biết nên đứng về phía ai cả!” Nghe đến đây, hai bác bật cười, bảo, cháu cũng hóm hỉnh quá nhỉ!

Sau này vào học luật rồi, nghĩ lại hồi xưa nếu không trả lời câu hỏi đó từ 3 góc nhìn như vậy thì chưa hẳn tôi đã qua được vòng phỏng vấn. Trong suốt 4 năm đại học, hầu như bất cứ giáo sư nào tôi học qua cũng điều nhấn mạnh rằng trong luật kị nhất là cái nhìn phiến diện, rằng để làm một luật sư giỏi cần phải học được cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía khác nhau. Vậy nên, cứ mỗi lần chuẩn bị cho một phiên toà giả, có 3 bài tập tôi luôn luôn làm: một là chuẩn bị những gì lên toà tôi sẽ nói, hai là đoán xem đối phương sẽ phản biện như thế nào (để chuẩn bị counter-phản biện), và ba là nghĩ xem quan toà (i.e. giáo sư) sẽ hỏi gì về luận cứ của tôi (để chuẩn bị sẵn câu trả lời). Trong 3 bài tập này, tôi thích nhất là bài số 2. Đặt mình vào vị trí của đối phương giúp tôi nhìn ra được những điểm yếu trong lý luận của chính mình để từ đó có thể khắc phục, đồng thời cũng giúp tôi thấy trước được những sơ hở trong lý luận mà đối phương có thể mắc phải để chuẩn bị sẵn “đòn tấn công”. Bài tập này hữu dụng là vậy, nhưng dùng nhiều quá có lẽ cũng không tốt. Nhiều lúc tôi nghĩ, người ta đặt mình vào vị trí của người khác để mà cảm thông và chia sẻ với nhau, còn luật sư chúng tôi làm như vậy để chặn họng đối phương và bảo vệ chính mình. Có phải vì vậy mà luật sư thường hay bị ghét?

Hồi mới chân ướt chân ráo vào luật, tôi được một anh khoá trên kể cho nghe cái joke thế này. Vào một ngày đẹp trời, bạn A hỏi bạn B, nếu đi trên đường gặp 1 con rắn độc và 1 thằng luật sư thì cậu sẽ giết ai trước? Bạn B trả lời không ngần ngại rằng, giết thằng luật sư trước, còn rắn độc tính sau! Câu chuyện này mới nghe qua thì thấy buồn cười, nhưng càng nghĩ lại càng thấy thâm thuý. Thực ra, bây giờ nếu bạn google “lawyer joke”, sẽ có tầm 3,7 triệu kết quả được hiển thị trong vòng chưa đến 0,30 giây, vô vàn trong số đó là những jokes đá xoáy luật sư. Ví dụ, “Hỏi: Điểm giống nhau giữa khủng long và luật sư tốt là gì? Đáp: Cả hai điều đã tuyệt chủng.” “Hỏi: Điểm khác nhau giữa con đĩa và luật sư là gì? Đáp: Đĩa thôi hút máu khi người đã chết.” “Hỏi: Có tất cả bao nhiêu jokes về luật sư? Đáp: Ba. Còn lại đều là sự thật.” Tất nhiên, nghề nào cũng có người tốt kẻ xấu, cũng có việc nên làm và không nên làm. Nhưng không hiểu sao luật sư lại bị chỉ trích đặc biệt nhiều, làm công ăn lương thì bị gọi là quỷ hút máu, còn bào chữa cho kẻ có tội thì bị gọi là nối giáo cho giặc. Nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu bác sĩ cứu sống một kẻ giết người đang hấp hối trên giường bệnh có sẽ bị chỉ trích như luật sư cứu sống một kẻ giết người đang “hấp hối” trước vòng mánh ngựa không?

Còn nhớ cách đây tầm 2 năm, tôi đã có một khoảng thời gian vô cùng khủng hoảng. Lúc đó, tôi lờ mờ nhận ra rằng làm luật sư thực ra không lý tưởng như tôi vẫn thường nghĩ. Nó không đơn giản chỉ là mang lại công lý cho những người không có tiếng nói trong xã hội. Thay vào đó, có quá nhiều thứ tôi sẽ phải đối mặt mặc dù bản thân không hề muốn: xu nịnh, bợ đỡ khách hàng, ngoại giao, chính trị văn phòng, và bào chữa cho những người tôi sẽ không muốn bào chữa. Một lần tăng ca tại một công ty luật nọ mà tôi thực tập, đang lúi cúi gõ văn bản thì ông sếp đi ngang qua, người sặc mùi rượu, hỏi: “Sao giờ mà chưa về hả Phương?” Tôi hỏi lại, “Cháu thấy sếp rời công ty lúc nãy rồi mà, sao giờ quay lại vậy ạ?” Sếp cười, bảo, vừa đi uống rượu với khách hàng về, giờ quay lại công ty xem những đứa tăng ca có đang làm việc thực sự không hay lại đang tám chuyện. Thấy sếp đang ngà ngà say, lại rất cởi mở, tôi hỏi luôn, “Đi ngoại giao với khách hàng mệt không sếp?”. Sếp trả lời, “Mệt chứ. Còn tiêu tốn sức lực hơn cả thức đêm thức hôm làm việc nữa. Gì thì gì chứ mua vui cho người khác là việc tốn nhiều chất xám nhất đấy.” Tôi im lặng một hồi rồi hỏi tiếp, “Sau này nếu lỡ như cháu phải bào chữa cho 1 kẻ giết người thì phải làm sao hả sếp?” Sếp nhìn tôi cười, “Cháu hỏi hệt như chú hồi trẻ. Tội phạm cũng là con người thôi cháu à. Mình không giúp họ chạy tội, chỉ giúp họ được lắng nghe và được xét xử công bằng trước pháp luật thôi, đó gọi là nhân quyền. Như bác sĩ không từ chối bệnh nhân, luật sư cũng không từ chối khách hàng.” Thấy tôi vẫn còn ngẩn người ra suy nghĩ, sếp bảo tiếp, “Cháu đừng lo, sau này đi làm một thời gian tự khắc sẽ bình tâm, lúc đó sẽ nhìn ra được việc gì nên làm, việc gì không nên làm!”

Dạo gần đây, trong tâm trạng thấp thỏm lo âu của một tân cử nhân luật, tôi hay nghĩ về những lời này của sếp. Tôi vẫn chưa thực sự hiểu lắm cái gọi là “bình tâm”. Bốn năm đại học cũng không dạy chúng tôi quá nhiều về đối nhân xử thế, về cách xử lý những mối quan hệ phức tạp và những lời dèm pha mà chúng tôi sẽ gặp phải khi hành nghề. Mà thôi, cũng chẳng sao, chắc mọi chuyện rồi sẽ như sếp nói thôi, đi làm một thời gian rồi sẽ bình tâm, sẽ nhìn ra được mọi chuyện. Vậy nên, cứ làm luật sư trước đã, chuyện khác tính sau, nhỉ? :)

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét