Nghệ thuật


Chơi chán game rồi thì tôi chuyển qua đọc truyện tranh.
Đầu tiên tôi lên các trang nổi tiếng để tìm xem có truyện tranh mới nào đang nổi đáng để theo dõi hay không. Sau vài ngày thì tôi có cảm giác khá chán nản bởi chưa tìm thấy bộ nào nào hợp gu với mình. Trong các tác giả truyện tranh, tôi nhớ mình có ấn tượng sâu sắc với Urasawa Naoki nên quyết định đọc lại các tác phẩm của ông cho sướng.
Monster vẫn hay và xúc động như ngày nào, nhưng tôi thích 20th Century Boys hơn. Hồi trước, trong lần đầu đọc 20th Century Boys, tôi rất mê không khí của câu truyện – những đứa trẻ thiếu niên Nhật Bản vào những năm 70, lớn lên cũng thời đại thần kỳ của đất nước, với các giá trị văn hóa mà phương Tây đem đến. Là dòng nhạc rock-n-roll với những tay guitar nổi tiếng, là ước mơ trẻ con chinh phục vũ trụ hay trở thành siêu anh hùng giải cứu trái đất khỏi tay kẻ xấu. Bây giờ, tôi lại kinh ngạc trước khả năng sắp xếp câu chuyện của tác giả. Phải đọc đến lần thứ hai tôi mới phát hiện ra, có những chi tiết ở tập 2-3 thôi nhưng lại gợi ý liên kết đến tình huống mãi sau này ở tập 16-17 mới hé lộ. Mà không phải chỉ một vài phân cảnh, có vô vàn những điểm móc nối với nhau xuất hiện dầy đặc trong suốt cả bộ truyện. Nó làm tôi choáng ngợp, cảm giác như mọi hình ảnh và nhân vật do Urasawa Naoki tạo ra đều không có chút gì thừa thãi. Tất cả như đang phảng phất ẩn chứa ý đồ gì đó của tác giả.
Sau khi đọc xong tác phẩm này, tôi xem các truyện tranh khác với thái độ soi mói khó chịu hơn hẳn. Tôi nhận ra có những bộ truyện tranh trước kia tôi thấy rất hay hóa ra được thực hiện khá là cẩu thả xét trên một vài góc độ nào đó. Ví dụ như về hình ảnh, nếu bạn muốn mô tả căn phòng riêng của nhân vật chính thì bạn làm thế nào? Một tác giả cẩn thận có thể coi đây là một điểm quan trọng góp phần bộc lộ tính cách nhân vật. Họ sẽ cân nhắc xem cần vẽ ra những dụng cụ nào và bố trí nó ra sao. Rõ ràng không thể nhét hết vào một khung tranh được, họ sẽ chia nhỏ thành nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt với vài tác giả thích sự nguy hiểm và hại não như Urasawa Naoki, những góc độ đó sẽ được phân chia rải rác và xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm như một sự gợi ý. Góc độ đắt giá nhất có thể xuất hiện ngay lần đầu tiên, mà cũng có thể ở lần thứ tư thứ năm nào đấy mới ló mặt ra.
Một tác giả hời hợt thì sẽ xử lý thế nào? Họ sẽ vẽ đại khái, kiểu nhân vật bừa bộn thì cho vài đồ đạc ngổn ngang, nhân vật gọn gàng thì cho mọi thứ ngăn nắp sạch sẽ. Mỗi lần căn phòng đó xuất hiện trong câu chuyện thì những khung tranh hao hao giống nhau sẽ được chèn vào cho có. Xét cho cùng, nếu hình ảnh đó không quan trọng trong tác phẩm, thì cũng có mấy ai quan tâm đâu.
Về cốt truyện, tôi tự hỏi nếu mình muốn xây dựng một nội dung đáng nể như bộ 20th Century Boys thì mình sẽ làm thế nào? Rõ ràng không thể nào tùy hứng vẽ đến đâu rồi nghĩ đến đó được. Chắn chắn là phải tạo một cái biểu đồ từ trước. Bên trái liệt kê chi tiết các nhân vật ra, tên là gì, bao nhiêu tuổi, tính cách thế nào,… Bên phải thì vẽ ra các sự kiện chính cùng với mốc thời gian. Tiếp từ mỗi sự kiện chính, một đồ thị dạng cây được tách ra kết nối với các tình huống con phát sinh từ sự kiện chính đó. Nhân vật nào cần xuất hiện trong tình huống nào thì nối chúng với nhau bằng một đường thẳng. Rồi nghĩ xem, mình sẽ sắp xếp mọi thứ ra sao để câu chuyện có một nhịp điệu thật hấp dẫn và riêng biệt. Tất nhiên đó mới chỉ là phác thảo. Trong quá trình thực hiện, có thay đổi gì thì phải thêm vào đồ thị đã vẽ, trao đổi kỹ lưỡng với vài đồng nghiệp và trợ lý thân thiết, xóa xóa tẩy tẩy từ vài trăm đến vài ngàn lần sao cho cuối cùng thu được bộ khung mà mình ưng ý nhất – có thể lột tả đầy đủ những thứ mình muốn cho độc giả thấy nhưng phải với số lượng nhân vật ít nhất có thể.
Còn nhiều bộ truyện khác, thậm chí cả những tác phẩm cực kì ăn khách và bán chạy, nội dung được xây dựng một cách thẳng đuột, gặp tình huống nào khó xử thì tác giả cứ việc đẻ thêm một vài nhân vật. Hết tính huồng, những nhân vật đó đa phần sẽ chết, và đến tình huống mới, tác giả lại tiếp tục đẻ. Một số độc giả sẽ trở nên bực mình và chỉ muốn bộ truyện kết thúc từ mười tập trước.
Thực tình, thấy được những điều này cũng không khiến tôi bớt yêu thích những tác phẩm nổi tiếng nhưng có phần cẩu thả. Bởi đánh giá toàn diện, chúng cũng mang rất nhiều ưu điểm: nét vẽ đẹp, cốt truyện ly kỳ hấp dẫn, hoặc thể hiện được những tư tưởng độc đáo lớn lao. Chỉ là xét về mặt đẳng cấp nghệ thuật, bảo tôi phải xếp các bộ truyện như vậy ngang hàng với 20th Century Boys thì tôi không thể nào đồng ý cho được (Đang nói về những khía cạnh mà độc giả bình thường như tôi có thể tự kiểm chứng, chứ tôi đoán, sẽ còn những yếu tố chỉ có ai là tác giả vẽ truyện tranh lâu năm mới có thể thấy).
Cùng với việc thưởng thức những game như Pillars of Eternity, tôi cũng nhận ra một điều khá buồn. Đó là trong lúc Việt Nam đang có nhiều người giữ thái độ kì thị với game và truyện tranh, thì ở nước ngoài người ta đã tạo ra những tác phẩm đạt đến đẳng cấp rất cao rồi. Quan điểm cá nhân của tôi, game và truyện tranh tượng trưng cho những loại hình nghệ thuật mới, nơi mà Việt Nam sẽ tiếp tục lạc hậu trong một thời gian dài (và chẳng biết bao giờ mới hết).
Tôi cũng trở nên đồng cảm hơn (chứ không phải đồng ý) với những người suốt ngày chê bai chửi bới nhạc thị trường, hội họa thị trường, điện ảnh thị trường, … Bởi tạo ra một tác phẩm nghệ thuật chân chính mất rất nhiều công sức và đầu tư (có nhiều tác phẩm xuất sắc được tạo ra trong một thời gian ngắn, nhưng để có một cái “ngắn” đó, là một sự tích lũy trong thời gian rất dài), trong khi số người hiểu được nó lại nhỏ bé, thậm chí có trường hợp còn không có ai.
Bá Nha – các bạn biết đấy – rất cần có Tử Kỳ.
-nat0110 -

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét