Trầm cảm


Trầm cảm có thật không?
Năm 20 tuổi, có một thời gian dài mình thường ở lì trong nhà, không ra ngoài, không muốn tiếp xúc với ai. Mình lên mạng gần như cả ngày, chẳng để làm gì, ngoài việc viết blog, nói chuyện với những người bạn xa lạ qua yahoo. Thời gian đấy, mình rất buồn, thường xuyên cảm thấy lạc lõng, cô đơn trong thế giới này, thường xuyên cảm thấy bế tắc, mất phương hướng. Mình bị mất ngủ kéo dài, ban đêm gần như không thể ngủ, tâm trạng u uất vô cùng. Lúc đấy, mình rất hay tự rạch tay, ban đầu chỉ là thử cắt một vết nhỏ, lâu dần, mình cứ tự làm mình đau như thế mỗi lần thấy chán nản, nhìn máu tứa ra trên cổ tay, cảm giác rất dễ chịu. Trên cánh tay mình khi ấy, có rất nhiều vết cắt, một thời gian dài, mình đã che giấu gia đình bằng việc mặc áo dài tay.
Sau đó, vì không thể ngủ được, mình hay uống rượu, cứ mỗi lần uống rượu để say, mình lại rạch tay. Mình đã thật sự nghĩ, thật sự tin, thế giới này, hoàn toàn không có ai hiểu mình, không ai cần mình, mình luôn luôn là một số nguyên tố cô đơn.
Cũng vì mất ngủ, uống rượu, biếng ăn, mình suy nhược cơ thể đến mức phải nhập viện gần một tháng. Mình hay tưởng tượng ra rất nhiều điều kinh khủng, thường nghĩ có người tìm giết mình, rồi đủ thứ tai nạn này kia rất đáng sợ. Có đêm nằm trong bệnh viện, mình bật dậy, hoảng loạn hét ầm ĩ rồi tự cảm thấy như bị ai đó bóp cổ, thế là đòi bác sĩ cho thở oxy. Gia đình mình rất lo lắng, mẹ mình khóc suốt. Điều trị ở viện hết suy nhược cơ thể, bác sĩ cuối cùng mới nói với mẹ mình về nguyên nhân bệnh án của mình là bị rối loạn tâm lý.
Cũng thật khó tin, vì sao mình lại bị trầm cảm? Vì thật sự cuộc sống của mình khi ấy có gì ngoài việc ăn học thôi đâu. Nhưng, nghĩ lại thời gian ấy, mình đã vô cùng cô đơn. Chồng của mình khi còn yêu nhau, rất mải chơi và vô tâm, anh ấy quan tâm game hơn những nỗi buồn của mình; còn bố mẹ mình và mình lại có những bất đồng, cách biệt; tính mình lại không thích cởi mở với nhiều người, nên mình không giao lưu, đi chơi với những người mà mình không coi là thân thiết. Mình có rất ít bạn, và những đứa bạn thân của mình lại đi du học xa. Vậy nên mình tự nhốt mình trong phòng, lên mạng, đọc sách, uống say rồi ngủ vùi. Tuổi 20 của mình đã từng là những ngày tháng trầm lặng, bế tắc và đầy u uất. Tuổi 20 của mình đầy ắp nỗi buồn. Mình không chỉ sống thờ ơ với người xung quanh, còn thờ ơ và tệ hại với chính bản thân.
Sáng nay, mình vô tình đọc được một status của một anh đàn ông trên mạng. Anh vô tư hỏi: “Trầm cảm có thật không? Hay chỉ là một sự biện hộ cho những kẻ làm mẹ, làm vợ, làm con dâu mà vô trách nhiệm, vô đạo đức?”. Và sau đó, có vô số các anh đàn ông nhảy vào comment chửi bới, thóa mạ phụ nữ nhân vụ án “người mẹ giết con trai 33 ngày tuổi” vừa xảy ra. Mình buồn và phẫn uất. Trầm cảm có thật, và nó chẳng phải chỉ xảy ra với những người làm vợ, làm mẹ thôi đâu. Nó xảy ra với bất cứ ai, như mình, cô nữ sinh của tuổi 20 ngày ấy, đủ đầy, không có việc gì ngoài ăn và học.
Trầm cảm, không phải là lời biện hộ cho những kẻ lười trách nhiệm, nó chỉ đơn thuần xảy đến cho những ai đã phải chịu sự dồn nén, ức chế tâm lý trong một thời gian quá dài mà không thể tìm được ai hoặc không thể có một ai chịu lắng nghe những giãi bày của họ. Vì sao nghề bác sĩ tâm lý lại là một nghề được trả lương cao? Bởi vì xã hội càng hiện đại bao nhiêu, con người càng dễ bị quấy rối và ảnh hưởng tâm lý bấy nhiêu. Những ức chế về mặt tâm lý có thể đến từ rất nhiều yếu tố, nhiều khi bị xem nhẹ mà bỏ qua, nhưng một khi đã tích tụ lâu dài mà không có cách gì giải tỏa thì con người rất dễ rơi vào trạng thái - thờ - ơ - vô - cảm. Và ở trong cái nhịp sống công nghiệp hối hả này, có bao nhiêu người may mắn tìm được người có thể lắng nghe và chia sẻ với những nỗi cô đơn, những vụn vặt đè nặng trong tâm hồn của mình?
Ở Việt Nam, những đứa trẻ từ khi sinh ra đã mang trên mình vô số những áp lực. Áp lực phải ăn để béo tròn béo khỏe. Áp lực phải học giỏi để thi đỗ trường chuyên lớp chọn. Áp lực phải học ngành nghề theo mong muốn của cha mẹ. Áp lực phải có công ăn việc làm lương cao, nhàn hạ. Áp lực phải có người yêu để hết ế. Áp lực phải sinh con trai để nối dõi tông đường. Áp lực phải chăm sóc, nuôi dạy con. Áp lực mua nhà, mua xe… Những áp lực vô hình đặt nặng lên vai nhau, từ đời này qua đời kia, cuối cùng khiến con cái và cha mẹ khó nhìn mặt nhau, khó có nổi những cuộc nói chuyện, tâm sự trong tôn trọng - lắng nghe và thấu hiểu; khiến người vợ - người chồng vừa cưới về chưa kịp yêu thương đã lặng lẽ xa dần. Nhưng những áp lực ấy, khi người ta trao đi dưới danh nghĩa yêu thương lại cứ vô tình làm tổn thương, đau lòng nhau như thế, mấy ai hiểu?
Năm 25 tuổi, mình làm mẹ. Hôn nhân với mình có quá nhiều vấn đề, nó khiến mình - một người luôn được cưng chiều, no đủ từ bé phải suy nghĩ nhiều thứ, trong đó có trách nhiệm làm vợ, làm mẹ và làm con dâu. Làm vợ không dễ, và làm mẹ lại càng không dễ. Vậy tại sao phụ nữ Việt Nam lại phải chịu đựng và gồng gánh quá nhiều thứ một mình như thế? Tại sao trách nhiệm trong một cuộc hôn nhân mà hai người chủ động đến với nhau bằng tình yêu lại nghiêng quá nhiều cho bờ vai một người gánh?
Làm vợ, là phải hiểu chồng, tôn trọng chồng, biết thông cảm cho những áp lực mà chồng phải chịu đựng trong công việc…
Làm mẹ, là phải có sữa cho con bú, phải thức đêm trông con khi con quấy, chăm con khi con ốm đau, nuôi con cho béo khỏe bằng “con nhà người ta”, dạy con cho ngoan kẻo “con hư tại mẹ”…
Làm con dâu, là phải ngoan ngoãn, hiếu thuận với bố mẹ chồng, nội trợ đảm đang, việc nhà khéo léo, cỗ bàn giỗ Tết phải chu toàn…
Vậy còn làm chồng, làm cha và làm con rể, đàn ông sẽ phải ra sao?
Khi mình sinh bé đầu, có những ngày, mình từng chỉ có một ao ước duy nhất, là được ngủ một giấc thật dài, thật yên tĩnh, không có tiếng con khóc, không phải quay cuồng giữa bỉm sữa, trông con, việc nhà, không phải nghe những lời hỏi han: “con bao nhiêu cân”, “cho ăn bao bữa”…
Có đêm, con ốm, quấy khóc, mình vừa bế con, vừa dỗ vừa khóc, bất lực quá, cứ đưa tay lên cắn đến bật máu.
Mình đã từng hỏi chồng mình, anh cần gì ở một cuộc hôn nhân? Chồng mình ngập ngừng, rồi nói: “Chỉ là yêu nhau, cảm thấy đủ cần nhau để trở thành vợ chồng”. Mình bảo: “Vậy tại sao anh không có trách nhiệm với những nỗi buồn trong hôn nhân của em?”. Chồng mình im lặng, rồi sau đó lặng lẽ thay đổi.
Trầm cảm sẽ không có thật, sẽ chỉ là cái cớ với những người không bao giờ hiểu được ý nghĩa của hôn nhân, ý nghĩa của hai tiếng vợ chồng. Chúng ta cần gì ở một cuộc hôn nhân, có lẽ sau tất cả, chỉ là được giãi bày, được lắng nghe và được chia sẻ. Sẽ chẳng bao giờ có những người phụ nữ trầm cảm sau sinh, nếu như những người chồng biết đặt họ ở trong tâm. Nếu thật sự là yêu thương, mọi nỗi đau đều sẽ được xoa dịu và người vợ sẽ không cô độc một mình trong hành trình làm mẹ.


Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét