Đôi khi chỉ nhìn thôi ta sẽ nghi ngờ họ. Nhưng một khi bạn lại gần, hỏi thăm, nó lại cho ta một góc nhìn khác...
Cũng giống như nhiều người ở Hà Nội, tôi luôn bắt gặp những bà cụ, ông cụ thậm chí những đứa bé bê những món đồ nào là vòng tay, bối tóc, kẹo cao su,... trước ngực để bán lấy tiền sống qua ngày. Tôi luôn tự hỏi: "Con cháu, cha mẹ, họ hàng của họ đâu mà phải đi làm cái nghề này?" Đọc đến đây sẽ có người bảo tôi "Lắm chuyện, bản thân chưa lo nổi đã dây dưa vào những chuyện bao đồng." Nhưng đôi lúc, chúng ta cần lặng nhìn suy ngẫm...
Chỉ một lũ lừa đảo thôi?
Ok. Bạn đã bao giờ bị hiểu nhầm chưa? Tôi bị hiểu nhầm rất nhiều lần trong suốt gần 20 năm qua và cái cảm giác đó thật khó chịu biết bao. Lúc lên Hà Nội, tôi luôn nghĩ ở đây chắc lừa lọc, trộm cắp nhiều lắm nên cái gì cũng phải cảnh giác, vì thế ngay cả những người vốn dĩ cái tâm của họ tốt nhưng vẫn mang cảm giác hoài nghi. Nhưng dù đinh ninh bản thân phải hành động như thế nọ như thế kia, tôi không bao giờ cho phép bản thân ngừng đi nghe những câu chuyện của người lạ. Cả những người đi bán hàng rong cũng thế, họ cũng giống như ta, đều có một câu chuyện cuộc đời, có điều họ thiếu may mắn hơn. Họ đáng được sẻ chia và an ủi lắm chứ.
Hôm nay ở chùa Láng có lễ hội, tổ chức thường niên từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 3 âm lịch hằng năm thì phải. Cũng nhân tiện chiều nay họp ban, tôi ghé vào thăm quan, Không khí nô nức và ồn ào lắm. Dãy ngoài có những ông cụ đang ngồi trao câu đối. Phía trong người ta trải bạt buôn bán sầm uất như chợ quê. Phía trong nữa là cảnh lễ chùa, thắp hương, người già người trẻ vào ra thật như trẩy hội. Tôi chỉ có ý định vào thăm quan thôi.
Hằng ngày tôi vẫn thấy những ông cụ, bà cụ ngoài 70 đi bán dọc các con đường chùa Láng, họ mang theo nhiều đồ trước ngực và tôi tự hỏi "Họ liệu có phải là những người vô gia cư?". Chiều hôm nay ở chùa Láng cũng xuất hiện một số bà lão nhai trầu, vẻ mặt buồn rầu, tay giơ một gói tăm ngồi bệt ven cổng chùa Láng để mời người qua lại. Bỗng dưng tôi chạnh lòng. Cũng chẳng hiểu sao. Tôi quan sát bà lão trong 2 phút, bà mời đến tầm 10 lượt nhưng đều nhận 10 cái lắc đầu....
Tôi tự hỏi "Liệu những người từ chối họ nghĩ gì?" Có khi họ chả nghĩ gì cả. Đơn giản họ không thích mua thôi, những thứ đó họ không cần nữa. Khi gặp những người này, hầu như họ cũng nhận toàn những cái lắc đầu của tôi. Nhưng sau đó tôi quay lại nhìn họ, bước chân của họ vẫn tiến về phía trước, tay vẫn cầm gói tăm mời gọi người qua đường...
Giờ thì tôi không cho phép mình quay đi. Tôi ngồi xuống trước mặt bà lão. Bà mỉm cười nhân hậu, bảo:
- Mua cho bà chiếc vòng tay nhé cháu?
- Bà có đói không ạ?
- Bà đói chứ cháu... Mặt bà xịu đi một chút.
- Cháu mua cái gì đó cho bà ăn nhé?
- Thôi đừng mua gì cho bà. Bà không sao.
- Hôm nào bà cũng đi bán như thế này ạ?
- Ừ, hôm nào cũng đi, Bà đi dọc chỗ nọ chỗ kia. Hôm nay ở đây có hội, bà cũng vào xem có bán được chút gì không.
- Lúc sáng đến giờ bà đã bán được gì chưa ạ?
- Chả bán được gì cháu ạ. Chỉ có mấy đồng bạc lẻ. (Tay bà cầm toàn tờ tiền mệnh giá 1000, 2000 đồng, hiếm mới thấy một tờ 10000 đồng trong bàn tay gầy gò ấy.)
- Bà có mệt lắm không?
- Mệt chứ cháu.
- Tối về bà ngủ ở đâu, bà không có anh em họ hàng gì ạ?
- Ừ, bà không. Bà ở Thanh Hoá, tối về bà ngủ ở chỗ Bệnh Viện Phụ Sản.
- Cháu muốn mua cái vòng màu nâu này bà nhé. Cái này bao nhiêu tiền ạ?
- 10000 cháu ạ. Cháu xem cài vòng xanh này nè (vòng có hình Phật hay Quan Thế Âm Bồ Tát gì đó tôi chả nhớ.)
- Cháu lấy vòng xanh này nhé bà.
.....
Các bạn có biết không. Khi tôi ngồi bên cạnh bà, tôi mới cảm nhận rằng họ cần sự giúp đỡ nhiều như thế nào. Đừng ngó lơ họ, dù tôi cũng chả giúp đỡ được gì nhiều. Chỉ đơn giản vài lời động viên và trên tất cả chúng ta không xem thường họ, không quy chụp họ là những kẻ lừa đảo. Lâu lâu tôi mới ra ngoài và nói chuyện với người lạ một lần như thế này. Và cứ mỗi lần nói, tâm trạng tôi lại như tốt hơn. Bà cầm lấy tay tôi:
- Bà cám ơn cháu nhé. Bà chúc cháu may mắn nha. ( Tôi thấy nụ cười trên gương mặt bà. Hiếm lắm mới thấy những người lao động như bà nở nụ cười.)
Nói chuyện với bà 5 phút, một cô chở thùng gì to tướng đến bảo:
- Bà lùi sang một bên cho người khác còn dọn hàng vào.
Một chú cũng đi đến bảo:
- Bà xê sang một bên đi, còn bao nhiêu người nữa chứ.
Đến lúc đó, tôi nhận ra một điều rằng cuộc sống không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó.
Tôi chỉ có thể giúp bà có thêm tờ 10 ngàn trong tay nhưng không thể cứ giúp mãi. Cuộc sống của chúng ta hãy còn nhiều những người vô gia cư và tại sao họ lại là những người ở bên kia cái dốc của cuộc đời? Tôi nhìn bà bảo:
- Cháu cũng chẳng giúp được gì cho bà cả. Buồn quá. Cũng không có nghề nào đỡ khổ hơn nghề này bà nhỉ. Lại những lúc mưa gió trở trời nữa...
- Bà vỗ vào đùi bên trái. - Bà bị thấp khớp, không có tiền chữa. Nhưng bà cũng chẳng biết làm sao cháu ạ.
- Hôm trước, một anh cháu quen găp thằng bé cũng đi bán như thế này. Anh ấy bảo mua thức ăn cho nó mà nó không chịu, nó bảo người ta sẽ phạt nó. Hình như đằng sau nó còn có tổ chức nào nó nữa ấy bà ạ.
- Ừ, những đứa tầm tuổi ấy nó đi bán thuê đấy cháu. Chứ nó không đi bán cho nó. Bọn đó cũng vô gia cư, hoặc không có người thân nương cậy, thất học, bỏ nhà lên thành phố,... Bà đi rồi về bệnh viện sản ngủ. Người ta đổi cái này cho bà để bà đi bán. Cũng chẳng có nghề nào hơn cháu ạ.
Tôi nghĩ đến clip một người đàn ông bị mù viết dòng chữ "Tội bị mù, xin giúp đỡ" và không nhận lòng thương cảm từ những người xung quanh. Nhưng khi dòng chữ ấy đổi thành "Hôm nay là một ngày đẹp trời và tôi không nhìn thấy gì cả" thì người ta không ngừng bỏ đồng xu vào hộp của ông. Có thể, những người đi bán như bà cũng đang bị người ta gán cho mác "không lao động mà muốn được giúp đỡ" hoặc cách họ làm việc không được người ta thương cảm. Người ta ngại khi gặp những người như bà cụ trên 75 tuổi mà tôi đang nói chuyện hôm nay. Rồi xác suất mua hàng sẽ chỉ là con số nhỏ nhoi....
Những người xung quanh ta nếu không cố mà tìm hiểu thì chẳng bao giờ hiểu nổi họ đâu. Ở một góc phố nào đó, vẫn xuất hiện những người vô gia cư nằm lăn lóc qua đêm và sáng mai lại tản đi kiếm tiền, xin tiền.
Có thể bạn đã biết, cứ 11 giờ đêm ở chỗ Hồ Gươm, không ít người vô gia cư lại trải chiếu nằm qua đêm. Nhưng lúc mưa, sương giá họ ngủ ở đâu? Xin đừng cho tôi là lắm chuyện, nhưng nếu bạn muốn trao giá trị cho cuộc sống bằng cách khởi nghiệp, hãy tạo ra những ngôi nhà giá rẻ và tạo việc làm, đào tạo họ. Những người vô gia cư ấy. Chúng ta rải tiền đi lung tung nhưng những mảnh đời bất hạnh ở thành phố vẫn chưa thể giải quyết.... Và tôi bắt đầu có động lực hơn để làm cái gì đó có nghĩa, có ích chứ không đơn giản nghĩ cho riêng mình nữa....
"Giàu thì nó ghét, đói ret thì nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt." Ngẫm lại ở xung quanh mình nhiều khi cũng thấy đúng. Cha mẹ tôi nói: "Giáo dục sẽ cho con tất cả. Khi có kiến thức con sẽ biết mình muốn gì và trở thành người như thế nào. Và có thể biến đổi cuộc sống của ai đó trở nên lạc quan tích cực hơn..."
Bây giờ thì tôi hiểu....
- blog trang ps -
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét