Thế là vụ án chị Nga – anh Mỹ cũng có thể được xem là kết thúc với cú lội ngược dòng đầy ngoạn mục và ấn tượng của hoa hậu. Mình nghĩ là cái kết này có phần đóng góp rất lớn của toàn thể nhân dân cả nước, đặc biệt là sự nhiệt tình post bài và comment của đủ thể loại đối tượng trên mạng xã hội, như là Facebook chẳng hạn.
Chỉ buồn cười là ông đồng nghiệp của mình cứ ngồi trêu mấy bé chưa lập gia đình, “Em nhớ nhé, không được yêu đại gia đâu đấy!” Thế là mấy con bé lại chu mỏ lên, “Anh nghĩ em tuổi gì mà đòi yêu đại gia?” Tiện thể ghi chú thêm một phát ở đây là ổng không dám nhìn vào mắt mình nói lời yêu thương, chắc là vì sợ mình lại chu mỏ lên cãi: “Anh nghĩ em tuổi gì mà đòi có người yêu?”
Lại nhớ cách đây không lâu, vào một chiều muộn ngày thứ Sáu, mình nhận được tin nhắn của cô bạn: “Tối nay rảnh không? Đi nghe hoà nhạc Speed dating với tui nhé?” Mình trả lời trong một nốt nhạc: “Ui, đi chứ, hẹn nhau mấy giờ, ở đâu vậy bồ tèo?”
Mini show âm nhạc – trình diễn do Viện Goethe tổ chức là một sự kết hợp giữa nhạc cụ trình diễn (sáo, kèn saxophone, violin, viola, cello…) với hiệu ứng ánh sáng, hình ảnh và âm thanh, đã tạo nên một không gian nghệ thuật mang tính hàn lâm về chủ đề rất là đời trong cuộc sống: hẹn hò – yêu. Mini concert diễn ra trong một căn phòng nhỏ rộng 40 -50 m2, với sự góp mặt của 8 nghệ sĩ. Mỗi nghệ sĩ có một thế giới của riêng mình (một chiếc bàn gỗ nhỏ màu trắng với 3 chiếc ghế dành cho 3 ‘khách mời’ khán giả – vì thế mà mỗi lần nhà tổ chức chỉ cho phép 3 khán giả được vào xem), với nhạc cụ của riêng mình và kể ra câu chuyện của riêng mình. Đó có thể là một người đàn ông trung niên trải đời và khó tính đi tìm kiếm một đối tượng kết hôn để hoàn thành một mục tiêu cần đạt tới trong đời, người đàn ông ấy ăn mặc lịch lãm, có khuôn mặt tương đối lạnh lùng, đặt ra cho bạn những câu hỏi như một ông thầy trong buổi thi vấn đáp ở trường đại học. Đó có thể là một người phụ nữ ở độ tuổi 30, nom cũng đã trải đời, và tự tin và thành đạt, cứ nhìn bạn chăm chăm và mỉm cười, và hỏi bạn rằng, “Bạn có thích có con không?” hay “Bạn có nhà chưa?” Mà có thể đó là một anh chàng trẻ tuổi, rụt rè ít nói, có nụ cười ngượng ngùng và quan tâm tới những vấn đề mang tính triết lý sâu sắc – cuộc đời anh ấy chắc cũng bình thản và lặng tênh như nụ cười kia. Hay một cô gái rất xinh, nở nụ cười rất hiền nhưng thứ mà cô quan tâm là chủ đề tôn giáo, có vẻ như trước đây vì đã chịu tổn thương quá nhiều nên cô gần như đã mất hết niềm tin vào con người. Cũng có khi đó là một anh chàng bình thường – không đẹp, không giàu, không ngạo nghễ – anh có thể là một người mà bạn tình cờ gặp gỡ giữa bao nhiêu người trong một ngày, và khi đó anh chào đón bạn bằng một nụ cười thân thiện với câu hỏi đại loại như “Em tin vào tình yêu chứ?” Và, cuối cùng, là sự xuất hiện lặng lẽ của chị Lê Khanh, tay cầm micro, nở nụ cười dịu dàng, nói thật nhẹ nhàng, “Hãy nhìn vào mắt tôi này, bạn có tin vào tình yêu sét đánh không?”
Nói thật thì nội dung và ý tưởng của buổi biểu diễn rất hay, nó mới lạ và sâu sắc. Chỉ trong vòng 15 phút trình diễn nhưng khán giả được thưởng thức và trải nghiệm rất nhiều câu chuyện với rất nhiều cung bậc cảm xúc và nhân sinh quan trong đó. Nhưng với sự kết hợp của nhiều thể loại âm thanh (cả nhạc cụ, tiếng nói và những thứ tiếng động khác) mà phần nhiều không mấy êm tai đã tạo ra một không gian vô cùng hỗn loạn và bức bí, và đây nữa cũng là ý đồ của tác giả, với sự ám chỉ về một cuộc sống bên ngoài kia với vô vàn những luồng thông tin, những sóng nhiễu, những mặt trái và cả góc khuất, vậy bạn nhìn vào đâu để thấy được tiếng lòng của một người? Bạn nhìn vào đâu để biết được, “À, anh ấy/cô ấy là dành cho tôi”? (Nếu như mà bạn có tin vào thuyết ‘người duy nhất’).
Lại nhớ sau cái buổi âm nhạc – trình diễn đầy ấn tượng ấy, mình với cô bạn (hai con ế) ngồi trà đá với nhau trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học. Một buổi tối mùa hè mát trời hiếm hoi của Hà Nội, hai đứa vừa hàn huyên tâm sự vừa ngắm xe cộ phóng vèo vèo trên con phố một chiều. Thường thì gái ế khi gặp nhau sau một hồi hỏi thăm lẫn nhau về công việc và gia đình thì sẽ đến đoạn khoe với nhau về những chuyến đi gần đây tới những vùng đất mới, sau nữa thì lại ngồi than vãn với nhau về chủ đề muôn thưở: lấy chồng. Hai đứa sẽ lại đem cái sự ế ra mà phân tích, rằng tại sao cho đến giờ mình vẫn cô đơn? Nguyên nhân thì nhiều lắm, bởi vì hôm đấy hai đứa mình nói chuyện cũng rõ lâu. Nhưng mình nhớ nhất là cô bạn mình từng nói, “Thật ra, có rất nhiều người tớ tiếp xúc, ban đầu thấy cũng thích thích, nhưng chỉ cần nói chuyện thật lâu với họ mình lại thấy không thể đi tiếp vì cảm thấy có gì đó không ổn, kiểu như không cùng chung quan điểm ấy.”
Cái chữ ‘không cùng chung quan điểm’ ấy là sự nguỵ biện dễ thương cho thứ gọi là ‘không phù hợp’. Như thế nào là không phù hợp? Chỉ có người trong cuộc mới rõ. Người ngoài nhìn vào có thể thấy rất lạ, tại sao anh này điều kiện tốt thế – mặt mũi cũng sáng sủa đẹp trai, có công việc tốt, lương cao, có nhà, có xe – chẳng chê được điểm gì mà cô này lại chê? Hay anh kia cũng khá – hiền lành tử tế, viên chức nhà nước, lương tuy không cao nhưng bố mẹ cũng có của để dành, cưới một cái là bố mẹ cho nhà, cho tiền nuôi ôsin chăm cháu – cũng được đấy chứ mà sao cô này lại chê? Hoặc anh nọ cũng được quá đi – tuy hơi đứng tuổi một chút, nhưng là giáo viên đại học, công việc làm thầy thiên hạ được bao nhiêu người trọng vọng còn gì – vậy tại sao cô này lại chê? Nhưng mà người ta cũng đâu có đi uống nước và hẹn hò, để phải vắt óc trả lời những câu hỏi của anh này như: “Kế hoạch của đời em là gì?” hay “Em định cưới xong thì bao giờ đẻ?”; hay ngồi hàng giờ trò chuyện với anh kia và nghe anh kể câu chuyện cuộc đời mình được ba mẹ chăm chút và yêu thương và sắp đặt cho tới tận bây giờ ra sao; hay nghe thầy giáo nọ bày tỏ rằng người vợ tương lai của thầy phải là người con gái thuỳ mị nết na theo kiểu truyền thống; thầy không thích kiểu phụ nữ cứ đâm đầu vào làm đẹp, mỹ phẩm, váy ngắn áo bó, cứ có tí tiền là lại tíu tít đi du lịch nước Tây nước Tàu rồi học hư thói xấu kệch cỡm, nông cạn, dởm đời. Đại loại vậy.
Chắc vì cái suy nghĩ kiểu này mà nhiều cô gái mới bị mắng là ‘đã ế lại còn kén’ đây chăng? Nhưng mình nghĩ phụ nữ bây giờ (chỉ nói đến những người ế thôi nhé) xinh đẹp, thông minh, tài giỏi, tự chủ nên họ có quyền chọn lựa người đàn ông của mình chứ. Trong tâm thức, dĩ nhiên là họ không hề muốn cô đơn (có ai mà lại muốn độc thân cả đời, làm gái già cả đời), họ cho rằng nếu không tìm được người tốt, người phù hợp với mình thì thà cứ sống mãi một kiếp độc thân vui tính còn hơn.
Trong số bạn bè và người quen của mình có không ít người vì đến tuổi nên gật đầu đại trước một ai đó, họ cho rằng cái quan trọng nhất là một mái nhà, một đứa con, và để không bị mang tiếng là ‘gái ế.’ Như một cô bạn thân của mình sau khi kết hôn và sinh con từng khuyên mình rằng, “Gặp được ai tốt và có tình cảm với mình là được. Còn tình yêu thì sau này chung sống rồi sẽ bồi đắp thêm.” Nhưng trong số tất cả những cuộc ‘hôn nhân tạm được’ ấy, không phải ai cũng có được cái kết viên mãn cho riêng mình vì có những khi chung sống với nhau rồi mới thấy hụt hẫng trước độ vênh quá lớn trong tính cách, lối sống và quan điểm sống. Và có những lúc chạnh lòng, họ cảm thấy cô đơn và hối tiếc vì quyết định khi xưa, nhưng rồi lại xuề xoà tặc lưỡi, “Ôi dào, đời mà. Mấy ai được như ý đâu. Thà có chồng còn hơn ở vậy cho nó héo mòn ra…”
Và còn có cả những người phụ nữ khác lựa chọn con đường khác. Họ có thể là những cô gái tuổi đời còn rất trẻ, có sắc đẹp, và cũng thông minh đi, họ sử dụng lợi thế và ‘tài sản’ của mình để đạt được những điều mình muốn. Để có được những bộ đồ hàng hiệu, những chiếc túi hay đôi giày xinh đẹp, để có được chiếc iPhone mới toe hay một căn hộ xinh xắn, họ sẵn sàng và vui vẻ làm người thứ ba, thứ bốn. Hay có những người phụ nữ cũng giỏi, cũng giàu, cũng tự chủ nhưng đến một tuổi nào đó mà vẫn chưa tìm thấy được bến đỗ của đời mình, trong sự khao khát thèm muốn một mái nhà và một đứa con, họ chấp nhận dùng chung người đàn ông của người đàn bà khác, chấp nhận là nhân vật đứng trong bóng tối mà khóc thầm và lặng câm ghen tị với cái ‘hạnh phúc’ của người đàn bà còn lại kia. Và còn nữa những người phụ nữ đã có gia đình (cuộc sống gia đình của họ có thể hạnh phúc hoặc không hạnh phúc), vì một phút xao lòng lưu luyến trước một người đàn ông tài hoa khác hay trước một mối lợi về tiền bạc hay danh vọng mà họ chấp nhận chân đạp hai thuyền… Khi mà tất cả những chuyện này vỡ lở và bị khui ra, có thể người đời sẽ dành cho họ những ánh nhìn khinh bỉ và những lời lẽ hằn học sâu cay; nhưng xét cho cùng đi đến ngày hôm nay là con đường họ tự chọn cho riêng mình – tự làm, tự chịu. Và dù cho nguyên nhân của họ có là gì, thì động cơ của họ cũng chỉ gói gọn trong ba chữ ‘tham’ – ‘sân’ – ‘si’ mà thôi (ở đây không bàn đến những người vì cảnh đời khốn nạn, không được quyền kháng cự khi đi vào con đường ấy).
Chỉ thấy tiếc vì họ nghĩ cuộc đời mình ngắn quá, khi chỉ biết đến cái lợi, cái vui trước mắt mà không nghĩ tới cái hậu quả mai sau. Hay là đối với họ mà nói, bia miệng ngàn năm làm sao lại có sức mạnh cho bằng đồng tiền, danh vọng, bằng cái thứ hạnh phúc chắp vá từ những mảnh tình cảm rớt rơi thừa thãi của những người đàn ông mà phần nhiều chỉ biết yêu cái thân xác của họ kia?
Thôi thì mỗi người mỗi phận, con đường họ đi cũng là phúc phận của riêng họ mà thôi. Mình đâu có sống cuộc đời ấy, trải qua những tháng ngày ấy mà mình có quyền phán xét hay đánh giá người ta. Chỉ xin chốt hạ bằng một câu rất hay từng đọc được trên mạng rằng:
Phàm đã là người, tham sân si khó bỏ.
Không truy cầu việc buông bỏ hoàn toàn, chỉ truy cầu sống mà không thẹn với lương tâm. Người đang làm thì có trời nhìn.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét