Thông minh



Những người “thông minh” trên mạng rất thích bình luận một cách logic và hợp lý.
Một ví dụ đơn giản, nếu anh Z đi từ A đến B với vận tốc là 100km/h, sau đó trở về từ B đến A với vận tốc 50km/h. Vì đi và về đều cùng trên một quãng đường giống nhau, nên ta có vận tốc trung bình của anh Z là (100+50)/2 = 75. Lập luận như thế chắc chắn thừa đạt tiêu chuẩn hợp lý và logic của những người “thông minh”.
Mọi người biết các nhà khoa học phải làm thế nào để khẳng định hoạt động của con người tác động lên biến đổi môi trường không? Họ phải đo đạc tỉ mỉ các số liệu, vẽ ra các sơ đồ rồi mô hình hóa thành các phương trình tính toán. Dựa trên đó, họ đưa ra giả thuyết, rồi phải chứng thực giả thuyết này đúng với các dữ liệu kiểm thử độc lập. Sau khi công trình được công bố thì sẽ có cả cộng đồng khoa học soi, những công trình lìu tìu thì không nói làm gì, chứ chủ đề biến đổi môi trường này thì cứ yên tâm, để đạt được độ thống nhất cao trong giới khoa học như hiện này, người ta đã phản biện và tính đi tính lại chán chê rồi.
Phát hiện ra rồi nhưng can thiệp để cản trở các hoạt động của con người làm biến đổi môi trường thì còn khó hơn, vì nó không còn là chuyện riêng của khoa học nữa. Đóng cửa những ngành ảnh hưởng đến môi trường và yêu cầu chính phủ chi một khoản tiền lớn cho biến đổi khí hậu – không chỉ ảnh hưởng đến tiền túi của các doanh nhân mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế quốc gia. Các chính trị gia với doanh nhân chả lẽ bó tay chịu trói? Không, họ khôn khéo hơn nhiều, họ cũng thuê người về làm những công trình hệt như công trình khoa học, nhưng không gửi lên các tạp chí khoa học (vì biết gửi cũng không được đăng). Họ công bố nó qua các đường dẫn trên internet, cho các chính trị gia được nhiều người yêu thích phát biểu những câu hoành tráng như “các nghiên cứ biến đổi môi trường toàn giả dữ liệu” hay “biến đổi môi trường là trò lừa đảo”.
Những chiêu trò đó trước tiên sẽ tác động lên tầng lớp “dân ngu” ư? Không hề, mà đối tượng đầu tiên của nó chính là những người tự cho mình là “thông minh”. Về mặt tâm lý, những người này lúc nào cũng nghĩ rằng mình hiểu biết hơn lũ đần độn tràn lan ngoài kia, thế nên khi vớ được những lập luận trái với đám đông và chính bản thân họ cũng thấy hợp lý, khoảnh khắc đó đối với họ chả khác gì vớ được vàng. Họ đột nhiên trở thành một con cờ trong công tác tuyên truyền mà cứ tưởng như mình đang “tự do dạy khôn người khác”. Một nhà chính trị gia với một nhà khoa học phát biểu trái ngược nhau thì xu hướng của đám đông là sẽ tin nhà khoa học hơn. Nhưng có thêm một blogger “thông minh” nổi tiếng góp thêm tiếng nói, nó lại thành tình huống khác rồi.
Thế nên nếu một xã hội đang có nhiều người “thông minh” thì bạn biết đấy, bạn nên sợ dần là vừa.

- nat0110-

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét