Làm sao để lên báo với giá 0 đồng ?

Đầu tiên phải nói rõ 2 điểm tiêu cực cho anh em hiểu:

1. Lên báo hay đài là 50/50 nhe. Trời phù hộ thì người người nhà nhà đổ xô tìm đến sử dụng dịch vụ / mua sản phẩm, còn hôm đó ổng ngủ quên thì xác định cóc có ra miếng traction/đơn hàng nào đâu (hoặc ra thì nó cũng ít tới thảm hại, ko đáng kể). Đúng kiểu có tiếng không có miếng.
2. Anh em dễ lậm vào trạng thái tự sướng cao độ, tự thoả mãn và hả hê dẫn đến tự lảm nhảm: "ôi ngon vl, startup mình giờ nổi vãi chưởng. Phóng viên kéo đàn kéo đống tới đưa tin". Sau đó tự chìm vô vòng xoáy của những giá trị ảo, của những lời khen tặng, những cú thả tym bắn like ì đùng trên FB. Nên nhớ khách hàng của anh em ở tuốt ngoài kia, chứ không phải 500 huynh đệ trong cái vòng quen biết bé tẹo như lỗ mũi này. Và like hay tym thì không tự chuyển thành Bác Hồ được nhé.
Còn đây là 4 điểm tích cực:
1. Được anh chị phóng viên đưa tin là một chuyện cực kì hãnh diện, cực kì đáng tự hào. Thằng nào con nào bảo "mấy thằng lều báo cứ dọng tiền vào rồi nó giật cái tít bài cho, có khó gì đâu", thì quay lại cho nó ăn cái cùi chỏ vô mỏ liền, cái đám ngu dốt anh hùng bàn phím. Vì anh chị phóng viên không có ngu, họ là những người cực kì thông minh và có lý tính rất cao. Trừ những báo lá cải hay báo sắp phá sản cần tiền quá nên đưa cái gì cũng cạp, hoặc số lượng độc giả xuống thấp tới mức thảm hại, cùng đường chỉ còn biết giật tít câu view bất cần dư luận, các đầu báo và đài chính thống khi đưa tin là chính xác và có kiểm chứng đàng hoàng. Việc được đưa tin cũng có thể tự xem như một động lực cho việc chứng minh rằng đường mình chọn là đúng, và mình chỉ cần kiên trì thêm chút xíu nữa thôi, chắc chắn sẽ đi tiếp được tới...đâu đó.
2. Nếu có hai thằng startup xuất phát điểm cùng giống nhau, rồi cùng tham gia pitching gọi vốn đầu tư. Một thằng được xuất hiện dày đặc trên truyền thông, còn một thằng vẫn còn đang loay hoay với MVP hoặc prototype, bỏ qua các yếu tố khác (như mối quan tâm của nhà đầu tư, số tiền cần gọi quá nhảm nhí, khả năng của team quá cùi bắp...) thì anh em nghĩ coi startup nào sẽ thắng? Việc xuất hiện trên kênh truyền thông đại chúng chứng tỏ ít nhất 2 điểm: sản phẩm của anh em có-vẻ-ngon và team founder biết kể chuyện - thời buổi này bán hàng toàn bằng câu chuyện thôi, chả ai bán bản thân sản phẩm nữa đâu, nên có thằng founder kể chuyện mướt ngọt như mía lùi thì xác định cuộc đời nở hoa rồi nhé <3
3. Có cái mác startup được feature trên đài abc, báo xyz thì luôn dễ được tin tưởng hơn, dẫn tới chuyện dễ được lắng nghe hơn, thậm chí viral tốt hơn. Tiến hành chương trình gì cũng dễ thành công hơn. Ví dụ: tấm hình đính kèm post này.
4. Anh em luôn dễ trở thành top-of-mind (đại loại thứ nhảy ra trong đầu người ta đầu tiên khi nghĩ tới một thứ gì đó. Vd: nhắc tới sữa là nghĩ tới Vinamilk, bánh flan là nghĩ tới Phan Gia liền vậy đó) dẫn tới dễ được tiếp cận với những cơ hội trên trời rơi xuống. VD: trong một cuộc trà dư tửu hậu của hội-những-thiên-thần-tuyết-trắng (angel investor), rất có khả năng giữa hàng trăm startup mới xuất hiện trên đời, họ sẽ muốn bình luận về cái startup bán nón dạo Grimm DC và chuyện nó lên báo lên đài tá lả. Biết đâu trong số những người ngồi nói chuyện đó, một thiên thần sẽ trao cho bạn một cục tiền bự chảng, kèm theo đó là mentoring, relationship connecting, và đủ thứ lợi ích khác trên đời nữa. Chỉ lợi chứ không hại.
Tới đây là thấy lợi nhiều hơn hại rồi, thế nên ráng theo dõi tiếp mấy kì sau nhe anh em. (cứ chấm một cái vô post này, chừng ra kì hai Duy thông báo trong comment cho dễ xem)
Kì 2:
Phân tích về cách làm việc của anh chị phóng viên. Duy tạm phân thành hai dạng dựa theo tính chất công việc:
1. Nhận tiền - viết bài: cũng đơn giản dễ hiểu, phóng viên cũng là người, đồng nghiệp họ cũng là người, nguyên cái toà soạn cũng là người. Người ta cũng cần ăn, ngủ, chơi như toàn thể nhân loại. Không viết quảng cáo thì cạp đất mà ăn à?
2. Tìm tin - viết bài: Để có nhiều đơn vị liên hệ đăng quảng cáo, thương hiệu báo hoặc đài đó cần có nhiều người theo dõi. Để tăng số lượng fan này, họ phải sản xuất ra nội dung mà độc/thính giả thích xem. Nên anh chị phóng viên nào cũng có áp lực "chạy bài" với cấp trên. Và bài cũng phải có chất lượng đủ để cuốn hút người đọc. Chất lượng ở đây theo Duy gồm hai thứ: độc đáo và mới lạ. Đây là điểm quan trọng chúng ta cần tập trung.
Vô phần chính, đây là cách mà mình đã làm. Dĩ nhiên đường nào cũng dẫn về La Mã, có nhiều cách tà đạo hơn, nếu anh em biết mấy cái này rồi thì cứ like cho thằng bé nó sống ảo trong hạnh phúc màu hồng nhé. Có tất cả 5 bước:
1. Tập kể chuyện. Về cơ bản, tin tức là câu chuyện, và anh chị phóng viên luôn bị cuốn hút bởi chuyện hấp dẫn. Trước khi tập kể, bắt buộc phải tuân thủ hai điều sau: trung thực và xuất phát từ đam mê. VD: Duy luôn biết mình đẹp trai, nên trong mỗi câu chuyện Duy kể, sự trung thực về việc này luôn được đặt lên hàng đầu. Và câu chuyện của Grimm DC - câu chuyện về giấc mơ mang sản phẩm Việt đi khắp thế giới, hãnh diện ngẩng cao đầu mà nói: "cái này, là dân Việt tao làm đó" là thật 100%. Duy không bịa, không thêm thắt, không thổi phồng. Chính vì vậy, Duy luôn kể được nó trước tất cả mọi người với đam mê bất tận. Nếu anh em chơi hàng bịa, cũng giống như đồ Tàu, sẽ rất nhanh hư thối và thiên hạ sẽ ngửi thấy mùi thủm ngay. Mà phóng viên mũi họ nhạy lắm. Đừng mất công thả thính họ chả thèm đớp đâu. Nhớ nhé: câu chuyện phải trung thực và xuất phát từ đam mê.
2. Đem câu chuyện đó kể với...bàn dân thiên hạ. Gặp ai cũng kể, gặp dịp nào cũng kể. Gặp người nghe rồi hả? Kệ, kể thêm lần nữa cho nó nhớ khắc cốt ghi tâm. Nên biết tất cả founder trên đời này da mặt đều rất dày. Thích làn da mỏng, mịn và thơm? Mời quay dìa làm văn phòng, cuối tuần thong thả quẩy ba lô lên mà đi chơi chụp hình checkin cho sướng thân. Vì bạn thật sự không bao giờ biết những cu Tèo cu Tí hàng xóm bạn thao thao bất tuyệt mỗi lần gặp đó, đứa nào vô tình có ông chú ruột là phóng viên mảng xã hội của đài truyền hình Việt Nam, hay chị gái đang viết cho báo Tuổi Trẻ mảng giáo dục, khởi nghiệp cả. Thà giết lầm còn hơn bỏ sót. Già trẻ lớn bé không tha ai hết. CHƠI TUỐT HẾT CHO TUI.
Còn nhớ lần đầu tiên Grimm DC trồi lên từ underground (lúc đó là mới làm được cái sản phẩm thôi í), mình cóc quen phóng viên nào hết, mà cũng không biết làm sao hay ở chỗ nào để mần quen với họ nữa. Ông trời thường không phụ người ĐẸP TRAI, nên đã ban cho Duy cơ hội. Trong cuộc họp báo ra mắt của Today's voice - cuộc thi do UNESCO bảo trợ ở một khách sạn 5 sao nọ, sang trọng, nghiêm trang và quy cũ, Duy vô tình được ông anh dẫn vô ngồi nghe ké. Sẽ không có gì xảy ra nếu trong đầu mình lúc đó không xuất hiện cái ý nghĩ điên rồ: "Đào đâu ra chỗ nào tập trung một loạt báo đài hạng A như vầy nữa. Lát nữa phải ráng...cướp micro nói về Grimm DC mới đặng". Thề là từ lúc nghĩ tới cái chuyện sai trái đó, có cảm giác toàn thân trúng phải gió độc U Minh, tay chân run lẩy bẩy, mồ hôi mẹ mồ hôi con chảy ròng ròng, môi tái mét mặt tím tái. Vì từ nhỏ tới lớn, chúng ta đều được giáo dục rằng làm như vậy là trẻ hư, và sẽ bị ông kẹ bắt bỏ bị. Nhưng ngược lại máu nóng chảy rần rần trong huyết quản, và trái tim vừa đập ầm ầm trong lồng ngực vừa gào lên: "Suy nghĩ gì nữa, cơ hội chỉ tới một lần trong đời thôi. Mày thích làm cái bóng đen cả đời không ai biết tới hay muốn một lần được loé sáng giữa ngàn sao?" (đoạn này thoại hơi hư cấu, chứ thiệt tình lúc đó run quá chả nhớ gì cả, chỉ mang máng biết mình đã nghĩ vầy thôi ha ha, anh em thông cảm). Sau một hồi suy đi tính lại, tính ra được cái kết quả tèo nhất cũng chỉ là bị bảo vệ gông cổ tống thẳng ra đường, mà Sài Gòn 9 triệu dân, ai rỗi hơi nhớ mặt mình chi, OK...CHƠI. Lẽ đương nhiên không phải nói giật là giật. Làm vậy thì xác định là bay thẳng ra cửa liền khỏi nói nhiều. Phải ân cần, từ tốn, lễ độ, phong thái đĩnh đạc, quang minh chính đại chờ thời cơ chín mùi.
Trong tất cả họp báo đều sẽ có phần trả lời câu hỏi, ở đó ban tổ chức sẽ cho người tham dự CẦM MICRO hỏi về chương trình. Duy ngồi chờ tới lúc đó, và rất ngoan ngoãn chờ tất cả anh chị phóng viên đặt hết câu hỏi về chương trình, sau đó mình mới rụt rè giơ tay lên. Chuyện gì đến sẽ đến. Thoại khúc này thì Duy nhớ quài: "Chào các cô chú, anh chị và các bạn, em là Thanh Duy. Trước tiên em xin lỗi vì những điều em sắp nói không liên quan gì đến cuộc thi cả. Nhưng nó rất, rất quan trọng với em. Nên chỉ xin mọi người 1' thôi ạ". Cả khán phòng....sững sờ, im lìm và lặng ngắt. Chỉ nghe duy nhất tiếng tim đập thình thịch và hơi thở nặng nhọc tột cùng. Cứ mỗi giây trôi qua, sự khiếp đảm càng dâng tràn trong ánh mắt khổ chủ. Sống lưng lạnh buốt và cảm giác sắp có đôi bàn tay lực sĩ của ông bảo vệ giận dữ lôi xoành xoạch ra ngoài nện cho một trận. Trong suốt 3s đó, thiếu điều thằng bé phải vận dụng hết cơ bắp toàn thân để giữ cho cái thân hình 70kg đứng vững trên đôi chân nhỏ bé run rẩy. 3s dài 3.000 năm đó chấm dứt bằng một tiếng vỗ tay yếu ớt vang lên từ đâu đó phía kia của hội trường. Rồi thêm một tiếng nữa, một tiếng nữa, nhiều tiếng nữa vang lên. Cuối cùng là cả hội trường cùng vỗ tay rần rần. Tội anh MC, Duy còn nhớ ảnh vừa cười vừa mếu: "lần đầu tiên anh gặp ca này, dám cướp micro của anh giữa ban ngày ban mặt. Cho em 1' đó. Bắt đầu". Rồi Duy kể về Grimm DC, say sưa và cuồng nhiệt như con nít lần đầu được cho kẹo. Ánh mắt sáng ngời và giọng nói lạc đi vì vui sướng. Kết thúc buổi ấy, Duy được rất nhiều anh chị phóng viên vây quanh, người cho số đt, người lấy email...
Đó là lần đầu tiên của Grimm DC <3
Anh em coi cuối tuần này có cái event nào ngon thì bụp luôn cho nóng.
Kì 3: Những nơi sẽ tìm thấy phóng viên
1. Vào đăng trong các group về khởi nghiệp, quản trị..., anh chị phóng viên nằm vùng trong đó nhiều vô số kể. Vd: Launch, Quản trị và khởi nghiệp, Khởi nghiệp Việt Nam...Và nhớ là đăng trong đó thì cũng đừng có viết kiểu: “bớ làng nước, tui mới chế được một cái app/sản phẩm hay vl ra, phóng viên nào muốn đưa tin thì pm tui”. Được lên báo tường Bệnh viện Hàm Tử liền. Câu chuyện, câu chuyện và câu chuyện. Kể sao cho người ta đọc thấy hấp dẫn và muốn đọc tiếp thì kể, rồi tự mấy anh chị sẽ liên hệ với bạn để đưa tin thôi.
2. Tự đi tìm.
Trên FB, linkedin, vàng đang nằm sẵn đó, chờ anh em vào đào.
Cách đào:
- Đào thủ công: tìm trên cái thanh search của nó: phóng viên / journalist + [tên báo / đài]. Tức là tìm theo cái mô tả mình hay ghi trên trang cá nhân đó. Trăm phần trăm là sẽ ra.
- Đào BÁN thủ công: sau khi có được liên hệ với 1 phóng viên rồi, cứ vào friend list của họ mà đào tiếp. Chịu khó ngồi bấm vô profile từng người bạn của họ, chỗ phần mô tả mà thấy là phóng viên, hay nhà báo, biên tập viên gì đó là hốt liền. Hốt không ngần ngại. Hốt không ngượng ngùng. Mạnh bạo và dữ dội lên.
Dĩ nhiên cách này thì có cái bất lợi là phải ngồi gửi tin nhắn, chờ người ta chấp nhận rồi mới bắt đầu nói chuyện được (vì nếu không phải là bạn bè, thì khi gửi tin nhắn sẽ bị chuyển vô phần "người lạ", lắm lúc họ không để ý thì chờ mút mùa luôn). Sau khi nói chuyện được thì còn phải tiếp tục tới phần "la liếm", mần quen, tìm hiểu lẫn nhau rồi mới tiến tới chuyện trọng đại cả đời được. Nói chung là mất thời gian và công sức nhất trong 3 cách, nhưng được cái là dễ làm, và tự mình làm được.
MẸO:
- Sau khi add friend, hãy vô làm bất kì tương tác nào với các bài post của họ (nhưng đừng like, nên thả tym, hoặc cười hihi, hoặc comment gì đó, vì FB sẽ thể hiện cái hành động đó thành một notification riêng biệt, giúp anh em được xuất hiện nổi bật trên trang noti FB của phóng viên). Nhưng như mình đã nói từ bài trước, đừng có mà làm kiểu bão like như thời sửu nhi đi cua ghệ, làm ơn bỏ thời gian ra coi họ viết cái gì, đăng cái gì. Cá nhân mình rất thích đọc về các quan điểm mà họ chia sẻ ra trên mạng xã hội, vì nó chân thật hơn bài trên báo/đài (do bị phòng kiểm duyệt cắt tan nát rồi), và mình cũng sẽ nói lên quan điểm của mình với họ. Một lần nữa, như thế gây sự chú ý tới anh em nhiều hơn.
- Trước khi add friend, hãy làm sao để bài đăng báo hay truyền hình của lần trước (thí dụ là có) xuất hiện trên cùng của timeline, bằng cách tự share lại (cách củ chuối nhất), hoặc nhờ (thiệt ra là ép) gia đình/bạn bè/em gái/đào/bồ nhí....share lại mà tag mình vô, nhớ phải tag vô mới nằm chình ình trên cùng được. Mục đích là để đỡ tốn thời gian của hai bên. Phóng viên họ lướt nhẹ vô là thấy à thằng này nó có bảo chứng từ mấy báo khác rồi, đi bài về nó được. Thấy nhanh gọn lẹ êm xuôi đẹp đẽ hôn.
3. Đi vòng vòng hỏi contact phóng viên từ bất kì mối quan hệ nào, thậm chí từ chính những phóng viên đã đi bài cho mình.
VD1: hồi đó có thời chơi bê đê với a Tung Mai Le, bèn thỏ thẻ: anh có quen anh chị phóng viên nào hông, giới thiệu em đi anh. Chắc cũng tại mình đẹp trai quá độ, nên ảnh thảy một lúc 2-3 cái contact cho mình luôn. Mà thảy kiểu này thường có tâm lắm. Vì ảnh sẽ làm một cái warm-up welcome cho mình. Đại loại là một cái email được gửi cho cả phóng viên và mình, nội dung đại để là: a Lại Văn Sâm, đây là nhóc Thanh Duy, nó đẹp trai, ăn nói có duyên, trên thông thiên văn dưới tường địa lý bla bla bla, cho nó lên VTV đi. Kiểu kiểu vậy. Trên FB cũng y chang, nhưng là add mình vô một cái group chat với contact phóng viên mà ảnh có. Vì khi add group chat, tin nhắn mình gửi vô thẳng inbox họ luôn, không bị đẩy qua "tin nhắn từ người lạ" nữa. Với lại có vài lời giới thiệu, độ tin tưởng và cởi mở lên cao ngất trời. Mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều.
VD2: có lần được a phóng viên báo GenK đưa tin (mà GenK thì cùng hệ thống với Kenh14, Soha, CafeF...), xong cái mặt dày quay qua hỏi tiếp: anh anh, anh coi có anh chị phóng viên nào khác giới thiệu em với. Và với độ đẹp trai rạng ngời tỏa nắng của mình, một lần nữa Duy được thảy cho một mớ contact. Bởi ta nói, trên đời này đẹp trai có lợi lắm. Ahihi.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét