Hồ - Banana


Tôi có thói quen viết ra những con chữ trong một bản nhạc nghe đi nghe lại, chìm đắm trong bản nhạc ấy, mọi cảm xúc tôi viết ra đọng lại trong đấy. 
Tặng cậu, dành cho một điều gì đó nguyên sơ nhất.
Để cậu giữ một phần trong trẻo nhất của cuộc đời mình,
Tớ vẫn lo là, ở nơi xa thế, cậu có đọc được không?
Có luôn đang dõi theo chúng tớ không?
Chúng tớ mất đi cậu, và là mãi mãi.
Tớ nhớ cậu.
​   
Có những tháng ngày vội vã trôi qua thật nhanh, giữa dòng người, giữa dòng đời, tôi chợt nhớ về những ngày xưa cũ kĩ. Có những ký ức đọng lại mãi trong tâm trí, tôi không muốn lãng quên, dù rằng tôi tự nhủ với mình rằng hãy luôn nhớ, nhưng dù rằng luôn nhớ, nhưng đến một lúc nào đó, đối với chính mình, rồi sẽ lãng quên. Tôi muốn mình mơ những giấc mơ, dẫu là không thể chạm tới, tôi vẫn muốn một lần trở lại, dẫu không toàn vẹn, nhưng cảm giác sống lại những kỷ niệm ấy dù bao lâu tôi vẫn muốn thử.
---




Sớm tinh mơ ngủ dậy, tôi nhìn ra ngoài khung cửa sổ chỉ là gam màu tối phết lên những vệt bóng của những bức tường và những lùm cây, pha trộn chút ánh sáng của ánh đèn đường chưa tắt. Gió không thổi ngang qua hiên nhà nhưng đọng trong không khí vẫn là hơi lạnh cắt buốt.

Trong khung cảnh nhập nhoạng của một ngày mới chưa lên, tôi cảm giác một điều gì đấy trong veo rất đỗi mơ hồ. Trong sự cô độc vây quanh tôi trong căn phòng với bốn bức tường tróc vôi vữa, tôi chợt thấy mình điềm nhiên đến lạ. Trong đầu óc non nớt của một con người đang tồn tại, có điều gì đó đang thay đổi.

Cảm giác choàng tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài, mở to đôi mắt quen dần với ánh nắng ban mai, hít thở khí trời căng tràn trong buồng phổi, chưa bao giờ tôi nghĩ đó là một hạnh phúc. Nhưng cũng có một ngày, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng nó có một ý nghĩa, và rằng nó quan trọng biết dường nào, quan trọng hơn hết thảy những con số tôi đạt được trên lớp, quan trọng hơn tất cả những rắc rối mà tôi đang gặp phải. Bạn biết điều ấy nghĩa là gì không?
Là rằng…

Tôi đang sống, tôi tự do hít thở bầu không khí này, và tôi hạnh phúc vì có thể mở to đôi mắt ngắm nhìn thế giới, lắng tai nghe tất cả âm thanh hiện hữu xung quanh mình.

Cách đây vài tuần, cô giáo giao cho tổ của chúng tôi phải thuyết trình về một vấn đề: “Thế nào là hạnh phúc?”

Cách đây gần một tháng, tôi và những đứa bạn trao đổi những tấm flashcard viết những từ tiếng anh, tôi nhận được một tấm card viết một từ: Oblivion – nghĩa là: “Lãng quên”
Vào một buổi chiều, tôi kể với cô bạn thân rằng mình muốn đọc quyển Hồ của Banana Yoshimoto vì rằng rất ấn tượng với bìa truyện. Và tôi sẽ không có bất kì hối hận nào nếu chộp quyển ấy trên giá sách mua ngay và luôn (đừng hỏi sao thẳng thừng đến thế được nhé, tôi đọc dòng đầu tên và “kết” ngay tắp lự không cần bàn cãi).

Cái tên Banana ấy trở thành một thương hiệu cho tôi lần mò mỗi khi đến quầy văn học nước ngoài, tôi quen thuộc và yêu thích cái tên ấy hơn Murakami Haruki. Ở Banana, bà diễn đạt bằng loại ngôn từ được viết trong những cuốn sách mà tôi thích đến lạ. Dù rằng tôi đọc tác phẩm Kitchen đầu tiên, Hồ lại là tác phẩm khiến tôi đồng cảm nhiều hơn.

Bạn tin có một sợi dây liên kết vô hình nào đó không? Bất cứ nơi đâu, bất cứ sự vật sự việc nào, có một sự tạo dựng và gắn kết tuyệt diệu.
Tôi nghe xong vài Soudtrack của phim Departures trên Youtube và vô tình lướt chuột vào: Joe Hisaishi in Budokan - Studio Ghibli 25 Years Concert.

Departures đúng như tên gọi, nó đúng là một chuyến hành trình. Motip kì lạ, và vì sự kì lạ đến đáng kinh ngạc ấy, tôi bị cuốn hút thật sự. Bộ phim từng mang về cho điện ảnh Nhật Bản giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” năm 2008. Có một điều mang đậm phong cách trong những bộ phim điện ảnh Nhật Bản, rằng nó thật sự nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng trong cuộc sống diễn ra hằng ngày của người Nhật, nhẹ nhàng nhưng không chán ngán, nhẹ nhàng nhưng đủ thực tại, đủ lắng đọng không quá phiêu du, bay bổng như những bộ phim truyền hình Hàn quốc dài tập, nhẹ nhàng đủ làm dịu tâm hồn và khiến người ta suy ngẫm.

VnExpress đặt tựa đề bài báo là “Departures – Triết lý vô thường của người Nhật”. Bộ phim đưa chúng ta đi cùng Daigo trong cuộc hành trình qua những cột mốc của cuộc đời anh. Sự sống và cái chết, hai mặt đối lập nhưng tồn tại theo một vòng tuần hoàn. Và với triết lý của người phương Đông, chết đi chỉ là kết thúc một cuộc hành trình và rồi mở ra một cuộc khởi đầu mới, cái chết cũng là một lẽ thường trong quy luật bất biến của sự sống. Vì một vài lý do, Daigo ngẫu duyên tiếp xúc với nghề khâm liệm, làm một công việc “đặc biệt” mà nhiều người luôn e dè tránh tiếp xúc và chẳng lấy gì làm thanh cao. Công việc cần phải chuẩn bị tẩy uế, thay quần áo mới và trang điểm cho người chết trước khi lên đường. Nghe có vẻ thật kinh hãi, nhưng những thước phim kì thật không đáng sợ, không có sắc màu u ám, dành trong đấy là một sự buồn thương, chìm rất sâu, cảm giác rất đau đớn khi mất đi những người mình yêu quý, gửi gắm trong đấy là tình cảm thiêng liêng của gia đình.

Hồ cũng mở ra một sắc trắng, không tang tóc, có lẽ là một màu trắng xóa, vì gam màu ấy không ẩn chứa điều gì cả.
Câu chuyện này được tách làm hai mạch truyện riêng biệt cho hai nhân vật chính: Chihiro và Nakajima. Chihiro là sinh viên chuyên ngành nghệ thuật, thích vẽ tranh tường, luôn ấp ủ ý tưởng trốn chạy khỏi nơi mình lớn lên vì bầu không khí nặng nề chốn này – nơi mà mang tiếng con nhà danh gia nhưng người khác chỉ xem cô là con ngoài giá thú của mama làm ở quán bar không hơn không kém. Nakajima là sinh viên Bộ môn nghiên cứu y học, được miêu tả có ngoại hình kỳ lạ và quá khứ không được bình thường. Cách hai người quen nhau có lẽ là hơi hiếm trong thời đại ngày nay, hai kẻ lạ mặt ở hai căn hộ chung cư đối diện nhau một ngày nọ cùng bước tới cửa sổ và nhìn ra bên ngoài, vô tình bắt gặp ánh mắt của nhau. Và ngày qua ngày họ có thói quen nhìn qua cửa sổ xem động tĩnh của người kia mà không biết rằng, việc luôn quan tâm đến động tĩnh của nhau như thế là khởi đầu của… tình yêu.
Những câu chữ mở đầu bằng giấc mơ của một cô gái, và đó cũng chính là nhân vật chính của câu chuyện, Chihiro. Trong mơ, cô mơ thấy mẹ, và đôi khi cô cũng mơ thấy mẹ trong giấc ngủ chập chờn, nhưng chưa bao giờ mẹ hiện hữu trong giấc mơ của cô rõ ràng và sắc nét như thế.

Lúc đọc nó vào lúc đêm khuya, tôi có một suy nghĩ kì lạ: “Nếu không phải vì ám ảnh bởi hình ảnh của mẹ cô, bởi hình ảnh căn phòng bệnh viện nồng nặc mùi thuốc sát trùng, bởi cái ý nghĩ mẹ cô đang cận kề cái chết khiến cô luôn nơm nớp lo sợ và khi bà mất đi, cô mới được giải thoát bởi mọi thứ ràng buộc lấy mình, không vì cô nằm mộng nên thấy mẹ, không xét về những khía cạnh tâm linh, chắc nó sẽ là sợi dây âm dương đứt đoạn còn lại.”

Đêm Nakajima ngủ lại nhà cô lần đầu tiên, cô đã mơ thấy mẹ rất lâu và dường như cô còn có thể chạm vào người bà ấy. Bà sinh ra cô mà không lấy ông ấy.

Bố cô – vốn dĩ là một con người đơn giản, sống ràng buộc với địa vị mà chẳng buồn vùng vẫy thoát ra khỏi đấy. Hai con người quen nhau một cách đầy bất ngờ trong một quán ăn món Hàn với những thứ gia vị cay xè đáng để xuýt xoa, họ trò chuyện, họ đến gần nhau hơn, và họ sinh ra cô vì bà ấy muốn có con sớm một chút. 

Cô đã nghĩ, trong cuộc đời bố, mẹ là đóa hoa duy nhất tỏa ra hương thơm tự do.
Nhưng chỉ trong phút chốc, thực sự sau đó nó cũng chóng tàn.

Ông ấy lặp lại những câu giá như, giá như bà ấy còn sống chúng ta đã làm một chuyến du lịch biển chứ không quanh quẩn quanh năm làm việc như thế thì…

Cô sinh ra chắng khác nào một đứa con ngoài giá thú, dòng họ nội chối bỏ và nơi cô sinh ra khiến mình thấy ngột ngạt, điều duy nhất cô muốn làm là vẫy vùng thoát khỏi nơi đó.

Có lẽ đến hết đời tôi cũng không quên được cảm giác khi thấy những kẻ đầy lòng hiếu kì cùng hứng thú lẫn ganh ghét vận đồ đen sặc vẻ hình thức và đãi bôi, dát lên mình sự nghiêm trang giả tạo, gắn lên bộ mặt đau buồn ánh mắt sáng trưng đến nhìn vào bên trong quan tài mẹ… Cái cảm giác chỉ muốn đập tan bầu không khí giả dối và đội lốt ấy bằng một điệu múa khỏa thân cho bõ ghét.
Thân xác mẹ đã được lửa tẩy sạch, không để ánh mắt bẩn thỉu nào có thể in dấu trên đó. Tôi không nghĩ mình cảm thấy nhẹ nhõm đến thế khi mẹ bị hỏa thiêu. Trang phục của mẹ, vẻ đẹp của mẹ, quy mô đám tang mà bố chẳng tiếc tiền chuẩn bị đã làm thỏa mãn lòng hiếu kì của bọn họ.
…Khi trông thấy bố bám chặt lấy quan tài khóc nức nở, tôi đã nghĩ mình không bằng bố. Bố dồn cả tâm tư cho mẹ, còn tôi chỉ toàn để ý những điều vô nghĩa.
…Phải rồi, ngày hôm đó, mẹ đến trong giấc mơ tôi,… là phần con người tựa một đóa hoa của mẹ.

Phần con người thân thương như một đóa hoa nhỏ thẹn thùng rung rinh trong bóng nắng.

Tôi đã nghĩ vài điều, và những điều Chihiro trải qua cũng là một phần của sự sống, mới đây thôi, tôi cũng từng trải qua tình trạng gần giống thế. Và thật ngạc nhiên khi có thể tìm thấy ngay được tình tiết giống những điều mình đã trải qua. Có lẽ, có một vài điều, những đứa trẻ có một gia đình, đều trải qua những điều như thế.
Hồi nhỏ, nửa đêm mỗi lần tỉnh giấc và hé mắt ra nhìn, tôi lại thấy mẹ vỗ nhè nhẹ vào cái bụng để hở của tôi, sửa sang áo ngủ và đắp chăn lại cho tôi.
Bằng cơ thể, tôi đã học được rằng: “Được yêu là thế, là khi một người muốn chạm vào mình, muốn tỏ ra dịu dàng với mình”. Vì vậy tôi không bao giờ có phản ứng trước một tình yêu giả tạo. Đây là ý nghĩa của việc được “nuôi nấng” chăng?
Con muốn gặp lại mẹ một lần nữa, mẹ ơi. Con muốn được chạm vào người, ngửi mùi của mẹ.
Khi nghĩ rằng ngay cả quán bar hơi dơ bẩn lúc ban ngày giờ đây cũng không còn nữa, tôi bỗng thấy nhớ thương.

…Tỉnh giấc rồi, nước mắt vẫn chảy thành dòng.

Xen ngang những dòng hồi tưởng về người mẹ thân thương của cô, về những ngày bà còn sống và cô ở bên cạnh bà, là một mối quan hệ không xa cũng chẳng gần giữa cô và Nakajima. 
---​
Cô thản nhiên ngủ với hắn, mặc nhiên hắn ngủ với cô đơn giản như một người bạn, và việc làm tình hắn đã giải quyết ổn thỏa ở bên ngoài. Cô nghĩ đơn giản một điều rằng hắn là gay, và là gay thì có nhiều điều khó nói. Thực ra đó chỉ là điều cô suy nghĩ.

Lúc đầu, với những biểu hiện bối rối và sợ hãi khi quan hệ, Chihiro đã nghi ngờ Nakajima đã gặp vấn đề gì đấy trong quá khứ. Cả hai cùng mất mẹ, cả hai có những khiếm khuyết bổ sung và bù đắp cho nhau. Càng gần gũi Nakajama, cô càng nhận thấy có sự méo mó gì đó trong con người hắn ta. Hành trình dẫn cô khám phá cuộc sống thoát tục của những nhân dạng lạ lùng, tìm đến cái hồ lảng bảng ký ức về một tuổi thơ nảy nở trong thảm họa.

Đúng với tên gọi Hồ, rất gọn ghẽ, súc tích, có nỗi đau và đặc biệt gây ấn tượng. Tôi đọc câu chuyện với cảm giác mình đang được gội rửa, thanh mát giữa làn nước trong xanh vắt in được bầu trời trên bóng mặt nước.

Tôi không xếp cuốn sách vào cuốn yêu thích nhất, nhưng nếu có cuốn sách nào khiến tôi muốn chạy ngay ra hiệu sách mua ngay và luôn thì đúng thật đến giờ chỉ có: Hồ. Biết đâu một quãng thời gian nữa, tâm trí tôi sẽ dần phai nhạt và Hồ sẽ trở lại vai trò là một cuốn truyện tôi từng đọc.

-Linh dương phiêu-

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét