Hiệu ứng Goldilocks: Làm sao để thúc đẩy bản thân phát triển


Vào năm 1955 tại Anaheim, California, công viên Disneyland được mở cửa. Có một cậu bé 10 tuổi mơ ước được làm việc tại đây và vì luật lao động lúc đó còn khá lỏng lẻo nên cậu bé đã được giao cho vị trí bán sách hướng dẫn du lịch và cứ mỗi cuốn cậu bán thành công cậu lại được 0,5$.
Sau một năm làm việc tại đây, cậu bé ngày nào chuyển tới khu vực ảo thuật của Disney và tại đây cậu được dạy một số chiêu ảo thuật đơn giản của những nhân viên lớn tuổi. Phối hợp giữa những câu nói, trò đùa cùng ảo thuật, cậu nhận được sự quan tâm của rất nhiều du khách ghé thăm.
Và thế rồi, bước ngoặt cuộc đời cậu xuất hiện khi cậu bé này nhận ra rằng mình không thật sự mê ảo thuật mà cậu mê biểu diễn trước công chúng. Ước mơ trở thành một diễn viên cũng từ đây mà bắt đầu.
Từ bỏ Disneyland, cậu đi học và bắt đầu biểu diễn tại những câu lạc bộ nhỏ tại Los Angeles. Những câu lạc bộ nhỏ xíu với số lượng người ít ỏi, người ta cũng không quan tâm nhiều tới màn hài kịch của chàng trai nên hiếm khi cậu chiếm sân khấu được tới 5 phút, nhiều khi khán giả của cậu chỉ là những chiếc ghế phía dưới khán đài.
Nghe thì chẳng có gì ghê gớm, thế nhưng cậu bé ngày nào đã tiến bộ rõ rệt, tới năm 19 tuổi, một màn trình diễn của cậu kéo dài tới 20 phút. Và trong khoảng thời gian rảnh rỗi, cậu thử nghiệm, điều chỉnh và rồi tập luyện lại chính vai diễn của mình.
Thế rồi bằng nỗ lực, vào khoảng giữa thập niên 70 của thế kỉ trước, cậu trở thành khách mời quen thuộc của 2 chương trình thực tế đắt show nhất lúc bấy giờ.
Sau gần 15 năm nỗ lực tập luyện, cậu bé công viên ngày nào đã lưu diễn vòng quanh nước Mỹ, biểu diễn trước hàng chục nghìn người đồng thời đóng nhiều bộ phim và trở thành một trong những diễn viên hài có dấu ấn nhất thời đại.
Cậu bé đó chính là diễn viên Steve Martin.

Sự thôi thúc để thành công
Trong cuốn sách của mình, Steve Martin có nói: "10 năm học tập, 4 năm rèn luyện và rồi 4 năm đắm chìm trong thành công", tất cả những thứ ấy chỉ có thể làm được khi một người có đam mê và có động lực thật sự để gặt hái những gì mình muốn.
Thế nhưng, vì sao mỗi người chỉ có thể có động lực làm vài việc nhất định mà không phải những thứ khác? Vì sao chúng ta ước mơ một thứ gì đó nhưng để nó tan biến chỉ trong vài ngày? Giữa những người có động lực với những kẻ từ bỏ khác nhau ra sao? Có quá nhiều câu hỏi cần tìm lời đáp.
Nguyên tắc Goldilocks
Con người thích sự thử thách, chúng ta thích khám phá và thể hiện bản thân. Thế nhưng, sự thử thách này cũng cần có giới hạn.
Ví dụ hãy tưởng tượng bạn tập chơi đá bóng và bạn có một trận đấu kịch tính với một cô bé 2 tuổi, bạn sẽ rất nhanh chán. Trận đấu quá đơn giản, chẳng phải cố gắng cũng thắng rồi. Thế nhưng, nếu bạn phải đấu với một danh thủ nổi tiếng như Ronaldo chẳng hạn, bạn cũng sẽ rất nhanh chán. Tất nhiên, anh ta là Ronaldo, làm sao có thể thắng được? Quá khó.
Thế rút cuộc là bạn muốn gì?

Tất nhiên bạn muốn thứ vừa sức với mình, không dễ như một đứa trẻ 2 tuổi nhưng cũng không có như thi đá bóng với Ronaldo, bạn muốn mình phải giành giật từng điểm số, có khả năng thất bại nhưng tất nhiên cũng có cơ hội chiến thắng nếu nỗ lực đủ.
Và rồi bạn nhận ra rằng chỉ cần cố gắng thôi mình có thể chiến thắng, sự tập trung tăng cao, các yếu tố sao nhãng biến mất, mọi thứ bỗng chốc thu bé lại chỉ vừa bằng trái bóng.
Thứ gì quá dễ so với khả năng thì nhàm chán, thế nhưng những thứ vượt qua khả năng thì cũng nhàm chán và dễ gây nản chí. Mặc dù vậy, thứ gì vừa sức và cần nỗ lực để chiến thắng lại là thứ tuyệt vời nhất với con người, thứ giúp chúng ta hạnh phúc hơn và vượt qua chính mình.
Đó chính là tác dụng của hiệu ứng Goldilocks, hiệu ứng này cho rằng con người đạt đỉnh cảm xúc (sung sướng, hưng phấn) tột độ khi chúng ta làm việc đúng ở ranh giới của độ khó, không quá khó, không quá dễ, nó vừa đủ khó mà thôi.
Và câu chuyện dài ngoằng nghe có vẻ vô nghĩa về Steve Martin bên trên lại là minh chứng điển hình nhất về hiệu ứng Goldilocks, sau mỗi năm, màn trình diễn của Steve Martin dài hơn nhưng chỉ là 1 tới 2 phút, ông luôn thêm những cách diễn mới nhưng vẫn giữ những trò đùa chắc chắn sẽ làm khán giả cười. Bạn có thấy không? vừa có yếu tố dễ vừa có yếu tố phức tạp, nó vừa đủ để khiến Steve Martin nỗ lực hết mình nhưng vẫn hạnh phúc để đạt được những đỉnh cao mới.
Vậy, áp dụng Goldilocks ra sao với mỗi người?
Để áp dụng được hiệu ứng này với chính bạn, để bạn có thể có nhiều động lực hơn, hạnh phúc hơn hay nỗ lực hơn, trước hết bạn phải hiểu rằng Goldilocks là sự hòa trộn hoàn hảo của làm việc chăm chỉ với sự hạnh phúc.
Tất nhiên, bạn phải tìm được khoảng thoải mái nhất với bản thân mình, độ khó phù hợp thế nhưng cũng phải tính toán, ghi chép lại quá trình làm để xác định xem liệu những thứ bạn đang làm có vừa đúng sức hay không?
Giả sử mỗi lần bạn chống đẩy, bạn chống được hết sức 30 cái nhưng cảm thấy vô cùng khó chịu và mệt mỏi, nhưng nếu chống 25 cái lại cảm thấy "chẳng bõ dính răng"... hãy tìm con số hoàn hảo trong khoảng này, nó có thể là 27, 28 hay 29 lần chống đẩy. Điều quan trọng nhất ở đây là bạn có phản hồi ngay lập tức về những gì mình vừa làm từ đó thay đổi cho thích hợp.
Lại lấy ví dụ như môn đá bóng phía trên, nếu bạn đá với một đối thủ mà chỉ toàn thua tung lưới chứ chẳng ghi được bàn nào thì có lẽ đối thủ của bạn quá khó rồi, hãy tìm cho mình một người dễ dàng hơn một chút, nhưng đừng dễ quá để rồi bạn lại nản chí. Thứ chúng ta cần thấy là quá trình nỗ lực để có được thành quả, nó phải vượt qua thất bại, vượt qua chính mình để có được thành công. Nói ngắn lại, chúng ta thấy được chiến thắng của mình nhưng phải nỗ lực để có được nó.
Một khi đã tìm được điểm vừa ý, xin chúc mừng vì bạn đã tạo thành công động lực cho chính mình, hãy nỗ lực thêm mỗi lần một chút, vừa đủ thách thức thôi đừng khó quá, lặp đi lặp lại nó và rồi chờ đón thành công.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét