Trong bộ truyện này, tôi thích nhân vật Mie nhất. Ban đầu cô ấy mến Gennosuke. Rồi biến cố xảy ra, cô chuyển sang coi thường Gennosuke và ngưỡng mộ Seigen. Rồi bi kịch đến, cô vẫn coi thường Gennosuke, đối xử với Gennosuke như con hổ nuôi của mình, nhưng với Seigen là yêu trong hận. Rồi bao chuyện đi qua, cô lại cảm nhận được tình yêu của mình với Gennosuke, cô muốn mình vĩnh viễn lãng quên đi Seigen. Rồi Seigen chết, mọi suy nghĩ và cảm xúc của cô về anh ta đã tan biến, chỉ còn lại phía trước là tương lai của cô với Gennosuke. Rồi khi Gennosuke cúi rạp đầu trước Tokugawa Tadanaga, cô lại coi thường Gennosuke. Rồi cô tự vẫn.
Một con người con gái đáng yêu xinh đẹp, giàu cảm xúc, khao khát tự do, nhưng không đủ sâu sắc – hay nói chính xác hơn – không bao giờ muốn hiểu những người đàn ông quanh mình.
Thái độ cư xử của Kogan là biểu trưng hoàn hảo nhất của giới samurai trong thời đại đó. Với các đồ đệ và người trong gia đình của mình, ông ta nô dịch họ như một đế vương bạo chúa, nhưng trước mắt những kẻ quyền quý và thế lực, ông lại cun cút như một tên đầy tớ hèn hạ. Ông khao khát một đứa con trai để kế thừa cơ nghiệp và coi con gái của mình chỉ như một công cụ để sinh đẻ. Nhưng đừng có đánh giá thấp ông, bởi dù có bị xã hội bào mòn đến thế nào, ẩn sâu trong Kogan vẫn là niềm kiêu hãnh của một kiếm sĩ bất bại, là sức mạnh hung bạo của một con quái thú mà không ai có thể ngăn chặn.
Khi Kogan kẹp chặt sáu ngón tay vào lưới kiếm của mình, bất cứ ai đứng đối diện cũng đều phải khiếp sợ.
Bản sao hoàn hảo nhất của Kogan thời trẻ chính là Gonzaemon. Vì lý tưởng của Samurai, gã tàn nhẫn giết đi người mình yêu và đồng thời cũng tự cung ngay lúc đó. Vì sự tôn kính đối với sư phụ, gã sẵn sàng làm mọi chuyện tàn ác nhất theo từng chỉ đạo điên cuồng bệnh hoạn từ người thấy của mình. Vì tương lai của môn phái, gã tự nguyện lùi lại phía sau, tận hình dìu dắt hai đàn em thành người kế thừa môn phái, dù thực lực của gã hơn hẳn.
Không thể nào nhìn nhận Gonzaemon như một con người được. Gã là một bản thể mà bên trong, tình cảm và suy nghĩ cá nhân đã heo hắt, lấp đầy những chỗ còn lại là quy tắc và lề luật. Bản thể đó biết ăn, biết uống, biết cười, biết nói, và quan trong nhất – biết vung kiếm.
Tương phản với Gonzaemon và Kogan, ở phía bên kia, Iku có lẽ là hình mẫu tượng trựng cho người phụ nữ trong thời đại đó. Cho dù có xinh đẹp khéo léo thế nào, phụ nữ cũng chỉ là con rối trong tay những kẻ có thế lực. Cô sống thiếu tự chủ, lệ thuộc vào đàn ông và dễ dàng bị cám dỗ. Song bên trong cô, ước mơ khao khát kiếm tìm một hạnh phúc đích thực vẫn luôn mãnh liệt. Cuối cùng Iku cũng có được điều đó, trong một giây phút ngắn ngủi khi Seigen vung kiếm để cứu cô – thay vì vung kiếm để thoả mãn dục vọng cá nhân như bao lần. Dù nó đem lại cái kết cho cô và cả người cô yêu.
Như một câu được viết trong chính những trang manga đó, “Mọi thứ đều giả tạo, chỉ cái chết mới chân thực”
Cuối cùng, đặc sắc nhất, đương nhiên là hai nhân vật chính. Gennosuke và Seigen có cùng xuất thân – từ những kẻ nghèo hèn bị xã hội Samurai khinh rẻ, nhưng tính cách và ngã rẽ cuộc đời lại đưa cả hai vào thế đối địch nhau. Nếu Seigen dùng mọi thủ đoạn để vươn lên, quyết tâm đạp bỏ những quy tắc của thời đại, vừa thù ghét địa vị đẳng cấp nhưng lại vừa thèm muốn nó – thì Gennosuke hoà nhập vào tầng lớp Samurai, sống như một Samurai đích thực dốc sức bảo vệ lý tưởng. Seigen là một kiếm sĩ mù, cả đời muốn phá vỡ những chuẩn mực nên bản thân cũng không sống theo một nguyên tắc nào hểt, chỉ dò dẫm theo bản năng. Gennosuke là kẻ sáng mắt cụt tay, thấu hiểu và cảm nhận được sự nhục nhã ghê tởm nhưng bất lực, không biết làm thế nào để thay đổi vận mệnh bản thân.
Ngay cả cách luyện kiếm, hai người cũng khác nhau. Mỗi ngày, Seigen chỉ tập trong một khoảng thời gian nhất định rồi nằm nghỉ một cách thoải mái thảnh thơi, mặc kệ những đồ đệ khác ra sức vất vả rèn giũa mà vẫn không thể nào đuổi kịp trình độ của hắn. Người ta gọi hắn là “thiên tài” mà không hiểu rằng cùng một thời lượng tập, Seigen tập trung gấp mấy lần người thường, vất vả gấp mấy lần người thường, nên có muốn cũng không thể tập được nhiều. Gennosuke sau những giờ nỗ lực vật vã kéo dài thì chỉ ngồi lặng im một mình, cô đơn nhìn thanh kiếm sáng bóng . Người ta gọi đó là “khổ luyện” mà không biết rằng, Gennosuke đang dần đánh mất đi phần người của gã.
Gennosuke lĩnh ngộ được hết kiếm thuật của môn phái, phát huy nó đến cực đỉnh, không hơn không kém với sư phụ của mình. Phía đối địch, Seigen đã nghiên cứu ra chiêu kiếm phá toàn bộ chiêu thức của môn phái. Với chiêu kiếm đó, Seigen đã chém bay nửa khuôn mặt của sư phụ, chém tách nửa thân người của sư huynh, chém đứt sinh mạng của toàn bộ đồng môn từ trẻ đến già, và chém văng cánh tay của người duy nhất trong môn phái mà gã thực sự yêu mến. Tên của chiêu kiếm đó là “Vô Minh Nghịch Lưu”.
Gennosuke cuối cùng cũng hiểu, trong trận chiến sinh tử, gã không thể nào dùng những chiêu thức đã bị kẻ khác tìm ra cách chế giải. Muốn chiến thắng, gã phải vứt đi tất cả những gì mình đã học, vứt đi lòng tự trọng của một Samurai, vứt đi thanh kiếm trong tay của mình, nhắm thẳng vào điểm yếu của đối thủ, nhắm thắng vào lồng ngực mà gã muốn chẻ làm đôi.
Một kẻ sống. Một kẻ chết. Và chẳng còn điều gì tốt đẹp sau đó nữa.
- nat0110 -
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét