Tôi đã từng là một gã bốc đồng. Bất cứ khi nào có ai nói điều gì, tôi sẽ luôn nghĩ ra một cách để không đồng ý với họ. Tôi thường phản đối gay gắt nếu thấy điều gì đó không hợp với thế giới quan của mình.
Kiểu như tôi phải là người đầu tiên đưa ra ý kiến – làm người đầu tiên mới quan trọng hay sao ấy. Nhưng thực sự là tôi đã không suy nghĩ vấn đề đúng mức. Càng phản ứng nhanh, ta càng ít suy nghĩ. Không phải luôn luôn, nhưng thường xuyên.
Nói về chuyện bộp chộp thì dễ lắm, như thể chỉ người khác mới có vậy. Ta cũng có đấy. Nếu hàng xóm của ta không được miễn dịch với bệnh bộp chộp, thì ta cũng không đâu.
Chuyện xảy ra vào năm 2007. Tôi đang phát biểu tại hội nghị Business Innovation Factory tại Providence, RI. Richard Saul Wurman cũng vậy. Khi tôi phát biểu xong, Richard đến tự giới thiệu và khen tôi nói hay. Ông ấy thật là rộng lượng. Chắc chắn không ai buộc ông phải đến khen tôi cả.
Và tôi đã làm gì nào? Tôi đã phản đối bài phát biểu của ông ấy. Trong khi ông trình bày rất hay trên sân khấu, thì tôi gom cả một danh mục những điều mình không đồng ý. Và khi có cơ hội nói chuyện với ông, tôi nhanh chóng phản đối một số ý tưởng của ông. Chắc lúc đó tôi chẳng ra cái giống gì.
Câu trả lời của ông đã thay đổi đời tôi. Nó rất đơn giản. Ông nói: “Ông bạn, hãy cho nó năm phút.” Tôi hỏi ông nói vậy nghĩa là gì? Ông trả lời: không đồng ý là tốt, phản đối là tốt, có ý kiến và niềm tin mạnh mẽ là tuyệt vời, nhưng hãy cho những ý tưởng của tôi có thời gian để được hiểu trước khi anh chắc chắn rằng anh muốn phản biện. “Năm phút” đại diện cho suy nghĩ, chứ không phải phản ứng. Ông quá đúng. Tôi đã tham gia thảo luận hy vọng để chứng tỏ điều gì đó, không phải để học hỏi.
Đây là thời khắc đáng nhớ đối với tôi.
Richard đã dành cả sự nghiệp của mình suy nghĩ về những vấn đề mà ông đã trình bày, ngót 30 năm rồi đấy. Tôi thì chỉ nghĩ có vài phút. Chắc chắn là ông có thể sai và tôi có thể đúng, nhưng tốt hơn là hãy suy nghĩ thật sâu vấn đề trước khi chắc chắn là mình đúng.
Cũng có một sự khác nhau giữa đặt câu hỏi và phản đối. Phản đối nghĩa là ta đã nghĩ rằng mình biết. Đặt câu hỏi có nghĩa là ta muốn biết. Hãy đặt nhiều câu hỏi hơn.
Học suy nghĩ trước chứ không phải phản ứng nhanh là chuyện theo đuổi cả đời. Khó đấy. Thỉnh thoảng tôi vẫn nóng khi không nên nóng. Nhưng tôi thực sự hưởng lợi vì đã tốt hơn.
Nếu bạn không chắc tại sao điều này quan trọng, hãy nghe Jonathan Ive nhận xét về sự tôn kính ý tưởng của Steve Jobs nhé:
Cũng giống như việc yêu thích ý tưởng, và yêu thích làm ra các thứ, Steve đối xử với quá trình sáng tạo bằng một sự tôn kính hiếm có và thật tuyệt vời. Bạn thấy đấy, tôi nghĩ hơn ai hết anh ấy hiểu rằng trong khi những ý tưởng cuối cùng có thể rất có sức mạnh, lại thường bắt đầu chỉ là những tư tưởng mong manh, rất dễ bị bỏ qua, rất dễ bị thỏa hiệp, rất dễ bị vỡ tan.
Thật sâu sắc. Ý tưởng rất mong manh, thường bắt đầu yếu ớt. Nó đó, rất dễ bỏ qua chẳng ai chú ý.
Có hai thứ trên đời này không cần kỹ năng: (1) xài tiền người khác và (2) bác bỏ một ý tưởng.
Bác bỏ một ý tưởng là quá dễ vì nó không cần kĩ năng gì cả. Bạn có thể chế giễu nó. Bạn có thể bỏ qua nó. Bạn có thể phà khói vào mặt nó. Dễ lắm. Cái khó là bảo vệ nó, suy nghĩ về nó, để cho nó ngấm, khám phá nó, diễn giải về nó, và thử nó. Khi mới hình thành, ý tưởng đúng có thể trông chẳng khác gì một ý tưởng sai lầm cả.
Vì vậy, lần sau khi bạn nghe một cái gì đó, hoặc ai đó nói về một ý tưởng, diễn giải một ý tưởng, hoặc đề nghị một ý tưởng, hãy cho nó năm phút. Hãy suy nghĩ về nó một chút trước khi phản biện, trước khi nói nó quá khó hoặc quá mất công. Những điều đó có thể đúng, nhưng cũng có thể có một sự thật khác trong đó: Có thể nó có giá trị đấy.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét