Hãy thử tưởng tượng rằng có ai đó dí súng vào đầu bạn và nói rằng bạn phải chạy 26,2 dặm (=48,5 km) trong vòng năm giờ, nếu không hắn ta sẽ giết bạn và mọi người trong nhà.
Nghe tệ nhỉ.
Giờ thì hãy tưởng tượng rằng bạn vừa mua một đôi giày và bộ đồ chạy mới, bạn nghiêm túc rèn luyện suốt mấy tháng, và hoàn thành cuộc thi chạy đường dài đầu tiên trong đời trước sự cổ vũ của toàn bộ người nhà và bạn bè thân thiết nơi vạch đích.
Có lẽ đó sẽ là một trong những giây phút đáng tự hào nhất trong đời bạn.
Cũng cùng 26,2 dặm. Cũng cùng một người hoàn thành nó. Cũng cùng cơn đau nhức nơi hai bắp đùi. Nhưng khi bạn tự do lựa chọn và chuẩn bị sẵn sàng vì nó, nó trở thành niềm vui chiến thắng và cột mốc quan trọng trong cuộc đời bạn. Khi bạn bị ép buộc, nó trở thành trải nghiệm tồi tệ và đau đớn nhất đời bạn.
Thường thì sự khác biệt duy nhất giữa một vấn đề gây đau đớn hay có ý nghĩa tốt đẹp chỉ là cảm giác về việc ta lựa chọn nó, và do đó ta phải chịu trách nhiệm trước nó.
Nếu như bạn thấy khổ sở trong tình cảnh hiện tại, rất có khả năng đó là bởi vì bạn cảm thấy có vài phần trong đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn – rằng đó là một vấn đề mà bạn không có khả năng giải quyết, một vấn đề mà theo cách nào đó lao vào bạn mà bạn không hề chọn lựa.
Khi mà chúng ta cảm thấy rằng ta đang lựa chọn vấn đề của mình, chúng ta thấy mình có được sức mạnh. Khi chúng ta cho rằng các vấn đề xảy đến không như ta mong muốn, ta cảm thấy mình là nạn nhân và đau khổ.
William James [1] cũng có những vấn đề. Những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.
Dù được sinh ra trong một gia đình giàu có và xuất chúng, kể từ khi ra đời James đã phải chịu đựng những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe: vấn đề về mắt khiến ông có một quãng thời gian bị mù khi còn nhỏ; hệ thống tiêu hóa kém gây nên chứng nôn mửa trầm trọng và phải tuân thủ chế độ kiêng khem hà khắc; có vấn đề về khả năng nghe; chứng đau lưng tồi tệ khiến ông nhiều khi không thể ngồi hay đứng thẳng được.
Vì tình trạng sức khỏe như thế, James dành phần lớn thời gian ở trong nhà. Ông không có nhiều bạn, và ông cũng không phải là học sinh xuất sắc. Thay vì vậy, ông dành phần lớn thời gian trong ngày để vẽ vời. Đó là thứ duy nhất mà ông thấy thích thú và là thứ duy nhất mà ông cảm thấy mình có khả năng.
Thật không may, không có ai khác cho rằng ông có khả năng ở mặt ấy. Khi ông trưởng thành, không một ai mua các tác phẩm của ông hết. Và khi năm tháng qua đi, cha ông (một thương gia giàu có) bắt đầu chế nhạo ông vì sự lười biếng và bất tài của ông.
Trong khi ấy, em trai ông, Henry James [2], trở thành một tiểu thuyết gia lừng danh khắp thế giới; và em gái ông, Alice James [3], cũng có một cuộc sống khá giả nhờ vào nghiệp viết. William là kẻ kỳ quặc, con chiên ghẻ của gia đình.
Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu rỗi tương lai của chàng trai trẻ, cha của James sử dụng các mối quan hệ kinh doanh của mình để đưa James tới trường Y của ĐH Harvard. Đây là cơ hội cuối cùng, ông cụ bảo thế. Nếu như mà ông không làm nên cơm cháo gì, thì không còn hi vọng nào cho ông nữa.
Nhưng James chẳng bao giờ cảm thấy thoải mái và thanh thản khi đến Harvard. Ngành y chẳng có gì hấp dẫn đối với ông hết. Suốt thời gian đó ông cảm thấy mình như một kẻ dối trá và giả tạo. Xét cho cùng, nếu như ông không thể vượt qua những vấn đề của mình, thì làm sao mà ông có thể hi vọng có được thứ năng lực để giúp những người cần giúp đỡ kia chứ? Sau khi tham quan khoa tâm thần học vào một ngày nọ, James suy ngẫm trong nhật ký của mình rằng ông cảm thấy ông có nhiều điểm chung với các bệnh nhân hơn là với mấy vị bác sĩ.
Vài năm trôi qua và, một lần nữa trong sự thất vọng của cha mình, James bỏ học trường Y. Nhưng thay vì đối mặt với sức ép từ cơn cuồng nộ của cha, ông quyết định ra đi: ông đăng ký tham gia cuộc thám hiểm về nhân loại học ở trong rừng rậm Amazon.
Đó là vào những năm 1860, nên việc di chuyển giữa các lục địa là vô cùng gian nan và nguy hiểm. Nếu như bạn từng chơi trò Oregon Trail [4] trên máy tính khi còn bé, thì bạn có thể hình dung ra rồi đấy, với bệnh lỵ và những con thú có sừng rình rập dưới nước và mọi thứ.
Dù sao thì, James cũng một đường tới được Amazon, nơi mà chuyến phiêu lưu khi ấy mới thực sự bắt đầu. Thật đáng ngạc nhiên, sức khỏe yếu ớt của ông vẫn được duy trì trong suốt cuộc hành trình. Nhưng một khi ông đã tới được nơi, vào ngày đầu tiên của chuyến thám hiểm, ông bị nhiễm đậu mùa và suýt thì chết trong rừng.
Rồi chứng đau lưng của ông lại tái phát, đau đến mức James không thể đi lại. Vào lúc đó, ông gầy xơ xác và đói khát bởi bệnh đậu mùa, không di chuyển được bởi cơn đau lưng, vì bị bỏ lại một mình giữa vùng đất Nam Mỹ (những người còn lại của đội thám hiểm đã bỏ đi từ trước mà không có ông) mà không biết làm thế nào để về nhà – một cuộc hành trình phải mất hàng tháng trời và khiến ông có thể chết bất cứ lúc nào.
Nhưng theo một cách nào đó ông vẫn tìm được đường về New England, nơi ông được đón chào bởi một (hoặc có lẽ còn nhiều hơn) người cha thất vọng. Khi ấy chàng trai trẻ đã không còn trẻ nữa – gần ba xịch rồi chứ có ít đâu, vẫn thất nghiệp, thất bại trước mọi thứ mà ông thử sức, và một cơ thể thường xuyên phản bội ông và chẳng có vẻ gì là sẽ khá hơn cả. Mặc cho tất cả những lợi thế và cơ hội mà ông đã được trao cho trong đời, mọi thứ đều hỏng bét. Thứ duy nhất không thay đổi có lẽ là sự đau khổ và thất vọng. James rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng và bắt đầu lên kế hoạch tự vẫn.
Nhưng vào một đêm nọ, trong khi đọc bài viết của triết gia Charles Peirce [5], James quyết định sẽ tiến hành một thí nghiệm nhỏ. Trong cuốn nhật ký của mình, ông viết rằng ông sẽ giành ra một năm để tin rằng ông chịu trách nhiệm 100% với tất cả những gì diễn ra trong cuộc đời ông, dù có là gì đi nữa. Trong suốt quãng thời gian này, ông sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để thay đổi hoàn cảnh, dù khả năng thất bại có cao đến đâu. Nếu như không có gì tiến triển trong năm ấy cả, thì nó sẽ cho thấy rành rành rằng ông thực sự bất lực trước hoàn cảnh xung quanh mình, và rằng ông có tự sát cũng chưa muộn.
Nút mở của câu chuyện? William James trở thành cha đẻ của ngành tâm thần học nước Mỹ. Các công trình nghiên cứu của ông được dịch ra vô số thứ tiếng, và ông được xem là một trong những nhà tư tưởng/triết gia/tâm lý học có tầm ảnh hưởng nhất trong thế hệ của ông. Ông đến dạy ở trường Harvard và giảng bài cả ở nhiều nơi khác trên toàn nước Mỹ và châu Âu. Ông kết hôn và có năm đứa con (một trong số chúng, Henry [6], trở thành một người nổi tiếng và đạt giải thưởng Pulitzer). James sau này gọi thí nghiệm nhỏ của ông là “tái sinh,” và gắn nó với mọi thứ mà ông đạt được về sau trong cuộc đời.
Dường như đó là một sự nhận biết đơn giản mà từ đó tất cả những sự tiến bộ và phát triển cá nhân đều xuất hiện. Đó là sự nhận thức rằng chúng ta, với tư cách là mỗi cá nhân, đều chịu trách nhiệm trước mọi điều trong cuộc đời ta, dù cho ngoại cảnh có là gì đi chăng nữa.
Chúng ta thường không thể kiểm soát những gì xảy đến với mình. Nhưng mà ta luôn kiểm soát cách thức mà ta lý giải những gì xảy đến với ta, cũng như cách thức mà ta phản ứng lại trước chúng.
Dù ta có ý thức về việc nhận biết nó hay không, chúng ta luôn chịu trách nhiệm đối với những trải nghiệm của mình. Thật khó để không làm điều này. Việc lựa chọn không diễn giải các sự kiện trong đời ta thì vẫn là một sự lý giải các sự kiện trong đời ta. Việc lựa chọn không phản ứng lại các sự kiện trong đời mình thì vẫn là một sự phản ứng đối với các sự kiện trong đời. Ngay cả khi bị một chiếc xe xấu xí chẹt phải hay bực bội với một chiếc xe buýt chở đầy học sinh, thì đó vẫn là trách nhiệm của bạn để lý giải ý nghĩa của sự việc ấy và lựa chọn cách phản ứng.
Dù ta có thích như thế hay không, chúng ta vẫn luôn đóng vai trò chủ động trước những gì diễn ra đối với chúng ta và bên trong chúng ta. Chúng ta luôn diễn giải ý nghĩa của mọi thời khắc và mọi sự kiện. Chúng ta luôn luôn lựa chọn các giá trị mà ta dựa vào để sống và các thước đo mà ta dùng để đánh giá mọi điều xảy đến với mình. Thường thì cùng một sự kiện có thể là tốt hoặc xấu, lệ thuộc vào cái thước đo mà chúng ta sử dụng.
Vấn đề là, chúng ta luôn luôn lựa chọn, dù ta có nhận ra điều đó hay không. Luôn luôn.
Điều này lại quay trở lại với vấn đề là làm sao mà, trong thực tế, lại có chuyện không bận tâm tới bất cứ điều gì hết. Điều đó là không thể. Tất cả chúng ta đều phải bận tâm tới một thứ gì đó. Không quan tâm tới gì cả vẫn có nghĩa là quan tâm tới một thứ nào đấy.
Câu hỏi thật sự ở đây là, Chúng ta lựa chọn quan tâm tới vấn đề gì? Bạn lựa chọn những giá trị nào để đưa ra hành động? Chúng ta lựa chọn thước đo nào để đánh giá cuộc đời mình? Và liệu đó có phải là những lựa chọn tốt— những giá trị đúng đắn và những thước đo đúng đắn?
[1] William James (11/1/1842 – 26/8/1910): nhà tâm lý học và triết học tiên phong người Mỹ. Ông đã viết những cuốn sách có tầm ảnh hưởng về khoa học tâm lý, tâm lý học giáo dục, tâm lý học trải nghiệm tôn giáo, chủ nghĩa thần bí cũng như triết học về chủ nghĩa thực dụng. Ông là anh của nhà văn Henry James và Alice James.
William James là một người có nhiều ảnh hưởng tới nhiều học giả như Ralph Waldo Emerson, Horace Greeley, William Cullen Bryant, Oliver Wendell Holmes, Jr., Charles Peirce, Josiah Royce, George Santayana, Ernst Mach, John Dewey, W. E. B. Du Bois, Helen Keller, Mark Twain, Horatio Alger, Jr., James George Frazer, Henri Bergson, H. G. Wells, G. K. Chesterton, Sigmund Freud, Gertrude Stein, và Carl Jung.
[2] Henry James (15/4/1843 – 28/2/1916) là tác giả và nhà phê bình văn học Mỹ. Ông sống phần nhiều cuộc đời ở châu Âu và trở thành công dân Anh không lâu trước khi chết. Ông được biết chủ yếu với những cuốn tiểu thuyết, những truyện ngắn mới lạ dựa trên những chủ đề về ý thức. Quyển Charles W. Eliot của ông đã đoạt Giải Pulitzer cho tác phẩm Tiểu sử và Tự truyện năm 1931.
[3] Alice James (7/8/1848 – 6/3/1892): người viết nhật ký. Mối quan hệ của bà với William James vô cùng thân thiết, và dường như bà chịu tác động lớn bởi việc ông kết hôn. Alice James từng phải chịu đựng những vấn đề về thần kinh trong suốt cuộc đời mình, mà tại thời điểm đó bị lầm tưởng thành chứng ít-tê-ri (hysteria). Bà được biết đến với cuốn nhật ký được xuất bản của mình, mà bộc lộ rất nhiều về những nỗi ám ảnh và sự mất cân bằng tâm lý.
[4] Orgon Trail: trò chơi vi tính có tính giáo dục nổi tiếng trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 được thiết kế vào năm 1971 dựa trên câu chuyện lịch sử về tuyến đường khai hoang kéo dài 2170 dặm (3490km) từ đông sang tây (từ Missouri đến miền bắc Oregon). Tuyến đường khai hoang được thực hiện đầu tiên bởi những người buôn bán lông thú và các thương gia khác trong quãng thời gian từ 1811 – 1840. Bộ phim truyền hình nổi tiếng gắn bó với một thời tuổi thơ của thế hệ 8X – 9X ở VN “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” cũng nói về thời kỳ này.
[5] Charles Sanders Peirce (10/9/1839 – 19/4/ 1914) là triết gia, nhà tư tưởng, nhà toán học, và khoa học người Mỹ đôi khi được biết đến như “cha đẻ của chủ nghĩa thực dụng.” Ông được đào tạo về chuyên ngành hóa học và tham gia nghiên cứ trong 30 năm. Ngày nay ông được biết đến vì những đóng góp của mình trong luận lý học, toán học, triết học, phương pháp khoa học, và kí hiệu học, và việc đặt nền móng cho học thuyết chủ nghĩa thực dụng.
[6] Henry James (18/5/1879 – 13/12/1947) là nhà văn Mỹ từng đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1931. Ông là con trai của triết gia và nhà tâm lý học William James, cháu trai của tiểu thuyết gia Henry James.
Sinh ra tại Boston, Massachusetts, James có bằng cử nhân trường Đại học Harvard năm 1899 và ngành luật của trường Luật Harvard năm 1904. Ông hành nghề luật sư tại Boston cho tới năm 1912, khi ông trở thành giám đốc kinh doanh của Học viện nghiên cứu y khoa Rockefeller. Năm 1917, ông kết hôn với Olivia Cutting, con gái của nhà tài phiệt William Bayard Cutting. Sau khi li dị, ông kết hôn với Dorothea Draper Bladgen vào năm 1938.
James viết Richard Olney và sự phụng sự cộng đồng (1923), một cuốn sách về tiểu sử của vị Bộ trưởng ngoại giao của nước Mỹ, và cuốn Charles W. Eliot giành giải Pulitzer cho tác phẩm Tiểu sử và Tự truyện năm 1931.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét