Trong tiểu thuyết nổi tiếng của Tàu là “Tây Du Kí”, vì sao Đạo giáo lại được miêu tả tiêu cực đến thế?



Trong Tây Du Kí, nhân vật chính diện là một ông thầy chùa và nhiều Đạo sĩ ông ta chạn trán trên đường đi rốt cục là yêu quái giả dạng, chúng muốn ăn thịt hoặc giết ông ta, và trong một kiếp nạn thì còn dày vò mấy thầy chùa đó (ND: ý nói thầy trò Đường Tăng). Có phải việc miêu tả tiêu cực thế này phản ánh tư tưởng của xã hội người Tàu thời cận đại không?

u/cthulhushrugged (648 points)
Phải hiểu được rằng, chung quy thì Phật giáo và Đạo giáo ở Tàu đã không và không bao giờ là người người "đồng chí" trong tư tưởng. Thực tế, gọi chúng là "những kẻ cạnh tranh nhau" thì dễ hiểu hơn - chúng đối nghịch tư tưởng, cùng với một triết phái thứ ba nữa là Nho giáo, thường thì khó nhai hơn - và đôi khi là những kẻ thù sống mái. Giờ thì, hãy nhìn vào hai triết phái này thời nay, dễ dàng nhận thấy được chúng có nhiều điểm chung - ủa vậy cách quái nào mà chúng không hoà hợp được với nhau? (ờ, hỏi mấy đứa Công giáo và Tin lành đi là biết liền)... nhưng trên thực tế, những sự tương đồng về tín ngưỡng phần nhiều là sản phẩm trong cuộc cạnh tranh đó để chiếm lấy cái đầu và cái tâm của người Tàu, và cụ thể là những người thuộc tầng lớp thống trị.
___
Đạo giáo khái quát ngắn gọn
Đạo giáo khởi nguồn từ nước Tàu và xuất phát từ (có nhiều khả năng, ít nhất là đáng tin một phần, những ghi chép của bản thân) Lão Tử (Laozi, hay Lao Tzu), và Đạo Đức Kinh, tập hợp hoàn thiện nhất những cách ngôn và lời dạy của ông. Đạo giáo hướng tới bộ triết lý thâm thuý nổi danh của nó đặc biệt là khái niệm "vô vi", nghĩa là làm từ cái không làm (ND: chương 37, "Đạo thường vô vi nhi bất vô vi", tức Đạo-bất-biến là không làm gì cả, mà không gì không làm), hòa hợp với vạn vật và thiên nhiên (thí dụ, vòng Âm-Dương đã bị ăn cắp trơ trẽn bởi những người Tân Nho giáo từ ý tưởng của Đạo giáo về lược đồ Thái Cực, tức Thái Cực đồ, thứ nói lên bản chất của vạn vật), và bản chất không-thể-nhận-biết-được của Đạo (trên thực tế, câu mở đầu của Đạo Đức kinh là thế này:
Đạo khả đạo, phi thường đạo
Danh khả danh, phi thường danh
Vô danh thiên địa chi thuỷ
Hữu danh vạn vật chi mẫu
--> Cái Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải cái Đạo vĩnh hằng bất biến, cái tên mà để đặt ra để gọi nó (ND: tức là cái tên của Đạo) thì không phải là cái tên vĩnh hằng bất biến. (ND: ngay cả Lão Tử cũng không thể gọi tên của cái Đạo, mà ông mượn chữ Đạo 道 để có phương tiện diễn tả khi chép sách thôi). Không tên, là gốc của trời đất. Có tên, là mẹ của vạn vật.
(ND: có nhiều bản dịch hai câu sau này, vì thời đó viết chữ không có dấu câu. Ở đây, dấu phẩy ở sau hai chữ "danh". Theo bản dịch của Nguyễn Duy Cần, có thể hiểu hai câu này: Không tên, là lúc Đạo chưa hiển lộ ra, thì Đạo là khởi thuỷ của trời đất; Có tên, là lúc Đạo đã hiển lộ rồi, thì Đạo là mẹ của vạn vật.
Tuy nhiên, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê lại bác bỏ luồng ý kiến này, vì "hữu danh, vô danh" mâu thuẫn với tư tưởng vô danh ở câu trước của Lão Tử. Ông Lê cho rằng dấu phẩy phải đặt sau từ "vô" và "hữu", tức hiểu thành: "không" là để gọi cái bản thuỷ của trời đất; "Có" là để gọi mẹ của vạn vật. "Đạo là “không”, siêu hình, là bản nguyên (hoặc tổng nguyên lí của vũ trụ), cái “thể” của nó cực kì huyền diệu; mà cái “dụng” của nó lại vô cùng (vì nó là mẹ của vạn vật)" (Lão Tử Đạo Đức Kinh - Nguyễn Hiến Lê). )
Hờ hờ, mệt não he. Điên đầu đến nỗi bạn sẽ cần phải có một khoảng thời gian để thấm nhuần nó đấy - và Đạo giáo cũng tuyệt với chuyện đó đấy chứ. Thiệt ra, nó khuyến khích người nhập môn nghĩ lâu và sâu về việc làm thế nào mà họ sẽ không-bao-giờ-hiểu-về-bất-kì-cái-quỷ-gì trong thực tại... bằng cách không nhúng chân vào xã hội, sống xa đến tận thâm sơn cùng cốc tránh xa nền văn minh, và nhìn chằm chằm vô bức tường hàng tháng hàng năm trời không nghỉ. Họ có xu hướng để tóc và râu dài thoòng và không thèm chải chuốt (thú vị là viêc này được cho rằng quan trọng đến nỗi những Đạo sĩ là số ít những người thoát khỏi tục cạo nửa đầu thắt bím vào thời Thanh)... và dé de, họ là những người kì dị hoang dại sống trong động, thường nhìn giống như là Bigfoot (ND: nhân vật hư cấu, nhìn như đứa con của King Kong) hoặc một con quỷ lùn. Mấy người nghĩ tui sẽ đi đâu được với bộ dạng thế này?
___
Phật giáo khái quát ít ngắn gọn hơn một tẹo
Ô kê, giờ qua Phật giáo. Phật giáo không bắt nguồn từ nước Tàu mà là từ phía Tây bắc Ấn/Nepal (ND: thật ra là Nepal), và được mọi người chấp nhận rằng đã được giác ngộ bởi Tất-đạt-đa Cồ-đàm đâu đó cỡ cùng thời với lúc Lão Tử và Khổng Tử cũng được khai sáng (cỡ thế kỉ 5-6 TCN). Phật giáo phát sinh mạnh mẽ như là một thách thức lớn đối với những lễ hiến tế và nghi thức của thuyết Vệ-đà đạo Bà-la-môn vốn là tín ngưỡng và cấu trúc xã hội thống trị trên tiểu lục địa Ấn Độ. Nguyên lý trung tâm (ND: mẹ nó, tenets mà thằng cha này ghi tenants, ngồi dịch ủa, central tenants là cm gì?) của Phật giáo xoay quanh ý tưởng về "vô thường", đau khổ, luân hồi sống và chết, và cứu cánh là thoát khỏi luân hồi bằng cách đạt được sự dung hoà với vũ trụ. Vòng tuần hoàn sinh tử vô hạn và sự đầu thai không tự nguyện được gọi là Luân hồi (Samsara), và được tiến hành bởi ấn định cá nhân về bản ngã và nghiệp. Cứu cánh của tất cả là để thật sự được giải thoát hoàn toàn và rời khỏi bánh xe luân hồi, đạt được Giác Ngộ, và trở thành một vị Phật bởi việc nhập được Niết Bàn - trạng thái tĩnh lặng của tâm thức sau khi đã buông xả hết ngọn lửa của tham, sân, si.
Vậy, ta có thể thấy rằng, về cốt lõi - dù thỉnh thoảng có những sự đồng điệu về tín ngưỡng giữa chúng - chúng thiệt sự có thế giới quan hoàn toàn đối nghịch: Đạo giáo nói "Mày chỉ có thể biết được rằng, mày vốn dĩ đếch biết cái quần gì cả", ngược lại Phật giáo giảng "Giác Ngộ không chỉ khả dĩ, mà còn (đặc biệt khi nói đến trường phái có ảnh hưởng lớn ở Tàu, Phật giáo Đại thừa) có thể đạt được ngay tại đây, lúc này, ở đời này, nếu mày tu đủ kiên trì."
Mặc dù Phật Thích Ca đã giác ngộ vào thế kỉ thứ 5 TCN, nhưng mãi cho đến thế kỉ 1 SCN - tức vào thời nhà Hán - thì Phật giáo mới thật sự tìm đường vào Trung thổ thông qua Con đường tơ lụa từ Ấn Độ, băng qua dãy núi Hindu Kush. Dù về địa lí, Ấn và Tàu gần nhau, nhưng dãy Hi-mã-lạp Sơn quả thật là một rào cản lớn cho việc truyền bá triết lý giữa hai nền văn hoá này, thậm chí hơn nữa là người ta phải đương đầu với sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã (Taklamakan) chết chóc - chưa kể đến nghìn vạn nỗi sợ từ bọn Hung Nô, bọn này khoái khẩu món chặn đường các thương đội ra vào Trung thổ trong suốt nửa đầu triều Hán. Bởi vậy, chuyện cũng hơi trớ trêu - dù không đáng ngạc nhiên lắm - rằng những tay truyền giáo của nhà Phật được cho là đã đến tận miền viễn Tây như Athens và Alexandria hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm năm trước khi Phật giáo đến được Trường An hay Lạc Dương.
Phật giáo có mối quan hệ khá căng với cả dân chúng và giới quý's tộc's Trung Hoa. Đã có khoảng một trăm năm yêu-rồi-lại-bỏ, bỏ-rồi-lại-yêu, yêu anh hận anh, anh biết hay chăng... nồng cháy giữa tôn giáo này và các tầng lớp nước Tàu. Vài lão vua còn rất lậm - như Hán Minh Đế bảo rằng ổng nằm mơ thấy Phật kêu gửi người đến phía Tây để thỉnh chân kinh; hay thậm chí cả ông Hán Vũ Đế (dù có vẻ không hẳn thế) (ND: Hán Vũ Đế là một trong 4 vị hoàng đế tài ba nhất nước Tàu, được xưng cùng với Tần Hoàng, Hán Vũ, Đường Tông, Tống Tổ, tức là Tần Thuỷ Hoàng Doanh Chính, Hán Vũ Đế Lưu Triệt, Đường Thái Tông Lý Thế Dân, và Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận); nhiều nhà lãnh đạo trong thời kì chia cắt (ND: thời kì sau khi nhà Hán sụp đổ, kéo dài 350 năm, gồm thời Tam Quốc, nhà Tấn, Thập Lục Quốc, Ngũ Hồ loạn Hoa, Nam Bắc triều, kết thúc vào đầu thời Tuỳ) theo chân nhà Hán cũng vô cùng kính ngưỡng Phật pháp, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của sư Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva), người có thể cung cấp những bản dịch kinh Phật tốt hơn và dễ tiếp cận hơn với người dân nước Tàu sau khi ông bị bắt bởi nhà Hậu Tần vào thế kỉ 5 SCN, dân tình thì kiểu thốt lên "ồ queo, bố mày giác cmn ngộ rồi" và nhiều trường hợp thì xách đít đi tu luôn. Vụ này gồm luôn câu chuyện hợm hĩnh của ông Lương Vũ Đế vào giữa thế kỉ 6 SCN: ổng bỏ ngai vàng đâu chỉ một lần, không phải hai lần luôn, mà tận ba lần để trốn lên chùa tu... và mỗi lần như vậy thì bá quan văn võ phải "chuộc" ổng về bằng một mớ tiền "phúng điếu". (ND: theo như mình tìm hiểu thì ông này trốn 4 lần lận, mà tổng số tiền chuộc là 40 triệu quan tiền ) )
Tuy nhiên, Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ vào thời Đường (618 - 907 SCN), dưới triều của Đường Thái Tông (ông này gửi Huyền Trang đi lấy kinh, theo tiểu thuyết), Đường Huyền Tông (ông này đón Huyền Trang về, theo dân gian), và nữ hoàng Võ Tắc Thiên (bà này thiệt sự là đã làm đủ chuyện để khẳng định mình là một vị Bồ-tát).
Nhưng cho dù Phật giáo có thành tựu nhất định về độ phổ biến ở nước Tàu thì nó vẫn không tránh khỏi những lời gièm pha, phản đối. Đáng chú ý là vụ Hàn Dũ, khi đó là Hình bộ Thị lang, người vô cùng chống đối Phật giáo, đã dâng biểu can gián lên cho Hoàng đế năm 819 SCN rằng:
"Thần mạn phép tâu rằng Phật giáo vốn chỉ là một giáo phái của bọn man di truyền đến Trung Hoa. Thời cổ đại không tồn tại Phật giáo.
Nay thần nghe được Bệ hạ lệnh cho các nhà sư thỉnh về xương ngón tay của Phật tổ, và Bệ hạ sẽ ngự giá lên một toà tháp để nhìn đoàn người làm lễ rước xương Phật vào Hoàng cung [...]
Phật tổ chỉ là một gã man di không biết nói tiếng Hán và không mặc Hán phục. Miệng không nói đến phép tắc của tiền nhân, thân không mặc y phục của tiền nhân[...] nếu Phật tổ còn sống và đến triều cống triều ta, có lẽ Bệ hạ sẽ chiếu cố mà chào đón ông ta, nhưng sau đó ông ta phải bị đày ra biên giới, bị trục xuất, và không được phép mị dân. Vậy thì làm thế nào mà sau khi ông ta đã chết lâu rồi, những khúc xương tan rã của ông ta, cái thứ xú uế và không may mắn ấy, được phép chễm chệ nằm ở hoàng cung? Khổng nói: "Kính quỷ thần nhi viễn chi" (kính quỷ thần, nhưng né xa nó ra)! Thần thật xấu hổ, dám mong bệ hạ đem xương ấy cho thầy đồng mà vùi vào lửa, ném vào nước, để diệt trừ gốc căn quỷ dữ, đoạn u mê cho đời sau [...]."
(ND: Ông này xém bị lão Hoàng đế chém bay đầu, nhưng may mà văn võ bá quan xin cho, cuối cùng bị hạ chức thôi.)
>u/cthulhushrugged (454 points)
(ND: là cha nội ở trên tiếp tục đó)
Và có vài vị Hoàng đế đã chấp nhận những lời buộc tội đức tin này của các học giả như Hàn Dũ - tổng cộng có 4 pháp nạn Phật giáo lớn cùng với những người tiến hành, 3 trong số đó được biết đến là "Tam Vũ chi Hoạ", bởi cả 3 đều xảy ra dưới thời cai trị của các ông Hoàng đều có tên - đoán xem: Vũ (ND: Bắc Nguỵ Thái Vũ Đế, Bắc Chu Vũ Đế, và Đường Vũ Tông). Đây là những gì Đường Vũ Tông đã nói vào năm 845 SCN:
"Chúng ta biết rằng Phật chưa bao giờ được nhắc đến trước thời Hán; từ sau Phật giáo vào Trung Nguyên, việc thờ cúng tượng thần mới dần dần được nổi trội lên. Phật giáo đã truyền bá những thứ kì cục của nó và phát triển ào ào cho đến khi nó đầu độc những tập quán phong tục của nước ta. Phật giáo đã lan truyền ra khắp Cửu Châu của Trung Quốc; mỗi ngày lượng thầy chùa và Phật tử tăng một nhiều và đền chùa ngày càng tráng lệ. Phật giáo làm cạn kiệt sức lực bá tánh, cướp lấy tiền tài của họ, khiến họ rời bỏ chủ và cha mẹ để đi theo các nhà sư, và chia cắt tình lữ bởi những điều luật của nó. Nói tới chuyện phá huỷ luật pháp và làm tổn thương lê dân, không gì qua được giáo phái này!
Giờ thì, nếu một người đàn ông không ra đồng, có người sẽ phải chịu đói; nếu một người phụ nữ không nuôi tằm, có người sẽ bị nhiễm lạnh. Hiện tại chưa có số liệu chính xác về số lượng thầy chùa và ni cô trong nước, bá tánh thì đang đợi nông dân gặt lúa lấy gạo và tơ tằm lấy y phục, trong khi đó lượng chùa Phật giáo công khai và nhà nguyện riêng tư tăng lên vô số, đủ để hoành tráng hơn cả Hoàng cung.
[Trẫm] đã xem qua kĩ càng tất cả các tấu chương và tham vấn ý kiến bá tánh một cách toàn diện, thật không có mảy may một nghi ngờ gì nữa rằng thứ ô uế này phải được loại trừ."
Và dé dè, lão ta nghiêm túc đó: hơn 4,600 đền chùa bị đập bỏ trên toàn cõi Đại Đường, hơn 260,000 thầy chùa và ni cô buộc phải hoàn tục. Pháp nạn này kéo dài cho đến khi kết thúc thời trị vì của Đường Vũ Tông và chỉ dừng lại khi Đường Tuyên Tông nối ngôi.
___
Ờ, nhưng... còn về bộ sách...
Kệ đi, mấy vấn đề về mấy cái tôn giáo đó để sau đi, giờ thì chú ý đến cái cốt lõi nè: bộ sách! Tuyệt tác của Ngô Thừa Ân, Tây Du Kí. Nó được phát hành năm 1592, là một trong những bộ tiểu thuyết hư cấu đầu tiên của nước Tàu có tư liệu chính thống về nguồn tác giả, dù cho Ngô Thừa Ân cho phát hành ẩn danh bộ sách vào thời đó. Cũng nên chú ý rằng nguồn chính thống này cũng thường gây tranh cãi, đặc biệt là về thời gian phát hành... Mà để cho đơn giản, tui sẽ chấp nhận Ngô Thừa Ân [là tác giả] và năm 1592 [là năm phát hành]. Về thể loại, Tây Du Kí là, và đã luôn là, một tác phẩm giả tưởng cao, và chưa bao giờ có những giả định mang tính "lịch sử" nào cả. Nó rơi vào thể loại "tiểu thuyết thần ma" của Trung Quốc, khá là cùng loại với những truyền thuyết dân gian lâu đời và cơ bản hơn nữa là truyện cổ tích.
Vậy thì Tây Du Kí không được viết vào thời đó, hoặc không viết về những gì thật sự xảy ra vào thời điểm nó được kể (đầu thời Đường, khoảng thế kỉ 6, 7 SCN), mà được viết ra gần một thiên niên kỉ sau đó như là một hành trình đầy kì thú và lãng mạn. Và bởi vì vị Đường Tăng kiên trì này là người hùng, và kinh Phật là mục tiêu của ông ta - mọi chuyện có lí do để một trong những đối thủ triết lý của Phật giáo Trung Hoa trở thành những nhân vật phản diện - và còn ai hợp vai hơn là những Đạo sĩ siêu kì cục sống trong hang núi và không bao giờ chải đầu?! Bọn họ đã giống yêu quái sẵn rồi, và dù sao họ cũng chẳng có bè bạn gì thây! Tất nhiên là tui đang hơi bị liến thoắng, mà thôi lí trí giữ lại rồi.
___
Chuyện gì "thật sự" (có thể, đại loại vậy) đã xảy ra?
Thực tế, ít ra hành trình của Tam Tạng (tức Huyền Trang) có thực trong lịch sử và mang tính giải trí qua tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân. Sau khi thọ giới cụ-túc trong thời gian kỉ lục (trước tuổi 20) (ND: cũng có thể là 21), ông tự học tiếng Phạn, và đến tuổi 26 - bất chấp lệnh cấm của Hoàng đế - chạy đến Tô Châu và... ờm... du hành đến phương Tây để thỉnh những kinh điển tốt nhất từ Ấn Độ. Ông ta biết rằng biên giới phía Tây Trung thổ Đại Đường vây quanh bởi giặc thù - mà nguy hiển nhất là bọn Đôt Quyết (và đây cũng là nguyên nhân Hoàng đế ra lệnh cấm đến phía Tây). Nhưng sau khi nhận được một khải tượng cho thấy ổng leo lên đỉnh thiêng núi Tu-di (ND: đây là trung tâm vũ trụ thuộc vũ trụ quan Phật giáo), nơi các vị thần phật cư ngụ - ổng chốt hạ luôn, keme lệnh cấm của Hoàng đế, ổng phải tới phương Tây nếu ở đó có câu trả lời cho ổng.
Mặc dù ổng không có gặp ma hay yêu tinh (và đáng buồn thay cũng không có Thần Hầu siêu Saiyan luôn), Huyền Trang đã rời khỏi Trung Quốc ngon lành bằng cách khôn khéo thuyết phục lính biên ải để ổng đi qua Ngọc Môn Quan (cổng này nối TQ và phía Tây, được xây thời Hán Vũ Đế hơn 800 năm trước, vào thế kỉ 2 TCN). Nhưng nếu Huyền Trang nghĩ rằng vượt qua được Ngọc Môn Quan là đã xịn lắm rồi, thì ổng sẽ sớm thức tỉnh thôi. Bởi vì ở phía xa xa Ngọc Môn Quan, ổng phải đối mặt với đoạn đường đầy khổ ải dẫn đến thành Cáp Mật (Hami), với 500 cây số băng ngang sa mạc Gobi. Trong cuốn The History of Xuan Zang (Lịch sử của Huyền Trang) nói:
"Cái chết rải rác dọc đường theo đúng nghĩa đen. Khi Huyền Trang cưỡi ngựa tiến vào sa mạc, một dáng hình bơ vơ và cô độc, ổng thấy cốt người, như là những bằng chứng còn lại của những kẻ du hành khác giống ổng, liều mình tiến vào sa mạc Gobi mà không có sự cho phép của chính quyền. [...] Huyền Trang biết vài người trong số họ cũng là kẻ hành hương đến phía Tây như ổng."
Ổng gần như chết vì thiếu nước ở giữa sa mạc, nhưng xoay sở thế nào đó (cứ cho là nhờ một thế lực tâm linh đưa lối đi) đã tìm thấy được một ốc đảo và an toàn đến được thành Cáp Mật, nơi ổng đã nói chuyện với ông vua sùng Phật của Thổ Phồn. Lão vua này chào đón vị hòa thượng Trung Quốc vào đến hoàng cung của ổng và thết đãi nhiệt tình... nhưng rất nhanh sau đó, chuyện lộ ra rằng ổng chẳng có ý định cho Huyền Trang đi tiếp, thay vì thế ổng muốn đưa Huyền Trang gia nhập đoàn tăng lữ riêng của ổng. Để đáp lại, Huyền Trang chơi trò tuyệt thực, vì thế mà ông vua Thổ Phồn đã mủi lòng và thả Huyền Trang đi, dù trước đó bắt Huyền Trang thề rằng khi đến được nơi cần đến, hòa thượng này phải quay về Thổ Phồn và nán chân lại triều đình ít nhất là 3 năm. Huyền Trang ô kê, và liền đó nhận được một sự hỗ trợ: một lá thư giới thiệu đến những ông vua láng giềng trên trục đường Huyền Trang Tây tiến (đặc biệt quan trọng là thư cho Kha Hãn Đột Quyết, vương quốc của lão có đường biên giới kéo dài tới giáp Ấn Độ), một đoàn tùy tùng 25 người và 4 đồ đệ cũng đi theo tháp tùng Huyền Trang.
Đáng buồn thay, nhiều người trong đoàn tùy tùng không trụ lại lâu với ổng, bởi khi vượt qua đỉnh Thác Mộc Nhĩ (ND: thuộc dãy Thiên Sơn, đỉnh này cao hơn 7,400 m), 1/3 đã bỏ mạng - vài người rơi xuống những khe núi băng ngầm, vài người chết vì tuyết lở, và vài người chết cóng. Tuy vậy, ổng vẫn kiên quyết đi tiếp, cuối cùng cũng đến được đất Phật, và nán lại đó cho đến năm 645, được thụ phong Tam Tạng pháp sư tại đại học Na-lan-đà thành Bihar (Nalanda, Trung tâm Phật giáo thời bấy giờ). Năm đó ổng quay về lại nước Tàu, mang về đầy những kinh điển và tri thức đạo Phật - tổng cộng hơn 650 quyển. Dù ổng rời khỏi nước là một gã tội phạm (vì phạm lệnh cấm xuất ngoại), nhưng lúc về ổng lại là người hùng của Đại Đường và Phật giáo toàn Trung Hoa.
Thư mục tài liệu đọc:
Clements, Johnathan. Wu: the Chinese Empress Who Schemed, Seduced and Murdered Her Way to Become A Living God.
Hodge, Stephen. Textual History of the Mahāyāna-mahāparinirvāna-sūtra.
Lagerway, John and Lü Pengzhi. Early Chinese Religion: The Period of Division (220-589 AD) Pt. 1 & 2.
Lewis, Mark Edward. 2012. China's Cosmopolitan Empire: The Tang Dynasty.
Pearce, Scott. A King’s Two Bodies.
Twitchett, Denis and Michael Lowe (ed.) 1986. The Cambridge History of China, vol. 1: The Ch'in and Han Empires, 221 BC–AD 220.
Twitchett, Denis (ed.) 1979. The Cambridge History of China, vol. 3: Sui and T'ang China, 589–906 AD, Part 1.
Yuanwu, Keqin. Blue Cliff Record (BiYan Lu).
_________________
Nói thêm: Ghé thăm podcast của tui cái nhẹ đi "Podcast Lịch sử nước Tàu" 
(http://thehistoryofchina.wordpress.com/ )
Chúng tui đang kể đến thế kỉ 12 rồi, giờ đang nói tới vụ quân Mông Cổ Nam tiến... thú dị, thú dị...
(ND: có vẻ lão chủ bình luận này có cái nhìn khá phiến diện về Đạo giáo, nhưng việc giải thích dựa vào sự phát dương quang đại của Phật giáo nên Đạo giáo trở nên phản diện cũng đúng. Thật ra, Đạo giáo sau thời Lão Tử, Trang Tử có thêm những trường phái tu tiên, tu bất tử nữa - dựa trên một hai câu nào đó trong Đạo Đức kinh mà người cho rằng có thể tu bất tử. Thời Tam giáo đồng nguyên thì dù ở Tàu hay ở Việt, Nho giáo dùng trị quốc, Phật giáo làm tâm an, còn Đạo giáo hiển lộ lúc về già. Ví dụ mấy ông nhà Nho thời xưa, già rồi cáo lão về quê chơi với chim với thú, hòa hợp với thiên nhiên, chính là tư tưởng và Đạo gia vậy. Có thể kể đến Nguyễn Bỉnh Khiêm với bài thơ "Nhàn" nổi tiếng.)
>>u/400-Rabbits (49 points)
Ủa, ổng về Tàu năm đó. Vậy... không bao giờ ghé lại Thổ Phồn luôn hở?
>>>u/cthulhushrugged (9 points)
Có vẻ như cái chết của lão vua Thổ Phồn đã dẹp luôn cái lời thề đó rồi, ố dè!

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét