Sách Self-help: Lợi bất cập hại


Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì self-help books là loại sách có ý nghĩa được công bố là để hướng dẫn người đọc về một số vấn đề cá nhân của họ. Với những giải thích sâu hơn của Wikipedia, người ta có thể nhận ra đây chính là loại sách “tu thân”, “học làm người” vẫn được nhiều nhà tâm lý học khuyến khích độc giả có những mặc cảm tự ti sử dụng để tự cải thiện bản thân. Chẳng hạn, có những sách khuyến nghị người học trò trước khi đi thi thường xuyên “tụng niệm” câu thần chú, “Tôi có khả năng thi đậu khoa này” hoặc có một người đang có khát vọng thăng tiến trong công việc luôn tự nhắc nhở mình, “Tôi thừa khả năng và xứng đáng được tăng lương”, v.v. Trong nửa sau của thế kỷ hai mươi, loại sách này đã trở thành một hiện tượng văn hoá ở các nước Châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, gần đây cũng đã có nhiều phản ứng chỉ trích loại sách này, đặc biệt là sau khi các tác giả Canada công bố một nghiên cứu của họ, cho thấy loại sách này gây hại hơn là làm lợi. Đã từng thất bại trong việc sử dụng loại sách này nhằm hoàn thiện bản thân, tôi đã thấy những bài viết liên quan đến cuộc nghiên cứu của các nhà tâm lý học Canada rất có ý nghĩa. Vì thế tôi xin được trích dịch bài viết liên quan đến nghiên cứu này được đăng trên tờ Washington Post vào ngày 4 tháng 7 năm 2009:
Các chuyên gia Canada đã khám phá ra rằng cái gọi là sách self-help thực tế lại có thể gây hại nhiều hơn là đem đến lợi ích cho những người thực sự cần đến chúng. Các nhà nghiên cứu nói rằng những người mang mặc cảm tự ti sẽ thấy tồi tệ hơn sau khi lặp lại các câu tuyên bố tích cực về bản thân".
Trong nghiên cứu của mình, hai nhà tâm lý học Joanne Wood và John Lee đến từ Đại học Waterloo, cùng Elaine Perunovic đến từ Đại học New Brunswick, đã tìm cách xác định xem suy nghĩ tích cực ảnh hưởng tới những người có mức độ tự tin khác nhau như thế nào. Các nhà nghiên cứu đã hỏi hàng chục người cả nam lẫn nữ, đã phân tích giá trị bản thân và thái độ lạc quan của những người này bằng các công cụ của những phương pháp tâm lý học tiêu chuẩn, sau đó yêu cầu những người được hỏi viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của họ. Thang điểm là từ 0 đến 35.
Trong cuộc thí nghiệm đầu tiên, các nhà điều tra đã yêu cầu tổng sô 68 người tham gia lặp đi lặp lại các cụm từ trong cuốn sách self- help, “Tôi là một người đáng yêu”. Sau đó họ lượng giá tâm trạng của những người tham gia và xúc động của họ về bản thân. Kết quả cho thấy sau khi lặp lại câu “thần chú” này, những người tham gia trong nhóm tự ti đã cảm thấy còn tồi tệ hơn so với người khác trong nhóm tự ti nhưng không lặp lại cụm từ đó. Những người tự ti lặp lại cụm từ đó trung bình được 10 điểm. Những người cũng tự ti như họ nhưng không lặp đi lặp lại câu thần chú, đã đạt trung bình cao hơn 17 điểm một chút.

“Tuy nhiên, những người tự tin cho biết cảm thấy phấn khởi hơn sau khi lặp lại những tuyên bố tích cực- nhưng chỉ hơn một chút ít mà thôi. Họ được trung bình 31 điểm, so với mức trung bình là 25 điểm cho những người cũng tự tin như họ nhưng không lặp lại các cụm từ đó.
“Trong thí nghiệm thứ hai, các nhà tâm lý học yêu cầu các đối tượng nghiên cứu liệt kê cả những suy nghĩ tiêu cực lẫn tích cực về bản thân. Các nghiên cứu cho thấy có một nghịch lý là những người tự ti lại có tâm trạng tốt hơn khi họ được phép có những suy nghĩ tiêu cực về chính mình so với khi họ được yêu cầu chỉ tập trung và những suy nghĩ tích cực về bản thân.
Joanne Wood, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Waterloo ở Ontario, Canada, và đồng thời cũng là tác giả chính của cuộc nghiên cứu, nói rằng có vẻ như việc lặp lại một cụm từ tích cực chỉ hiệu quả khi nó củng cố ý tưởng mà người ta đã tin tưởng. Bà cho rằng có thể những tuyên bố tích cực về bản thân sẽ nhắc nhở mọi người là họ chưa đạt được những tiêu chuẩn quan trọng mà họ chỉ nên có những suy nghĩ tích cực.
“Giáo sư Wood kêu gọi những người làm tiếp thị cho các cuốn sách self-help, các tạp chí và chương trình tuyền hình hãy ngừng nói với mọi người rằng chỉ cần lặp đi lặp lại một câu thần chú tích cực là có thể thay đổi được cuộc sống. Bà bảo, “Đầu tiên, người ta bắt đầu làm theo những khuyến nghị ấy và cảm thấy không phải chỉ có mỗi mình làm như vậy. Họ được bảo rằng tất cả những gì cần phải làm chỉ là đọc loại sách đó và sau đó lặp lại các tuyên bố tích cực với hy vọng rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn, và khi điều đó không hiệu quả đối với họ và họ nhận ra rằng không có gì trở nên sáng sủa hơn, điều này khiến họ thực sự bực bội”.
“Các nhà nghiên cứu kết luận: “Việc lặp đi lặp lại các tuyên bố tích cực có thể có lợi cho một số người tự tin nhưng lại phản tác dụng với những người thực sự cần đến các tuyên bố này nhất”.
Nghiên cứu trên đây có tên là Positive Self- Statenments: Power for Some, Peril for Others (tạm dịch: Tuyên bố tích cực về bản thân: Quyền năng đối với một số người, hiểm nguy cho một số người khác), được xuất bản trong tạp chí Khoa học Tâm lý, thuộc Hiệp hội Khoa học Tâm lý (Associtation for Psychological Science), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính ở Washington D.C.

Hiện nay, loại sách này cũng đang xuất hiện rất nhiều trên thị trường sách nước ta. Chủ yếu là các bản dịch từ các tác phẩm bán chạy nhất của các tác giả nổi tiếng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo tôi được biết, có một số thống kê cho thấy đến 95% sách self- help mà người ta mua về chỉ được đọc đến hết chương đầu tiên. Tức là hầu hết những người mong muốn cải thiện bản thân đều phải bỏ cuộc trước những chiến lược mà sách self-help đề ra. Lý do nằm ở đâu?
Ngày nay các nhà nghiên cứu thần kinh và não bộ đã chỉ ra rằng từ 95% đến 99% những sinh hoạt nhận thức của chúng ta đến từ tiềm thức, ý thức chỉ chủ động được dưới 5%. Điều này có nghĩa là dù người ta có nỗ lực sử dụng các câu tuyên bố tích cực, chiến lược cải thiện bản thân mà hầu hết các sách self-help đề ra, nỗ lực đó cũng chỉ nằm trong phạm vi 5% chủ động của ý thức. Rất khó để người ta có thể chiến thắng nổi sự lấn ướt của tiềm thức ngoại trừ những hiếm hoi có nghị lực phi thường. Bởi những nhận thức và các thói quen đã được ghi vào tiềm thức sẽ trở thành phản xạ có điều kiện rất khó có thể sửa đổi. Đơn giản là theo các nghiên cứu của khoa tâm lý và thần kinh, khả năng xử lý thông tin của tiềm thức nhanh hơn ý thức cả triệu lần.
Vậy nên, vấn đề cốt yếu cần đặt ra là phải làm thế nào để gia tăng sự chủ động của ý thức và đâu là cách để sửa đổi những “chương trình phần mềm” lệch lạc hay có hại, mà đạo Phật gọi là tập khí xấu, đã được ghi vào tiềm thức?
Ý thức được vấn đề này, khoa tâm lý trị liệu đã có nhiều giải pháp để có những tác động tích cực vào tiềm thức như sử dụng thuật thôi miên, ứng dụng thiền năng lượng, nhạc sóng não…Đạo Phật cũng đóng góp cho ngành tâm lý trị liệu một cách rất hay để “tu sửa”,”cải thiện” tiềm thức người bệnh. Đó chính là các phương pháp quán chiếu các đề mục. Chẳng hạn đối với người quá ham thích xem những hình ảnh đồi truỵ trên mạng, họ có thể thực tập quán bất tịnh; với người quá bám chấp vào các việc trong thế gian có thể quán chiếu cái chết, vô thường…Còn để gia tăng sự chủ động của ý thức, các nhà tâm lý đã nhận ra rằng thiền minh sát (chánh niệm, tỉnh giác) chính là một phương pháp rất hữu hiệu. Khi thực tập thiền minh sát, hành giả luôn phải ý thức về những hoạt động đang diễn ra nơi thâm tâm mình và ứng xử một cách sáng tạo chứ không đi theo lối mòn của thói quen trong tiềm thức. Cũng cần phải nói thêm là, thực tập thiền minh sát đúng đắn và miên mật cũng là cách để hành giả thanh lọc tâm một cách hiệu quả theo tinh thần bất bạo động. Bởi không giống như những nỗ lực yếu ớt và mang tính đối kháng của các tuyên bố tích cực, ngọn đèn của chánh niệm, tỉnh giác một khi đã sáng lên, sẽ soi chiếu vào những góc tối u uẩn mà những tư tưởng sai lầm, tiêu cực trú ngụ trong tiềm thức. Nhờ vậy nhãn quan của hành giả về bản thân sẽ trở nên tích cực, đúng đắn hơn một cách tự nhiên.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét