Nói gì thì nói, bao bì ni lông là thứ chất liệu vô cùng tiện lợi. Nó nhỏ gọn và mang được rất nhiều đồ dùng một cách đơn giản, quá phù hợp trong cuộc sống đang ngày càng thừa mứa vật chất. Bảo vệ môi trường là cần thiết, nhưng vì thế mà phải hi sinh bản chất lười biếng của con người thì cũng khó khả thi.
Thế nên, người ta đã nghĩ ra việc phân loại rác. Hãy quy định một ngày vứt rác riêng chỉ dành cho các bao bì ni lông. Những người thu gom rác sẽ đến và chuyển chúng cho các công ty tái chế. Mọi người được lười, môi trường được bảo vệ, mà xã hội lại có thêm việc làm. Một giải pháp hoàn hảo.
Nhưng còn lười đến mức rác cũng không thèm phân loại thì chịu thôi. Có nhà khoa học đã tính ra nhân loại chỉ tồn tại được năm mươi năm nữa thôi đấy. Hãy cầu cho ai đó cứu chúng ta.
***************
“Nếu tất cả mọi người đều lái xe bình tĩnh và cẩn thận, tai nạn giao thông sẽ không xảy ra”
Bạn là thiền sư chắc mà ra đường lúc nào cũng có thể vui vẻ thoải mái? Đến cơ quan thì bị sếp chửi, về nhà thì bị vợ mắng, ra đường nhìn thấy gái xinh ăn mặc hở hang, có ti tỉ thứ chuyện trên đời xảy đến khiến chúng ta chểnh mảng, đầu óc không thể tỉnh táo tập trung. Mà chỉ cần một giây thiếu quan sát là cũng đủ cho tai nạn giao thông xuất hiện rồi.
Ngoài ra, không phải ngã giao cắt nào cũng có thể cắm được đèn tín hiệu. Những đoạn ngõ ngách đòi hỏi chúng ta phải ra quyết định một cách khẩn trương: vượt hay nhường đường cho anh/chị đang lao đến. Mà bạn biết đấy, mười quyết định thì cũng phải sai đi một cú (tỉ lệ này vẫn còn lý tưởng chán). Tưởng tượng đi, hàng nghìn người lao ra đường, trong hành trình mỗi người lại phải đưa ra vài chục quyết định như thế, xác suất sẽ có bao nhiêu tai nạn? (không phải tai nạn nào cũng nặng)
Do vậy, một ông râu rậm trán hói nào đấy mới nghĩ đến giao thông công cộng. Này nhé, đưa tất cả lên tàu điện. Quyết định của hàng trăm người được thay bằng quyết định của một mình ông lái tàu. Giảm số quyết định chắc chắn giảm tai nạn giao thông. Muốn an toàn hơn nữa thì dùng máy tính điều khiển hệ thống tàu điện. Quyền quyết định chuyển từ con người (phần lớn là sai) cho máy móc (phần lớn là đúng). Tỉ lệ tai nạn giao thông có thể kéo về con số không, trong khi chúng ta ra đường không cần bình tĩnh cẩn thận làm quái gì hết, thoải mái ngắm cảnh, vô tư đọc sách, uống rượu thả phanh, nhậu tới bò ra bàn cũng về nhà được.
Vấn đề lúc này không còn phải là chuyện tai nạn nữa mà có thể là, ừm, văn minh công cộng chăng – mà quên, trước tiên phải đủ tiền để xây cái hệ thống kể trên cái đã.
****************
Mong muốn đạt được một xã hội ổn định bằng cách kêu gọi tất cả mọi người đều yêu thương nhau ư?
Một đất nước hàng triệu người. Mỗi người có tính cách, mơ ước, quan điểm sống, và khao khát cá nhân khác nhau, làm sao tránh được những mâu thuẫn bất hòa xảy ra. Lừa lọc, che dấu hay chịu đựng chỉ làm cho mâu thuẫn tích tụ thêm. Đến thời điểm nó bùng phát, thì bùm, chả có gì có thể ngăn cản được nữa.
Những lời kêu gọi đạo đức chỉ chống đỡ được phần nào. Chúng ta cần có thứ gì đó giúp giải quyết mâu thuẫn giữa các cá nhân trong yên bình và nhanh chóng, để cho hai anh hàng xóm không tranh mảnh đất thừa bằng cách đấm vào mặt nhau.
Và rồi, không biết từ đâu chúng ta có pháp luật. Chúng ta ghi rõ những quy ước để cứ thế cư xử với nhau cho phải phép. Khi có mâu thuẫn, căn cứ vào pháp luật, chúng ta có thể tìm ra cách phân xử công bằng, tránh đổ máu và chiến tranh vô nghĩa.
Tất nhiên, đó là về mặt lý thuyết.
*************
Vâng. Chúng ta có thể áp dụng gì vào cuộc sống từ những câu chuyện kể trên? Đó là khi sếp bảo chúng ta hôm nay phải làm thêm giờ để giúp dự án thành công, chúng ta sẵn sàng đứng lên phản đối “Sếp không thể đưa ra mục tiêu dự án dựa trên việc kêu gọi nhân viên làm thêm giờ hay chăm chỉ cố gắng đạt năng suất vượt quá khả năng được. Sếp phải xây dựng công ty sao cho nhân viên mặc định là những thằng ngu và lười như em – mà công ty vẫn kiếm ra tiền chứ?”
Trong lúc sếp đang há hốc mồm, bạn có thể thảnh thơi về nhà đúng giờ, bật máy tính và chơi Pillar of Eternity. Nghe có hợp lý không?
*************
P/S: Bài này lấy cảm hứng từ một sự kiện gần đây (có vẻ không gần lắm – thông cảm dạo này tôi cập nhật thời sự hơi chậm) là cá chết ở miền Trung. Nguyên nhân thực sự cá chết là gì thì tôi không có thông tin cũng kém hiểu biết nên chịu, nhưng tôi không hiểu nổi tại sao những việc liên quan đến nhà máy Formosa lại rùm beng đến thế?
Việt Nam có luật bảo vệ môi trường chưa? Có. Trong đó có các quy định và chế tài xử lý cụ thể chưa? Có nốt. Tôi chả hiểu nổi ông Chu Xuần Phàm giải thích lòng vòng cái gì nữa. Nếu nhà máy tuân thủ đàng hoàng pháp luật Việt Nam thì cứ dõng dạc tuyên bố nhà máy chúng tôi chấp hành nghiêm chỉnh mọi yêu cầu từ nhà nước Việt Nam là đủ.
Thế giờ các bạn muốn gì – chọn cá: nhà máy Formosa hoạt động hoàn toàn đúng quy trình nhưng vì cá chết chả rõ nguyên nhân nên chúng tôi bắt các bạn phải đóng cửa – Hay chọn thép: nhà máy Formosa có thải chất cấm quá mức cho phép, vi phạm pháp luật nhưng vì công ăn việc làm, tương lai đất nước, blah blah, . . . nên các bạn vẫn có thể xả thải vô tư? Có theo ý nào đi nữa thì cũng hóa ra ở Việt Nam này, luật pháp là cái trò đùa và cả nước là cái chợ?
Và cũng như nhân vật chính trong bộ truyện tranh nào đó kể rằng khi anh ta thâm nhập vào hệ thống bán hàng đa cấp, người anh ghét nhất không phải đám lừa đảo mà là những người cứ thuyết phục người khác vào hệ thống một cách vô tư nhiệt tình chả chịu suy nghĩ gì hết – tôi cũng ghét nhất cái đám cứ thấy người ta tranh luận vấn đề gì lớn lao tí là lại nhảy vào bàn luận: các bạn cứ sống tốt cho cá nhân đi, yêu thương người khác, bảo vệ môi trường, blah blah, . . .
Mấy vị đấy chắc cũng có ý tốt, nhưng xin lỗi, cá nhân tôi không thể nào ưa nổi.
- nat0110 -
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét