Góc nhìn Việt Nam: “Đi Mỹ được rồi, về làm gì?”
“Tôi năm nay 21 tuổi, đang du học tại Mỹ. Kết thúc 4 năm Đại học, tôi muốn về Việt Nam. Nhưng ai cũng ngăn cản: “Đi đi, đừng về!”
Bố mẹ tôi làm trong ngành y. Hai người bắt đầu nói về chuyện du học và định cư tại Mỹ khi tôi mới học 11. Mẹ thường hay kể công việc hằng ngày tại bệnh viện, để tôi hiểu lời hối thúc “đừng về Việt Nam” bắt nguồn từ 20 năm sống trong bức xúc của mẹ:
“Bệnh viện của mẹ có một bác giám đốc lên chức từ những năm 80. Kể từ đó, bác đã cho không biết bao nhiêu họ hàng từ Bắc, Trung vào làm hộ lý, điều dưỡng, kỹ thuật viên,… Với “quyền lực mềm” của giám đốc, bác chỉ nói một tiếng, có anh trưởng khoa nào không dám nhận người? Toàn con ông cháu cha. Còn những sinh viên chính quy, nắm tấm bằng Đại học, phải trầy trật khổ sở để được bước chân vào cổng viện. Không chỉ ở đây, mà bất cứ nơi đâu tại Việt Nam này cũng có “quyền lực mềm” giống thế hoặc hơn thế. Nhiễu nhương lắm. Hách dịch lắm. Về làm gì hả con?”
Khi không thuyết phục được tôi, ba mẹ viện đến dì. Dì bảo: “Dì hiểu là con muốn về Việt Nam để cống hiến. Nhưng, ở nơi này, tài năng của con không có cơ hội phát triển. Tìm cách định cư đi. Khi đã có kinh tế, con muốn làm gì cho quê hương mà chẳng được!” Không chỉ bố mẹ, dì, mà các bác đang sống ở Mỹ đều đồng ý với quan điểm ấy.
Lăng kính Mỹ: “Lý do nào để quay về quê hương?”
Trong vòng tròn bạn bè của tôi, chỉ ra ai không muốn về Việt Nam thì rất dễ. Còn tìm người quyết tâm trở lại thì thật khó khăn. Nhiều bạn lưỡng lự, không ai dám chắc chắn hai chữ: “Sẽ về!”
Tôi có một cô bạn thân đang học ngành Công nghệ thực phẩm. Cô bảo: “Ngành mình học, về nước không xài được. Còn đường ở Canada thì rộng mở. Mình không muốn trở về để chật vật kiếm một chỗ làm sau 4 năm vất vả!”
Một người bạn khác chia sẻ: “Từ lúc quyết tâm theo đuổi sự nghiệp sản xuất âm nhạc, mình đã biết. Tại Việt Nam, mình sẽ không làm được.”
Một chị theo học kinh tế thì bảo: “Đơn giản chị không muốn!” Chị đang đi thực tập rất nhiều nơi, kiếm tìm một chỗ tài trợ visa cho mình.
Anh bạn học kỹ sư hóa, vừa apply thạc sĩ thành công nói với tôi: “Anh thích nghiên cứu khoa học, Việt Nam sao có đất cho anh? Về ư? Anh không thể.”
Những thằng Mỹ thì hỏi thẳng vào mặt tôi: “Tụi mày từ Việt Nam đến đây học, thụ hưởng văn hóa của tụi tao, thụ hưởng cả những đồng tiền bố mẹ tao còng lưng đóng thuế. Học xong mày phủi tay quay về nước, thế thì có công bằng với tụi tao hay không?”
*
Giữa dòng ý kiến “Đi đi, đừng về!” dữ dằn như thác lũ đẩy tôi lùi lại, tôi nhìn về quê hương, cố gắng tìm một lý do cho mình quay lại. Nhưng tìm hoài mà không thấy. Chưa bao giờ sách giáo khoa nói về những cái cúi đầu của chúng tôi trên đất Mỹ, vì nỗi tự ti quê hương thua kém hơn, mà chỉ bảo: “Nước ta rừng vàng biển bạc.”
Chưa bao giờ chúng tôi được dạy về “trách nhiệm công dân”. Chúng tôi chỉ học ganh đua điểm số, chứ không học cách cùng nắm tay nhau mà đi xây dựng đất nước.
Chưa bao giờ bố mẹ nói tôi phải có trách nhiệm với Việt Nam, mà chỉ nói: “Đừng về để dẫm vào đường cụt. Trên mảnh đất này, người tài không có cơ hội. Vì tương lai của con, hãy đi đi!”
Việt Nam ơi, người có cho tôi một lý do để trở về?”
Gần đây tôi đọc được một câu chuyện khá ngắn, xúc tích và cũng rất chủ quan về một gia đình, về một con người “đi đi , đừng về” Hình như câu chuyện đi du học và trở về vốn vẫn nóng hổi theo cách của riêng nó.
Nhiều người bảo rằng, đi đi, rồi đừng về Việt Nam này làm gì bởi họ sợ hãi, bởi họ khiếp sợ con người nơi đây. Nơi mà đồng bào đạp lên sự ngu dốt của nhau để kiếm đồng tiền, bát gạo. Nơi mà đồng bào dần thiếu đi tình thương yêu cùng bao bọc. Nơi mà đồng bào dần thiếu chữ “người”.
Nhiều người lại bảo rằng, đi đi, rồi nhớ trở về để xây dựng quê hương, để thể hiện tình yêu nước cao vời vợi. Đi đi rồi trở về với tri thức và đam mê để gây dựng Việt Nam tốt đẹp hơn.
Chuyện đi đi về về, chuyện ở chuyện đi dường như là câu chuyện muôn thuở, dường như là câu chuyện ngàn đời nay. Họ gọi những người đi rồi không bao giờ về là những con người không biết yêu quê hương, rũ bỏ nguồn gốc tổ tiên. Họ gọi những người vì tình yêu nước nồng nàn mà quay về, rồi vì tình yêu đó bị trà đạp đến hèn mọn mà cất bước ra đi là những con người ngu ngốc. Vậy họ gọi họ, những con người vẫn ở đó, miệng chửi đổng những người hơn họ, miệng nguyền rủa những người thua kém họ, miệng oang oang tinh thần yêu nước bất diệt, họ gọi họ là gì?
Tôi chẳng bàn nhiều chuyện khác, riêng cái chuyện đi đi về về là câu chuyện riêng của mỗi con người. gần đây, tôi đọc được một câu trích dẫn như thế này:
“Mọi người đều làm việc theo phong cách riêng, lựa chọn theo cảm giác của mình. Bạn không thể nói người khác đã sai, cũng không thể đảm bảo mình tuyệt đối đúng. Nếu thay đổi góc nhìn, kết luận về sự việc cũng sẽ khác đi. Con người, sự việc, tình cảm, ai đúng, ai sai, chỉ chính mình mới hiểu.”
Chẳng phải như vậy sao. Mỗi người chọn cho mình một con đường riêng, chọn cho mình một cuộc đời riêng, vậy hà cớ gì bạn cứ ngồi đó mà phán xét kẻ khác, hay phán xét chính tác giả về con đường mà nhân vật trong câu chuyện đã lựa chọn, thay vì tự tìm cho chính mình một con đường riêng để giúp ích cho đất nước này.
Cô giáo tôi từng nói:
“Nếu cô kể cho các em tình hình hiện giờ của Việt Nam, có lẽ các em sẽ muốn chuyển quốc tịch hay vượt biên ngay lập tức.”
Nhưng một thầy giáo khác của tôi lại nói rằng:
“Xã hội nào cũng có những thời điểm loạn như thời điểm hiện tại, nên thầy luôn luôn tin tưởng rằng sẽ có một Việt Nam tốt đẹp hơn.”
Bạn có thể nói rằng ai là người sai? Thầy tôi hay là cô giáo của tôi? Có lẽ chẳng ai sai cả vì mỗi người họ chọn cho mình một cách riêng. Một người không kể lể cho chúng tôi sự thật vì sợ rằng chúng tôi sẽ chạy trốn như bao con người muốn chạy trốn khỏi quốc gia nghèo, lười nhác và đầy điều xấu này. Một người kể hết mọi chuyện cho chúng tôi vì người đó tin tưởng rằng khi chúng tôi nhận ra điều tất yếu thì chắc chắn sẽ tiếp tục ở lại, tiếp tục học tập và làm việc vì đất nước nhỏ bé và vô cùng nghèo về cả nghĩa đen và nghĩa bóng này.
Chuyện đi và chuyện về là chuyện riêng của mỗi người, tôi tin nếu họ đủ khả năng đi du học, ra nước ngoài làm việc thì họ cũng có đủ nhận thức để hiểu việc mình đang làm, và tất nhiên chẳng cần bạn dạy đúng dạy sai.
Bà ngoại tôi thường răn dạy con cháu trong nhà bằng đôi ba câu thơ của Đỗ Trung Quân với tư tưởng truyền thống của người Việt rằng con cháu sẽ ở thật gần bà, sẽ sống và làm việc cách nhà bà chưa đến chục km.
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày…”
Nhưng thật sự, chúng tôi hiểu rằng, cho dù yêu thương cha mẹ ông bà đến bao nhiêu, cho dù cảm thấy nhà là nơi tuyệt vời nhất để nghỉ ngơi, cũng là nơi cảm thấy ấm áp và được yêu thương nhất. Và thật sự, chẳng ai là không muốn về nhà, muốn được yêu thương vỗ về, muốn được thưởng thức những bữa cơm gia đình ấm ấp, muốn được ngồi cạnh ông, cạnh bà nghe kể chuyện xưa (dù nó đã được kể đi kể lại hàng chục lần trước đó), muốn được chuẩn bị vài món ăn thịnh soạn cho mẹ cha. Ai mà không muốn như vậy?
Nhưng:
“Nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt”
(Người không vì mình, trời tru đất diệt)
Ai cũng muốn vì chính mình mà gây dựng nên cái gì đó, ai cũng muốn được thỏa mãn những ngông cuồng của tuổi trẻ, vậy nên họ lựa chọn ra đi. Còn chuyện về hay không về lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Vậy nên đừng đứng trên góc độ của mình mà phán xét kẻ khác, cũng đừng đứng trên góc độ của mình mà phê phán kẻ khác. Mỗi người có một hệ quy chiếu riêng của mình, vậy tại sao bạn cứ muốn ép người khác vào hệ quy chiếu của chính mình? Quan trọng là mỗi người, sống tốt cuộc đời của mình và không hổ thẹn hay nuối tiếc là điều tuyệt vời lắm rồi.
1 số ý kiến nhận xét :
- Ai ai sau khi đi du học cũng đều nghĩ “về VN k có đất cho mình sống”,”vì mình nghiên cứu khoa học nên con đường ở nước ngoài thích hợp hơn”,” VN sống theo kiểu 1 người làm, cả họ được nhờ, mình về chỉ chịu khổ”.
Ở VN đúng là có những ngành ấy rất mới và chưa phát triển, tại sao những người như các bạn sau khi đã qua đào tạo bài bản k thể về để làm những người đi tiên phong? Ai ai cũng muốn một môi trường có sẵn và VN thì thiếu hẳn những điều đó, vì thế, các lý do “đi đi, đừng về!” chỉ là một cái cớ để thuyết phục mình trước những khó khăn, thay đổi cần thiết nhiều người phải đối mặt khi về VN. Thật ra mà nói, chẳng ai trong chúng ta thích sự thay đổi đột ngột của cuộc sống theo chiều bất lợi cả.
Đất nước đang phát triển nào cũng mang trong mình những nhược điểm, chính những du học sinh sau khi được tiếp thu các nền văn hóa khác chính là những người nắm rõ nhất, nếu muốn thay đổi, chính những con người ấy phải ở VN để nêu lên quan điểm cá nhân, để làm gương và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Người tài k có cơ hội bởi có bao nhiêu người tài đủ sức chịu thiệt?!
Trách nhiệm của công dân là chính bản thân chúng ta đều có, chỉ là tác nhân để đánh thức nó có đủ mạnh để thay đổi suy nghĩ, hành động của ta hay k. Chúng ta k được dạy bởi chúng ta chính là những người có trách nhiệm xúc tác.
Ở VN đúng là có những ngành ấy rất mới và chưa phát triển, tại sao những người như các bạn sau khi đã qua đào tạo bài bản k thể về để làm những người đi tiên phong? Ai ai cũng muốn một môi trường có sẵn và VN thì thiếu hẳn những điều đó, vì thế, các lý do “đi đi, đừng về!” chỉ là một cái cớ để thuyết phục mình trước những khó khăn, thay đổi cần thiết nhiều người phải đối mặt khi về VN. Thật ra mà nói, chẳng ai trong chúng ta thích sự thay đổi đột ngột của cuộc sống theo chiều bất lợi cả.
Đất nước đang phát triển nào cũng mang trong mình những nhược điểm, chính những du học sinh sau khi được tiếp thu các nền văn hóa khác chính là những người nắm rõ nhất, nếu muốn thay đổi, chính những con người ấy phải ở VN để nêu lên quan điểm cá nhân, để làm gương và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Người tài k có cơ hội bởi có bao nhiêu người tài đủ sức chịu thiệt?!
Trách nhiệm của công dân là chính bản thân chúng ta đều có, chỉ là tác nhân để đánh thức nó có đủ mạnh để thay đổi suy nghĩ, hành động của ta hay k. Chúng ta k được dạy bởi chúng ta chính là những người có trách nhiệm xúc tác.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét