Bài văn thi Đại học hay nhất mà bạn từng đọc?


1. [+23429 likes]
Bài văn thi Đại học năm 2006 của Bát Nguyệt Trường An.
Đề bài: "Số người đọc sách giấy ở nước ta càng ngày càng ít, năm 1999, có 60% dân số đọc sách, đến năm 2001 chỉ còn 52%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Vậy tại sao người thời nay không đọc sách? Kẻ trung niên bảo không có thời gian, người trẻ bảo chẳng có thói quen ấy, còn có kẻ nói không có tiền mua sách. Mặt khác, số người đọc sách trên mạng ngày càng gia tăng. Năm 1999 là 3.7%, đến năm 2003 đã đạt 18.3%. Nắm rõ mọi mặt của tư liệu, sau đó đưa ra một khía cạnh cùng một góc độ riêng, thí sinh tự quyết định tựa văn và vấn đề đặt ra."
Lắng nghe câu chuyện của tôi, đừng cất bước.
Tôi đứng trong tủ, nhìn bạn sau lớp kính thuỷ tinh, bạn cầm theo chiếc walkman (đài cát sét nhỏ để nghe nhạc), đặt chân lên ván trượt, vội vã lướt qua. Tôi mỉm cười, ngóng theo bạn, bạn thắt cà vạt, tay xách chiếc cặp công sở, bóng hình của bạn dần dần bị biển người kia che khuất. Tôi hỏi bạn, có thể lắng nghe câu chuyện của tôi không? Bạn xua tay rồi nói, xin lỗi, tôi không có thời gian. Nhưng thật sự là thế ư? Vậy tại sao tôi lại thấy sự hài hước đầy dung tục của chương trình giải trí chiếu tối qua trong đôi mắt bạn, ngửi được vị tanh còn sót lại sau những bữa tiệc rượu thâu đêm? Xin bạn đừng nói dối, bạn đã lãng phí sinh mệnh này vào những việc vô bổ rồi mà.
Có lẽ bạn không hiểu, người ta bảo cái hồn dân tộc được khắc lại bằng từng con chữ trên sống lưng của tôi, để rồi truyền hết đời này sang đời khác. Đúng vậy, tôi là phương tiện truyền tải, tôi chở theo những cuộc chinh phạt của Hoàng đế La Mã, chở theo sự cứu rỗi của Chúa Jesus. Tôi mang trên mình dòng máu chảy dọc suốt năm nghìn năm lịch sử của Hoa Hạ, bước đến bên bạn, nói cho bạn biết tại sao giờ lại phải vùi đầu cực khổ để múa bút thành văn, nói cho bạn biết bằng cách nào mà mảnh đất dưới chân bạn đã vùng dậy để trở thành phương Đông của thế giới. Mà chẳng phải mặc kệ bạn, nhìn bạn đi về phía sương xám mịt mờ.
Có người nói, sự bao la hùng vĩ của sinh mệnh được hoà tan vào trong máu của tôi, từng trang giấy dày nặng xoa dịu những vội vàng, nóng nảy. Đúng vậy, tôi là nơi dốc hết bầu tâm sự, tôi kể cho bạn nghe về chuyện sống lại của nàng Cachiusa, cả về những đau thương của Ruồi Trâu nữa. Tôi đưa bạn đi phá tan lời nguyền đầy hèn mọn cùng với Jane Eyre, đưa bạn giương buồm ra khơi cùng với Hag Belly. Tôi hiểu bạn, có lẽ bạn cũng sợ hãi đêm tối như Jane Eyre, cũng mong ngóng phương xa như Hag Belly, thậm chí bạn cũng mê đắm từng đồng tiền cắc bạc như lão Grandet. Tôi chỉ muốn được đồng hành cùng bạn dưới ngọn đèn đặt đầu giường, để câu chuyện nơi tôi vẽ nên giấc mơ của bạn, đêm này qua đêm khác, rồi một ngày kia, khi bạn tỉnh giấc, bạn giật mình nhận ra bản thân đã có được đôi cánh bay lượn khắp trời cao.
Bạn quay người bỏ đi, bạn không hiểu, nhưng có người hiểu được. Người ấy chinh chiến vất vả từ Nam ra Bắc, nhưng vẫn mượn chút ánh nến bập bùng trong lầu tám góc để tường tận từng đốm lửa tri thức nơi tôi. Bạn có biết những đốm lửa ấy đã cháy lan thế nào, đã góp công cho đất nước ta ra sao không? Giữa thời loạn lạc, ba nước phân tranh, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng người ấy vẫn làm gương đọc ngàn con chữ mỗi ngày để khuyên răn kẻ dưới. Bạn có biết giai thoại thiên cổ "Kẻ sĩ ba ngày không gặp đã phải nhìn bằng con mắt khác" về người được khuyên răn ấy không? Còn có vị tiên sinh nọ, người ấy chỉ để lại mỗi chữ "Hồ" rồi trao tôi cho một cậu thanh niên thời đại mới, khi mà cả hai chẳng quen biết gì. Tôi chỉ nghe thấy người ấy nói: "Vì hi vọng! Vì tương lai!"
Tôi vẫn đang kể, nhưng tôi không níu được bước chân của ai cả.
Có người dịu dàng nói với tôi: "Bạn đừng buồn." Tôi nhìn thấy thân xác của mình bay lên, rời bỏ trang giấy, sau đó toả sáng trên những màn hình quang phổ. Tôi nhìn thấy ánh mắt chăm chú của một người, và rồi nhiều hơn, nhiều hơn nữa... Tôi mỉm cười, đây là một cách thức cho và nhận hoàn toàn khác của thời đại này. Nếu vậy có thể khiến bạn, kẻ hối hả kia xoay người lại, thì tôi cam lòng bỏ qua hương sách thấm đượm ngàn năm. Nếu câu chuyện của tôi có thể truyền lại đời đời, tôi sẽ chẳng để ý thân phận của người kể lại.
Chỉ cần bạn lắng nghe câu chuyện của tôi, đừng rời khỏi.
____________________

4. [+13608 likes]
Đề bài: Trí tuệ là một loại kinh nghiệm, là một loại khả năng, cũng là một loại cảnh giới. Trí tuệ tựa như thế giới tự nhiên vậy, nó cũng có bản sắc của riêng mình. Nắm bắt mạch đề, thí sinh tự chọn thể loại văn học để làm bài.
Trí thông minh trong việc viết văn.
Đây có lẽ là lần cuối cùng tôi viết một bài văn được quy định số từ trên tờ giấy kẻ ô vuông.
Đã lâu lắm rồi, tôi chẳng còn ngồi viết đôi ba dòng cảm xúc hoặc hứng lên thì lại tràng giang đại hải vài trang nhật kí trên cuốn sổ kẻ ngang nữa.
Tôi nhớ trước khi thi, thầy dạy Văn lấy đồ bôi bảng đập ầm ầm lên tấm bảng đen, lặp đi lặp lại những mấy lần liền nhằm nhấn mạnh cách thông minh để được điểm cao trong phần viết văn, chẳng qua chỉ là mấy cái mẹo thường thấy như phần mở bài dẫn lời của một vị danh nhân, rồi quan điểm rõ ràng, ví dụ tỉ mỉ, chính xác, v.v...
Đúng vậy, tôi hiểu những mẹo "thông minh" ấy, ta cũng không nên bài xích những cách thông minh để có bài văn được điểm cao làm gì. Dù sao thì kinh nghiệm cùng khả năng đều là khởi nguồn của trí tuệ.
Nhưng tôi vẫn luôn xem thường chúng. Những khuôn mẫu chẳng có cảm xúc chân thực, chẳng có ý tưởng mới mẻ và sáng tạo, ta chỉ cần thuộc nằm lòng những áng văn của các bậc danh nhân như Vương Khai Lĩnh, Sử Thiết Sinh, Châu Quốc Bình, rồi đóng đinh chúng vào một vị trí đánh dấu sẵn là được, vậy là ta có một binh đoàn nhân bản mà ai cũng khoác lên mình một bộ đồng phục giống hệt nhau. Đây quả là chất bài tiết tập thể trong việc thi cử của ngành giáo dục.
Trên mặt giấy thi này đây, Solzhenitsyn từng lên án quần đảo ngục tù Gulag hàng ngàn lần, "dải sương mù đẹp nhất nước Nga" đã đọng thành một bãi nôn trắng phởn, khiến người người ghê rợn. Khuất Nguyên đã từ chối trầm mình xuống sông, Hải Tử đang suy nghĩ xem mình còn phải nằm trên đường ray tự sát bao nhiêu lần nữa.
Loại trí tuệ này, ta không cần cũng được!
Sự thông minh, trí tuệ chân chính trong việc viết văn, nên chứa đựng khung cảnh vốn có của những gì thiên nhiên nhất, là sự thăng hoa vượt qua những khả năng cùng kinh nghiệm tích luỹ, là cảnh giới sáng tỏ trong việc "bàn tay tôi viết nên suy nghĩ lòng tôi". Trí tuệ này là "ý nhị của kẻ sĩ phu" theo lời Uông Tằng Kỳ, là "những câu nói dông dài của con người sống nơi phố thị" mà Trương Ái Linh thể hiện, là sự tinh vi, tráng lệ của Dư Quang Trung, là cái thần thái bóng bẩy, tính tình bộc trực của kẻ hay chữ ẩn hiện trong từng câu văn tuyệt đẹp.
Thời gian chẳng còn nhiều nữa. Có lẽ những thí sinh ngồi xung quanh tôi đang viết đến phần nêu rõ đạo lý nhắc đến trong đề bài rồi nhỉ? Nếu tôi lựa chọn viết một bài văn nghị luận theo khuôn ngay từ đầu thì giờ khắc này, có lẽ tôi đang hoạt động như một cỗ máy móc được lập trình sẵn vậy, tôi sẽ lấy một ví dụ chứng minh đặt ở cuối bài...
Nhưng thật đáng tiếc, hôm nay, trong phòng thi THPT này, tôi đã chẳng làm vậy.
Tôi không hối hận. Tôi muốn viết về người bạn chơi cùng ngày ấu thơ, về giấc mộng thuở thiếu thời trong tiếng ngân ca của chú ve sầu mùa hạ, về những thấp thỏm, lo âu của thanh xuân khi khoác lên mình tà áo trắng học sinh, về đôi lần nản lòng thoái chí bởi phải gánh chịu áp lực của kì thi quan trọng này, cả về nụ cười kiên cường chứa chan nước mắt nữa. Tôi muốn viết về những điều cảm động bé nhỏ ẩn giấu giữa cuộc sống đời thường. Mà cho dù tôi có viết một bài văn nghị luận đi nữa thì tôi cũng sẽ chối từ những câu danh ngôn cùng ví dụ cao sang, loè mắt người đọc, tôi sẽ lẳng lặng dùng con chữ đầy mộc mạc để kể rõ về tất cả những suy nghĩ cùng trăn trở chốn lòng này.
Con xin lỗi thầy! Hôm nay con chẳng dùng một món bảo vật gói trọn trí tuệ nào mà thầy dạy cả.
Bởi con đã hiểu trí tuệ chân chính trong viết văn là gì rồi thầy ạ.
Một bài văn chân chính, là sự can đảm mở đầu đầy tự hào dấy lên trong lòng, để rồi dấn thân vào một con đường chẳng có đường lui giữa trường thi hôm nay.
Một bài văn chân chính, là phá vỡ những lối mòn mang nặng tính quy củ, ta viết văn bằng niềm chân thành, khiến người người cảm động bằng sự thực theo cảm giác của riêng ta.
Một bài văn chân chính, là tài hoa đầy chân chất "tưởng như đêm qua gió xuân chợt ghé ngang".
Một bài văn chân chính, là chẳng đánh mất trái tim son sắt thuở đầu, ấp ủ trong mình sự chân phương, thuần khiết.
Cảm ơn bạn, cảm ơn khung cảnh đầy hùng vĩ về bản chất thực sự của trí tuệ. Rốt cuộc, tôi cũng chẳng bỏ lỡ bạn trong bài văn hơn 800 chữ cuối cùng này. Và giờ, nộp bài.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét