Hiệu Ứng Pygmalion - Bạn nghĩ bạn là người thế nào, bạn sẽ như thế đó




Lời tiên tri tự ứng nghiệm, Lời tiên tri tự hiện thực, Hiện thực hóa lời tiên đoán (tiếng Anh: Self-fulfilling prophecy ) là một sự dự đoán, bằng một cách trực tiếp hay gián tiếp, tự biến nó thành hiện thực, đúng như lời tiên tri ban đầu, gây nên bởi sự tác động tích cực giữa niềm tin và hành động. Mặc dù ví dụ của những lời tiên tri này có thể được tìm thấy trong văn học từ thời Hy Lạp cổ và Ấn Độ cổ, nhà xã hội học thế kỉ 20 Robert K. Merton được cho là người tạo nên thuật ngữ “lời tiên tri tự hoàn thành" và xây dựng nên cấu trúc và những hệ quả của nó. Trong bài viết năm 1948, Lời tiên tri tự ứng nghiệm, Merton định nghĩa nó như sau:

Lời tiên tri tự hoàn thành ban đầu là một định nghĩa sai về hoàn cảnh mà tạo nên những hành động mới làm cho quan niệm sai ban đầu trở nên đúng. Sự hợp lệ bề ngoài này của lời tiên tri tự hoàn thành bao hàm nhiều sai lầm. Người tiên đoán sẽ dựa vào thực tế đã diễn ra làm bằng chứng cho việc anh ta đã tiên đoán đúng ngay từ ban đầu.

Nói cách khác, một lời tiên đoán tích cực hay tiêu cực, một niềm tin mạnh mẽ hay một ảo tưởng - được tuyên bố là sự thực trong khi nó sai - có thể tạo nên một ảnh hưởng vừa đủ lên con người, thúc đẩy con người hành động hay là tạo động lực làm cho phản ứng/hành động của họ cuối cùng hoàn thành lời tiên đoán sai lúc đầu.

Lời tiên tri tự hoàn thành là một dạng hiệu ứng hành vi xác nhận, tức là niềm tin và kỳ vọng của con người ảnh hưởng đến hành vi của họ, rút cuộc khiến kỳ vọng đó trở thành sự thật. Quá trình này có thể xảy ra trong vô thức, khác với thiên kiến xác nhận là những hiệu ứng trong quá trình xử lý thông tin có chọn lọc và thiên lệch. Ngược lại với lời tiên tri tự hoàn thành là lời tiên tri tự thất bại (Self-defeating prophecy), tự hủy hoại tiêu tán khi hành vi của người đó trở nên tiêu cực theo chiều hướng ngược lại, khiến lời tiên tri không thể hoàn thành.
Khái niệm của Merton về lời tiên tri tự hoàn thành bắt nguồn từ định lý Thomas, "Nếu con người định nghĩa hoàn cảnh/hiện tượng là có thật, thì hoàn cảnh/hiện tượng đó có thật theo hệ quả của định nghĩa ấy.”  Theo Thomas, con người không chỉ phản ứng với những hoàn cảnh quanh họ mà thường còn phản ứng với cách họ nhận thức hoàn cảnh và ý nghĩa của những nhận thức trên. Vì vậy, hành vi của họ được quy định một phần bởi sự nhận thức và ý nghĩa họ gán cho hoàn cảnh gặp phải, hơn là bởi chính hoàn cảnh đó. Một khi con người thuyết phục được chính mình rằng một hoàn cảnh có một ý nghĩa nhất định, mặc dù điều này có thể không đúng, người đó sẽ đưa ra hành động thật sự như một hệ quả.

Merton phân tích khái niệm này sâu hơn và áp dụng nó vào những hiện tượng xã hội gần đây. Trong cuốn sách Lý thuyết và Cấu trúc xã hội, Merton giả định một đột biến rút tiền gửi một ngân hàng do Carwright Millingville làm chủ tịch. Đó là một ngân hàng thông thường, và Millingville điều hành nó một cách trung thực và đúng mực. Kết quả là, cũng giống như bất kì ngân hàng nào khác, nó có một lượng tài sản lưu động (tiền mặt), nhưng phần lớn tài sản ngân hàng được dùng để đầu tư. Một ngày nọ, một số lượng lớn khách hàng đến ngân hàng cùng một lúc - không ai biết lý do tại sao. Những khách hàng khác thấy nhiều người đến ngân hàng bèn lo lắng. Những tin đồn thất thiệt về ngân hàng bắt đầu lan ra và ngày càng nhiều khách hàng đổ xô tới ngân hàng để lấy lại tiền của họ khi còn có thể. Số lượng khách hàng đến đòi nợ tăng, cũng như sự khó chịu và háo hức của họ, càng làm cho lời đồn về khả năng thanh khoản kém và ngân hàng phá sản có cơ sở. Đầu ngày hôm đó, cũng là ngày cuối cùng của ngân hàng của Millingville, ngân hàng không hề ở trong tình trạng thanh khoản kém. Nhưng những tin đồn về năng lực ngân hàng đã tạo nên một nhu cầu rút tiền đột ngột của quá nhiều khách hàng, điều mà ngân hàng không thể đáp ứng được, làm cho ngân hàng không có khả năng thanh khoản nữa và lâm vào phá sản. Merton kết luận ví dụ này bằng phân tích sau:

Truyện ngụ ngôn trên có ý nghĩa rằng định nghĩa của đại chúng về một hoàn cảnh (lời tiên tri hay dự đoán) trở thành một phần của hoàn cảnh và vì thế sẽ tác động tới sự phát triển sau này. Điều dị thường này chỉ xuất hiện ở con người. Hiện tượng này không xuất hiện trong thế giới tự nhiên không có tác động của con người. Dự đoán về sự trở lại của sao chổi Halley không ảnh hưởng tới quỹ đạo của nó. Nhưng tin đồn về tính thanh khoản của ngân hàng Milingville có ảnh hưởng thực sự đến kết quả câu chuyện. Lời tiên đoán về sự sụp đồ đã tự hoàn thành chính nó.

Merton kết luận rằng cách duy nhất để phá vỡ cấu trúc vòng lặp của lời tiên tri tự hoàn thành là định nghĩa lại những mệnh đề dùng để đưa ra giả định sai lầm.

Theo "mô hình kì vọng" của lạm phát trong Kinh tế học, những kỳ vọng vào sự lạm phát trong tương lai làm cho con người tiêu nhiều tiền hơn ở hiện tại và yêu cầu một lãi suất danh nghĩa cao hơn cho các khoản tiết kiệm, vì họ trông đợi rằng giá cả sẽ tăng lên. Nhu cầu về một lãi suất danh nghĩa cao hơn và sự tăng lên của tiêu dùng trong hiện tại lại tạo nên một sức ép lạm phát và có thể tạo nên lạm phát thực sự bất chấp kì vọng vào lạm phát trong tương lai là không có cơ sở. Lý thuyết về sự kì vọng có vai trò quan trọng trong những chính sách của Paul Volcker khi còn tại vị Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Hoa Kỳ) nhằm đối phó với tình trạng "lạm phát đình đốn".
Robert Rosenthal – nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ đã từng làm một cuộc thí nghiệm thế này: Ông chia một nhóm chuột bạch thành hai nhóm A và B, nói với người nuôi dưỡng nhóm A rằng những chú chuột này rất thông minh, đồng thời lại nói với người nuôi dưỡng nhóm B rằng trí lực lực những chú chuột này chỉ bình thường thôi.
Mấy tháng sau, ông cho hai nhóm chuột này làm một trắc nghiệm kiểu vượt qua mê cung và phát hiện nhóm A thật sự thông minh hơn nhóm B, chúng có thể ra khỏi mê cung tìm được thức ăn đầu tiên. Ông nghĩ: Hiệu ứng này có thể xảy ra ở con người không?
Thế là ông lại đến một trường trung học bình thường, ông vào một lớp học bất kỳ và khoanh tròn vài cái tên học sinh trong bảng danh sách, sau đó ông nói với giáo viên của những học sinh đó rằng: Những em này trí tuệ rất cao, rất thông minh. Qua một thời gian, ông trở lại trường và kỳ tích đã xảy ra: những học sinh mà ông chọn thật sự đã trở thành những người xuất sắc của lớp.
Tại sao lại xảy ra hiện tượng này? Đó chính là tác dụng đầy ma lực của một kiểu “ám thị” thần kỳ. Trong cuộc sống, mỗi người đều sẽ chịu sự ám thị tâm lý thế này hay thế kia, những ám thị này có cái tích cực, cũng có cái tiêu cực. Nếu một người chịu sự ám thị nào lâu dài thì kết quả họ sẽ trở thành đúng như loại ám thị đó.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét