“I won’t be the last
I won’t be the first
Find a way to where the sky meets the earth
It’s all right and all wrong
For me it begins at the end of the road
We come and go …”
End of the Road, Eddie Vedder
Jon Krakauer là một trong những nhà báo viết phóng sự tốt nhất mà tôi từng biết đến. Bởi câu chuyện của ông không đơn giản là một cơ số các sự kiện xoay quanh một hay một số nhân vật nào đấy, mà ở đó ta tìm được con người thật, cảm xúc thật với suy nghĩ và hoàn cảnh sống động. Cũng nói luôn là tại đó quan điểm của Krakauer được bộc lộ rõ ràng nhưng vẫn mang tính khách quan, khiêm tốn và nhân văn cần thiết. Đấy là tất cả những gì mà một nhà báo cần phải có.
Into the Wild có điểm khởi đầu là một phóng sự đăng trên tạp chí, nhưng như Krakauer đã đề cập, sự tương đồng trong cuộc đời Christopher Johnson McCandless và ông đã thôi thúc ông phát triển bài viết dài 90,000 từ của mình thành một cuốn sách.
Nội dung, nếu tóm tắt, sẽ là thế này: McCandless sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh ta thay đổi tên họ và từ bỏ cuộc sống sung túc để đi theo tiếng gọi nơi hoang dã, như những Thoreau hay Jack London đã từng làm. Tháng Tư năm 1992, McCandless bắt đầu đi vào vùng hoang dã Alaska. Bốn tháng sau đó xác của anh được tìm thấy ở đây…
Nhiều người sẽ cảm thấy nực cười và căm ghét anh chàng McCandless kia vì bản tính kỳ cục (chán ghét xã hội), ngạo mạn và tự tin quá mức cũng như thái độ sống có phần vô trách nhiệm với chính bản thân và những người xung quanh, cộng với một số sai lầm không đáng có đã đẩy anh đến cái chết ở tuổi 24. Nhưng còn nhiều người khác lại cảm thấy vẫn còn có một điều gì đó khác nữa. Bao gồm cả tôi.
Tôi bắt đầu đọc Into the Wild với một mường tượng mơ hồ rằng nó sẽ đưa ra câu trả lời cho: “Liệu bất chấp tất cả để là chính mình có phải là một điều đúng đắn và tốt lành hay không?” hay “Liệu một người cố gắng là chính có thể có được một kết cục tốt hay không?” hay giản tiện nhất là tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Sự thật là, khi gập trang cuối cùng của cuốn sách lại tôi phần nào có được cảm giác thỏa mãn và yên ổn với câu trả lời của mình.
Câu chuyện của McCandless chắc chắn không phải là một câu chuyện được các bậc cha mẹ và những người có nhiều lý trí khuyến khích, bởi vì đơn giản là nó công nhận sự tồn tại của chủ nghĩa nổi loạn và cái tôi. Ngay như bản thân tôi cũng cảm thấy có điều gì đó không ổn, không đáng được khuyến khích (nói thẳng ra là việc không công nhận xã hội, sự chối bỏ trách nhiệm với xã hội và những mối quan hệ trong xã hội đó). Không nên có quá nhiều những ví dụ như McCandless trong đời sống thực, vì nếu điều này mà xảy ra thì xã hội văn minh của chúng ta chỉ chứng minh được một điều duy nhất: nó hoàn toàn thất bại và đem tới sự thất vọng, chán ghét nơi những người trẻ tuổi. Việc McCandless tự tách mình ra khỏi xã hội có thể là sai lầm, nhưng sự quyết tâm nơi McCandless để tìm ra câu trả lời, để sống thật với chính mình rõ ràng là một việc tốt đẹp, nó – theo một nghĩa nào đó là điều đáng ngưỡng mộ.
Quả thực khi đọc Into the Wild tôi cảm thấy rất hoảng hốt bởi sự quyết tâm của McCandless dường như đồng nghĩa với một kết cục tồi. Âm vang đâu đó là lời cảnh báo “đừng bao giờ cho rằng một người có thể là chính mình một cách hoàn toàn. Không có kết cục tốt cho việc cứ cố chấp là chính mình đâu.” Trường hợp của McCandless dường như là một sự hơi quá trớn của quyết tâm là chính mình, nhưng thật may là cuối cùng McCandless cũng đã tìm ra được câu trả lời về cuộc sống, về ý nghĩa của nó, về ý nghĩa của sự hiện hữu của những người xung quanh, về vai trò của bản thân và của mỗi một con người trong cái tổng thể được gọi tên là xã hội. Chỉ có điều, lần này may mắn đã không mỉm cười khi anh thực sự muốn ra khỏi vùng đất hoang dã và trở về với xã hội, và trở về với những người thân yêu.
Có lẽ, đúng thật, khi mà để là chính mình, ta phải bỏ ra một cái giá rất đắt – được đánh đổi bằng nhiều thứ, trong đó có nhiều khả năng là cuộc đời của chính ta và của nhiều người khác. Không hiểu sao mà một câu nói trong cuốn truyện Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời của Haruki Murakami: “Việc cố gắng là chính mình có thể làm đau người khác” cứ xâm lấn tâm trí tôi khi đọc tới cuốn sách này. Nhưng, với những con người như McCandless – mạnh mẽ, lạc quan và luôn khao khát câu trả lời, sẽ sẵn sàng bỏ ra tất cả để là chính mình hay thử là chính mình.
Cái giá đó có thể là đắt, rất đắt nhưng trong cuộc đời, nếu một cá nhân không là chính mình thì còn có thể là ai? Nếu một ai đó không cố gắng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?” thì liệu còn ai khác có thể trả lời được cho ta?
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét