Khoảng đâu tầm năm năm trước, tôi tình cờ nhìn thấy một tài khoản Weibo. Không giống với những tài khoản khác, người nọ chưa bao giờ chia sẻ bài viết, đăng tải hình ảnh hay video, và cũng chưa từng tham gia một game trúng thưởng nào, mỗi bài viết đều là những con chữ xếp thành hàng dài dằng dặc, dấu chấm câu đâu vào đấy, không sai tẹo nào, thể hiện rõ sự trang trọng trong việc viết văn của người thế hệ trước.
Thế là tôi nhấp vào xem, quả nhiên cái tài khoản chẳng mấy ai theo dõi này là một bác trai sinh vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, tính tuổi cũng khoảng gần sáu chục. Ngày nào bác cũng lên Weibo ghi chép lại cuộc sống của mình, đều đặn tỉ mẩn tựa cuốn sổ thu chi, nào là nay làm những gì, gặp được ai, ai đến thăm hỏi, thậm chí nói câu từ gì nữa, chi tiết vô cùng. Qua những con chữ ấy, tôi biết từ nhiều năm về trước, vợ bác bệnh nặng nằm liệt giường, mất đi khả năng ngôn ngữ, không thể tự lo cho cuộc sống hàng ngày của mình, cần bác ở bên chăm sóc; mẹ bác cũng bị liệt, mấy anh chị em thay nhau chăm mẹ; cha bác đã già, khuôn mặt đậm nét buồn thương, thỉnh thoảng phải qua xem xem thế nào; con gái bác đang đi học, bình thường rất bận rộn, thành tích học tập ở vào mức khá giỏi, lần nào bác cũng kể về con gái mình với vẻ tự hào.
Có lẽ là bởi quá đỗi rúng động trước cuộc sống hoàn toàn khác lạ của một người chẳng thân quen nên tôi nhấn theo dõi bác, không làm phiền gì thêm. Năm năm qua, mỗi khi thấy đau khổ buồn bực, tôi sẽ lên Weibo để xem nhật ký bác viết, và vẫn chẳng làm phiền chút gì. Kết quả là tất cả những rầu rĩ, chán chường đặt ngay trước mắt ấy của tôi được vỗ về: Bởi dù đời người có vất vả ra sao thì chúng ta vẫn phải kiên trì gánh lấy, chịu đựng cho qua.
Ngày qua ngày, bác vẫn lặng lẽ ghi chép lại cuộc sống bình dị ấy của mình, chẳng mấy khi oán thán hay tỏ vẻ đau thương, ngược lại, trong từng dòng văn bác viết, có rất nhiều sự giúp đỡ của mọi người xung quanh: Bạn học cũ ghé chơi, xách theo một thùng sữa bò, loại này đắt lắm, từ chối mãi rồi nhưng ông ấy cứ phải tặng bác cho bằng được; em gái sang nhà đưa mấy bộ quần áo cũ của mình cho vợ chồng hai bác nhưng lại sợ bác chê cũ, bác nói "Quần áo tốt thế này cơ mà, sao lại không cần chứ?"; còn có anh chị em họ hàng, đồng nghiệp cũ, bạn bè phương xa ghé thăm, biếu 100 tệ, 200 tệ, tặng đồ gì đó, em rể gửi cho hai chai mật ong... Đến cả cước phí bưu điện, bác cũng ghi rõ ràng.
Trong "cuốn nhật ký" năm năm ấy còn ghi lại vô số sự ra đi bằng vẻ gì đó rất bình thản. Bác viết về cái chết của người thân, ví như em họ của bác, viết rằng mất ra sao, viết lời nói của họ hàng khi nhắc đến người đã lìa đời kia. Không có quá nhiều đau thương, sợ hãi cũng chẳng có mấy, chỉ là mang theo chút tiếc nuối thở than, cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn như thường. Hơn năm mươi rồi, giờ chia xa trở thành điều bình thường nhất của đời người.
Nhiều nhất là những dòng kể chuyện chăm lo cho vợ, trong từng câu chữ ấy, bác gọi vợ mình là "bà nhà tôi", "bà nhà tôi" xuất hiện trong mỗi một bài viết thường ngày. Vợ bác bị bệnh, giờ trông chẳng khác gì một cô mèo to tướng, ban ngày thì buồn ngủ, tối đến lại nháo nhác liên miên, thường hay ồn ào khiến bác tỉnh dậy giữa đêm. Hôm nọ chuông báo thức không kêu, bác quên ôm vợ đi vệ sinh, thế là vợ bác tiểu ướt hết giường, bác phải dậy lau nhà hết nửa buổi trời, giờ cũng chẳng thể ngủ giường được nữa, vợ bác ngồi cạnh, háo hức không yên, miệng mồm chẳng dứt. Bữa trước có buổi họp của mấy đồng nghiệp cũ, bác không muốn đi, bỏ rượu rồi mà, bác cũng muốn ở nhà chăm vợ nữa. Tuần nào bác cũng sang ngồi nói chuyện với người mẹ nằm liệt giường của mình, lau miệng, lau mặt cho bà rồi lại vội vã gọi em gái lại thay ca, bởi vợ bác đâu thể ở một mình được.
Bác là một người cha đúng kiểu Trung Quốc, con gái bận bịu chuyện học hành nên chẳng mấy khi bác để con phải xắn tay làm việc nhà, mấy năm qua, con gái bác Tốt nghiệp, lấy chồng, sinh con, bác cũng bảo con chăm lo cho gia đình nhỏ của mình là được. Con gái bác vào năm cuối, đăng luận văn trên một tập san học thuật, mọi nỗi niềm đều hoá thành một câu đơn giản trong nhật ký của bác: "Tôi tự hào về con bé." Bác vẫn một mình canh giữ ngôi nhà nhỏ, canh giữ người vợ bệnh tật của mình. Vợ bác thường hay ríu rít ậm ừ trong đêm, bác thức giấc trong tiếng ồn ào đó, ngồi gõ nhật ký đăng lên Weibo. Nhưng vợ bác đã chẳng còn minh mẫn từ lâu, sự ồn ào không ngớt kia thực ra là những tiếng lầm bầm không rõ nghĩa. Nói cách khác, nhiều năm qua, chẳng còn ai trong cái ngôi nhà này có thể trò chuyện với bác cả.
Liệu có bực bội không? Bởi không hiểu ý của vợ nên có đôi lúc bác cũng sẽ bực bội, nhưng dần dần thì bác đã có thể nhanh chóng nhận biết, phân biệt lúc nào vợ bác muốn ngủ, muốn "nói chuyện", muốn đi vệ sinh, từ đó bác bình tĩnh, thong dong hơn hẳn. Tôi nhớ có lần bác hồi tưởng lại câu nói có ý nghĩa cuối cùng mà vợ bác nói trước khi bị bệnh, cụ thể là gì tôi cũng chẳng rõ nữa, chỉ nhớ rằng câu nói bình thường, không gì đặc sắc ấy đã khiến tôi khóc như mưa. Và trang nhật ký ghi chép lại chút hồi ức cùng cảm khái này chẳng mấy chốc đã bị cả một trời nhật ký mới chôn vùi giữa biển thời gian dài rộng.
Năm năm trước, tài khoản Weibo bình thường này chỉ lác đác dưới mười người theo dõi, đến hôm nay đã được hơn ngàn, tôi thấy vô cùng kinh ngạc. Nhưng dưới phần bình luận mỗi trang nhật ký của bác lại trống không chẳng một ai, 0 lượt thích, 0 lượt chia sẻ, 0 lượt bình luận, ở đây vẫn chỉ có bác thủ thỉ một mình. Chẳng lẽ là người theo dõi ảo? Thì bạn biết đấy, Weibo thường hay tặng vài ba người theo dõi ảo mà, năm năm trời chắc gom góp được nhiều lắm.
Đó giờ tôi vẫn tưởng là vậy, cho đến hôm sang năm mới, bác chúc mọi người năm mới vui vẻ, phía dưới lại có rất nhiều bình luận, trông như măng trúc nhú sau mưa: "Chúc chú năm mới vui vẻ!" "Chú ăn Tết vui nha! Năm mới con chúc chú mạnh khoẻ ạ." "Năm mới đến, chú phải nghỉ ngơi cho khoẻ đấy ạ." Bác nghiêm túc trả lời từng bình luận, những con chữ mang theo hơi thở của người trung niên: "Cảm ơn con! Cũng chúc con năm mới vui vẻ. Năm con Trâu đại cát đại lợi."
Tết vừa đi qua, bác lại đăng tải nhật ký mới, chẳng ai bấm thích, chia sẻ hay bình luận cả, bác vẫn thủ thỉ một mình, lặng lẽ ghi chép lại cuộc sống của mình, trông như sự náo nhiệt đầu năm mới kia chỉ là một màn ảo thuật.
Thì ra, hơn một ngàn người theo dõi kia là thật, đều là những người trẻ đủ mọi ngành nghề chẳng quen thân. Họ giống như tôi, cũng tình cờ bắt gặp tài khoản Weibo này, đứng cạnh dõi theo cuộc sống của một người xa lạ, nhận lấy sự dũng cảm đương đầu với đời, nhưng lại không nỡ làm phiền, chỉ bước ra chúc nhau đôi câu vào những dịp đặc biệt, kiểu ghé thăm "nhà" chúc Tết. Ở một chừng mực nào đó, xin được cảm ơn Weibo. Mạng xã hội đã mở ra vô số cánh cửa cho chúng ta, nối liền từng cánh cửa khắp trời Nam biển Bắc, sau mỗi cánh cửa ấy, ta có thể nhìn thấy nửa đời trôi nổi của một con người.
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét