Xin việc



Như tiêu đề, đó là việc bạn buộc phải làm khi thất nghiệp như tôi.
Điều đầu tiên trong quá trình xin việc là bạn phải cập nhật CV, thêm vào những thành tích ấn tượng gần đây mới đạt được và bỏ bớt đi những thứ mà bạn cảm thấy không còn liên quan lắm đến tương lai phát triển của mình. Nếu bạn có nhiều kinh nghiệm quá rồi thì không nên tham, nên biết cách chọn lọc những cái gì ấn tượng nhất. Một số người còn cẩn thận hơn là soạn ra những CV riêng ứng với từng thông báo đăng tuyển của các công ty khác nhau, làm sao để thể hiện rằng mình rất phù hợp vào ví trí đó. Điều này chắc chắn mất thời gian và công sức nhưng sẽ đem lại kết quả tốt hơn cho ứng viên.
Không biết ở chỗ khác thế nào chứ khi nộp CV cho các công ty Nhật, bạn còn phải trả lời thêm mấy câu hỏi như “Điểm mạnh của bạn là gì?”, “Tại sao bạn muốn chuyển việc?”. Hồi xưa tôi lười, toàn lấy mấy bài mẫu trên mạng về cóp nhặt sửa đổi cho có, khiến cho CV trở nên thiếu ấn tượng. Những câu hỏi này tuy không khó song muốn trả lời hay và độc đáo lại không dễ. Nó đòi hỏi bạn phải có một mức nhận thức nhất định về bản thân mình, thực sự hiểu rằng mình có thế mạnh gì riêng biệt hay mong ước lớn nhất của mình là gì.
Giữa nhận thức và khả năng chuyên môn thì tôi luôn đánh giá cao nhận thức hơn. Vì chuyên môn là thứ có thể học ngay từ người khác hay sách vở, còn nhận thức đòi hỏi sự tích lũy và trải nghiệm mới tạo nên được. Những người kém về mặt chuyên môn thì có thể tự biết mình yếu kém ở đâu mà rèn giũa chứ những người đã non về mặt nhận thức thì thậm chí còn không biết mình đang kém cái gì. Tất nhiên là một người trực tiếp làm sản phẩm, tôi không coi thường kỹ thuật như một số chuyên gia trường lớp thiếu kinh nghiệm thực tiễn (các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, …). Chỉ khi làm thật cái gì đó bạn mới thấy, đôi khi những thứ tưởng vặt vãnh nhỏ lẻ lại rất vất vả và cần nhiều nỗ lực. Quan niệm của tôi là với những bạn làm việc trong các ngành công nghiệp sản xuất, nên phấn đấu theo định luật 80/20, tức là cố gắng đạt 8 điểm kỹ thuật, 8 điểm nhận thức, 8 điểm ngoại ngữ và 8 điểm giao tiếp chả hạn.
Sau khi công ty cảm thấy CV của bạn không tồi, họ sẽ gọi bạn đến phỏng vấn. Ở những chỗ khác thì tôi không biết nhưng với các công ty Nhât, bạn nên tránh những câu trả lời nhát gừng. Ví dụ như họ hỏi là “Ước mơ của em là gì” thì đừng trả lời bộp luôn “Em muốn làm phi công” mà hãy diễn giải kiểu như “Từ bé em đã thích ngắm trời sao, …”. Tất nhiên là không được lan man, nhất là những ai yếu ngoại ngữ, việc bạn nói càng dài sẽ càng làm người nghe khó chịu. Nếu trả lời bằng ngoại ngữ thì nên chuẩn bị trước những câu hỏi mà xác suất cao là cuộc phỏng vấn nào cũng có. Ví dụ trình tiếng Nhật mình kém thì nghĩ xem trả lời thế nào cho hay mà chỉ bằng 1 đến 2 câu thôi. Trình khá hơn chút thì nâng lên 3 đến 4 câu. Việc trả lời chi tiết sẽ giúp cho người tuyển dụng hiểu rõ hơn cách thức suy nghĩ cũng như tính cách của bạn. Từ đó giúp họ có căn cứ rõ ràng hơn để tuyển dụng hay từ chối bạn.
Với các công ty Nhật thì thường có nhiều vòng phỏng vấn. Tôi có đứa bạn còn trải qua tận 5 vòng phỏng vấn rồi mới được vào công ty. Thậm chí nếu bạn ứng tuyển qua một bên trung gian, số vòng còn có thể nhiều hơn. Trong số đó sẽ có những vòng kiểm tra kỹ thuật của bạn. Đôi lúc bạn sẽ rơi vào trường hợp mà người phỏng vấn họ không biết gì về những thứ bạn làm nhưng lại nắm rất rõ về những thứ bạn không biết gì. Thế nên bạn cần tập trước cách dẫn dắt và trình bày vấn đề. Ví dụ như bạn cực giỏi về lĩnh vực bảo mật của phần mềm chả hạn. Thì ngay khi người phỏng vấn chỉ hỏi những thứ rất cơ bản về bảo mật của sản phẩm thôi, bạn cũng phải biết liên kết và phát triển câu trả lời đến những thứ hay ho khác bạn đã làm. Phải diễn tả thế nào để người ta dù không có chuyên môn cũng thấy bạn giỏi trong lĩnh vực đó. Ngoài ra việc trả lời như thế cũng sẽ giúp câu giờ, giảm thời gian để người phỏng vấn có thể hỏi sang những cái bạn không hiểu rõ lắm.
Sau khi phỏng vấn kết thúc, nếu công ty đồng ý nhận bạn thì sẽ đến màn thỏa thuận điều kiện công việc. Số ngày nghỉ phép, chế độ bảo hiểm, … ở các công ty Nhật thường là những chính sách cố định và đâu cũng giống đâu, tuy nhiên bạn cứ cần phải xem kĩ lại cho chắc. Một vấn đề nhạy cảm và đa dạng hơn là lương bổng. Mỗi người thì có những lời khuyên khác nhau về vấn đề này, nhưng quan điểm của tôi là bạn nên đưa ra mức lương ở mức cao nhất mà bạn nghĩ mình có thể (và nên) nhận được. Nếu cao quá thì đương nhiên không hay rồi, mà thấp đến mức công ty đồng ý luôn thì có lẽ sẽ thiệt thòi cho bạn. Đưa ra một con số tốt không hề đơn giản, như đã nói ở trên, nó đòi hỏi bạn có một khả năng nhận thức bản thân nhất định.
Ngoài ra hơn cả chuyện tiền nong, mặc cả lương còn giúp bạn nhận ra phần nào thái độ của công ty với mình. Trong trường hợp nhà tuyển dụng đánh giá bạn là nhân tài không thể bỏ lỡ, hoặc thấp hơn là người họ muốn làm việc cùng, thì họ sẽ rất thoải mái và dễ chịu trong việc đàm phán lương với bạn, vì họ cũng mong muốn tìm hiểu nguyện vọng và nhu cầu của bạn. Tuyệt vời nhất là những công ty thay vì đưa ra những đánh giá định tính kiểu “Trình độ cỡ chú thì làm gì có mức lương này, …”, họ sẽ đưa ra những kết luật định lượng như: “Hiện nay ở công ty người có số X năm kinh nghiệm như bạn đang có mức lương trung bình là Z đồng. Qua vòng phỏng vấn, chúng tôi đánh giá trình độ ngoại ngữ của bạn được A điểm, kĩ thuật được B điểm, giao tiếp được C điểm. So với trình độ trung bình ở công ty tôi, bạn nằm mức trên/dưới Y%. Từ đó chúng tôi đề nghị mức lương của bạn là Z*(1 (+/-) Y%).” Nếu bạn gặp được công ty nào như thế, thì dù bạn từ chối đề nghị của họ đi nữa, bạn cũng phải thừa nhận công ty đó làm ăn rất tử tế và đàng hoàng.
Ngược lại, nếu công ty chủ định tuyển bạn vào cho có, tuyển bọn sinh viên mới ra trường cho dễ bóc lột, hay như một số công ty Nhật có mục đích tuyển nhân lực Việt Nam cho rẻ, thì họ sẽ phản ứng tiêu cực khi bạn đề xuất mức lương mong muốn của mình. Nặng thì có viết email chê bai chửi bới, nhẹ thì thái độ của người phỏng vấn sẽ bực dọc không vui. Thế nên dù bạn không có ước ao một mức lương cụ thể nào đó đi nữa, thì theo quan điểm của tôi, hãy cứ mạnh dạn đàm phán lương đi.
Xét cho cùng tất cả những gì tôi viết ở trên đều là lý thuyết. Nếu làm đúng được thế thì tôi đã không thất nghiệp. Trong thực tế không phải lúc nào mọi chuyện cũng xuôi chèo như khi ta viết ra, bạn sẽ mắc sai lầm, bạn sẽ nhận ra mình là kẻ nói giỏi hơn làm, hoặc bạn buộc phải vào chỗ làm mình không ưng ý – nơi bạn vừa không thích họ mà họ cũng không thích bạn nốt. Những tình huống trớ trêu như thế kể ra cũng không phải ít.
Dù sao tôi cũng mong là tháng sau tôi có được việc làm. Chứ cứ ngồi nhà chơi điện tử suốt thì cũng oải lắm.
- nat0110 -

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét