Go SEA or Go Home - Kỳ 1: Thái Lan vs Việt Nam


Ra biển lớn hay là chết
Cách đây khoảng 7 năm, tôi có viết một bài "Học Mỹ hay học Trung Quốc" về thị trường Internet VN. Đến giờ thì câu trả lời đã quá rõ ràng. Có điều Mỹ hay TQ đều quá xa xôi và rất khác biệt về mặt đẳng cấp với VN. Vậy tại sao không học từ những nước lân cận và đang làm tốt , đồng thời khoảng cách không quá xa để mình có thể vượt qua trong tương lai?
Lần đầu khi tôi biết đến khái niệm Đông Nam Á như một khu vực chiến lược khoảng hơn chục năm trước, nhờ...chính phủ Nhật. Lúc đó họ mới khởi động một chương trình đào tạo Kỹ sư cầu nối cho các Kỹ sư phần mềm ở các nước ĐNA học cách làm việc với các cty phần mềm Nhật. Chương trình năm đầu tiên tại Nhật, có 3 nước VN, Thái và Phi. Mỗi nước có 5-7 người được chọn tham gia. Đó là lần đầu tiên tôi gặp và giao tiếp với người Thái, thấy họ cũng giống giống mình, sau này mới biết là lầm chết. Dù hơi khác một chút, người Phi lúc nào cũng đi theo nhóm. Người Thái lúc nhóm lúc đi lẻ. Người Việt đi tự do nhiều hơn.
Sau đó 2006 tôi bắt đầu hành trình Đông Nam Á với Sing & Mã, rồi tới Phi. Đến 2009 đi Thái - Cam - Myanmar và từ đó đi hết các nước ĐNA, nhiều lần. Nước cuối cùng trong tour ĐNA là Indonesia.

Con người

Lúc tôi sang lại Thái và bắt đầu làm việc, lúc đầu do ngầm định họ giống mình nên cũng khá chủ quan và không tìm hiểu nhiều về văn hoá. Nhìn bên ngoài thì hai bên khá tương tự: cùng múi giờ GMT+7, rồi đạo Phật, cách nhau 1.5 giờ đồng hồ. Sau đó gặp gỡ rất nhiều các nước châu Á khác mới thấy ở ĐNA người Thái và Việt là hai nhóm khác nhau nhất với tính cách trái ngược. Ở ĐNA, giống người Việt tương đối nhiều có lẽ là người... Indo. Ở châu Á thì tương tự người Việt nhất về mặt hành vi và văn hóa là người... Hoa, rồi đến Đài Loan hoặc Hàn Quốc. Vì vậy mà có nhiều cô lấy chồng ĐL/HQ, không đơn giản vì những lý do như mọi người thường thấy. Mà thôi, đây là một chủ đề hấp dẫn nhưng khá lớn, để dịp khác bàn sâu hơn.
Người Việt thường nhanh hơn người Thái lúc đầu, nhưng người Thái thường kiên nhẫn và làm chu đáo tỉ mỉ hơn để ra tới sản phẩm cuối cùng. Người Việt làm việc chăm chỉ hơn, người Thái thích tà tà hưởng thụ cuộc sống hơn.
Người Việt nói chung thường giỏi về các môn khoa học tự nhiên, toán lý hoá, CNTT. Người Thái thường có óc mỹ thuật và sáng tạo tốt, có nhiều designer và artist. Họ làm marketing cũng rất tốt. Đây cũng là lý do ngành công nghiệp quảng cáo của Thái phát triển cỡ số một khu vực.

Chính trị - Ngoại giao

Có lúc đột nhiên tôi phát hiện ra hai nước có nhiều mâu thuẫn khá kỳ lạ.
Người Thái, về mặt cá nhân cực kỳ hạn chế xung đột mặt đối mặt. họ rất ít khi nổi nóng hoặc tranh cãi trực tiếp. Người Việt thì ngược lại, rất dễ nổi nóng, đi ngoài đường hay trong quán nhậu va quẹt một chút có khi có án mạng.
Tuy nhiên về mặt chính trị thì ngược lại! Ở VN thì hầu như tuyệt đối không có đối đầu, hmm chuyện ai cũng biết nói làm chi. Còn ở Thái thì các đảng đối lập choảng nhau liên tục, biểu tình chí chết. Từ năm 1933 khi Thái có chính quyền dân chủ đầu tiên tới giờ, đã có 21 đời thủ tướng được... đảo chính. Nếu tôi nhớ không lầm thì Thaksin là vị duy nhất nắm nguyên một nhiệm kỳ an toàn, trừ nhiệm kỳ thứ hai.
Trình ngoại giao của người Thái có lẽ thuộc đẳng cấp thế giới. Họ là nước đầu tiên ở châu Á thiết lập ngoại giao với Mỹ và là một đồng minh lâu năm của Mỹ ở ĐNA. Họ cũng có một quan hệ rất sâu đậm với Nhật và các công ty Nhật. Có hơn 100.000 người Nhật ở Thái, người Nhật cũng đầu tư vào Thái nhiều nhất trong các nước ĐNA. CP Group, một trong những tập đoàn gia đình lớn nhất Thái, cũng là cty nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Trung Quốc khi nước này mở cửa. Như vậy với 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, họ đều có quan hệ mật thiết, dù ngay cả khi các nước này có những mâu thuẫn lớn với nhau.
Hồi trước, nhiều lúc tôi cảm thấy "tự hào" vì VN có thể thắng những nước lớn qua những chiến tranh với Mỹ, Pháp, TQ... Hồi sau tôi mới nhận ra, dù những điều này là rất giỏi, rất hiếm nước nào trên thế giới có thể làm được. Nhưng thật ra phải nhìn nhận lại vấn đề, vì người Việt mình từ xưa đến nay quá cương cường, một cách không cần thiết. Cái giá phải trả quá đắt, chiến tranh triền miên, cứ vài chục năm đến một hai trăm năm là có chiến tranh, tài nguyên và con người cạn kiệt, phải xây dựng mọi thứ từ đầu. Trong khi đó từ hơn 700 năm lập quốc đến nay, người Thái tránh được hầu hết các cuộc chiến, họ là nước duy nhất ở ĐNA không bị các nước phương Tây xâm lược do họ khéo léo tránh né, bắt tay hợp tác, nhượng đất etc ... Nếu không có chiến tranh, VN có lẽ phải là một nước lớn trong châu Á chứ không chỉ ĐNA.
Trong khi đó VN mình anh dũng một cách siêu việt: đối đầu với nền kinh tế - quân sự lớn nhất thế giới, đánh bại nước có nền quân sự mạnh nhất nhì châu Âu, chiến tranh triền miên với nước đông dân nhất thế giới từ hàng ngàn năm nay. Tinh thần độc lập tự cường rất cao. Trong khi những nền kinh tế hàng đầu châu Âu và Á đều phải lệ thuộc vào Mỹ để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh như Đức, Nhật, Hàn. Nhìn ra các nước thấy ai cũng có đồng minh, riêng thì ai cũng bắt tay một cách hời hợt, cuối cùng chả có bạn thân.
Từ lúc chính phủ quân sự lên nắm quyền ở Thái vài năm, nay họ có thêm một điểm chung với VN về mặt kiểm duyệt, hai bên thấy rất giống nhau
Mà thôi, vụ này nói chơi cho biết. Tập trung vào startup và ecommerce nào.

Kinh tế

Chính vì không bị chiến tranh nên người Thái thường có tầm nhìn xa hơn, tính tình không quá chụp giật như người Việt. Nhân chi sơ, tính bản thiện. Ở VN, nếu bạn không biết trước sắp tới thế nào, đương nhiên phải phòng thủ lo cho bản thân và tính ngắn hạn hơn. Tiêu chuẩn của người thành công là phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội trong một thời gian ngắn.
Nhờ không có chiến tranh nên đến nay người Thái có rất nhiều công ty gia đình, tích luỹ tài sản 3-4 thế hệ trở lên nên rất giàu. Một report của Credit Suisse cho thấy Thái có hơn 90.000 triệu phú đô la, con số tương tự như ở Hàn Quốc, Singapore. Trong khi các nước kia có GDP bình quân đầu người gấp 7-10 Thái. Dân số Hàn khoảng 50 triệu chỉ kém Thái một chút 66 triệu. Ngoài ra số lượng tỉ phú đô của Thái cũng nhiều nhất ĐNA. Số đại tỉ phú có hơn 10 tỉ đô họ cũng có nhiều nhất với 3 người.
Như CP Group đã nhắc đến ở trên, đến nay họ phát triển rất mạnh ở thị trường TQ với các sản phẩm thực phẩm. Ngoài ra còn sở hữu phần lớn cổ phần của một công ty bảo hiểm lớn nhất nhì TQ Ping An. Ngay ở VN mảng sp của họ về thực phẩm, gia cầm, họ cũng chiếm hơn 50% thị phần.
GDP Thái năm 2016 là 406.8 tỉ đô. Thái hiện là nền kinh tế thứ hai ĐNA sau Indonesia.
Trong một vài năm gần đây, hầu hết các tập đoàn hàng đầu của Thái đều xem VN là một thị trường trọng điểm trong ĐNA và kể cả châu Á. Các tập đoàn như CP, Central, Berli Jucker, SCG, ThaiBev... đã và đang thâu tóm rất nhiều công ty bán lẻ và sản xuất hàng đầu ở VN như Metro, Big C, Holcim, Nguyen Kim, Zalora VN, Vinamilk, Sabeco.. Hy vọng các đại gia VN như Viettel, VinGroup, TGDD, VNG, FPT, VietJetAir, ... mở rộng thị trường và phát triển lớn mạnh để VN có những cty đối trọng.
Đến nay trong ASEAN, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Thái Lan, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 12,5 tỷ USD. Xem thêm bài " Nhà đầu tư Thái Lan - vào sâu, ở lâu, bám chặt " - http://baodautu.vn/nha-dau-tu-thai-lan-vao-sau-o-lau-bam-chat-d68304.html

Công nghiệp du lịch

Nhắc đến Thái Lan không thể không nói đến du lịch. Và tôi chọn Thái thay vì Sing khi đi làm ở nước ngoài lúc trước cũng vì một công việc trong mảng du lịch trực tuyến.
Trong ngành này Thái có vị trí số 1 ở ĐNA. Năm vừa rồi Thái thu hút khoảng 32 triệu lượt khách quốc tế (thứ 2 châu Á sau TQ) với nguồn thu gần 50 tỉ đô. Bangkok luôn là một trong những thành phố có nhiều người đến nhất thế giới, cùng với New York, London, Paris. Có năm Bangkok chiếm vị trí số 1.

Startup & Thương mại điện tử

Có thể nói đến thời điểm 2013 startup và thị trường Internet ở VN phát triển mạnh hơn ở Thái, và thậm chí mạnh hơn cả Indo. Thời điểm đó VNG có lẽ là startup có doanh thu khủng nhất ĐNA.
Khoảng 2013, 2014 tôi có dịp biết các startup như Priceza (so sánh giá), Stockradar (phân tích chứng khoán), Wongnai (giống Foody) khi họ còn đang bootstrap hoặc chỉ có một vài trăm ngàn đô tiền đầu tư. Trong lúc đó một hai startup về so sánh giá ở VN đã phát triển rất mạnh, nếu tôi nhớ không lầm họ đã có hơn 1 triệu visit mỗi ngày. Đây là một con số rất lớn mà các startup ở Thái và Indo lúc đó nằm mơ cũng không thấy. Indo chỉ có Kaskus là lớn lúc đó với 7 triệu thành viên.
Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại startup ở VN đã chạy sau Thái Lan, và với Indo thì thôi, miễn bàn. Trong năm nay về mặt đầu tư: Pomelo có $19M, fintech Omise kiếm được 25M từ ICO, aCommerce nhận 65M, Central Group có 500M từ JD, cùng một cty đầu tư vào Tiki. Các startup VN, do độ lớn về GDP chỉ đứng thứ 6 ĐNA, đồng thời rất ít ai ra khu vực, nên rất hạn chế trong việc gọi vốn. Trong khi hầu hết các nhà đầu tư, trừ thị trường Indo đã lớn nhất, họ đều hỏi: mày có thể phát triển ra khu vực hay không??
Vậy tại sao? Theo tôi có vài điểm ở thị trường Thái như sau.

Sáng lập vien & sản phẩm

Các founder Thái thường có gốc kinh doanh, nhà có business nên họ có góc nhìn kinh doanh rất tốt. Ví dụ co-founder của Priceza, xem bài Priceza CEO: we focus only on driving revenue for our clients - http://ecomeye.com/thailands-priceza-ceo-wai-thanawat/
Các founder VN thường là dân kỹ sư nên dù sản phẩm mạnh về công nghệ, nhưng thường xa rời nhu cầu thực tế và khó sử dụng. Ngoài ra ít tính sáng tạo nên thường clone sản phẩm và không có nhiều khác biệt đặc thù cho thị trường địa phương.
Người Thái không mạnh về tech, nhưng về mặt design và UI UX thường khá thân thiện và hài hoà dễ sử dụng. Ngoài ra hầu hết các founder, kể cả các startup nho nhỏ đều giao tiếp tiếng Anh rất tốt. Nhờ các thế hệ gia đình giàu có nên họ gửi con cái đi du học Anh Úc Mỹ TQ rất nhiều. Hiện tại kinh tế VN đang phát triển và một trong 10 nước có nhiều du học sinh ở Mỹ nhất nên hy vọng tình trạng này sẽ được cải thiện sớm.
Ngoài ra do ngành du lịch Thái rất phát triển, môi trường sống dễ dàng cho người nước ngoài nên có rất nhiều doanh nhân đến lập nghiệp ở Thái. Agoda do 2 người Mỹ sáng lập từ Phuket. Gần đây thì Pomelo cũng có founder ex-Lazada người Hàn và Hoa. Fintech & payment Omise do người Nhật thành lập. Eatigo được đầu tư hơn 10 triệu từ TripAdvisor do một người Đức là founder chính.

Nhân sự

Người Thái chia ra làm hai nhóm chính. Một nhóm gốc Hoa có máu me làm business, quản lý và họ sẽ chăm chỉ học hành làm việc để thăng tiến hoặc kinh doanh riêng. Nhóm này thường kinh doanh riêng với các thành viên gia đình, họ hàng hoặc bạn bè. Nhóm còn lại chỉ tập trung làm hết giờ hết việc và không mấy tham vọng, tối đa chỉ làm tới quản lý nhóm nhỏ rồi dừng lại. Và họ có thể hoàn thành các loại công việc kiểu lặp đi lặp lại routine nếu có hướng dẫn.
Chính vì hai nhóm này bổ trợ cho nhau nên hệ thống kinh doanh của họ rất vững chắc. Công ty gia đình có rất nhiều thành viên chủ lực nên hệ thống quản lý bền vững từ nhiều thế hệ. Phía bên dưới tuy cũng có nhảy việc nhưng nêú công ty đã ổn và có chút tiếng tăm thì nhân viên khá trung thành và ít thay đổi vì người Thái ngại rủi ro hơn.
Ở VN có vẻ hai nhóm quản lý và nhân viên khá mix với nhau. Nhân viên vừa làm vừa nhìn ngó nhảy việc hoặc rất nhiều người muốn làm ăn riêng mà không tập trung làm cho cty hiện tại, vì ai cũng nghĩ mình giỏi. Khá nhiều người bạn nước ngoài cứ thắc mắc hỏi tôi: ở VN ai cũng có việc thứ hai làm riêng bên ngoài việc ở cty àh? bao nhiêu % etc. Chính vì vậy ở VN số lượng cty nhỏ và vừa mọc như nấm mà rất khó có cty lớn vì không có đủ nhóm quản lý trung thành. Tạo dựng một cty lớn ở VN khó hơn nhiều so với ở Thái (nếu cả hai đều là local). Nên sáng lập viên các cty lớn ở VN đều là siêu nhân cả.
Ở VN hai cty giải quyết được vấn đề nhân sự "tính cách Việt" một cách triệt để ở đỉnh cao là Viettel và TGDD. Viettel dùng lương thưởng cao đi kèm với kỉ luật quân đội. Còn TGDD xây dựng chính sách khiến cho bất cứ một nhân viên nào, dù quản lý hay nhân viên bán hàng/giao hàng/trực điện thoại cấp thấp nhất đều làm việc như làm cho chính mình, bất kể ngày đêm để phục vụ khách hàng, tăng doanh số cho cty. Dù trong tương lai mô hình nhân sự TGDD sẽ có chút vấn đề để có thể thích ứng với thời đại ecommerce.

Hệ sinh thái khởi nghiệp

Mặc dù 5 năm trước người Thái chậm hơn người Việt ở thị trường trực tuyến, nhưng đến điểm rơi thì họ đi rất nhanh. Đến nay hệ sinh thái khởi nghiệp của họ khá hoàn chỉnh dù chưa hoàn hảo.
Họ có 3 telco lớn nhất AIS (thuộc Singtel, trước đó là của cựu thủ tướng Thaksin), True Move (thuộc CP Group. China Mobile sở hữu 18%) , DTAC (vốn đầu tư từ Telenor Na Uy). Cả ba telco đều có incubator/accelerator/VC để đầu tư vào startup. Hầu hết họ đều hỗ trợ startup theo kiểu win-win chứ không đè bẹp startup như các telco ở VN. Tham khảo bài Head of AIS The StartUp – Dr.Srihathai: We want to strengthen startup business with growth opportunity! - http://ecomeye.com/head-ais-the-startup-srihathai-we-strengthen-startup-business/
Các ngân hàng lớn như SCB, Kasikorn cũng đều có quỹ đầu tư riêng. SCB có một quỹ 50 triệu đô. Và họ đầu tư cả vào bitcoin/blockchain.
Riêng chính phủ Thái có một quỹ đầu tư startup hơn 500 triệu đô. Riêng về payment, họ có một e-payment PromtPay được liên kết với tất cả các ngân hàng. Mỗi năm họ đều tổ chức một đến hai sự kiện Startup Thailand cực kỳ hoành tráng và chuyên nghiệp. Xem bài trên BusinessInsider: Thailand's national e-payment system should bolster e-commerce - http://www.businessinsider.com/thailands-national-e-payment-system-should-bolster-e-commerce-2016-7

Tầm nhìn khu vực

Như đã nói, điều làm tôi ngạc nhiên lúc đó (2013-14) là các startup ở trên đều tranh thủ đi ra các nước, thường là ĐNA để mở thị trường, dù họ chưa có đầu tư lớn và ngay cả khi ở trong nước họ cũng chưa phải là top player. Priceza và Wongnai mới chỉ vào top website TMĐT Thái Lan năm nay. (Các bạn có thể hỏi bác G về Top ecommerce sites Thailand).
Đến thời điểm hiện tại Priceza gần như là price comparison site số một ở ĐNA, nếu tính theo lượng truy cập, doanh thu tiềm năng và độ phủ thị trường. Ngoài Thái, họ có mặt ở Malaysia, Sing, Phi, Indo, VN. Ở Indo họ cũng thuộc top 3, nếu không nói là phổ biến nhất. Đồng thời với vị thế này họ đã có thêm nhà đầu tư chiến lược từ Đức, và không khó để có thể gọi thêm vốn nếu cần. Trong khi những site tương tự ở VN đang bị thu hẹp hoạt động do cạnh tranh khốc liệt từ những công ty lớn từ nước ngoài và các tập đoàn lớn tại VN, và rất khó để gọi thêm vốn vì không có sự hiện diện ở các thị trường khác ngoài VN.
StockRadar đã chiếm lĩnh thị trường Thái, partner với Line Thái Lan (hơn 40 triệu users, nhiều hơn cả Facebook Thái). Và cũng đã hiện diện ở một vài nước khác như Sing và Indo. Họ cũng đang tìm một stock broker và có hiểu biết về online để phát triển thị trường VN, nên ai quan tâm vui lòng liên hệ tôi.
Đến nay thì họ có một lợi thế đáng kể. Hiện diện ở vài nước quan trọng, và có thể thu hút nhà đầu tư quốc tế, để được hỗ trợ cạnh tranh trong trường hợp các công ty lớn vốn mạnh từ nước ngoài vào.
Như vậy VN có thể cạnh tranh hay hợp tác với Thái Lan như thế nào? Nếu bạn nào có ý tưởng gì vui lòng comment!
Bài tới: Ra biển lớn hay là chết: Kỳ 2 - Indonesia, người khổng lồ tỉnh giấc!
Muốn biết thực tế Indonesia thế nào, xem hồi sau sẽ rõ!

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét