Sếp là như thế nào ?



Khi tui chuẩn bị xin nghỉ tại 1 cty cũ, country manager, sau này là regional manager gặp riêng tui bày tỏ mong muốn tui ở lại và đồng thời cũng dò hỏi tui lý do sao nghỉ. Đó là một phụ nữ 8X người châu Á cực kỳ giỏi và sắc sảo. Tất nhiên không ai xin nghỉ việc mà lại không có lý do nào, nên tui cũng phải trình bày với bà síp về những điều không hài lòng, về một số xung đột đồng nghiệp làm tui thấy công việc chưa như ý (mà nói vậy thôi chứ đơn giản có cơ hội công việc khác tốt hơn, chứ đây chưa phải lò bát quái nóng nhất tui từng kinh qua). Và bà đã đưa ra một lời khuyên, mặc dù sau đó tui… vẫn không tiếp tục làm việc ở đó nữa, nhưng tui vẫn ghi nhớ lời khuyên của bả để áp dụng cho mình những lúc khó khăn. Tui hiểu là bằng cách đó mà bả có thể lên được vị trí rất cao ở độ tuổi rất trẻ.
Trong công việc của mỗi chúng ta, xung đột là điều không thể tránh khỏi. Có những xung đột chỉ thuần mang tính chất công việc, cự cãi nhau xong việc thì lại vui vẻ với nhau như cũ, nhưng cũng có những xung đột mang tính thành kiến, mang tính dìm hàng đấu đá, mà rất tiếc, một tỷ lệ rất cao người Việt Nam lại như vậy. Họ không bằng lòng khi thấy đồng nghiệp có bất cứ gì đó vượt trội (hay họ nghĩ là vượt trội) hơn mình, họ khó chịu khi nghe một lời khen dành cho đồng nghiệp thay vì cùng chúc mừng cho sự thành công của người kia, khi đồng nghiệp làm được gì đó họ vạch lá tìm sâu để thể hiện sự hơn người của mình.
Đáng tiếc là môi trường làm việc càng cạnh tranh, chuyên nghiệp, tập thể càng nhiều người giỏi thì càng thường xảy ra tình cảnh như vậy. Ngược lại, một môi trường làm việc chan hoà, người người luôn nhìn nhau trìu mến nhiều khi lại không phải là một môi trường tập hợp nhiều cá nhân xuất sắc, họ chỉ muốn làm tốt công việc của mình, hạn chế can thiệp vào những phần không phải phận sự của mình, ngại làm mất lòng đồng nghiệp.
Bà síp tui nói, ở vị trí của tui, sẽ có một số người rất strong và mình cần có bản lãnh để đối mặt với tất cả thách thức đó. Lên vị trí lãnh đạo của bả, tỷ lệ người strong lại nhiều hơn và bả sẽ phải xoay sở nhiều hơn để bảo vệ ý kiến của mình, chống lại sự đả kích của nhiều người cực kỳ bản lĩnh. Lên vị trí cao hơn nữa, thì việc đó sẽ càng cam go hơn nữa, nói chung ý là không phải làm síp lớn là ngon hơn síp nhỏ đâu. Từ những gì bả kể, tui phải công nhận một điều là khi đi làm, khi môi trường làm việc không được như ý, chúng ta nên nhìn lại bản thân mình nhiều hơn là đổ lỗi tại hoàn cảnh. Nếu chúng ta không chống chọi lại được những xung đột nơi công sở, thì đó là chúng ta chưa đủ mạnh mẽ, khéo léo, chứ không phải do chúng ta xui xẻo toàn rơi vào môi trường sói nhiều hơn cừu. Vì không có cạnh tranh thì không có phát triển, không có những cá nhân sắc sảo, chúng ta sẽ không dễ dàng nhận ra những điểm yếu của mình, không có người phản biện mọi việc chúng ta làm sẽ không bao giờ hoàn thiện những thiếu sót mà bản thân mình không tự nhìn thấy.
Nhưng nói như vậy theo tui cũng không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng cứ phải cảm tử lao mình ra giữa cuộc chiến. Tuỳ chúng ta chọn cho mình mục đích công việc và cách sống như thế nào nữa. Nếu mà sự lì lợm, khả năng counter lại những chỉ trích không phát huy hiệu quả, chúng ta nên xem xét tiếp tục đối đầu, hay nhẫn nại kiểu ngu si hưởng thái bình, hay lặng lẽ rời khỏi tổ chức. Tất nhiên không ai muốn ra đi như một kẻ bại trận, nhưng rốt cuộc mục đích của chúng ta là gì. Chúng ta cần phải đua tranh để leo lên một vị trí nào đó trong cty, chúng ta bất chấp đám đông muốn lao vào xâu xé để đạt được kết quả công việc, hay bản lĩnh hơn, hạ đo ván đối phương bằng sự cao cơ hơn của mình. Nếu đó là mục đích sống còn của bản thân đối với công việc, không có cách nào khác, cần phải trở thành một chiến binh quả cảm. Còn nếu chúng ta chỉ muốn yên ổn tập trung vào chuyên môn thay vì những đấu đá mang tính “chính trị’’ thì có thể chọn né tránh.
Nói chung điều đó tuỳ thuộc vào bản chất của con người mình, trước giờ chúng ta là người hiền thiện hay là tuýp người có thể lấn át người khác, là người vụng về hay khéo léo trong kỹ năng quan hệ với con người, chúng ta muốn có work-life balance hay sau giờ làm về lại mệt mỏi suy nghĩ về cách đối phó với những cạm bẫy ở chỗ làm. Lại nữa, người cấp trên của chúng ta có mạnh mẽ để hỗ trợ được chúng ta trong tâm bão, có con mắt trung dung để nhìn thấy cái gì đúng cái gì sai, có vạch ra cho chúng ta hướng đi khôn ngoan mà một mình ta loay hoay chưa tìm thấy, hay lại vào hùa với người khác chỉ vì không muốn phật lòng người đồng cấp hay cấp trên của họ, nói tóm lại là người sếp đó có xứng để chúng ta tiếp tục quên thân phục vụ hay không.
Từ đó chúng ta mới quyết định được mình nên đi tiếp hay mình nên rẽ sang hướng khác, vì nói cho công bằng thì nếu có năng lực vẫn có rất nhiều cơ hội công việc đang chờ đợi, không nhất thiết là cứ phải bám riết lấy một chỗ kiểu gà què ăn quẩn cối xay khi bản lĩnh tranh đấu của mình chưa đến độ.
Cho nên suy cho cùng, cầm kiếm hay gác kiếm, bình định giang sơn hay kiếm chỗ tránh bão, không thể nói được quyết định nào khôn ngoan hơn quyết định nào, mọi thứ là tuỳ thuộc bản thân mình nhìn nhận tình hình, chứ không thể trông chờ ai cho chúng ta được lời khuyên thích đáng nhất.

thao nguyen - banh bèo w

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét