Tôn giáo và khoa học


Mỗi lần tôi đọc hay nghe ở đâu mấy lời khuyên kiểu: hãy làm việc tốt đi kể kiếp sau sung sướng là tôi lại thấy gai người. Nếu mục đích cuối cùng cũng là chuyện hưởng thụ cá nhân thì khác gì các bạn Hồi giáo cực đoan? Các bạn ý cũng đi đánh bom chết hàng chục người là để, vâng, lên thiên đường có mấy chục cô trinh nữ hầu hạ.
Tôi chả nhớ ai đó đã nói câu hỏi “Có người ngoài hành tình không” là một câu hỏi đáng sợ. Bởi không có, chúng ta là những sinh vật cô đơn lạc loài trong cả vũ trụ rộng lớn. Bởi có, ai biết những sinh vật đó sẽ đem lại điều gì cho chúng ta. Hòa bình hay là sự hủy diệt?
Thần thánh có lẽ cũng vậy. Rằng nếu họ không có thật – chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng – sẽ chẳng có sinh vật nào thượng đẳng hơn chúng ta hết. Tự chúng ta sẽ phải vùng vẫy đi tìm ý nghỉa cuộc sống của mình. Rằng nếu họ có thật, sẽ ra sao nếu một ngày họ xuất hiện và bảo: “Ai giết nhiều người nhất sẽ được lên thiên đường”, liệu chúng ta có cầm súng mà dí vào mặt nhau?
Đối với cá nhân tôi, tôn giáo và khoa học không có gì mâu thuẫn với nhau cả. Mục đích của tôn giáo là xây dựng những giá trị tinh thần, còn khoa học là nâng cao hiểu biết của con người về tự nhiên. Ví dụ đối tượng là con người đi, tôn giáo sẽ quan niệm con người gồm có thể xác và linh hồn, với những tình cảm như yêu thương, thù hận, ghét bỏ, .v.v.. Còn với khoa học, con người chỉ là một hợp chất hữu cơ, mọi hành động hay suy nghĩ đều có thể quy về những chuỗi phản ứng, và vào một ngày nào đó chúng ta có thể tự tay tạo ra một anh B mới giống y hệt như anh A cũ.
Nhưng tại sao, có những khi giới khoa học và tôn giáo lại nổ ra những tranh luận gay gắt với nhau đến thế? Bởi với nhiều người, tôn giáo chỉ đem đến giá trị tâm linh là không đủ, họ – với mục đích này hay mục đích khác – cố gắng diễn dịch và áp đặt những thứ thuần túy về mặt tinh thần của các bậc tôn sư sang thế giới vật chất. Điều này dẫn đến nhiều học thuyết tôn giáo phải bám vào những hiểu biết lệch lạc của con người về tự nhiên để tồn tại. Và những ai tin theo những thứ đó, tất cả đều sợ hãi trước tiến bộ của khoa học.
Họ sợ hãi đến mức đốt sống một nhà khoa học vì ông ấy bảo Trái Đất không phải là trung tâm của vũ trụ. Họ sợ hãi đến mức phải ra luật cấm nghiên cứu nhân bản vô tính con người. Nghĩ mà xem, nếu chúng ta có thể tạo ra chính chúng ta – có lẽ nào kẻ tạo ra chúng ta cũng là chính chúng ta? Họ cũng sợ hãi cả trí thông minh nhân tạo. Nghĩ mà xem, nếu chúng ta thành công tạo ra một máy móc có khả năng giao tiếp, trao đổi và tư duy như con người, câu đâu tiên nó nói sẽ là gì?
Có thể nó sẽ hỏi:
– Linh hồn của tôi đâu?
- nat0110-

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét