Tại sao Mỹ không hạn chế súng đạn?


Tại sao nước Mỹ lại cho phép công dân sở hữu súng? Tại sao Mỹ không hạn chế súng đạn?

Tôi sẽ trả lời câu hỏi theo nghĩa đen của nó.
Bạn có nhìn thấy người trong ảnh không?
Tên ông ta là John Locke.
Sinh năm 1632, mất năm 1704. Một nhà vật lý và lý thuyết chính trị người Anh. Một trong những nhà tư tưởng nổi bật nhất của thời kỳ khai sáng. Được công nhận là đã “sáng lập ra chủ nghĩa tự do”.
Những nhà lập quốc Hoa Kỳ, những người như Alexander Hamilton, Thomas Jefferson và James Madison, đã lấy rất nhiều những ý tưởng từ những tác phẩm của Locke để xây dựng nên nền tảng đạo đức và triết lý cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và viết ra Tuyên ngôn độc lập, các tài liệu liên bang và hiến pháp cùng nhiều tài liệu khác. Quốc hội Mỹ khoá đầu tiên cũng làm điều tương tự khi họ phê chuẩn Tuyên ngôn nhân quyền.
Locke đã viết rất nhiều về các chủ đề là quyền cơ bản, cân bằng quyền lực, và sự khởi nguồn cùng với mục đích của nhà nước. Tư tưởng tự do của ông đã được các nhà lập quốc Hoa Kỳ sử dụng để tạo nên một quốc gia mới – một nền dân chủ tự do nhất, đúng nghĩa nhất, và công bằng nhất mà thế giới từng được chứng kiến.
Vậy làm sao mà Locke lại có được như tư tưởng mang tính cách mạng này?
Tất nhiên là ông dựa vào những tác phẩm của các nhà triết học ở thế hệ trước. Hobbes, Machiavelli và những con người tương tự.
Nhưng thêm vào đó, một vài chuyện thú vị đã diễn ra trong thời đại của Locke.
Một trong số đó là nội chiến nước Anh (1642 – 1651).
Đây là cuộc chiến giữa vua Anh (Charles I) và các nhà quý tộc ủng hộ ông (Cavaliers) đối đầu với quốc hội Anh và phe ủng hộ (Roundheads). Bạn có thể đã biết Charlie không hẳn là một ông vua tốt và quốc hội trở nên rất không hài lòng với việc lạm dụng quyền lực hoàng gia của ông ta.
Vào thời đó, quốc hội chưa có được quyền lực như hiện tại. Về cơ bản nó chỉ một nhóm người được triệu tập hoàn toàn theo ý muốn của nhà vua. Nhưng họ có quyền được thu thuế, một điều đã giúp ích cho việc chống lại một ông vua có lối tiêu xài hoang tàn như Charles I.
Charlie dần dần trở nên phóng túng và tuỳ ý quá mức chịu đựng của quốc hội. Ông đã cưới một công nương người Pháp (và theo đạo Cơ đốc) tên là Henrietta Maria vào năm 1625. Sau đó Charlie còn cử một đội quân viễn chinh sang Pháp để giải vây cho phe Hugenots bị bao vây ở La Rochelle năm 1627. Quốc hội bắt đầu yên tâm hơn – mặc dù cưới một người theo Cơ đốc giáo, nhưng nhà vua vẫn thể hiện sự ủng hộ với nhóm kháng cách Hugenots. Nhưng rồi Charlie lại phá hỏng mọi thứ bằng việc trao quyền chỉ huy cuộc viễn chinh cho một công tước vô danh ở Buckingham. Cuộc viễn chinh trở thành một thảm hoạ. Do đó quốc hội đã mở một cuộc luận tội chống lại Buckingham. Vua Charles phản ứng lại bằng cách giải tán quốc hội – vốn là đặc quyền của nhà vua ở thời điểm đó.
Nhưng lúc đó Charlie còn một sự ràng buộc – Quốc hội là cách duy nhất để ông có thể nâng thuế nhằm cung phụng cho lối sống xa hoa của mình. Vì vậy ông đã thành lập một quốc hội. Nhóm mới này (bao gồm cả Oliver Cromwell) đã đưa ra một bản kiến nghị đòi quyền tự do, một danh sách những quyền lợi mà nhà vua không được đụng tới.
Nghe có quen không, hỡi các đồng bào Mỹ của tôi?
Quốc hội đệ trình bản kiến nghị cho Chuckie phê duyệt. Ông làm theo, nhưng chỉ với mục đích duy nhất là quốc hội sẽ cho ông thêm tiền trợ cấp. Sau đó ông lại giải tán quốc hội.
Charlie lảng tránh việc triệu tập quốc hội trong vòng 11 năm sau đó. Ông chấp nhận nhượng bộ để đảm bảo rằng chuyện đó sẽ không phải xảy ra. Ông chấp nhận giảng hoà với Pháp và Tây Ban Nha để tránh khỏi một cuộc chiến tốn kém. Ông đồng thời cũng giở một số thủ đoạn để có thể tự kiếm thêm tiền. Ông phạt tiền những người không có mặt tại lễ gia phong để nhận tước hiệp sĩ. “Vận chuyển tiền” là một loại thuế ban đầu được dùng để trừng phạt các công dân Anh ở những huyện đảo, và được dùng để trang bị cho các hoạt động chống buôn lậu của hải quân hoàng gia. Charlie áp luôn cả thuế này cho các quận đất liền trên danh nghĩa chống buôn lậu và tư hữu. Loại thuế bất hợp pháp và vô lý đã khiến người dân tức giận, và nhiều người đã từ chối nộp thuế.
Một lần nữa, nghe có quen không, hỡi các đồng bào của tôi?
Lúc đó cũng có một vài sự kiện tôn gíao nhỏ lẽ diễn ra nhưng có lẽ cả bạn và tôi đều không quan tâm về nó.
Vì những lý do ở trên, mà 11 năm không có sự hiện diện của quốc hội này được gọi “sự trị vì độc quyền của Charles I” hoặc một cách thẳng thắn hơn là “11 năm của bạo chúa”.
Nhưng một sự kiện khẩn cấp diễn ra ở Scotland đã buộc Charlie phải triệu tập quốc hội vào năm 1640. Phần lớn quốc hội lúc này quyết định tận dụng việc Charles đang cần tiền để chống lại ông. Họ gây sức ép để buộc ông phải xem xét ý kiến quốc hội và từ bỏ cuộc chiến ở Scotland. Trong cơn tức giận, Charles một lần nữa lại giản tán quốc hội, khi đó mới chỉ vừa thành lập được vài tuần. Nó được đặt tên là “Quốc hội ngắn”.
Charles tấn công Scotland mà không cần sự cho phép của quốc hội. Và phải chịu một thất bại thảm hại. Quân Sclotland phản công lại và xâm lược nước Anh, và kiểm soát được hầu hết vùng phía Bắc. Charles buộc phải trả 850 bảng mỗi ngày để quân Scotland không tiến sâu hơn.
Việc này một lần nữa đẩy Charlie vào khủng hoảng tài chính, nên là ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc triệu tập quốc hội. Quốc hội mới này – về sau được gọi là quốc hội dài – trở nên đối địch với ông còn hơn quốc hội trước đó. Và lần này, họ thật sự có được lợi thế. Họ buộc nhà vua phải đồng ý với mọi yêu cầu. Một loạt các luật mới được thông qua. Chẳng hạn như, quốc hội sẽ được triệu tập ít nhất ba năm một lần mà không cần đến nhà vua. Nhà vua không thể áp thuế mà không có sự cho phép của quốc hội. Quốc hội được phép đánh giá và kiểm soát việc bổ nhiệm các bộ trưởng của nhà vua. Và cái này mới đau này: nhà vua không còn được quyền giải tán quốc hội trừ khi được chính nó cho phép, ngay cả sau thời hạn 3 năm.
Vẫn nghe quen chứ, các đồng Mỹ của tôi?
(Tôi sẽ gợi ý: cụm từ “kiểm tra và cân bằng” (check and balance) nên xuất hiện trong đầu bạn vào lúc này).
Sự căng thẳng giữa Charles I và quốc hội lúc này đã lên đến đỉnh điểm. Charles phủ nhận mọi điều luật mà ông đã bị buộc phải thông qua, và quốc hội nghi ngờ rằng nhà vua đang muốn giải tán họ và cai trị bằng quân đội. (Ngoài ra, họ cũng nghi ngờ rằng Charles đang muốn đưa cơ đốc giáo về lại Anh – có lẽ là theo kiểu giáo hội Anh kiểu mới, nhưng cũng gần tương tự).
Và thế là nội chiến Anh nổ ra.
Kết quả của nó khá là thú vị. Phe Quốc hội thắng. Vua Charles bị xét xử và hành hình, thái tử Charles II bị lưu đày. Nước Anh từ một nước quân chủ trở thành khối thịnh vượng chung Anh quốc, và sau này là chế độ bảo hộ (được cai trị bởi Cromwell với tư cách là “Lãnh chúa bảo hộ” – thực chất là một nhà quân sự độc tài). Và cuối cùng, chế độ quân chủ lại được tái thiết lập vào năm 1660 với sự trở về của Charles II. Nhưng nó được khôi phục chỉ sau khi được sự cho phép của quốc hội. Theo hiến pháp, nước Anh bây giờ đã bước sang một thời kỳ mới. Nhà vua chỉ được cai trị nếu như được quốc hội cho phép. Nước Anh từ đó dần dần trở thành một nền quân chủ dựa theo hiến pháp như ngày nay.
Nội chiến Anh, những nguyên nhân và hệ quả của nó đều được John Locke quan tâm sâu sắc, con người có cái nhìn khắc khổ và đáng sợ như trong ảnh của câu trả lời hết sức dài dòng này trên Quora.
Một trong những tác phẩm gây ảnh hưởng nhất của Locke có lẽ là First and Second Treaties of Civil Goverment. Nó được viết ra vào năm 1689, để biện minh cho cuộc Cách mạng vĩ đại diễn ra cùng năm đó, trong đó Mary II và người chồng Hà Lan của bà William xứ Orange đã truất ngôi cha của Mary là vua James II và VII của nước Anh, Scotland và Ireland (đó là cùng một người – tôi biết, nghe rất là khó hiểu). William và Mary sau đó đã nhận lời mời chia sẻ quyền lực tại nước Anh của quốc hội và đồng thời phê chuẩn tuyên ngôn nhân quyền của Anh, chính thức thừa nhận rằng quyền lực của quốc hội đứng trên nhà vua.
(Nếu bạn muốn biết tại sao nữ hoàng Elizabeth II không phải là người thực sự nắm quyền ở nước Anh, và tại sao mà quốc hội và thủ tướng lại có quyền đưa ra những quyết định quan trọng, thì nội chiến Anh và cuộc cách mạng vĩ đại là câu trả lời.)
Trong nội dung bản tuyên ngôn nhân quyền của Anh chứa một vài chi tiết mà có lẽ rất quen thuộc với người Mỹ - nghiêm cấm các sự trừng phạt tàn bạo và vô lý, không được áp thuế khi chưa có sự cho phép của quốc hội (hay nói cách khác là hạ viện), và những người theo đạo cơ đốc được quyền sở hữu và trang bị vũ khí để tự vệ.
Đọc đến đây chắc là bạn đã hiểu tôi đang muốn nói gì rồi chứ?
Để hợp thức hoá cho cuộc Cách mạng vĩ đại, John Locke đã lý luận rằng đàn ông và đàn bà, trong thời kỳ sơ khai, có được sự tự do để theo đuổi những gì họ muốn, nhưng điều này đã gây ra những cuộc chiến khiến nhiều người thiệt mạng. Để ngăn ngừa sự hỗn loạn này và bảo vệ những quyền bất khả xâm phậm của người dân, một chính phủ được lập ra với mục đích duy trì hoà bình. Điều này được đảm bảo bởi luật pháp. Nguyên tắc này được Locke gọi là một sự “tổng hoà trong xã hội” – chính phủ được thành lập dựa trên sự đồng thuận đến từ những cá nhân với mục đích bảo vệ và duy trì quyền tự do cá nhân của chính họ.
Nguyên tắc đầu tiên của sự tổng hoà xã hội này là: do chính quyền được thành lập bởi nhân dân, nên quyền lực của chính quyền có được là đến từ sự cho phép của nhân dân. Do mục đích của chính quyền là để bảo vệ quyền lợi của mỗi người dân, thì họ sẽ không được có bất kỳ quyền lực vượt quá mục đích bảo vệ những quyền lợi này. Một chính quyền công bằng là một chính quyền bị hạn chế quyền lực.
Locke cho rằng định nghĩa về sự tự do đó là quyền không bị xâm phạm hay kiểm soát bởi người khác, và để đạt được điều này thì cần phải có luật pháp. Ông không thích sự vô tổ chức. Nhưng ông còn không thích cả sự chuyên quyền. Một chính quyền công bằng, dưới góc nhìn của Locke, là một tổ chức nằm dưới sự kiểm tra và cân bằng – nơi mà những cơ quan lập pháp trong chính phủ có quyền kiểm tra các đơn vị thi hành, và người dân được vũ trang để sẵn sàng tự vệ chống lại sự chuyên quyền đến từ những cơ quan lập pháp hoặc hành pháp. Hoặc cả hai.
Tôi đang đọc cuốn The Philosopher’s Handbook (được biên soạn bởi Stanley Rosen). Trong lời mở đầu của phần 1 (Social and Political Philosophy), Paul Rahe đã nói về Locke mà tôi thấy rất hay. (củng cố thêm quan điểm của tôi.)
Locke đã được chuẩn bị một cách tuyệt đối để nhận biết được sự đáng sợ của chuyên quyền, ông không tin vào việc họ đã có đủ sự chuyên quyền đến mức có thể thuyết phục con người từ bỏ quyền tự tổ chức tự vệ. Một chính quyền tốt là sự kết hợp giữa một nhà cai trị được trang bị những quyền lực để hành pháp, bảo vệ quốc gia, và phản ứng lại các tình huống khẩn cấp; nó bao gồm quyền đại diện để thu thuế, lập pháp, và kiểm tra các hoạt động của những bộ trưởng cấp dưới. Nhưng nó sẽ không còn hiệu lực khi những công dân được khai sáng quyết định sử dụng vũ khí để bảo vệ quyền được sống, được tự do và được sở hữu tài sản, chống lại sự lạm quyền của nhà cai trị.
HỠI CÁC ĐỒNG BÀO CỦA TÔI, CÁC BẠN ĐÃ THẤY QUEN CHƯA?
Như tôi đã nói, các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã sử dụng lại rất nhiều các tư tưởng của Locke. Họ sử dụng các nguyên tác về sự tổng hoà xã hội của ông, sự đồng thuận của chính phủ, và quyền được sở hữu và sử dụng vũ khí để tạo ra một quốc gia gần như hoàn hảo – để duy trì (và bảo tồn triết lý) của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ lúc ban đầu. Bản tuyên ngôn độc lập đã nêu rõ “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, được Tạo hoá ban cho những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Nó cũng nói rằng “Chính quyền được nhân dân lập ra, có được quyền lực là do sự đồng thuận đến từ nhân dân…”
Và tu chính án số 2, là một phần của tuyên ngôn nhân quyền (bao gồm 10 tu chính án đầu tiên trong hiến pháp), nói rằng “Một người dân được vũ trang có kiểm soát, là cần thiết để đảm bảo cho sự tồn tại của một thể chế tự do, do vậy quyền sở hữu và sử dụng vũ khí, là đúng với luật pháp.”
Nhiệm kỳ đầu tiên của quốc hội Mỹ đâu có tự nghĩ ra được những điều này. Họ chỉ đơn giản là dẫn lại lời của Locke mà thôi.
Và để kết luận, thưa quý vị - lý do tại sao mà nước Mỹ “cho phép người dân sở hữu súng”. Bởi vì quyền sở hữu và sử dụng vũ khí được công nhận là cần thiết để duy trì một thể chế tự do được Locke đưa ra, và những nhà lập pháp thời kỳ đầu của nước Mỹ, do bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm và tư tưởng Locke, đã cho rằng việc sở hữu và sử dụng vũ khí là quyền bất khả xâm phạm và đã đưa nó vào bản tuyên ngôn độc lập.
Trả lời: Andrew T. Post, sinh ra là người Mỹ, lựa chọn là người Mỹ.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét