Tôi không hiểu đàn ông. Tôi không hiểu phụ nữ. Tôi không hiểu con người. Có thể, chỉ là có thể thôi, tôi không hiểu gì hết.
Nhưng điều đó cũng không cản tôi nhận ra một số thứ. Bởi những thứ đó đôi khi đập vào mắt, không muốn thấy cũng không được. Như là sự nguy hiểm của một cuốn sách được coi là vĩ đại chẳng hạn. Khi mới xuất hiện, nội dung của chúng thường tàn phá và xô đẩy mọi giá trị mà ta cố gắng bám víu: những quy tắc pháp luật, những tiêu chuẩn văn hoá, và có sách đi xa đến mức công kích cả những đạo lý làm người cơ bản nữa. Ở đây lại phải phân biệt, có những gã viết ra mới mục đích duy nhất là tàn phá, và vì thế ngoài sự kinh hãi mà nó gây ra, nó nhạt nhẽo; khác hẳn nhưng rất dễ bị người đời xếp nhầm vào cùng nhóm trên, là số ít mà sự đổ nát do họ gây ra hoàn toàn vô tình, bởi tinh thần chứa trong họ quá lớn đến nỗi mọi cột trụ mà xã hội đang có chỉ tạo thành một cái khung quá hẹp để chứa. Từ một cú vận động đơn giản của họ thôi, tất cả vỡ vụn.
Tại sao chúng ta cần phải cố gắng đọc một tinh thần lớn? Vì thế giới thông thường thì chán, và nếu chỉ đi theo mấy lối rẽ quen thuộc, cuộc đời bạn sẽ có một lộ trình mà chưa đi đã tường tận. Các tác giả manga biết thừa điều này (thật nực cười khi nhiều người luôn coi manga chỉ dành cho trẻ con và đương nhiên thấp kém hơn các loại hình giải trị khác), có vài bộ manga sau khi tác giả cho nhân vật chính quậy phá tưng bừng, tưởng đâu hết đất để diễn, sắp kết truyện đến nơi, tập sau họ bất ngờ vẽ ra một lục địa tối nào đó, to gấp mười lần lục địa sáng chả hạn, và đẩy nhân vật qua đấy để tiếp tục moi tiền của người đọc.
Bước vào vùng tối đem lại một trải nghiệm vô cùng đáng quý, đó là vùng tối trông huyền bí, quyển rũ, ám ảnh và khơi gợi thế thôi, thực ra chẳng có kho báu gì ở đó hết, có khi vùng tối còn chán hơn cả vùng sáng cơ. Và lúc này, bạn hiểu thực sự chứ không phải nhắm mắt tuân theo (giống khái niệm trong tiếng Anh “monkey see monkey do”), rằng tại sao xã hội lại cần những cột trụ để đóng khung, hòng ngăn con người bước vào vùng tối. Một người lĩnh hội rất rõ điều này là Kim Dung, nhưng chỉ đọc Kim Dung lại không giúp độc giả hiểu ra. Bởi Kim Dung không mang một tinh thần lớn nào hết, ông chỉ kể lại chuyến chu du của mình nương theo các tinh thần lớn đó. Do vậy, ai đó chỉ đọc Kim Dung cũng không khác một người chưa đến Nam Cực bao giờ mà chỉ nghe một nhà thám hiểm thuật lại. Họ gật gù khi nghe nhà thám hiểm mô tả con chim cánh cụt dễ thương đến thế nào, tưởng rằng rất hiểu đấy, nhưng vì chưa được tận mắt nhìn thấy, trong đầu họ lại hình dung ra con công hai màu.
(So sánh Cổ Long với Kim Dung đương nhiên vô cùng lầm lạc. Kim Dung đi rất xa rồi trở về, còn Cổ Long chỉ rảo bước loanh quanh)
Nhưng không phải ai cũng tin là vùng tối không có gì. Có kẻ kiên trì đến nỗi tất cả bỏ về rồi, riêng bản thân vẫn bám trụ trong vùng tối mò mẫm cả đời. Đọc những tác phẩm mô tả quá trình lang thang vô ích này là cả một sự khủng khiếp, có thể tương đương với việc bị tra tấn tinh thần, nhưng chúng rất đẹp, một cái đẹp chân thực và đau đớn. Cỏ kẻ trở nên hoang tưởng nghĩ rằng mình tìm được kho báu rồi, hoặc có kẻ đểu giả cố tình tìm cách lừa đảo người khác rằng mình tìm được kho báu rồi, đem một hòn đá ra khỏi vùng sáng, sau đó công bố cho toàn thiên hạ. Người ta xúm xít đến xem, tranh biện nhau cãi cọ nhau, nhiều người bị mê hoặc, xúm xít ngưỡng vọng, tôn vinh kẻ tìm ra hòn đá lên một vị trí lớn lao không thể ngờ được, rồi một thời điểm nào đó trong tương lai, toàn bộ vỡ mộng, vì hòn đá cho dù được lấy ra từ vùng tối đi chăng nữa, dù có khác những hòn đá thường thấy ở vùng sáng đi chăng nữa, nó vẫn chỉ là hòn đá, sự ngưỡng vọng không giúp nó thành một cái gì khác.
Thậm chí, có những kẻ còn chưa đặt chân được đến vùng tối. Họ cũng tỏ ra đọc sách ông này ông kia đấy, nhưng thực ra hoàn toàn không theo nổi tinh thần lớn ẩn chứa trong đó. Một số người chân thực hiền lành thì thừa nhận, nhưng có những kẻ tham vọng không chấp nhận chuyện họ thua kém người khác. Người hiền lành thì loanh quanh trong vùng sáng, viết ra nhiều thứ dễ thương đáng yêu, còn sự tham vọng đẩy người ta đi thành hai đường, một đường thì vừa bắt chước vụng về những tinh thần lớn mà họ không hiểu, vừa khoe mẽ kiến thức với nỗ lực công kích đả phá các cột trụ của xã hội; một đường hiểm hóc hơn là chiêu tuyết cho đám đem khoe hòn đá lấy ra từ bóng tối. Vì có cách nào giả vờ vào vùng tối khéo hơn việc ca ngợi một thứ được lấy ra từ đó đâu? Và đám này là tác nhân chính cho một tập đoàn ảo tưởng, vì chúng có chữ, chúng biết cách thu hút dân chúng vốn yếu đuối và lười nhác trong việc rèn giũa tinh thần. Nhận ra đám dối trá này rất dễ, nếu bạn đã từng trở ra trở vào vùng tối của bản thân.
Hón đá đem ra từ vùng tối là một thử thách, không phải dành cho trí tuệ, mà dành cho tính chân thực và lòng dũng cảm. Bởi chẳng cần hiểu biết gì, chỉ cần chân thực và dũng cảm thôi, bạn cũng biết đấy là hòn đá.
Mấy câu chuyện phía trên, một lần nữa, Kim Dung cũng viết trong tiểu thuyết của ông cả rồi. Nhưng chỉ đọc Kim Dung, một lần nữa, không giúp bạn hiểu. Cái biết mà truyện Kim Dung đem cho bạn, một lần nữa, giống như việc nghĩ con công là con chim cánh cụt vậy. Và mỗi lần đọc Kim Dung người ta lại ngộ ra một điều gì đó mà lần trước họ không để ý. Bởi Kim Dung tả con chim cánh cụt, nhưng vì họ không hiểu, họ nghĩ đó là con công, lần sau khá hơn, họ nghĩ ra con đà điểu, lần sau trưởng thành hơn nữa họ nghĩ thành con kangaroo (Tôi đang nhại theo truyện gì đây – truyện Hiệp khách hành đấy)
Cho đến nay, vẫn chưa có ai tìm ra kho báu hết. Hoặc có thể, hãy nghĩ theo hướng kinh dị hơn, có kẻ tìm ra rồi nhưng đem giấu, không cho ai biết. Hoặc người ta đã khoe cho cả thế giới rồi, nhưng vì đó là báu vật từ vùng tối, nên không ai tin không ai hiểu, và báu vật đó nhanh chóng biến mất trong dòng chảy ngồn ngột ồ ạt của lịch sử.
Thế giới tương lai có thể tươi sáng hoặc tồi tệ hơn. Nếu mọi chuyện vẫn ổn, tôi luôn hi vọng là thế, dù ước mơ nhiều khi khác xa sự thật, chúng ta sẽ vẫn đi làm, lập gia đình, yêu thương nuông chiều nhau, nuôi nấng những đứa con rồi được chôn ở một nơi nào đó trên Trái Đất này. Nhưng nếu có gì khủng khiếp xảy tới, với tất cả hay chỉ với một cá thể, tôi mong mỗi cá nhân đều chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho mình, bởi cạm bẫy của chữ nghĩa, văn chương, triết học, hay tất tần tật cái được gọi là kiến thức luôn rất lớn.
Lịch sử thường hay lặp lại, còn tuổi trẻ lại thường hay dại dột.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét