Hiệu ứng rắn hổ mang


Câu chuyện bắt đầu tại thành phố Bogota thuộc Colombia nơi có tình trạng kẹt xe tệ hại cũng giống như bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giới. Để giảm bớt tình trạng này, các giới chức thành phố đã ban hành một luật cấm xe oto đại khái như sau: các xe có biển số xe có chữ số tận cùng là (1,2,3,4) bị cấm lưu thông trên đường vào ngày thứ Sáu. Tương tự, thứ Hai họ cấm các xe có biển số tận cùng là (5,6,7,8). Đây không phải là thành phố đầu tiên đưa luật này vào hiệu lực, Mexico City đã làm, cũng như Athen, Bắc Kinh (khi đăng cai Thế vận hội 2008) đã có những biện pháp tương tự.
Nhưng nếu bạn là người dân thành phố này và phải lái xe mỗi ngày thì bạn sẽ làm gì?? Những nhà làm luật ở Bogota có lẽ đã không nghĩ đến cách đối phó này: các gia đình khá giả trung lưu đã mua thêm xe (tất nhiên với biển số khác loại) để phục vụ mục đích di chuyển của mình. Có gia đình có 2 vợ chồng mà có đến 4 chiếc xe và thường thì những xe phụ trợ này là loại đời cũ hơn, tiêu thụ nhiều năng lượng hơn. Mặc dù không có đủ dữ liệu để kết luận về tình hình ở Bogota, nhưng những nghiên cứu của World Bank tại Mexico cho thấy tổng thời gian lái xe trong thành phố không những giảm mà còn tăng kèm theo mức độ ô nhiễm không khí và lượng tiêu thụ năng lượng cũng không giảm như mong muốn ban đầu của những nhà làm luật.
Đây là một ví dụ điển hình của hiệu ứng Rắn hổ mang – tên gọi có nguồn gốc từ một sự việc tương tự tại Ấn độ vào thời thuộc địa Anh khi mà người đứng đầu tp Delhi quyết định tiêu diệt hết rắn hổ mang trong thành phố bằng cách treo thưởng cho mỗi bộ da rắn. Trái với mong muốn giảm thiểu số rắn hổ mang của nhà cầm quyền, một số người dân Delhi đã đối phó với chính sách này bằng cách nuôi rắn hổ mang. Với số lượng da rắn tăng đột biến so với dự kiến, nhà cầm quyền nhận ra đây không phải là phương pháp hay, nên đã quyết định ngừng việc treo thưởng. Nhưng đến lúc đó, những nông dân nuôi rắn bất ngờ không còn thị trường tiêu thụ số rắn trong trại. Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì nếu nguồn cung không có cầu? Đương nhiên là bạn sẽ thả chúng ra vì bạn đâu muốn tốn tiền nuôi chúng mà không được gì, và vì thế với số lượng gấp vài chục lần ban đầu, rắn hổ mang lại tiếp tục hoành hành ở Delhi.
Câu chuyện tiếp theo liên quan đến chính thủ đô Hà Nội Việt Nam chúng ta vào những năm đầu của thế kỷ trước nữa (~1900). Một nhà nghiên cứu thuộc đại học Sacramento đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy trong đống tài liệu lưu trữ về Hà Nội thời thuộc địa Pháp có cả một danh sách số lượng chuột đánh bắt được mỗi ngày trong mấy tháng liền.
Ở đây có lẽ cần một chút thông tin bên lề: vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đang cho xây dựng lại Hà Nội theo hình mẫu mới với những ngôi nhà rất đẹp, trần cao, cửa sổ rộng, đường xá ngăn nắp, và cả những ống cống hoành tráng là nơi trú ẩn lý tưởng của ….. chuột. Với hệ thống cống ngầm giống như đường cao tốc cho chuột, đã có những báo cáo về việc chuột chui ngược lên bồn cầu ở cả những khu sang trọng làm ảnh hưởng đến những người Pháp thanh lịch sống trong thành phố.

Quay trở lại chuyện chính, tình hình với chuột trở nên nghiêm trọng hơn khi bắt đầu có dấu hiệu bệnh dịch hạch lan truyền đến khu người nước ngoài. Người Pháp đã phản ứng rất nhanh, họ thuê một vài người Việt xuống cống để diệt chuột – chính là nguồn gốc của danh sách nói trên. Theo danh sách này (vào mùa xuân và mùa hè năm 1902), tuần đầu tiên họ diệt được cả trăm con chuột. Một tháng sau khi dự án triển khai: ngày 19 tháng 5 họ giết được … 7442 con; cao điểm là vào ngày 12 tháng 6, họ giết được 20114 con…. Thật khó tưởng tượng nổi việc giết được hơn 20 nghìn con chuột trong một ngày. Nhìn vào danh sách này rõ ràng thấy là một vài người không thể đủ sức làm giảm số lượng chuột khổng lồ này. Và ai đó đã nghĩ ra phương án treo giải thưởng để khuyến khích nghĩa vụ diệt chuột của người dân Hà Nội: người dân sẽ phải đem đuôi chuột làm bằng chứng để nhận thưởng.
Thế là hàng nghìn đuôi chuột được chuyển đến hội đồng thành phố, và người Pháp thật sự nghĩ rằng đang kiểm soát được vấn nạn này…. Cho vài tháng sau, một quan chức Pháp đi công du ở ngoại ô Hà Nội. Bên ngoài thành phố là nơi nhà cửa xập xệ và có nhiều “tệ nạn” như móc túi, trộm cắp… Và khi quan sát một trong những ngôi làng tại đây, ông đã phát hiện một trang trại … chuột – nơi người Việt đang nuôi chuột rồi cắt đuôi chúng để đem nhận thưởng tại hội đồng thành phố. Rõ ràng, người Việt Nam đã bắt nhịp rất nhanh với triết lý kinh doanh mà người Pháp đang muốn truyền bá tại đây.
 Và để chốt lại vấn đề hôm nay, xin được chốt lại bằng ý kiến của nhà kinh tế học Steve Levitt về việc dùng những chính sách có tính chất khuyến khích này:
Tôi nghĩ bạn nên bắt đầu bằng việc chấp nhận rằng không cá nhân nào, hay chính phủ nào sẽ có thể thông minh hơn những người nghĩ cách lách luật của bạn. Vì vậy khi bạn đưa ra một chính sách khuyến khích, bạn sẽ phải chấp nhận là dù cho bạn có thông minh hay cẩn thận đến đâu, sẽ có ai đó nghĩ ra được cách lợi dụng chính sách đó cho lợi ích riêng của họ.”

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét