Lảm nhảm



Tôi – vốn phán ngát với việc được khen là khiếm tốn – quyết định viết ra một bí quyết thực dụng hơn cho mọi người, để ai ai nếu muốn, cũng đều có thể nỗ lực trở thành người khiêm tốn. Bí quyết gôm hai phần, thứ nhất là phải đặt ra tham vọng lớn cho bản thân mình, thứ hai là phải tập sống giả tạo.
Tham vọng lớn sẽ giúp chúng ta không đánh giá cao những thứ bản thân mình đạt được. Nghĩ xem, tôi có gì để tự hào khi vô địch quốc gia trong khi tham vọng của tôi phải là vô địch quốc tế? Ngoài ra tham vọng lớn giúp bản thân ngày càng trở nên giỏi hơn, mà bạn biết rồi đấy, người ta khen người giỏi khiêm tốn, chứ có ai khen đứa dốt khiêm tốn đâu.
Tham vọng lớn thì rõ rồi, vậy tại sao còn cần sống giả tạo nữa? Bởi bạn sẽ gặp vô số những người có ít mơ ước, những người dễ dàng khoe khoang các thành tích kiểu đạt điểm cao nhất lớp hay tốt nghiệp bằng giỏi đại học chả hạn. Lúc này bạn phản ứng thế nào, thẳng thắn bảo họ thôi đừng huênh hoang một cách đần độn nữa, hay là vuốt đuôi, úi giời ơi anh giỏi quá.
Thế nên nếu gặp ai đó giỏi hơn bạn mà người ta cứ mở mồm ra khen bạn thì đấy, bạn cứ khen lại anh ta khiêm tốn cho phải phép.
*****************************************************
Cuối tuần nhàn rỗi, tôi thử ngồi đọc trang blog được rất nhiều người ưa thích là Tony Buổi Sáng. Hàng trăm (có khi hàng ngàn cũng nên) bài viết của dượng Tony có nội dung dạy làm giàu giống nhau, đó là phải thật chăm chỉ, thật hào sảng, thật tốt bụng, ngày phải đi làm ít nhất 10 tiếng, phải đến sớm nhất công ty, tối về phải học tiếng Anh, tập thể thao, cuối tuần đi làm tình nguyện,.v…v.. Thành thực ra mà nói thì nhân vật chính trong phim truyện cũng chỉ đến thế thôi, đẹp trai, hai tay hai súng, thông minh kiệt xuất, làm gì cũng hơn người, đi đến đâu gái đổ đến đó,…v…v.. bao nhiêu truyện là bây nhiêu nhân vật giống nhau, song người đọc vẫn mê quá trời.
Cuộc sống thực tế đôi khi lại trái khoáy, có những tấm gương thành công kiểu anh Hà Đông với cái game mà trước khi nó nổi tiếng, đưa cho các chuyên gia chơi chắc các chuyên gia chửi như hát hay(còn sau khi nổi tiếng thì các chuyên gia khen như hát hay). Người đơn giản coi việc đó như một hiện tượng kì thú, người phức tạp thì cố gắng ghép các sự kiện thực tế với nhân sinh quan của mình. Rút cục là càng ghép càng trật.
Khi thực tế không vừa vặn, có người sinh ra cay cú, chửi bới anh Đông là thằng ăn may. Người khác thì cố gắng vẽ ra một anh Đông phẩy nào đó phù hợp với mong ước của mình, rằng trò chơi FlappyBird không đơn giản đâu, mang ý nghĩa triết học cả đấy.
*****************************************************
Hôm nọ tôi có đọc một bài viết khá hay về Tam Quốc. Nội dung của nó là phân tích những điểm người ta vẫn hay hiểu nhầm như chính quyền Thục Hán thực ra thi hành đường lối theo Pháp Gia chứ không theo Nho Gia chả hạn. Tuy nhiên có một điểm gợn nho nhỏ là tác giả có dẫn một câu chỉ trích Quản Trọng trong Luận ngữ của Khổng Tử, dù cũng trong sách đó, có những đoạn Khổng Tử ca ngợi Quản Trọng quá trời luôn.
Tất nhiên tác giả làm thế không sai, chả ai trích dẫn cả thứ không liên quan đến bài viết của mình. Nhưng những bài viết như thế (đang tràn lan khắp các trang mạng) mang lại sự nguy hiểm cho độc giả. Nó có thể khiến vô số thanh niên trẻ trung thích Tam Quốc và không thèm đọc Luận Ngữ tự suy luận ra Khổng Tử là lão già gàn dở, đến Quản Trọng công lao to lớn thế mà còn chê bôi.
Mà thực ra cũng chả cần internet, những thứ lan truyền kiểu người ta nói thế đã tồn tại từ lâu rồi. Cơ quan nhà nước đầu những năm tám mười tiếp nhận ồ ạt những vị du học sinh từ Đông Âu về. Họ được mọi người ngưỡng mộ và đánh giá cao, còn tài năng chắc chắn ăn đứt mấy anh trung cấp học chuyên tu ở nhà. Nhưng họ thường thiếu khôn khéo, không biết vào cùng cánh với sếp trưởng cơ quan, khiến cho sếp khó xử. Giờ cho họ làm trưởng phòng chả hạn, thì thậm thụt ngân sách kiểu gì, mà giao trọng trách cho đứa dốt hơn thì biết nói thế nào cho hợp lý.
Cuối cùng thì sếp cũng tìm ra giải pháp (vâng, sếp mà lại). Ông ta lấy câu nói đức với tài của cụ Hồ ra, rồi bảo anh tiến sĩ quên không chào anh bảo vệ thế là thiếu tôn trọng nhân dân lao động, không có đức rồi nhé. Anh tiến sĩ chạy đi vệ sinh quên tắt đèn thế là lãng phí tài nguyên quốc gia, thiếu nghiêm túc trong sinh hoạt rồi nhé. Từ đó suy ra anh tiến sĩ có tài mà không có đức, làm lãnh đạo có mà loạn. Cụ Hồ nói mà lại sai à? Một sếp áp dụng thành công thì nhiều sếp học theo. Nhân dân cần lao cũng chịu ảnh hưởng, cứ thế mải miết tranh cãi đức với tài cái nào quan trọng hơn.
Thế nên giờ mở internet ra, thấy bài viết dài mà trích dẫn câu nói của hết vĩ nhân A đến huyền thoại B, thì người đọc cứ bắt đầu sợ đi là vừa.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét