Để viết một cuốn sách


Có nghiên cứu của các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, những nhiệm vụ không hoàn thành tồn tại trong vùng nhớ thường trực của não bộ lâu hơn những nhiệm vụ đã hoàn thành. Tôi không biết mọi người thấy thế nào, chứ ứng vào bản thân tôi thì thấy đúng. Tôi là người hay suy nghĩ, có những lúc tôi chợt nhận ra rằng, những gì mình đang nghĩ hôm nay hóa ra hôm qua đã nghĩ rồi. Làm thế nào để thoát khỏi chúng đây?
Giải tỏa bằng con đường nói thực ra không hiệu quả trong trường hợp này. Bởi xét cho cùng, nói là giao tiếp giữa người và người. Bạn không thể chỉ lảm nhảm những gì bạn muốn mà còn phải quan tâm xem người ta có muốn nghe mình trình bày hay không. Viết là cách đúng đắn nhất. Viết xong hết những suy nghĩ của mình sẽ đem lại cho các bạn cảm giác khoan khoái sung sướng. Tâm trí bạn sẽ được giải phóng. Bạn lãng quên những gì mình đã nghĩ, để đầu óc tràn ngập những tư duy mới mẻ.
Thế nên nếu có ai bảo những kẻ viết lung tung vớ vẩn như tôi là đang “tự sướng”. Tôi cũng đồng ý thôi, khó mà cãi được.
Nhưng nếu bạn muốn viết ra một tác phẩm thực sự chất lượng thì sao?
Đầu tiên, bạn cần cố gắng đầu tư về mặt ngôn từ. Bạn phải đọc thật nhiều, không chỉ đọc những tác phẩm trong ngôn ngữ mình định viết (nhất là khi ngôn ngữ đó không có nhiều thứ chất lượng để nghiền ngẫm), mà phải đọc cả những thứ từ ngôn ngữ khác để làm tăng hiểu biết về cách thức biểu đạt và sử dụng câu chữ. Bạn ghi chép lại chúng và bắt đầu luyện tập. Viết rồi xóa, viết rồi xóa đến hàng ngàn lần. Mỗi lần nghĩ đến việc trình bày gì đó là đầu óc bạn lại nhảy số, mường tượng ra hàng tá những kỹ thuật khác nhau cùng để diễn tả duy nhất một nội dung. Bạn hình thành ra phong cách viết của bản thân mình, nhưng vẫn sẵn sàng mô phỏng lại lối viết của các tác giả khác trong những đoạn nhất định để làm tác phẩm của bạn màu sắc và đa dạng hơn.
Tiếp, bạn cần chỉn chu về mặt cốt truyện. Đầu tiên là lập dàn ý sơ bộ và tạo cây nhân vật. Dưới mỗi nhân vật, bạn ghi chú lại họ có ngoại hình thế nào, xuất thân ra sao, tính cách nền tảng là gì. Đoạn đau đầu nhất là hình thành sơ đồ quan hệ giữa các nhân vật. Anh A sẽ gặp chị B ở giai đoạn nào của tác phẩm? Chị C sẽ bị ai giết? Ban đầu nó có vẻ đơn giản và dễ nhìn, đến giai đoạn bùng nổ của tác phẩm, mọi thứ sẽ rối tung hết. Bạn vẽ ra rồi lại xóa. Hôm nay có vẻ hài lòng, hôm sau nhìn, lại thấy mọi thứ chả ra gì. Việc có những tác giả dành cả năm trời không viết xong nổi một chương truyện là điều có thật, không phải huyền thoại mà thiên hạ bịa ra để dọa.
Rồi bạn cũng cần làm cho tác phẩm của mình trở nên thú vị hơn. Bạn phải nghĩ ra những biểu tượng mang tính triết học và tôn giáo. Cũng không nên viết truyện theo lối tuyến tính về mặt thời gian, mà nên có những cú tham chiếu nhảy cóc, ví như một chi tiết hay một lời nói có vẻ vô nghĩa ở giai đoạn đầu, bỗng trở nên đặc biệt đáng lưu ý ở giai đoạn nào đó của tác phẩm. Muốn hại não người đọc hơn nữa, bạn có thể bẻ cốt truyện của mình thành những mảnh vụn rồi vứt vương vãi chỗ này chỗ kia, để cho họ phải đọc đến lần thứ n may ra mới hiểu chuyện gì xảy ra. Cuối cùng là quá trình gọt bỏ. Bạn muốn mọi nhân vật của mình đều có giá trị, chứ không phải là những nhân vật phịa ra một cách dễ dãi, vì cốt truyện bí quá cần một anh/chị nào đó xuất hiện từ hư không. Và bạn muốn tác phẩm của mình “nhiều chữ” thực sự, chứ không phải “nhiều chữ” theo kiểu ba hoa trường giang đại hải.
Không miệt mài như thế, tạo thế nào nổi một tác phẩm như A Song of Ice and Fire?
Thỉnh thoảng đọc báo bạn sẽ thấy, anh này chị nọ đập bàn phát biểu những câu như “làm toán”, “viết văn”, blah blah gì đó là “tự sướng tinh thần”. Nhìn chung, các bạn ạ, đừng đánh đồng sự hoang tưởng của bản thân với quá trình lao động nghiêm túc của người khác.
- nat0110 -

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét