Ai đã hoặc đang theo nghiệp lập trình viên chắc đều biết rằng, cái nghề này nó cũng chia làm nhiều mức độ khác nhau. Mức độ cao cấp thì tôi cũng không biết họ đang làm cái gì, chứ trình độ cỡ tôi hay được một số giáo sư danh tiếng ở các đại học hàng đầu Việt Nam ví von với công nhân, mà tôi e rằng, so sánh như thế đã cố tình giảm giá trị công việc của những công nhân chăm chỉ yêu nghề.
Cá nhân tôi lại tích lũy được tận năm năm kinh nghiệm trong nghề. Điều đó có nghĩa là chương trình tôi đang viết sẽ giống với chương trình vài tháng trước tôi đã làm. Chương trình vài tháng trước tôi đã làm lại giống với không phải một, mà là ba cái dự án năm ngoái tôi đã tham gia. Sáng nào khi thức dậy để chuẩn bị đi làm, tôi cũng nghĩ, không hiểu chuyện quái gì đang xảy ra với cuộc đời mình.
Dù vậy, điều may mắn là môi trường làm việc hiện tại của tôi rất thoải mái. Những khi phát ngán vì việc phải viết đi viết lại những thứ tẻ nhạt, tôi lại lôi toán ra học cho đỡ buồn, và thầm ước giá ngày xưa tôi thông minh hơn một tí. Hơn nữa, ở nơi công sở, học toán đương nhiên an toàn hơn đọc truyện tranh với chơi điện tử. Chả may có sếp bự nào ngó qua, vẫn tưởng là mình đang làm việc.
Với khả năng có hạn, tôi cũng chỉ chọn loanh quanh mấy thứ toán đơn giản để giết thời gian là chính. Một hôm, tôi đang loay hoay làm mấy bài tập chuẩn hóa một biến thể của Gamma function – kiến thức sơ đẳng mà thằng sinh viên nào từng học giải tích cũng đều nên biết, song tôi lâu không đụng tới, đâm ra chúng vẫn thú vị như mới – thì một thằng người Nhật kém tôi hai tuổi nhìn thấy. Nó ào ra hỏi han cứ như bắt được vàng là mày đang làm gì đấy. Sau khi nhìn quanh không có ông to mặt lớn nào lảng vảng, tôi bắt đầu khoe mẽ, bảo là mày có biết hiệp hội thống kê nước Mỹ không, chúng nó phân tích dữ liệu của cả nước bằng phương trình này đấy.
Khoan, nước Mỹ có hiệp hội thống kê thật không? Tôi biết thế quái nào được.
Thằng Nhật ban đầu gật gù, sau đó nó bằt đầu tò mò “Mày biết trong thống kê, ngoài hàm Gamma này, người ta còn hay dùng những hàm nào nữa không?” Thấy thằng bé ham học hỏi, tôi cũng muốn giảng cho nó nghe, nhưng khổ nỗi, ngoài cái Gamma function tôi lôi ra nghịch cho vui, tôi còn biết cái hàm quái nào nữa đâu? Tôi chợt thấy hối hận, giá ban đầu không nỡ to mồm, thì có thể thẳng thắn nhận dốt được rồi. Chứ giờ chẳng nhẽ lại bảo tao chả biết gì đâu. Nói thế nó kì ghê.
Tôi bắt đâu chơi kiểu cùn, giả bộ tại tiếng Nhật mình kém quá không giải thích được, nên hoa chân múa tay rồi eto, eto một hồi. Thằng bé sáng mắt lên, lấy giấy bút ra vẽ một đường rồi viết hẳn cái phương trình loằng ngoằng, bảo “ý mày là hàm **** (tôi hiểu được đã tốt) hả?”. Tôi giả vờ đồng tình, “đúng, đúng đấy”. Nó như được mở cờ trong bụng, thao thao bất tuyệt là hai hàm này gần giống nhau, nhưng khác nhau chỗ này chỗ kia. Tôi mười phần thì chín phần ù cạc, được cái là cũng có tí mẹo, nhìn vào phương trình của nó cũng phán được mấy câu kiểu, giới hạn hàm số ở điểm A điểm B, rồi đạo hàm chỗ này giảm nên hàm số cong thế này, đạo hàm chỗ kia tăng nên hàm số cong thế kia.
Cu cậu được tôi phụ họa, đã thăng hoa. Nó lấy giấy bút ra vẽ hết đồ thị này đến đồ thị kia, viết hết công thức này đến biểu thức nọ. Sau đó dường như chưa đủ độ phê, nó quay ra hỏi tôi mày biết “hyperfunction” là gì chứ – do người Nhật bọn tao nghĩ ra đấy. Rồi nó không thèm đợi tôi trả lời nữa, giảng cho tôi về “hyperfunction” (Cái *** gì thế). Nó giảng tiếp về Lebesgue integration (Cái *** gì nữa thế). Mồ hôi tôi đang toát ra ướt hết lưng thì sếp Nhật kém tôi một tuổi đã ừ hứ phía sau “Chúng mày đang nói chuyện gì vui thế?” Chuyên gia toán học người Nhật đành dứt buổi giảng bài, về chỗ ngồi, vẫn không quên chat cho “học sinh” một đường link nhập môn về “distribution” (lại cái *** gì đấy), kèm lời nhắn “mày đọc đi cái này hay lắm”.
(Bạn nào hứng thú thì tôi xin phép chia sẻ tài liệu: http://sites.mathdoc.fr/OCLS/pdf/OCLS_1963__73__23_0.pdf)
Sau này được trò chuyện thêm với chuyên gia, tôi mới biết hóa ra nó từng học thạc sĩ Toán ở Nagoya. Nó bảo tao cũng muốn học lên tiến sĩ lắm, nhưng nhà nghèo quá, để học xong đại học với thạc sĩ, tao đã nợ 3 triệu rưỡi yên rồi. Với cả tao không được thông minh (bạn biết đấy, đôi khi sự khiêm tốn của bản thân lại là sự sỉ nhục dành cho người đối diện) nên đi làm thì tốt hơn. Tôi chợt cảm thấy buồn cho nó, hồi đại học tôi toàn chơi điện tử mà còn phát ngán với đống của nợ đang làm huống chi là thạc sĩ Toán học. Thật tội nghiệp.
(Có đợt, tôi cũng hỏi sếp Nhật nhỏ hơn tôi một tuổi rằng senpai – đại ca – cũng đang phải trả tiền nợ hồi còn học đại học à? Sếp tôi trả lời một câu ngắn gọn, “À, bố tao làm bác sĩ”)
Bây giờ, chuyên gia đã biết tôi dốt thế nào rồi (mà có khi nó biết từ đầu). Nhưng chuyên gia vẫn quý tôi, bảo là mày chăm chỉ học toán thế này là đáng quý đấy. Tôi thì cũng không phải là không muốn thân thiết hơn với chuyên gia, nhưng nhìn bộ dạng của chuyên gia, tôi có thể hình dung ra tương lai của chuyên gia, là những anh người Nhật bốn mươi tuổi, không vợ, không con, không người yêu và nuôi mèo. Nếu lấy trình tán gái của George Clooney hay Trần Quán Hy ra làm mốc một trăm điểm, thì trình tán gái của tôi là một điểm, còn trình tán gái của chuyên gia, chắc không còn điểm để trừ nữa.
Tôi muốn có bồ. Tôi muốn có vợ. Kính mong ông trời rộng lòng thương xót mà tha cho tôi.
- nat0110 -
ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét