Thước đo giá trị cuộc đời


Việc tự nhận biết bản thân cũng giống như một củ hành. Có nhiều lớp trong đó, và bạn càng bóc tách chúng ra, bạn càng khóc lóc dữ dội vào những thời điểm không thích hợp.
Cứ xem như lớp vỏ đầu tiên của củ hành tự nhận thức là sự hiểu biết đơn giản về cảm xúc của một người. “Đây là khi tôi cảm thấy hạnh phúc.” “Điều này khiến tôi cảm thấy buồn.” “Nó mang lại cho tôi hi vọng.”
Không may là, rất nhiều người dở tệ ngay từ cấp độ cơ bản này của quá trình tự nhận thức. Tôi biết thế bởi vì tôi cũng là một trong số đó. Vợ tôi và tôi đôi khi có những cuộc nói chuyện vui vui kiểu như thế này:
CÔ ẤY: Sao thế anh?
TÔI: Chẳng sao cả. Không có gì.
         CÔ ẤY: Không, có chuyện gì đấy rồi. Anh kể em nghe xem nào.
TÔI: Anh vẫn ổn mà. Thật đấy.
CÔ ẤY: Anh có chắc không đấy? Anh trông có vẻ khó chịu lắm.
TÔI, với tiếng cười hơi lạ thường. Thật á? Không, anh không sao cả, nghiêm túc đấy.
[Rồi ba mươi phút sau đó . . . ]
TÔI: . . . Vì thế mà anh mới điên tiết lên chứ! Lão ấy cứ làm như anh là không khí không bằng.
Chúng ta đều có những điểm mù trong cảm xúc. Thường là với những cảm xúc mà ta từng được dạy rằng việc bộc lộ chúng ra là không đúng. Sẽ phải mất hàng năm trời luyện tập và nỗ lực mới có thể xác định được những điểm mù ấy trong chúng ta và rồi sau đó bộc lộ những cảm xúc này ra một cách thích đáng. Nhưng nhiệm vụ này là vô cùng quan trọng, và xứng đáng với nỗ lực của chúng ta.
Lớp vỏ thứ hai của củ hành tự nhận thức là khả năng đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta lại cảm thấy như vậy trong những xúc cảm cụ thể.
Những câu hỏi tại sao này là rất khó và cần đến hàng tháng hay thậm chí nhiều năm mới có thể tìm được câu trả lời phù hợp và chính xác. Hầu như mọi người đều cần phải tới những nơi kiểu như trị liệu tâm lý mới được nghe đến câu hỏi này lần đầu tiên trong đời. Những câu hỏi kiểu ấy quan trọng bởi vì chúng làm sáng tỏ những gì mà chúng ta xem là thành công hay thất bại. Tại sao bạn lại cảm thấy tức giận? Liệu đó có phải là vì bạn thất bại trong việc đạt một mục tiêu nào đó? Tại sao bạn lại cảm tháy lờ phờ và tẻ ngắt? Liệu đó có phải vì bạn cảm thấy mình chưa đủ tốt?
Lớp vỏ đặt câu hỏi này giúp cho ta hiểu được gốc rễ của những cảm xúc đang chôn vùi ta. Một khi ta hiểu được gốc rễ nguyên nhân, chúng ta có thể làm điều gì đó để thay đổi nó.
Nhưng còn một việc nữa, đó là lớp vỏ sâu nhất của hành trình tự nhận thức. Và cái này thì chỉ toàn là khóc với lóc thôi. Lớp vỏ thứ ba là những giá trị của bản thân ta: Tại sao tôi lại xem đây là thành công/thất bại? Làm thế nào mà tôi lựa chọn được cách đánh giá bản thân mình? Tôi đánh giá chính mình và cả những người xung quanh dựa trên tiêu chí nào
Ở cấp này, luôn cần phải đặt ra câu hỏi và không ngừng nỗ lực, rất rất khó để đạt đến. Nhưng nó lại là phần quan trọng nhất, bởi vì chân giá trị của ta quyết định nguồn gốc các vấn đề mà ta gặp phải, và những vấn đề này lại quyết định chất lượng sống của ta.
Các giá trị ấy nằm sau mọi điều ta làm hay việc ta là ai. Nếu như những gì ta coi trọng là không được ủng hộ, nếu như những gì mà ta xem là thành công/thất bại lại là một sự lựa chọn tồi, thì rồi mọi thứ dựa trên những giá trị ấy – các suy nghĩ, các cảm xúc, các cảm nhận thường ngày – tất cả sẽ là vô nghĩa. Mọi điều mà ta nghĩ và cảm nhận về một tình huống đều liên quan tới việc ta đánh giá nó như thế nào.
Mọi người đều hoảng sợ trước việc trả lời một cách chính xác cho câu hỏi vì sao, và điều này ngăn cản họ trước việc tiến tới sự nhận thức sâu sắc hơn về những chân giá trị của chính mình. Đúng là, họ có thể nói rằng họ đánh giá cao sự thành thật và một người bạn chân thành, nhưng rồi họ quay mặt đi và nói dối về bạn đằng sau lưng bạn để khiến bản thân họ cảm thấy khá hơn. Người ta có thể nhận thức được rằng họ cảm thấy cô đơn. Nhưng khi họ tự hỏi mình rằng tại sao họ cảm thấy cô đơn, họ lại có khuynh hướng đưa ra lời giải thích mang tính đổ lỗi cho những người khác – mọi người thật xấu tính, hay không có ai hay ho hoặc đủ thông minh để hiểu được họ – và do đó họ càng rời xa vấn đề của mình hơn thay vì tìm kiếm một lời giải cho nó.
Với nhiều người đây đã được xem như là tự nhận thức bản thân. Và, nếu như mà họ có thể đào sâu hơn và nhìn vào những giá trị ẩn sâu bên trong họ, họ sẽ thấy được rằng những phân tích ban đầu của mình dựa trên việc trốn tránh trách nhiệm khỏi những vấn đề của chính họ, hơn là xác định đích xác những vấn đề ấy. Họ sẽ thấy được rằng những quyết định mà họ đưa ra dựa trên việc theo đuổi những sự hưng phấn, thường không mang lại niềm hạnh phúc thật sự.
Hầu như các bậc thầy về tự hoàn thiện bản thân đều bỏ qua cấp sâu hơn của việc tự nhận thức này. Họ đón nhận những người đang đau khổ bởi vì muốn trở nên giàu có, và rồi các bậc thầy đưa ra mọi thể loại lời khuyên về việc làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn, trong khi toàn bỏ qua những câu hỏi quan trọng dựa trên hệ chân giá trị: Tại sao họ lại cảm thấy cần phải giàu có trước hết? Họ lựa chọn tiêu chí nào để đánh giá sự thành công/thất bại của mình? Liệu đó có thể không phải là một giá trị cụ thể mà dẫn đến cảm giác thiếu hạnh phúc của họ, chứ không phải là vì đến giờ họ vẫn chưa tậu được con xe Bentley?
Rất nhiều những lời khuyên nổi trôi ngoài kia đều được đưa ra dựa trên một cấp độ cạn cợt của việc đơn giản cố gắng khiến mọi người cảm thấy tốt đẹp hơn trong một thời gian ngắn, trong khi những vấn đề dài hạn vẫn không được xử lý. Nhận thức và cảm giác của con người có thể thay đổi, nhưng những giá trị sâu xa, và thước đo tạo nên những giá trị ấy, thì bất biến. Đấy không phải là một sự tiến bộ thực sự. Chỉ là một cách khác để kiếm được thêm nhiều hơn những cơn hưng phấn mà thôi.
Việc thành thật tự vấn thực là khó khăn. Nó đòi hỏi bạn phải tự hỏi mình những câu hỏi đơn giản thật không dễ chịu gì khi trả lời. Thực tế, theo như kinh nghiệm của tôi, câu trả lời càng không mấy dễ chịu, thì nó lại càng đúng.
Hãy dành ra một phút và suy nghĩ về điều đang thật sự dày vò bạn. Giờ thì bạn hãy tự hỏi mình xem tại sao nó lại dày vò bạn đến vậy. Rất có khả năng câu trả lời sẽ liên quan tới một dạng thất bại nào đó. Sau đó hãy đón nhận thất bại này và hỏi tại sao nó lại có vẻ “đúng” đối với bạn. Nếu như thất bại không thực sự là thất bại thì sao? Nếu như bạn đã tìm sai hướng thì sao?
Một ví dụ về cuộc sống của tôi gần đây:
“Tôi thấy bực bội vì ông anh trai không thèm nhắn tin hay gửi email cho tôi.”
Tại sao?
“Bởi vì có vẻ như lão éo thèm quan tâm tới tôi gì hết cả.”
Tại sao điều này lại có vẻ đúng?
“Bởi vì nếu như lão ấy muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với tôi, thì đáng lý ra lão phải chịu khó bỏ ra mười giây mỗi ngày để tương tác với tôi chứ.”
Tại sao việc thiếu xây dựng quan hệ của ông anh trai với bạn lại có cảm giác như một sai lầm?
“Bởi vì chúng tôi là anh em; chúng tôi nên có một mối quan hệ tốt đẹp!”
Có hai việc được đem ra mổ xẻ ở đây: một giá trị mà tôi trân trọng, và một thước đo mà tôi sử dụng để tiến tới giá trị đó. Giá trị của tôi là: anh em thì nên thân thiết với nhau. Thước đo của tôi: giữ liên lạc thông qua điện thoại hoặc email – đấy là cách mà tôi đánh giá sự thành công của mình khi là một thằng em trai. Bằng cách nắm lấy thước đo này, tôi khiến bản thân mình cảm thấy như một kẻ thất bại, mà thường làm u ám hết cả buổi sáng ngày thứ 7 của tôi.
Chúng ta còn có thể đào sâu hơn nữa, bằng việc lặp lại quá trình này:
Tại sao anh em lại cần phải thân thiết với nhau?
“Bởi vì họ là một gia đình, và người trong nhà thì phải thân thiết với nhau!”
Tại sao điều này lại đúng?
“Bởi vì gia đình bạn có ý nghĩa với bạn hơn bất kỳ điều gì khác!”
Tại sao điều này lại đúng?
“Bởi vì thân thiết với người nhà thì mới là ‘bình thường’ và ‘lành mạnh,’ và tôi không có được điều đó.”
Qua cuộc đối thoại này tôi thấy rõ ràng về giá trị sâu xa của mình – có một mối quan hệ tốt đẹp với ông anh trai tôi – nhưng mà tôi vẫn chịu vật vã với cái thước đo. Tôi đặt cho nó một cái tên khác, “sự thân thiết,” nhưng thước đo thì không thực sự thay đổi: tôi vẫn phán xét mình như là một thằng em trai dựa trên việc liên lạc thường xuyên – và so sánh bản thân, sử dụng thước đo ấy, để phán xét những người khác mà tôi quen biết. Mọi người khác (hay có vẻ như thế) đều có mối quan hệ thân thiết với người nhà của họ, còn tôi thì không. Vậy thì chắc chắn là tôi có vấn đề gì rồi.
Nhưng nếu như tôi đã chọn sai thước đo cho bản thân và cho cuộc đời mình thì sao? Liệu tôi có bỏ qua điều đúng đắn nào đó hay không? Ôi, có lẽ là tôi cũng chẳng cần phải thân với ông anh mình cho lắm đâu để có được cái mối quan hệ mà tôi trân trọng ấy. Có lẽ là chỉ cần có được sự tôn trọng lẫn nhau (mà vẫn luôn thế) là đủ rồi. Có lẽ là những thước đo này mới là sự đánh giá chính xác cho tình cảm anh em ruột già hơn là việc chúng tôi nhắn cho nhau bao nhiêu cái tin mỗi ngày.
Điều này có ý nghĩa thật rõ ràng; tôi thấy thật là đúng. Nhưng tôi vẫn điên tiết bỏ mịe khi tôi với ông anh không thân thiết được với nhau. Và chẳng có cách thức tích cực nào cải thiện nó hết cả. Chẳng có cách thức bí mật nào để ca tụng tôi qua cái nhận thức ấy hết. Đôi khi anh em ruột – ngay cả khi anh em mà thực sự yêu thương nhau – không thân thiết với nhau, và như thế cũng không sao hết cả. Lúc ban đầu thì cũng khó chấp nhận, nhưng mà rồi cũng ổn thỏa cẩ thôi. Điều thật sự đúng đắn một cách khách quan về tình thế của bạn không quan trọng bằng việc bạn nhìn nhận tình huống ấy như thế nào, bạn lựa việc đánh giá và gắn cho nó những giá trị nào. Các vấn đề có thể là không tránh được, nhưng ý nghĩa của những vấn đề ấy thì không. Ta cần phải kiểm soát việc các vấn đề của ta có nghĩa là gì dựa trên việc ta lựa chọn cách suy nghĩ nào về chúng, về những chuẩn tắc mà ta lựa chọn để đánh giá chúng.


Vào năm 1983, một tay guitar trẻ tuổi tài năng bị đá khỏi ban nhạc của mình theo cách thức tệ hại nhất. Ban nhạc vừa mới ký kết được hợp đồng thu âm, và họ chuẩn bị thu âm album đầu tay của mình. Nhưng chỉ vài ngày trước khi tiến hành, ban nhạc chỉ cho anh chàng chơi guitar cánh cửa ra – không báo trước, không bàn bạc, không buổi tiệc chia tay hoành tráng; họ nói chung là đánh thức anh chàng dậy vào một buổi sáng đẹp trời nọ và nhét vào tay anh ta tấm vé xe khách trở về quê nhà.
Khi ngồi trên xe buýt trở về Los Angeles từ New York, tay guitar cứ liên tục tự hỏi: Tại sao chuyện này lại xảy ra? Tui đã làm gì sai cơ chứ? Giờ thì tui biết làm cái gì đây? Hợp đồng thu âm đâu có rơi từ trên trời xuống, đặc biệt là với những ban nhạc metal mới thành lập cơ chứ. Chẳng lẽ anh bạn của chúng ta đã lỡ mất cơ hội duy nhất trong đời?
Nhưng vào lúc bánh xe cán đất L.A., tay guitar đã vượt qua cơn than thân trách phận và lập lời thề sẽ lập một ban nhạc mới. Anh chàng quyết định rằng ban nhạc mới của mình sẽ thành công đến mức ban nhạc cũ của anh sẽ phải hối hận suốt đời vì cái quyết định dấm dớ kia của bọn họ. Anh sẽ nổi tiếng đến mức người ta sẽ còn nhìn thấy anh trên TV, nghe anh hát trên dài phát thanh, nhìn thấy anh trên những tấm poster được giăng khắp các phố phường và xuất hiện trên trang bìa những tờ tạp chí trong nhiều chục năm nữa. Bọn kia sẽ ngồi gặm bánh mỳ ở một xó xỉnh nào đấy, chất lên thùng xe mấy cái nhạc cụ tả tơi lởm vãi của chúng, béo như lợn với mấy mụ vợ xấu xí, còn anh thì sẽ tỏa sáng trên một sân vận động đông nghẹt khán giả và được TV tường thuật trực tiếp buổi biểu diễn. Anh sẽ tắm bằng những giọt nước mắt của cái lũ phản bội kia, mỗi một giọt nước mắt của chúng sẽ được hứng bằng một tờ tiền $100 mới coóng thơm tho.
Và tay guitar của chúng ta cứ thế mà làm việc như thể bị một con quỷ âm nhạc ám thân vậy. Anh chàng dành nhiều tháng trời để chiêu mộ các nhạc công hay nhất mà anh tìm được – hay hơn nhiều so với bọn bạn cũ. Anh viết mấy chục ca khúc và luyện tập chăm chỉ như mấy cha mộ đạo hay tụng kinh gõ mõ. Cơn giận điên của anh đã truyền năng lượng cho tham vọng của anh; trả thù trở thành thi hứng cho anh. Trong vòng vài năm, ban nhạc của anh đã ký được hợp đồng thu âm, và chỉ một năm sau đó, sản phẩm thu âm đầu tiên của họ đạt được giải đĩa vàng.
Tay guitar ấy tên là Dave Mustaine, và ban nhạc mới của ông là ban nhạc heavy-metal huyền thoại Megadeth [1]. Megadeth bán được trên 25 triệu album và lưu diễn vòng quanh thế giới. Ngày nay, Mustaine được xem là một trong những nhạc sĩ xuất sắc và có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử dòng nhạc heavy-metal.
Bất hạnh ở chỗ, ông ấy bị cho ra rìa bởi Metallica, ban nhạc bán được tới 180 triệu album trên toàn thế giới. Rất nhiều người cho rằng Metallica là một trong những ban nhạc rock hay nhất mọi thời đại.
Và bởi vì thế, trong một buổi phỏng vấn thân mật hiếm hoi vào năm 2003, một Mustaine ngấn lệ đã thừa nhận rằng ông không thể làm gì khác mà vẫn cho mình là kẻ thất bại. Mặc cho tất cả những gì đã đạt được, trong lòng mình ông vẫn luôn là thằng cha bị Metallica tống cổ đuổi đi.
Chúng ta chỉ là lũ khỉ hình người. Chúng ta nghĩ rằng mình thật là sành điệu với cái lò nướng bánh mỳ và đôi giày thiết kế, nhưng thực ra chúng ta chỉ là một lũ thú linh trưởng được trang điểm mà thôi. Và bởi vì ta là loài vượn người, ta đánh giá bản thân mình bằng cách so sánh với người khác và ganh đua với nhau vì cái địa vị một cách bản năng. Câu hỏi không phải là liệu ta có đánh giá mình thông qua những người khác hay không; mà, câu hỏi ở đây là ta dựa vào tiêu chí nào để đánh giá chính mình?
Dave Mustaine, dù ông có nhận ra được điều này hay không, đã lựa chọn đánh giá bản thân thông qua việc liệu ông có thành công và nổi tiếng hơn Metallica hay không. Cái trải nghiệm bị đuổi khỏi ban nhạc cũ gây tổn thương đến mức ông đã xây dựng thước đo về bản thân và sự nghiệp âm nhạc của mình dựa trên việc “thành công liên quan tới Metallica.”
Dù phải hứng chịu sự kiện khủng khiếp trong đời mình và làm điều gì đó để thoát khỏi nó một cách tích cực, như là việc Mustaine làm với Megadeth, chọn lựa của ông trong việc dựa vào thành công của Metallica để làm thước đo cho cuộc đời mình khiến ông vẫn phải chịu tổn thương mấy chục năm sau này. Bất chấp tiền bạc và fan hâm mộ và sự tán tụng, ông vẫn cảm thấy mình là kẻ thất bại.
Giờ thì, bạn và tôi có thể nhìn vào câu chuyện của Dave Mustaine mà cười khoái trá. Đây này, anh chàng triệu đô, với hàng ngàn người hâm mộ, có một sự nghiệp được làm điều mà anh ta mê nhất, và vẫn là anh chàng rơm rớm nước mắt vì mấy thằng bạn ngôi sao nhạc rock từ hai mươi năm trước nổi tiếng hơn mình.
Đó là bởi vì bạn và tôi có hệ chân giá trị khác với của Mustaine, và chúng ta cân đong mình theo những thước đo khác nhau. Thước đo của ta có thể là “Tôi không muốn làm công cho thằng sếp mà tôi ghét,” hay “Tôi muốn kiếm đủ tiền để cho con mình học ở một ngôi trường tốt,” hay “Tôi sẽ thật hạnh phúc nếu không phải thức dậy dưới gầm cầu.” Và bởi vì những thước đo như vậy, mà Mustaine mới trở nên thành công và vĩ đại một cách khó tin. Nhưng theo những thước đo của bản thân ông, “Trở nên nổi tiếng và thành công hơn cả Metallica,” thì ông thất bại.
Các giá trị của ta quyết định thước đo bản thân và những người khác. Giá trị của Onoda là lòng trung thành với hoàng gia Nhật Bản chính là điều đã giúp ông ở lại Lubang trong suốt ba mươi năm. Nhưng cùng giá trị ấy đã khiến ông đau khổ khi quay trở về nước Nhật. Thước đo của Mustaine là hoàn hảo hơn Metallica đã giúp ông xây dựng một sự nghiệp âm nhạc thành công rực rỡ. Nhưng cùng thước đo ấy về sau này đã hành hạ ông cho dù ông có thành công ra sao.
Nếu như bạn muốn thay đổi cách mình nhìn nhận vấn đề, bạn cần phải thay đổi những thứ mà bạn trân trọng và/hay cách mà bạn đánh giá thất bại/thành công.
Thêm một ví dụ nữa, ta hãy nhìn vào một nhạc sĩ khác cũng bị sa thải bởi một ban nhạc khác. Câu chuyện của ông cũng tường đồng với Dave Mustaine, chẳng qua là nó xảy ra trước đó hai thập kỷ mà thôi
Vào năm 1962 và cả thế giới xôn xao về sự xuất hiện của một ban nhạc đến từ Liverpool, nước Anh. Ban nhạc này có kiểu tóc rất hài và còn có cái tên hài hơn cả, nhưng nhạc của họ thì toẹt vời ông mặt trời, và ngành công nghiệp thu âm cuối cùng cũng chú ý tới họ.
Các thành viên gồm có John, ca sĩ chính và người sáng tác ca khúc; Paul, anh chàng chơi bass có bộ mặt măng non đầy mơ mộng; George, tay guitar chính bất trị. Và tiếp theo là tay trống.
Anh được xem là gã ngon trai nhất đám – bọn con gái cứ phát cuồng cả lên vì anh, và gương mặt anh bắt đầu xuất hiện trên các tờ tạp chí đầu tiên. Anh cũng là người chuyên nghiệp nhất trong nhóm. Anh không chơi ma túy. Anh có một người bạn gái lâu năm. Mà thậm chí còn có những người thắt cà vạt mặc com-lê cho rằng anh nên là bộ mặt đại diện cho ban nhạc, chứ không phải là John hay là Paul.
Tên của anh là Pete Best. Và vào năm 1962, sau khi ký kết hợp đồng thu âm đầu tiên, ba thành viên khác của Beatles [2]  âm thầm họp nhau lại và đề nghị người quản lý của họ, Brian Epstein, sa thải anh. Epstein khổ sở với cái quyết định ấy. Ông thích Pete, nên ông cứ trì hoãn nó, hi vọng rằng ba người kia sẽ thay đổi quyết định.
Nhiều tháng sau, ba ngày trước khi buổi thu âm đầu tiên bắt đầu, Epstein cuối cùng cũng gọi Best lên văn phòng. Tại đó, người quản lý thông báo một cách không hề khách sáo rằng anh hãy đi đi và tìm lấy một ban nhạc khác. Ông không đưa ra bất kỳ lý do nào, không lời giải thích, không lời an ủi – chỉ nói rằng mấy tay kia muốn anh rời khỏi ban nhạc, nên, ờ, chúc may mắn.
Như là một sự thay thế, ban nhạc thu nhận gã lập dị có tên Ringo Starr. Ringo già hơn và có cái mũi to tướng, nhìn rất nhộn. Ringo đồng ý cắt cùng kiểu tóc với John, Paul, và George, và khăng khăng viết mấy bài hát về lũ bạch tuộc [3] với cả tàu ngầm [4]. Mấy thằng cha còn lại bảo, Ừ, mịe nó chứ, sao lại không nhể?
Trong vòng sáu tháng sau khi Best bị sa thải, cơn sốt Beatle đã diễn ra, biến John, Paul, George, và
Pete Ringo thành bốn trong số những gương mặt nổi tiếng nhất quả đất.
Trong khi ấy, Best, có thể hiểu được, vì sao lại rơi vào cơn trầm cảm trầm trọng và dành rất nhiều thời gian để làm cái việc mà bất kỳ một người Anh nào cũng làm nếu họ có lý do: uống rượu.
Phần còn lại của thập niên 60 không có gì tốt đẹp với Pete Best hết. Vào năm 1965, ông bị kiện hai lần bởi Beatles vì tội phỉ báng, và tất cả các dự án âm nhạc của ông đều thất bại thảm hại. Vào năm 1968, ông đã cố tự tử, và chỉ dừng lại vì sự can gián của mẹ ông. Cuộc đời ông rất nát.
Best không có cùng câu chuyện vãn hồi giống như của Dave Mustaine. Ông không bao giờ trở thành siêu sao nổi tiếng toàn cầu hay kiếm được hàng triệu đô la. Nhưng, theo nhiều cách, Best lại có được nhiều thứ tốt đẹp hơn so với Mustaine. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1994, Best thổ lộ, “Tôi hạnh phúc hơn so với thời còn ở Beatles.”
Cái quái gì đây?
Best giải thích rằng việc ông bị Beatles sa thải đã giúp ông gặp được vợ mình. Và sau đó cuộc hôn nhân của ông dẫn tới việc có những đứa con. Ông trân trọng sự thay đổi ấy. Ông bắt đầu nhìn nhận cuộc đời mình khác đi. Danh vọng và thành công cũng rất tuyệt, chắc chắn rồi – nhưng ông quyết định rằng thứ mà ông đang có còn quan trọng hơn nữa: một gia đình lớn và đầy ắp yêu thương, một cuộc hôn nhân ổn định, một cuộc sống giản dị. Ông vẫn còn tiếp tục chơi trống, lưu diễn khắp châu Âu và thu âm album trong những năm 2000. Vậy ông đã thực sự mất đi thứ gì? Chỉ là rất nhiều sự chú ý và sự bợ đỡ, trong khi những gì ông có được có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Những câu chuyện này gợi ý rằng một số giá trị và thước đo tốt hơn so với những cái khác. Một số dẫn tới những vấn đề tốt đẹp mà có thể giải quyết được một cách dễ dàng và thường xuyên. Một số khác dẫn tới những vấn đề tồi tệ mà không thể giải quyết được một cách dễ dàng và thường xuyên.

[1] Megadeth: ban nhạc thrash metal đến từ Hoa Kỳ được sáng lập bởi tay ghita, hát chính kiêm viết nhạc Dave Mustaine. Hình thành vào năm 1983 sau khi Mustaine rời khỏi ban nhạc Metallica, cho đến nay ban nhạc đã cho ra đời mười hai album phòng thu, sáu album live, hai EP và hai album biên tập lại.
Là ban nhạc tiên phong của sự chuyển mình của dòng nhạc thrash metal, Megadeth trở thành ban nhạc nổi tiếng trên thế giới trong những năm của thập niên 1980.Megadeth đã phát hành một chuỗi những album vàng và bạch kim, bao gồm album bạch kim đánh dấu cho dòng nhạc thrash metal Rust in Peace vào năm 1990 và được đề cử giải Grammy, đĩa bạch kim Countdown to Extinction vào năm 1992. Megaddeth giải tán vào năm 2002 sau khi Mustaine phải phẫu thuật do một vết thương rất nặng ở tay trái, nhưng sau những liệu pháp trị liệu vật lý, Mustaine tập hợp ban nhạc lại vào năm 2004 và phát hành The System Has Failed, tiếp theo là United Abominations vào năm 2007; album đã lọt vào Billboard 200 với vị trí lần lượt là #18 và #8. Ngày 15 tháng 9 năm 2009 Megadeth chinhs thức phát hành album Endgame – album thứ 12 của ban nhạc. Megadeth được biết đến với một phong cách ghita không nhầm lẫn, bao gồm các trường đoạn phức tạp và khó hiểu, và đoạn ghita solo kết thúc bài. Mustaine được biết đến với phong cách hát gầm thét của mình, cũng như những lời nhạc lặp lại, thường là về chủ đề chính trị, chiến tranh, ma tuý và mối quan hệ giữa người với người.
Megadeth đã bạn được hơn 20 triệu album trên toàn thế giới. Megadeth được nhắc đến với cái tên là một trong “Bốn cây đại thụ của dòng nhạc Thrash”, bao gồm Metallica, Slayer, và Anthrax, bốn ban nhạc đã góp phần tạo nên và hình thành thể loại nhạc này vào những năm của thập niên 1980.
[2]  The Beatles là ban nhạc rock của Anh hoạt động trong thập niên 1960. Với 4 thành viên John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr, bộ tứ trở thành nghệ sĩ thành công nhất và ảnh hưởng nhất thời kỳ huy hoàng của nhạc rock. Khởi đầu với nhạc skiffle, beat và rock ‘n’ roll thập niên 1950, The Beatles sau đó đã chơi nhiều thể loại đa dạng, từ pop ballad tới psychedelic và hard rock, kết hợp với âm nhạc cổ điển theo nhiều cách khác nhau. Đầu những năm 1960, sự nổi tiếng của họ là nguồn gốc của hiện tượng Beatlemania, song cùng với sự phát triển trong quan điểm và cách viết nhạc, ban nhạc dần trở thành hiện thân của những ý tưởng thời kỳ giải phóng xã hội. (Theo Wikipedia)
[3]  Bài ‘Octopus’s Garden’
[4]  Bài ‘Yellow Submarine’.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét