Trang giấy trắng trong chương cuộc đời


Buồn bã và nỗi sợ hãi vẫn ở đó như một phần không thể thiếu của mọi câu chuyện, nhưng cứ đi rồi bạn sẽ đến… một đâu đó, một lúc nào đó.

Giữa những chương nối tiếp nhau, mình nên có một trang trắng?

22 tuổi, trong lễ tốt nghiệp, tôi cảm thấy niềm vui trong lòng không trọn vẹn, bởi sự lấn át của những hoang mang về chuỗi ngày tiếp diễn.

Tôi thử một công việc văn phòng, đúng ngành nghề, đúng kỳ vọng của mọi người. Điều khiến tôi sợ nhất là cảm giác trở về nhà sau một ngày, nhìn lại 8 tiếng ngồi văn phòng, thấy tiếc nuối: Thời gian đã chạy đi đâu hết vậy? Không thấy mình đã không tạo ra giá trị gì, không thấy mình lớn lên, cũng không hạnh phúc. Nó không tệ, nhưng cũng không ổn.

Có thể ngày nào đó, tôi sẽ muốn tìm về một góc công sở. Khi đã trải nghiệm đủ, tôi sẽ xếp những hoài bão vào cái khung thực tế. Có những điều không thể học được chỉ bằng lời khuyên và trải nghiệm của người khác, tôi vẫn nghĩ thật vô lý nếu ép một người trẻ bớt viễn vông đi để hòa mình vào cái guồng an ổn.
Chỉ là, tôi bị thổi căng bởi những mong muốn khám phá nhiều khía cạnh bản thân, bởi tò mò về những giới hạn, bao nhiêu trong những ý tưởng trong đầu có thể lớn lên thành giá trị thực. Khi 22 tuổi, tôi không cách nào làm cho tất cả xẹp xuống để nhét vừa vào bốn bức tường. Chốn văn phòng không đáp lại những mộng mơ tôi ôm ấp, không cho tôi sự bằng lòng để thấy mình thôi ray rứt.

Không biết bao nhiều lần, thức dậy vào buối sáng, tôi nghĩ sẽ thôi việc. Điều giữ tôi lại là kỳ vọng của cha mẹ, là nỗi sợ sẽ lỗi một nhịp không bắt kịp bạn bè, là cái lo rồi tôi lấy tiền đâu để sống? Tôi lao vào tìm học bổng du học, nghĩ rằng du học sẽ là lối thoát cho chuỗi ngày lặp lại. Tôi cứ vừa làm, vừa chuẩn bị hồ sơ, rồi trượt học bổng 12 lần. Đã ngán nghe tôi thở than, cuối cùng đứa bạn cũng nói những lời thật lòng: “Cậu có muốn. Có kiên trì, nhưng vẫn ở mức an toàn quá. Cậu chưa muốn nó đủ nhiều như cậu nghĩ”.

Vài tuần sau, tôi trở về nhà thưa với ba mẹ: Tôi sẽ nghỉ việc, sẽ có một năm Gap Year.
Tôi muốn có thời gian tập trung vào việc tìm hiểu bản thân và kiếm cơ hội du học. Ba mẹ tôi phản ứng dữ dội. Họ không chịu được việc tôi sẽ dành cả một năm chỉ để tìm kiếm một điều gì đó không rõ ràng như là giá trị bản thân, không có gì chắc chắn về cơ hội học bổng. Họ sợ sau một năm, tôi vẫn không tìm thấy gì mà lại còn không có việc làm. Những ngày đầu, tôi không dám lên Facebook, sợ thấy mình loay hoay khi bạn bè ngày ngày vẫn đến công sở.
Nghĩ khác đi, để cho bõ cái giá không nhỏ, tôi phải cố gắng để gap year không trôi qua trong vô nghĩa, phải “sống nhiều nhất” có thể trong mỗi ngày trôi qua. Tôi đăng ký đi học thêm một khóa về Kinh Tế. Tôi vẫn luôn ngộ nhận rằng Kinh Tế Học chỉ là buôn bán, giao thương, mãi đến khi tìm tòi và để tâm vào việc học, tôi mới thấy sự bao trùm của nó lên nhiều mảng của đời sống, những chủ đề tôi rất quan tâm: Giáo dục, sự bình đẳng, giá trị của sự sáng tạo… Tôi nhìn ra những “chỗ trống” của giá trị cần lắp vào. Thì ra, điều mình theo đuổi không phải một nghề nhiệp cụ thể, mà chính là giá trị, là trở nên có ích.

Để có thu nhập, tôi đăng status nhận dạy kèm IELTS. May mắn lại được bạn bè ủng hộ, rồi người này giới thiệu người kia tôi lại kiếm được nhiều tiền hơn cả lúc đi làm văn phòng. Chính nhớ những ngày ngồi giúp mọi người học IELTS trong khắp các quán cà phê ở Sài Gòn, tôi nhận ra ước muốn của tôi trong đời là được chia sẻ hiểu biết với người khác.

Có rất nhiều việc tôi luôn muốn nhưng mãi không làm. Mình cứ bảo đợi khi nào hết bận, nhưng rồi mình chả bao giờ hết bận. Gap year cho tôi thời gian mà tôi chưa từng có trước đó bởi bài vở trường lớp và cũng khó lòng có sau này khi đã có những rằng buộc lớn hơn và “chi phí cơ hội” cũng cao hơn. Tôi cho phép mình thử nhiều thứ. Tôi viết nhiều hơn trên Mai Anh D.’s Viết page, làm thử một vài video đầu tiên trên Youtube, tập tành vẽ vời, rồi chụp ảnh, dựng phim.

Sau mỗi chút trải nghiệm, tôi lại có thêm lời giải thích cho 12 lần trượt học bổng của mình. Làm sao tôi thuyết phục ai đó chọn mình khi chính tôi cũng chưa từng hiểu mình là ai?

Có rất nhiều khó khăn trong một năm ấy, tâm trạng tôi cứ lên lên, xuống xuống. Có những hôm thức dậy với tràn trề hy vọng, cũng có những ngày trở về nhà không biết giờ này năm sau mình đang ở đâu. Khó khăn nhất là vượt qua những đấu tranh trong tư tưởng. Có lúc, tôi đã ước ba mẹ đứng về phía tôi trong “cuộc chiến” này. Ngày nào đi tập thể dục về, mẹ cũng kể về con cái những người-bạn-của-mẹ: “Khó lắm, mày không tìm làm được đâu! Đừng lãng phí thời gian nữa”, “Sao mày không bằng lòng sống bình thường như con nhà người ta?”. Đó là cách mẹ bảo vệ tôi khỏi những thất vọng nếu sau một năm tôi vẫn chẳng có gì, không có điều gì khiến tôi gục khóc như những lời của mẹ, tôi bảo với mẹ: “Nếu mẹ không thể ủng hộ con, thì mình cũng đừng nói về chủ đề này nữa. Con sợ con sẽ chùn lòng”. Từ đó, mẹ không nói lời nào với tôi, về chủ đề đó và mọi chủ đề khác. Ngày mẹ và tôi nói chuyện lại, là ngày cuối cùng của tháng 6 năm ấy, vào lúc gần khuya, tôi hét lên báo với ba mẹ rằng tôi đã được học bổng.

Gap year khép lại, tôi nhận ra viết và chia sẻ với mọi người là điều tôi muốn làm. Tôi cũng định hình được mình muốn viết bằng nền tảng kiến thức, không phải chỉ những cảm xúc và sự chủ quan. Tôi tìm được học bổng sang London học, rồi sau đó sang học tiếp ở Pháp. Từng bước một, tôi bước vào con đường nghiên cứu kinh tế, rồi chập chững biến nó thành chất liệu cho việc viết lách của mình. Từng chút một, tôi tiến gần hơn đến chỗ giao nhau của viết lách và học thuật. Từ chỗ chỉ có bạn bè xem những điều tôi viết, tôi dần nhận được sự đón nhận của nhiều bạn đọc, họ chia sẻ cùng giá trị với tôi và lớn lên cùng tôi qua mỗi bài học trên lớp – bài viết trêng mạng. Mùa hè năm ngoái, cuốn sách thứ hai của tôi đã xuất bản. Mùa hè năm nay, tôi trở lại London để thực tập trong dự án nghiên cứu về bình đẳng giới trong thị trường lao động online.

Một năm chỉ là 1% của đời người (nếu tôi may mắn sống thọ). Tôi nghĩ mình có nhiều thời gian hơn mình nghĩ, để cho phép mình “tạm ngừng” việc hối hả theo vòng xoay của đám đông, để dành thời gian cho bản thân, để làm những việc chưa từng làm và thử nhiều điều bạn muốn. Không nhất thiết ai cũng cần gap year, nhưng mình luôn có quyền lựa chọn.

Đừng để những điều bạn muốn dừng lại trong tâm tưởng. Đừng lẩn quẩn trong những nghĩ suy để tránh né "tham gia" vào cuộc sống.
Nếu bạn muốn đến được đâu đó, bạn phải bắt đầu, từ hôm nay, bằng từng bước một. 

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét