Tôi nhớ khi còn đi học, có đọc tự truyện du học Pháp của một giáo sư nổi tiếng. Ông kể, trước khi lên đường thật háo hức, nhưng khi đứng bên bờ sông Seine, trong lòng chàng trai trẻ chẳng có chút mảy may xúc động. Là bởi con sông này, ông đã thuộc lòng vận tốc dòng chảy, mực nước lên xuống theo mùa, dài bao nhiêu cây số, chỗ rộng nhất hẹp nhất là bao nhiêu… Chuyên ngành ruột của chàng mà!
Lần khác tôi nghe lỏm câu chuyện của anh sinh viên Y khoa trọ sau trường rằng cầm tay người yêu lần đầu, anh phát hiện ra người yêu…bị sốt. Đã quen với những buổi thực tập nội trú trong bệnh viện, bắt mạch cho bệnh nhân, phản xạ đầu tiên khi cầm tay ai đó với anh là “kiểm tra thân nhiệt”.
Một anh khác khôi hài tự trào rằng con gái ngại yêu anh, chắc vì anh học Toán xác suất. Chỉ cần nhìn thẳng vào mắt nhau, hỏi đôi câu là anh biết cô gái đối diện đã từng say nắng bao nhiêu chàng rồi.
Đôi khi tự ngẫm, tôi thấy bản thân cũng mắc chứng này. Khi đọc một cuốn sách mà tay kia chực kéo ngăn bàn lấy bút để biên tập những câu cú thấy ngứa mắt. Khổ nỗi lúc đó lại đang ngồi trên máy bay, nên người ngồi cạnh quay sang nhìn sửng sốt. Người ta bảo đấy là “bệnh nghề nghiệp”.
Đâu phải chỉ là lý do nghề nghiệp.
Bởi trong cuộc đời, nhiều lần ta đánh mất cơ hội được trải nghiệm khác đi, được tận hưởng một cảm xúc mới, chỉ vì ta đã tỏ ra quá khôn ngoan. Càng trưởng thành thì con người càng khôn ngoan. Nhưng con người cũng vì thế hay buồn khổ, thấy ngày qua chỉ có vui nho nhỏ mà lắm buồn mênh mông.
Tôi nhớ một cậu bé con. Thời tiết giông tố, chớp rạch ngang trời, ai cũng chết khiếp, chỉ có cậu đứng vỗ tay hoan hô: A, trời chụp ảnh! Cái ánh chớp giống tố với cậu đơn giản là ánh đèn flash khi chụp ảnh. Thật hạnh phúc làm sao! Tất nhiên, sau đó, nếu sét đánh vang rền thì cậu mới giật mình khóc òa.
Cũng có khi sét không rền, chỉ là sấm nổ xa xăm. Cuộc đời có lẽ cũng thế. Nhưng ta hay mặc định ánh chớp báo hiệu cho sấm sét nên chẳng còn được tận hưởng một cú “flash vui đời”. Một cú chớp sáng ghi lại trong ta một khoảnh khắc thơ ngây, tưởng tượng và cảm hứng. Ta lớn lên và đánh mất dần tài sản thơ ngây vốn ít ỏi, cho dù ta khôn ngoan hơn, nhưng dường như ta cũng mất đi nhiều cơ hội tận hưởng hạnh phúc.
Cho dù bạn bao nhiêu tuổi, hãy gắng giữ lấy chú bé con trong tâm hồn mình. Đó có thể là lò phản ứng hạt nhân vĩnh cửu, sản sinh năng lượng để bạn có thể đi thật xa trên con đường kiếm tìm hạnh phúc trong cuộc đời này.
Và trên đường đi luôn nhớ, khôn ngoan để sống với người. Nhưng phải đủ ngây thơ thì mới tận hưởng phần nào hạnh phúc ở đời.
HÀ NHÂN.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét