Bài viết trích trong tập sách “Nẻo về của ý” của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Cách đây mấy năm, tôi được xem đâu đó một khúc phim tài liệu ngắn thuộc loại xã hội nơi một chương trình vô tuyến truyền hình. Phim do ai thực hiện tôi cũng quên khuấy đi mất. Nhan đề cuốn phim là “Người đàn bà cô đơn”.
Tôi chỉ nhớ mang máng thôi, vì lâu quá rồi. Người đàn bà cô đơn đây là một người đàn bà có chồng, và chồng bà lại có địa vị trong xã hội. Họ lại có nhà cửa, xe hơi và tiền bạc. Giữa hai vợ chồng, không có vấn đề gì xích mích, lộn xộn. Người thiếu phụ cũng đã không gặp trở ngại gì trong vấn đề tình yêu và hôn nhân. Hai vợ chồng ở trong một ngôi nhà khá sang trọng trong thành phố Mỹ quốc. Họ chưa có đứa con nào.
Vào đầu cuốn phim, ta thấy người thiếu phụ rên ư ử. Nét mặt biểu lộ sự chán chường mệt mỏi và xa vắng mênh mông. Trong cơn mê, những đợt sóng từ dưới đáy tiềm thức trỗi dậy. Có một vẻ gì bất an hiện trên nét mặt. Một chút nước bọt nhễu hai bên mép thiếu phụ. Trong cơn mệ, thiếu phụ vừa cựa mình vừa lắc đầu như đang vùng vẫy để thoát ra một cái gì. Lúc đó chồng của thiếu phụ chạy đến vỗ vai để thức nàng dậy. Người thiếu phụ mở choàng mắt, bỡ ngỡ một tí, rồi vụt đứng lên. Chỉ sau một giây thôi, nét mặt thiếu phụ trở thành vui vẻ, nhí nhảnh, yêu đời. Tất cả những nét chán chường, mệt mỏi biến mất. Thiếu phụ trở nên vui tươi, hoạt bát một cách mầu nhiệm. Nàng nói tíu tít như một con chim non để làm vui lòng chồng:
“Em mới chợp mắt một tí. Anh đi đâu mới về đấy? Để em pha cafe thật ngon cho anh nhé?”
Người chồng nhìn vợ một cách hơi lo lắng rồi hỏi nhỏ:
“Em có sao không?”
Nàng trả lời và cười rất tươi:
“Không, em có sao đâu, em không sao cả.”
Người chồng cho biết ông phải đi San Francisco gấp vì công chuyện làm ăn:
“Anh phải đi ngay”
“Vậy anh thay áo đi. Để làm cafe xong, em sẽ giúp anh soạn va-li.”
Nàng làm cafe, trong khi người chồng loay hoay trong tủ áo. Bỗng nhiên tiếng hát trong phòng chấm dứt. Chiếc đĩa hát vừa hết. Nàng bỏ dở cafe, tới thay đĩa mới. Âm nhạc nổi lên, lần này dồn dập náo nức. Rồi nàng trở lại với chiếc bình cafe. Nhưng người chồng không chịu nổi âm nhạc. Có lẽ ông đã mệt vì âm nhạc. Ông đến gần máy, tắt đi. Và trở về tủ áo. Nhưng người thiếu phụ lại không chịu đựng nổi sự im lặng. Nàng trở vào, cho quay chiếc đĩa hát trở lại. Rồi lại đến phiên người chồng thấy khó chịu. Họ thay phiên nhau vặn máy và tắt máy như thế nhiều lần, một cách hầu như là vô ý thức.
Bây giờ thì ông chồng đã lên máy bay rồi. Người thiếu phụ ngồi nhà một mình. Nghe nhạc hoài cũng chán lắm. Nàng chọn nhiều đĩa hát khác nhau, nhưng cuối cùng tắt máy. Rồi nàng đi tìm sách. Thế nhưng đọc được vài dòng, nàng gấp sách lại. Nàng không thể tiếp tục đọc sách nữa. Nàng chạy tới máy điện thoại. Gọi người này, rồi gọi người khác. Người này đi vắng, người khác bận. Không có ai để mời tới ngồi lê đôi mách cả. Nàng chán nản bỏ ống nói xuống và ngồi thừ ra.
Steve hãy tưởng tượng làm sao mà nàng có thể sống từ trưa đến chiều trong tâm trạng và điều kiện ấy. Vào lúc sáu giờ, đứa bé giao báo buổi chiều gõ cửa. Nàng mừng rỡ đến nỗi ta thấy hy vọng hiện trên nét mặt nàng. Nhưng không, đó chỉ là em bé đưa báo. Nàng nhận báo rồi đề nghị thằng bé ở lại một chút nói chuyện chơi. Cố nhiên là nó từ chối, bởi vì nó còn giao không biết bao nhiêu là báo nữa. Nó nhìn nàng, thương hại:
“Tại sao bà không ra quán rượu đầu đường ấy. Vui lắm.”
Nàng thấy lòng tự ái bị va chạm. Nàng nói:
“Tôi không cần.”
Thằng bé đi rồi, nàng càng thấy cô đơn trống trải. Nàng nghĩ tới chồng. Nàng chạy lại điện thoại:
“Cô làm ơn cho tôi nói chuyện với chồng tôi, ở San Francisco. Long distance call. Person to person.”
Phải rồi, person to person, chớ không phải poste to poste. Như vậy trong trường hợp chồng không có ở đó thì nàng khỏi phải trả tiền. Person to person! Một người liên lạc với một người. Một người nhất định nào đó liên lạc với một người nhất định nào đó. Nhưng mà sự liên lạc giữa người người và người có làm tan biến được sự cô đơn của con người hay không, hay làm con người chẳng bao giờ vượt qua được cái “vạn lý trường thành của hai vũ trụ chứ đầy bí mật” đó? Person to person!
Nàng nghe tiếng chuông ở đầu dây kia. Nàng hỏi:
“Anh đi về đó có bình yên không?”
Chồng nàng trả lời:
“Bình yên.”
Thế rồi hết, thảm hại chưa. Nàng không có gì để nói nữa hết. Nàng không có gì để hỏi nữa hết. Điện thoại nối liền hai miền xa cách. Chồng nàng đứng ở đầu dây kia cũng như đứng trước mặt nàng. Không có gì để nói cho nhau nghe cả nữa hay sao? Mười năm trời ở bên nhau, người ta đã tìm tất cả những gì thuộc về nhau rồi sao? Nàng thấy óc nàng rỗng tuếch. Nàng hỏi đại một câu:
“Ở San Francisco trời có mưa không anh?”
“Không, trời ở đây tốt lắm, ấm lắm. Anh vừa mới tiếp xúc lần đầu với người ta về vấn đề công việc.”
Và hình như người chồng nhận thấy cái gì là lạ ở giọng nói của nàng. Chồng nàng hỏi:
“Em có sao không, em? Are you all right?”
Lần thứ hai trong buổi chiều chàng hỏi. Và lần thứ hai trong buổi chiều nàng trả lời:
“Em không sao cả. I am all right.”
Nàng không chịu đựng được nữa, cho nên nàng mặc áo rồi xuống đường. Nàng tìm tới quán rượu đầu đường. Đã hơn mười hay giờ khuya rồi. Quán cũng vắng. Nàng gọi một cốc Whisky, và ngồi nhìn. Lát sau có đôi vợ chồng cũng vào quán rượu. Người vợ đi vào phòng rửa mặt. Người chồng ngồi gần bên thiếu phụ gọi một ly rượu. Và họ làm quen với nhau. Thiếu phụ cô đơn. Còn người đàn ông thì thấy thiếu phụ có chút nhan sắc. Và biết đâu người đàn ông, tuy đi với người đàn bà của mình, cũng lại cô đơn. Họ trao đổi vài câu nói cười thân mật. Nhưng người đàn bà đã trở về lại chỗ cũ, nhăn mặt tỏ ý không tán đồng sự thân mật đó. Không khí trở thành nặng nè.
Vào khoảng nửa đêm, ác mộng xâm chiếm giấc ngủ của người thiếu phụ. Dưới ánh sáng mờ nhạt của gian phòng ngủ, ta thấy nét chán chường cô độc ban trưa trên khuôn mặt nàng. Thiếu phụ vùng vẫy, nàng la hét trong cơn ác mộng. Một mình trong cơn ác mộng, trong cô đơn. Nhưng bỗng có tiếng lách tách ở ổ khóa. Có tiếng cửa mở. Rồi cửa phòng ngủ cũng hé mở. Chồng nàng từ San Francisco về, lúc nửa đêm. Trông thấy cảnh tượng đó, chàng vội chạy lại đánh thức nàng.
Người thiếu phụ giật mình tỉnh dậy, ngơ ngác, nét mặt còn in vẻ kinh hoàng. Người chồng cắt nghĩa:
“Anh nghe thấy một cái gì không bình thường trong giọng nói của em hồi chiều, qua điện thoại. Cho nên bàn xong công việc, anh vội vã đón máy bay trở về. Em nằm mơ thấy gì mà vùng vẫy và la hét dữ vậy? Em có sao không?”
Em có sao không? Are you all right? Lần thứ ba trong buổi chiều chàng hỏi “Are you all right?”. Người thiếu phụ kiểm soát lại tình trạng. Nàng không thể trả lời như hồi chiều được nữa. Không. Rõ ràng nàng không trả lời như hồi chiều. Nhưng mà có vấn đề gì đâu? Nàng có đau ốm, có thiếu thốn gì đâu? Nhà cửa đầy đủ mọi tiện nghi. Chuyện gì cũng có máy móc đỡ tay đỡ chân làm thế cho nàng. Có chuyện gì thì cũng có điện thoại đó. Bếp có cháy hay trộm có lèn vào thì đã có thể gọi cảnh sát. Người đàn bà không bất lực, không cần sự che chở của người đàn ông như thời nguyên thủy, có nhiều rắn rết, hổ báo, sấm chớp. Người đàn bà không thiếu một thức gì. Nhà cửa sang trọng, sức khỏe đầy đủ, lợi tức dồi dào, chồng có địa vị, có uy tín. Nhưng mà không thể nói rằng như thế là một sự êm đẹp tốt lành. Nàng nhìn chồng, thú nhận:
“Em làm sao ấy, anh ạ. I am not all right.”
Và họ biết là họ có vấn đề.
***
Steve ơi, cái vấn đề đó là một trong những vấn đề lớn của cái xã hội bây giờ. Sự cô đơn của con người càng lúc càng lớn. Steve đưa mắt nhìn thử những buổi sinh hoạt gọi là tôn giáo, xã hội và thân hữu mà xem thì thấy. Nhà thờ và chùa chiền trở nên chỗ hội họp để các Ông các Bà giao tế, gặp gỡ và tổ chức những cuộc vui lấy danh nghĩa là sinh hoạt tôn giáo. Đi nhà thờ hay đi chùa đã trở thành một thứ trang sức, một thứ giải trí cho nhiều người. Hội họp để bầu cử những Hội phụ nữ, Hội từ thiện, Hội cựu học sinh, Hội chống vũ khí nguyên tử… và để đàm luận và tổ chức công việc này nọ cũng chỉ là để giết thì giờ, là để chạy trốn sự cô đơn, trống lạnh của những đời sống khép kín trong cái vỏ tự ngã giả tạo. Họ có đi đâu thì cũng chỉ quanh quẩn trong cái vỏ ấy. Họ chỉ giao tiếp, gặp gỡ những cái vỏ như là cái vỏ của chính họ. Chính bởi vì Steve bị lạc vào trong cái thế giới đó cho nên Steve không thể chịu đựng được. Nhưng mà nếu Steve thiết lập được sự liên lạc với cái thế giới rộng rãi bên ngoài cái vỏ kia thì dù cho Steve có ở lại trong cái môi trường đó, Steve cũng không cảm thấy bị tù túng như là đang cảm thấy bây giờ. Có lẽ tại vì cậu đã để cho con đường liên lạc kia bị bế tắc. Hãy nghĩ đến chúng tôi, hãy nghĩ đến cái thế giới rộng rãi mà trong đó ngày mai Steve sẽ bơi lội thì cậu sẽ thấy cái hoàn cảnh trong đó hôm nay cậu sống là một hoàn cảnh cần thiết. Hãy chấp nhận bốn tháng đó với một nụ cười, và với một thái độ tích cực. Rồi mọi sự sẽ biến hình trước con mắt của chúng ta. Mặt trời sẽ sáng hơn và cây cối sẽ xanh hơn. Con người sẽ dễ thương hơn.
Để chữa lành cái “bệnh” của người thiếu phụ kia, tôi tưởng không có gì khó khăn đâu Steve. Hãy đem nàng ra khỏi nhà tù của những điều kiện tiện nghi vật chất. Cho nàng về sống trong cái xã hội của châu Mỹ La tinh chẳng hạn. Hay là về đây, tại cái làng Bình Quới này thì cũng tốt. Rồi nàng sẽ đi giặt lấy quần áo ở bờ sông. Sẽ phải rùng mình khi thấy thứ nước uống thiếu trong sạch mà những người dân thường uống. Rồi nàng sẽ ở chung và sẽ chia sẻ những vấn đề của dân làng. Cái mớ kiến thức mà nàng có đó sẽ có thể giúp đỡ dân làng cải thiện sự sống của họ. Nàng sẽ phải cực khổ, lo lắng. Nhưng mà nàng sẽ có những nụ cười trong veo như nắng sớm. Tôi biết chắc như vậy mà. Tuy nhiên, Steve đừng nghĩ rằng công việc giải phóng nàng là một công việc dễ dàng đâu nhé. Dù đau khổ, người ta vẫn không có can đam từ bỏ khổ đau. Con người sợ khổ đau cho nên cứ chịu khổ đau hoài.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét