Tôi còn nhớ vào năm đó, mùa hè ở Quảng Châu nóng như lửa đốt, tôi tìm việc đã hai tháng nhưng vẫn chưa tìm được nơi đáng tin cậy, ký túc xá lại chẳng có điều hòa. Tôi thường đi tàu điện ngầm, từ đầu đến đuôi, rồi lại từ đuôi về đầu, tất cả cũng chỉ vì tận dụng cái điều hòa phía trên tàu để ngủ một lát.
Có một lần, tôi bị bà cô bên cạnh làm cho thức giấc, bà ta mắng tôi bằng tiếng Quảng, nói tôi không có chút đạo đức nào.
Tôi nhìn lên, bỗng thấy trước mặt mình là một cụ ông đang chống gậy.
Tôi đứng dậy nhường ghế, ông cụ ôm vai tôi và nói bằng tiếng Quảng với bà cô đó: "Thằng nhóc này mệt rồi, đừng nói nó như vậy, tôi cũng chỉ còn 2 trạm nữa là đến nơi thôi."
Tôi còn nhớ mình thường đến một tiệm ăn để mua cơm xá xíu (cơm với thịt heo quay), 12 tệ một bát, thịt và cơm thơm phức, chủ quán là một người đàn ông trung niên cao ráo.
Quán đó có một nội quy rất nhân văn, chỉ cần bạn đến đây ăn là có thể uống nước canh thoải mái.
Tôi cầm bát canh đến xin liên tục, người phục vụ còn chưa kịp nhìn thì một cô gái trẻ đã ngăn tôi lại: "Anh đã uống năm sáu bát rồi, còn muốn thêm?"
Cả quán ai nấy đều ngó sang, mặt tôi nóng bừng lên, bản thân phải đấu tranh giữa lòng tự trọng và cái đói. Lúc đó tôi vẫn còn là tuổi ăn, một bát cơm không thể khiến bản thân no nổi, nhưng tôi lại không có nhiều tiền để ăn đến vậy.
Ông chủ nhìn ra hoàn cảnh khó khăn của tôi, bước tới cầm lấy chiếc bát đã cạn một nửa rồi đổ đầy bát canh, sau đó, ông ấy quay lại nhà bếp, mang cho tôi hai cái bánh bao xá xíu.
Tôi nói muốn trả tiền nhưng ông chủ xua tay, bảo: "Cậu nhóc, bữa nào đói cứ ghé qua đây ăn cơm, hai phần tôi tính cậu một phần."
Tôi còn nhớ có một đêm, tôi lôi giường ra, cố gắng tìm tàn thuốc dưới gầm giường, bàn chân vô tình giẫm phải đầu lọc thuốc lá tầm khoảng 2cm, lấy bật lửa châm đến 3 lần thì nó mới cháy.
Chủ nhà đi ngang qua nhìn thấy cảnh tượng này, anh ta lấy tàn thuốc từ miệng tôi xuống rồi đưa cho tôi một điếu Trung Hoa.
Tôi có hơi xấu hổ, cầm điếu thuốc vô cùng ngập ngừng, ông chủ nhà mỉm cười vô tư, nói chuyện với tôi một lúc, ổng nói rằng con ổng cũng trạc tuổi tôi và đang làm việc ở nơi khác.
Khi đi, ông ấy lặng lẽ đặt nửa bao thuốc còn lại lên bàn tôi.
Tôi còn nhớ khi đi phỏng vấn, quản lý yêu cầu tôi đợi bên ngoài, đợi gần hai tiếng đồng hồ vẫn không có tin tức gì, miệng tôi khô cong cả lên, đầu đẫm mồ hôi, áo quần thì ướt sũng.
Cô bé ở quầy lễ tân đưa cho tôi một chai hồng trà, lúc đó tôi rất đề phòng, sợ phải trả tiền nên không dám nhận.
Cô bé đặt đồ uống cạnh chỗ ngồi của tôi, miệng nói nhỏ: "Vị trí mà anh xin ứng tuyển sớm đã được người khác "mua" rồi, quản lý cố tình bỏ lơ anh đấy, uống xong chai này thì anh về nhà sớm đi."
Tôi bán tín bán nghi, tầm 12 giờ thì người quản lý gọi tôi đến văn phòng, hỏi vài câu đơn giản về tình hình của tôi rồi bảo tôi về nhà chờ tin tức.
Tôi đợi hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng phỏng vấn chỉ chưa đầy hai phút, trong lòng cảm thấy vô cùng khó chịu.
Lúc ra ngoài thì trời đang mưa to, tôi ngồi trước cửa đợi mưa tạnh, một lúc sau thấy cô bé lễ tân đi tới, cổ đang đi mua cơm trưa cho lãnh đạo, vẫy tay gọi tôi: "Tôi có ô, để tôi tiễn anh ra ga tàu điện ngầm nhé."
Cô ấy là một cô gái đến từ vùng nông thôn Hồ Nam, kém tôi một tuổi, ngũ quan và thân hình rất bình thường, nhưng cả cuộc đời này, tôi chưa từng thấy cô gái nào xinh đẹp hơn cô ấy.
Tôi vẫn nhớ khi làm công việc bán thời gian ở KTV (quán Karaoke), một khách hàng say rượu đã điên lên, anh ta ném chai bia khắp mọi nơi, tôi bước tới để can ngăn thì bị anh ta tát vào mặt.
Quản lý gọi bảo vệ đến, anh ta và đồng bọn rất ngạo mạn, lấy trong ví ra một xấp tiền ném vào mặt tôi, chửi bới: "Tao đánh mày thì sao? Tao đánh mày là đang cho mày mặt mũi đấy, nhặt tiền lên rồi để để tao tát thêm cú nữa!"
Tôi nắm chặt tay lại, dùng lý trí để kìm nén sự kích động của bản thân, tôi đã quá túng thiếu rồi, không thể để mất công việc này được.
Anh quản lý cúi xuống nhặt hết tiền lên, đưa lại cho nhóm người đó, kêu bảo vệ đuổi họ đi, sau đó kéo tôi ra phòng nghỉ ở phía sau, đưa cho tôi 200 tệ và nói cho tôi nghỉ ngơi một ngày.
Trước khi ra khỏi phòng, anh ta còn quay đầu lại nói với tôi: "Đừng để tâm, cứ coi chúng như một lũ chó điên, chó điên cắn cậu một cái, cậu sẽ không nghĩ đến việc cắn lại nó đúng không?"
Người quản lý luôn tạo ấn tượng là một người đàn ông côn đồ trong xã hội, nhưng ngày đó, anh ta lại để tâm đến lòng tự trọng nhỏ bé của một thanh niên vừa mới ra ngoài xã hội.
Tôi vẫn nhớ vào dịp Tết Trung thu, tôi ở nhà ăn cơm bụi một mình, hàng xóm là một cặp vợ chồng trẻ từ Sơn Tây lên làm việc, thấy tôi ở một mình nên họ kéo tôi sang ăn cùng.
Tuy không có nhiều tiền nhưng họ đã mang ra những loại rượu ngon nhất để tiếp đãi tôi, người vợ dọn một bàn ăn lớn, liên tục gắp cho tôi các món ăn ngon.
Hôm đó chúng tôi uống rất nhiều rượu, người chồng thở dài xúc động: "Bản thân một mình nơi đất khách quê người, cứ mỗi mùa lễ hội lại nhớ bà con."
Đôi mắt tôi đỏ hoe, nhấp một ngụm rượu để che giấu sự yếu đuối của mình, người đàn ông đó thấy sự suy sụp của tôi, rót cho tôi một ly rượu, đưa cho tôi một bài thơ cổ đầy cảm hứng: "Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ, thiên hạ hà nhân bất thức quân?" - Ý nói: Chớ buồn vì con đường phía trước không có người tri kỷ, làm sao thiên hạ này lại không có người không biết đến anh được chứ?
Mùa hè năm ấy là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời tôi, nhưng nhìn lại khoảnh khắc này, tôi không ấn tượng sâu sắc về những chông gai và đau khổ, mà là lòng tốt từ những người xa lạ, tôi luôn khắc sâu trong tim.
Nó làm cho tôi cảm nhận được vẻ đẹp của nhân gian.
Nghèo đói đã dạy tôi hai điều.
Điều đầu tiên là "Hổ sấu hùng tâm tại, nhân cùng chí bất đoản" - Ý nói: Hổ con tuy nhỏ nhưng đầy tham vọng, người tuy nghèo khó nhưng có hoài bão phi thường.
Bất luận ở đâu cũng không được từ bỏ bản thân, phải giữ vững nguyên tắc sống và dũng cảm tiếp tục bước đi.
Chỉ có như vậy, bản thân mới có ghể từ từ thấy được ánh hào quang của cuộc sống.
Điều thứ hai là nhìn thẳng vào chúng sinh. Có tiền nhưng không cậy vào tiền, có người nhưng không cậy vào người, những người đang đấu tranh ở đáy vực, họ có mục tiêu riêng của họ. Họ có ái có nộ (có yêu, có giận), có lòng tự trọng và là những người bình đẳng như chúng ta.
Hãy đối xử với họ bằng sự tôn trọng và tử tế, tính cách của bạn sẽ thăng hoa.
Chúng ta có thể nhìn lên các vì sao, nhưng cũng phải học cách hiểu biết về hạt bụi.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét