Làm đĩ
“Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng viết vào năm 1936 trong một bối cảnh xã hội hỗn loạn Tây hóa, cùng với Số Đỏ, Lục Xì, Giông tố và những tác phẩm khác của ông như những thùng thuốc nổ quăng vào giữa xã hội thực dân lúc bấy giờ.
Những năm cấp III, theo ký ức của tôi, chỉ có một phần của “Số đỏ” được đưa vào giảng dạy trong các tiết văn, những buổi học ngáp dài ngáp ngắn với lời thao giảng ru ngủ của các thầy cô dạy văn, tuyệt nhiên chẳng để lại chút ký ức tốt đẹp của bọn học trò chúng tôi đối với các môn học dở hơi ấy. Cho đến khi thật sự vào đời thì chúng tôi mới tìm lại đọc những tác phẩm ấy dưới góc nhìn của mình, và tự tìm thấy những cảm nhận rất riêng với đôi mắt thích thú của mình.
Làm đĩ, xã hội xưa và nay không xem nó như một nghề nghiệp, mà chỉ cố gắng dùng mọi thứ xấu xa khác để gán cho nó những tội ác về mặt đạo đức trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Về mặt pháp luật, những gì liên quan đến “nghề” này đều bị cho là phạm pháp, là tệ nạn xã hội.
Trong bài viết này, tôi không định chia sẻ những khái niệm đạo đức ở đây. Là do tuần rồi, một agency (công ty cung cấp dịch vụ truyền thông/quảng cáo) gọi đến để phỏng vấn cho vị trí Copywriter. Và nhà tuyển dụng dễ thương ấy đã mở đầu câu chuyện phỏng vấn bằng việc nói về “nghề đĩ”.
Đối với những bạn có mong muốn làm việc trong ngành quảng cáo, hoặc ít ra nếu bạn muốn quan tâm thử xem dân quảng cáo thì làm gì, phong cách sống họ như nào, làm việc ra sao, hoặc muốn theo dõi xem một buổi phỏng vấn diễn ra theo trình tự nào, hoặc đơn giản chỉ tò mò xem có gì ở đây cho bạn đọc… dù gì đi nữa, cứ đọc và trao đổi bạn nhé. Tôi biết rằng những gì tôi viết ra đây sẽ giúp ích cho bạn ít nhiều.
Với một người bình thường, việc phát âm từ “đĩ” ra khỏi mồm cũng là một nỗi xấu hổ rồi, thực khó nhọc để dùng nó cho việc gì đó, có lẽ một vài bạn sẽ khó chịu, tôi rất xin lỗi về sự bất tiện này, nhưng chúng ta đôi khi muốn trưởng thành hơn, phải học cách thoát khỏi ngữ cảnh của những nguồn thông tin chúng ta tiếp xúc, bạn hãy thư giãn và loại ngay hình ảnh những cô gái đứng đường ra khỏi đầu mình, rồi tôi sẽ tiếp tục câu chuyện của mình.
Tôi đã quen với cách nói chuyện của dân trong ngành, đặc biệt là các agency quảng cáo. Nếu ngày nào đó mà người bạn đồng nghiệp của bạn trong agency không la làng lên “…Em mới bị 3,4 đứa khách hàng đè ra hiếp dâm…”, “Đ.m sao lại có đứa ngu như thế…”, hoặc đại loại “Trời ơi, tôi muốn làm tình cho đỡ bất bình..” thì có lẽ ngày đó agency đó sẽ chết. Văn hóa giao tiếp đôi khi hơi “tục tĩu” nhưng căn bản chẳng gây hại cho ai cả, họ cũng chẳng có “làm tình” hay “hiếp dâm” ai cả, chỉ đơn giản la làng xả stress thôi mà, hoặc chửi thề để ý tưởng tìm về, he he.
Quay trở lại căn phòng phỏng vấn, anh Managing Director bước vào, đưa tay ra bắt rồi ngồi ngay vào việc, đầu anh không một sợi tóc, tay xăm trổ một vài hình nghệ thuật mà tôi chẳng kịp quan sát, xăm hình và đầu trọc thì thật sành điệu, tôi nghĩ thầm thế. Anh mặc chiếc áo thun và quần jean cũ mèm, giản dị. Sau khi tìm hiểu sơ qua, anh bắt đầu câu chuyện:
“Em có một cái tên đẹp, chào người 4 họ không tên. Em có 2 phút để giới thiệu về mình, Lê Vũ là ai?”
Tôi cười, tôi không biết tên mình có đẹp hay không, tôi chỉ biết rằng anh đã đúng khi nhận xét về tên khai sinh của tôi, toàn là họ, bạn bè tôi cũng nói thế. Tôi chia sẻ về về công việc mình muốn làm, những tham vọng mà mình đang theo đuổi, và đi đến kết luận, “Lê Vũ chính là những gì anh ta làm được và là những gì anh ta muốn trở thành, con người em ở hiện tại là kết hợp 2 yếu tố đó.”
Có vẻ anh rất hứng thú với câu trả lời đó, anh hỏi tôi liền, “Tại sao em không giới thiệu em học gì, ở đâu như bao bạn khác?… Tôi chưa kịp trả lời, thì anh lại hỏi tiếp (vu vơ) “Ủa sao học Bách Khoa mà ra làm marketing/advertising? Vậy là làm trái nghề em hả?”
“Dạ, không” – tôi nhanh nhẩu, “Có lẽ học trái ngành thì đúng hơn, do em tiếp xúc với môi trường marketing từ năm 2 đại học rồi anh ạ.”
Có một khoản lặng vài giây, rồi anh liền nghiêm túc hơn, bắt đầu “dằn mặt”:
“Không biết mấy anh chị đi trước đã gieo vào đầu các bạn trẻ những mộng tưởng gì về nghề copywriter này, mà hầu hết, anh gặp toàn các bạn trẻ tự cho mình là tài năng, lao động hời hợt, tưởng làm nghề quảng cáo thì phải ăn trắng mặt trơn, ngồi mơ mộng, tài năng thì cũng không, mà đam mê cũng không, rồi cũng chẳng biết đi về đâu. Làm gì có nghề nào “ăn trắng mặt trơn” phải không em?
Nghề nào cũng phải lao động bằng sức của mình, vinh quang được đổi lấy từ mồ hôi, nước mắt và cả máu. Copywriter không phải là một nghề dễ dàng, không phải muốn là làm, không phải ngồi suốt ở văn phòng để hưởng lương, không phải cứ viết là có thể đổi chữ lấy tiền.
Copywriter cũng giống như làm đĩ. Làm đĩ thì người ta dày vò thân xác mình, làm Copywriter thì nó dày vò, bào mòn đầu óc em, ít người sống thọ với nghề, nó không hào nhoáng như họ tưởng.
Mà cho dù có làm đĩ, cũng phải lao động bằng chính công sức của mình, coi như anh là Tú Bà đi, thì chẳng có Tú Bà nào muốn tuyển một con đĩ chỉ muốn ăn trắng mặt trơn nằm không hưởng đồng tiền? Và trong ngành này, anh đã gặp nhiều loại muốn ăn trắng mặt trơn, mơ mộng hão huyền, thiếu năng lực, thiếu cả đam mê, nói thật anh ngán các bạn trẻ tới tận cổ.”
Quảng cáo và nghề copywriter
“Quay trở lại vấn đề, em quan niệm thế nào về quảng cáo?”
“Quan niệm của em là cho dù làm việc trong ngành nào đi chăng nữa, thì muốn lấy đồng tiền của thiên hạ, thì phải cung cấp giá trị tương đương, thậm chí còn hơn. Tiếp nữa, làm quảng cáo thì càng phải nói thật, quảng cáo không phải là nói láo ăn tiền, mà chính là cung cấp thông tin giá trị cho người tiêu dùng để giúp họ lựa chọn những sản phẩm có giá trị cho cuộc sống của họ….” (Nếu bạn nào đọc quyển Nghệ thuật bán hàng bậc cao của Zig Ziglar, ông cũng có quan niệm về nghề sale cũng tương đương vậy, bán cho khách hàng thứ họ thật sự cần, chứ không phải bán cho họ thứ họ mua về rồi lại vứt đi.)
Thấy anh mỉm cười và đỡ căng thẳng hơn, tôi có niềm tin là quan niệm của mình được chấp nhận phần nào. Anh gật đầu vỗ đánh đét trên mặt bàn, “Đúng!, những tưởng làm quảng cáo thì ăn nói lừa lọc, nhưng không! Người làm quảng cáo càng giỏi, càng phải nói thật, nói thật, thật đến mức người ta không thể tin nổi, đó mới gọi là quảng cáo đỉnh cao…”
Cái khái niệm này nghe lạ quá, tôi thấy cũng có lý, lòng chợt nghĩ, về nhà ngẫm và tìm thêm tài liệu sau xem sao.
Copywriter là một nghề hết sức thú vị, nhưng cũng không ít trái đắng và cực nhọc. Hôm nay em phải thương bác nông dân vì cánh đồng bị sâu đục phá. Mai thương chị nội trợ không biết chọn loại bột nêm gì để nấu cho chồng một bữa ăn thật ngon. Mốt nữa, thì đứng đường để tìm nguyên liệu cho campaign về “nồi cơm điện”. Ngày khác nữa thì thì mua bao cao su về thổi bong bóng, cắn thử một viên thuốc trị bệnh trĩ thử xem có đắng không rồi tự hỏi tại sao người ta không dùng?
Có hôm, khách hàng gọi điện, bảo sao viết quảng cáo bia mà như viết quảng cáo sơn môi, viết kịch bản quảng cáo nước mắm mà tưởng bán nước hoa, viết bài ủng hộ từ thiện mà tưởng tuồng cải lương… Tại sao viết slogan cho nhãn hàng thời trang mà như quảng cáo cho Dừa bến tre, trái to trái nhỏ, 3 vòng bằng nhau? v.v…”
Anh dừng lại ở đó, và bắt đầu lục lọi profile của tôi, chúng tôi trao đổi sơ qua thêm một vài thứ. Và ngồi thảo luận với nhau xem những tố chất gì cần cho nghề copywriter, trên quan điểm của anh, và anh khuyến khích tôi chia sẻ quan điểm của mình.
Tôi chưa dám chắc Copywriter có phải là một đam mê lớn nhất của mình không, nhưng tôi đã chuẩn bị cho công việc này hơn 2 năm nay, từ ngày còn làm freelance, cho tới việc tham gia vào một vài cộng đồng để viết bài gây dựng mối quan hệ và kiến thức. Và bởi đam mê là sự kết hợp của nhiều yếu tố về năng lực, sự công nhận, niềm yêu thích và cả thời gian nữa.
Chúng tôi thống nhất với nhau, dân quảng cáo phải sáng tạo song song với đam mê, tức là phải đam mê sáng tạo, và sáng tạo ra đam mê, nếu không , khó mà sống thọ trong nghề, không yêu nghề, thì không thể sáng tạo, không biết sáng tạo, sao mà yêu nghề.
Tiêp theo, những CW trẻ tuổi có đầy đủ đam mê và tài năng, thì lại thiếu một “bộ bí kíp”, đó là lòng trắc ẩn, sự nhạy cảm, tinh tế cần thiết kết hợp với khả năng quan sát nhạy bén. Những điều đó hoặc là không có ở một người, hoặc là đi kèm với nhau đủ bộ ở một người. Đây là một yêu cầu giúp cho người làm quảng cáo kiếm được những nguyên liệu trong cuộc sống để tạo nên những tác phẩm sống động và hiệu quả.
Nhà tuyển dụng yêu cầu tôi lấy ví dụ thực tế từ bản thân để chứng minh điều đó. Tôi chẳng biết kể gì, việc nhớ lại một câu chuyện kể chứng tỏ mình sáng tạo, tôi bí. Tôi lấy làm liều, kể cho anh nghe câu chuyện về Gấu trúc Po trong Kungfu panda. Một câu chuyện về ước mơ, về những triết lý của người Trung Hoa ẩn sâu trong từng lời nói, diễn hoạt của nhân vật, định nghĩa về định mệnh, sự khó khăn trong cuộc sống và biết cách vươn lên thế nào từ chính bản thân mình. (có lẽ cần một buổi educine mới nói hết được).
Anh có vẻ khoái, anh liên tục thể hiện cái khuông mặt ánh lên những tia nhìn thú vị như một đứa trẻ khám phá những điều mới, những gì chúng tôi trò chuyện tự dưng trở nên sống động hơn bao giờ hết, có lẽ anh cũng có những triết lý kinh doanh hay triết lý sống gần như thế, vậy nên anh thích thú.
Anh bảo anh đã đọc blog của tôi và thấy làm thú vị, anh hỏi tôi nếu nhìn một người có đoán được MBTI của người đó không, tôi bảo, hãy kể cho tôi nghe về những thói quen trong công sở của anh, tôi mới có thể đoán tương đối gần đúng, còn nếu không biết gì về đối phương mà đoán qua mặt mũi tướng tá, chắc chỉ có nhân tướng học mới có thể làm điều đó, mà nhân tướng học thì cũng chưa chắc là đúng. MBTI phải dùng một bài test kiểm nghiệm mới nên kết luận.
Anh hỏi tôi có biết 7 loại hình trí thông minh không, tôi bảo thực ra có hơn 300 loại hình thông minh lận, nhưng 7 cái là căn bản nhất để nhận biết các loại khác. Anh bảo tôi liệt kê những loại hình tôi có, tôi bảo (1) logic – toán học, (2) Ngôn ngữ, (3) Nội tâm. Tôi bảo, tôi không nhớ hết, “nhưng em còn biết chơi tốt guitar, về giọng hát cũng không tệ, có thể nói em có được lợi thế về mặt âm nhạc, nên em sẽ liệt kê nó vào cho thêm phần hoành tráng cho câu trả lời”.
Có vẻ “Nhà tuyển dụng” rất thích thú với cây guitar, anh hỏi rất kỹ tôi đã học bao lâu, tự học hay học thầy, việc chia sẻ thông tin tự học guitar làm anh rất ngạc nhiên, có lẽ tự học một nhạc cụ đối với một số người là cực kỳ khó khăn, tôi biết, vì tôi cũng đã thử tập Sáo trúc, kết quả chẳng đâu vào đâu cả.
Anh hỏi cả dòng nhạc tôi nghe, cũng may mắn tôi cũng biết nghe nhạc chút đỉnh và kịp giới thiệu cho anh dòng Slow rock, Ballad, Golden-Pop music (thường gọi là nhạc bất hủ), Power, tôi không biết tí gì về nhạc Việt, chỉ biết Nhạc Trịnh lời ca đẹp, khoái giọng Bằng Kiều, Lê Hiếu, Phi Hùng và ghét phải BỊ nghe “Chàng khờ thủy chung” hay đại loại là ”Người ấy và anh em chọn ai”.
Anh hỏi,”em nói em rất nữ tính phải không? Đó là anh đọc trên blog của em”. Tôi cười, bảo bài trên blog là của một anh copywriter khác viết. Anh cw đó chia sẻ là làm nghề quảng cáo nên nữ tính để thấu hiểu được cảm xúc của chị em phụ nữ, để có góc nhìn tổng quát về cuộc sống, hiểu nhiều hơn về nhu cầu của phái đẹp, từ đó cho ra những mẫu thông điệp mang lại hiệu quả cho chiến dịch của mình. (thật ra thì tôi thích vô tính hơn để khỏi phải vướng bận chuyện tình cảm).
Anh bảo sống mà không yêu thì thật chán, anh hỏi tôi đã yêu ai chưa. Tôi bảo tôi ĐÃ TỪNG yêu, và có lẽ là đang yêu. Anh bảo tình yêu giữa nam và nữ luôn đẹp nhất, tôi cười, tình yêu thì đẹp, người đang yêu cũng đẹp.
“CD (Creative Director – Người mà CW phải làm việc chung nhiều nhất) là người Mỹ, em sẽ ”ăn nằm ngủ nghỉ” với người này như vợ chồng, hiểu rõ tính tình của nhau, làm việc về ý tưởng nhiều nhất cũng với CD…”
Tôi cũng đã biết trước mình phải làm việc với CD liên tục như hình với bóng, nhưng quả thật nếu là người Mỹ thì thiệt là ngại, tôi đành bảo thật, English giao tiếp của tôi không tốt, không quen. Anh hỏi, “bao lâu thì em có thể cải thiện vấn đề đó, ít ra cũng trình bày ý tưởng của mình, hoặc bảo vệ ý tưởng của mình được?”.
Tôi không sure lắm, nhưng làm liều, bảo là dưới 2 tháng là hiểu. Anh có vẻ cần một lý do gì đó thuyết phục hơn, thế là tôi bảo,”…thực ra nội dung khi giao tiếp, chỉ có 7% về mặt ngôn từ tạo ra ý nghĩa đoạn hội thoại, còn lại hơn 35% là giọng điệu, hơn 55% là ngôn ngữ cơ thể, vậy nếu em chưa làm cho CD hiểu, thì em sẽ học múa cột, múa lửa, múa lân, em nghĩ rồi CD cũng hiểu…” (cũng may đã được học điều này từ trước để còn mà trả lời những câu hỏi khó đỡ).
Anh bảo là rất thú vị, CW là một nghề rất kén người , vừa đòi hỏi tinh tế nhạy cảm, vừa cần phải nam tính vừa cần phải nữ tính, vừa phải suy nghĩ logic mà vừa phải mơ mộng tưởng tượng…. Những thứ đối lập ấy cần dung hòa trong một con người để giúp khách hàng có được những thông điệp truyền thông thật ấn tượng và mang lại hiệu quả.
Chúng tôi cùng nhau vẽ ra những tố chất căn bản cần thiết của copywriter, nếu thiếu những điều đó, chắc chỉ có thể làm khá, chứ đừng nói đến chuyện trở nên xuất sắc trong nghề.
Với những bạn nào yêu thích nghề quảng cáo, bạn có thể khởi đầu bằng việc dùng google để search những job description về vị trí mà bạn mong muốn sau này làm, từ JD đó, bạn sẽ biết được là mình cần bổ sung những kỹ năng gì, học hỏi thêm những kiến thức gì. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi, điều quan trọng là bạn phải xác định từ đầu như tôi đã đề cập ở trên, không có nghề nào dễ dàng cả, bạn cần khả năng, tố chất, và cả đam mê nữa, hãy để đam mê dẫn dắt bạn, đừng để vẻ bên ngoài của nghề nào đó dẫn dắt bạn, điều đó không an toàn đâu.
Đây là buổi phỏng vấn dài nhất mà tôi từng tham gia, với 3 tiếng 30 phút, và có những điều thú vị khác mà tôi tạm thời chưa nhớ ra hết để chia sẻ với bạn.
Khi tới dự phỏng vấn, bên nhà tuyển dụng cũng có thể sẽ kiểm tra bạn qua một bài test viết slogan, một kịch bản TVC (Television Video Commercial – lượt dịch là video quảng cáo) hoặc một câu headline nào đó v.v.. Bài test của tôi là 3 slogan cho một cái print ad về thuốc tây và một kịch bản TVC về condom.
Có không những đam mê bất tận?
Đây là câu cuối cùng tôi đã được chia sẻ và tôi chia sẻ lại với các bạn, tôi nghĩ nó rất có ý nghĩa và quan trọng. Anh MD bảo tôi, “anh thấy em có đầy đủ năng lực, và tố chất của một người làm CW. Thôi đừng mộng mơ nữa, phải mất bao nhiêu năm chuẩn bị nữa em mới dấn thân vào nghề này? Không bắt đầu thì còn mộng mơ đến bao giờ? Hãy bắt đầu, hãy dấn thân, hãy hành động, đừng đợi chờ.. Quan trọng là em có tin là mình làm được hay không?”.
Bạn đừng đợi đam mê tới rồi mới làm, làm đi, rồi đam mê sẽ tới.
Bạn đừng đợi cơ hội tới rồi mới làm, làm đi rồi cơ hội sẽ tới.
Bạn đừng đợi tài giỏi rồi mới làm, làm đi, rồi bạn sẽ tài giỏi.
Bạn đừng sợ và không làm, bạn làm đi, không làm gì mới là thứ đáng sợ nhất.
Bạn còn đợi bao lâu nữa, thôi đừng mộng mơ nữa, cứ can đảm dấn thân thôi.
Bạn sẽ không chết đói.
Bạn sẽ không cô đơn.
Bạn sẽ không thất bại, thất bại là không làm gì cả.
Muốn được hoa hồng, thì phải biết chịu đau vì gai.
Muốn được người đẹp, hãy giành lấy giang sơn để đổi lấy người đẹp.
Bạn muốn giang sơn hay người đẹp? Tùy bạn thôi, đã ai nói với bạn là bạn có thể có cả hai chưa?
Đánh “liều” với đam mê, thay vì có thể làm công việc cũ với sự an toàn cao? Đời mà, cứ trải nghiệm thôi, người đẹp rồi cũng sẽ tới, giang sơn rồi cũng sẽ tới. Bạn sẽ nói với người đẹp rằng, “Đây là giang sơn anh theo đuổi đam mê mà có được, em có biết, tình yêu là một dạng của đam mê, và em là đam mê của cả đời anh…”
Bạn sẽ không nhường người đẹp và giang sơn cho bất cứ ai đâu, đúng không?
Lê Vũ’s blog – 05/11/11
p/s: Buổi interview là có thật nha mấy bạn, trong bài viết tôi dùng hơn 40% nội dung từ buổi interview. Anh MD không có thành kiến hay ác ý gì về chuyện “cô gái đứng đường cả”, anh ấy chỉ lấy ví dụ thế thôi, mong bạn đọc không hiểu lầm.
Lược dịch:
*Copywriter: Người viết quảng cáo.
*Creative Director: Giám đốc sáng tạo (chữ Director thực ra có nghĩa khác hơn, nghĩa “đạo diễn” sẽ dễ làm cho bạn hình dung công việc của CD hơn).
*Agency: Công ty cung cấp dịch vụ truyền thông, quảng cáo.
*Freelance: công việc tự do, bán thời gian, thời vụ v.v…
*Job Description: Bảng mô tả công việc
Tác giả: Vũ TYM - toiyeumarketing.com
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét