Tác giả: 昼起听风
1. Hộp sữa hết hạn, anh họ không uống, cũng không nỡ để hai đứa nhỏ nhà ảnh uống, mẹ tôi lại đem cho tôi, để tôi và em trai uống.
Người ta không lỡ để trẻ con nhà họ uống sữa hết hạn, nhưng đối với tôi và em trai mà nói thì có sữa uống đã là tốt lắm rồi.
2. Nhà cậu tôi có một thùng sữa Kim Điển, con của cậu lấy một hộp ra uống vài ngụm lại không uống nữa rồi cho tôi, để tôi uống. Thật sự rất khó uống, rất chua còn đắng nữa. Trong lòng tôi thầm nhủ, sữa đắt tiền quả là khác với sữa thông thường, mùi vị thật độc lạ. Sau khi tôi uống hết 2/3, mẹ tôi cầm lên uống thử một ngụm, hỏi tôi: “Uống cái sữa hết hạn này làm gì?” Tôi rất muốn nói do tôi trước giờ chưa từng được uống loại sữa đắt tiền này, con nghĩ vị sữa của hãng Kim Điển này vốn nó là như thế, không giống vị của sữa 2 tệ một hộp. Nhưng khi đó sân nhà tôi có rất nhiều người nên tôi không nói được. Tôi rất kiêu ngạo, tôi không muốn để bọn họ biết bản thân có hộp sữa mà cũng chưa uống bao giờ.
3. Anh họ tôi từ Trịnh Châu trở về ăn tết, khi về đem theo rất nhiều đồ ăn ngon. Em trai tôi cũng đến lấy một túi bánh qui về, là loại bánh có màu trắng, rất to cũng rất tròn, giá cũng rẻ nữa, tôi quên mất bánh đó gọi là gì rồi. Chúng tôi cùng nhau ăn, mẹ tôi thấy thế thì nói: “đó là đồ mua cho trẻ con ăn, hai đứa ăn nhiều thế làm gì”, sau đó thì đem túi bánh đi mất.
Thiếu chút nữa là tôi quên mất, người cũng có trăm kiểu loại người, tôi lúc nào cũng quên thân phận địa vị của mình.
4. Có một hôm mợ tôi xào tôm hùm đất, vợ của anh họ cũng chia cho tôi ăn, nhưng tôi không biết ăn tôm hùm đất ăn như nào, chỉ biết phải bóc vỏ ra, nhưng bản thân lại không biết bóc.
5. Mẹ tôi chỉ biết làm một số món dân dã cơ bản, ví dụ như xào cải trắng chẳng hạn. Trước giờ tôi cũng chưa từng ăn cá, sò, hay đậu phụ cay gì hết. Mỗi lần bạn trong lớp nói mẹ cậu ấy làm món thịt kho tàu ngon thế nào, những lúc như vậy tôi thường không dám nói chuyện, bởi vì tôi chưa từng ăn thịt kho tàu, mẹ tôi không biết làm món ấy. Trước nay tôi cũng không dám mời bạn về nhà chơi, bởi vì tôi nghĩ cũng không thể để các bạn ăn trưa bằng những món tôi hay ăn được. Hơn nữa, chúng tôi cũng không có ngôi nhà chân chính thuộc về bản thân. Nhà tôi là một cái phòng cho thuê, đó là một gian nhà ngói, nấu cơm hay ngủ nghỉ đều làm trong gian phòng này. Mẹ tôi, em tôi và cả tôi nữa, ba người ngủ chung trên một chiếc giường. Tôi lại không muốn để bạn bè biết được những điều ấy.
6. Khi lên cấp 2, trường tôi có thói quen mỗi kì nghỉ đông, nghỉ hè gì đó thì thầy cô sẽ đến thăm nhà của những học sinh có thành tích tốt. Tôi rất sợ, thực sự rất sợ. Phải, tôi ham hư vinh, tôi không muốn để thầy cô giáo nhìn thấy tình cảnh nhà tôi như thế. Tuy rằng thầy cô cũng biết gia cảnh nhà tôi rất nghèo, nhưng họ đều là những con người “cẩm y ngọc thực”, đại khái là mãi mãi cũng không thể tưởng tượng ra được nhà tôi nghèo thành cái dạng gì. Khi có khách đến nhà, họ chỉ có thể ngồi trên giường. Một là bởi vì nhà tôi không có cái ghế băng nào đàng hoàng, thứ hai là nhà tôi chỉ có mỗi gian đó, trong nhà lại còn chất một đống quần áo của người ta cho, căn bản còn chẳng có chỗ để chen chân vào. Vì thế mỗi lần giáo viên đến thăm nhà, tôi đều phải sang nhà cậu, sau đó mời thầy cô sang nhà cậu nói chuyện.
7. Khi học tiểu học, mùa thu đến tôi chỉ có một bộ quần áo đàng hoàng, trong nhà cũng không có máy giặt. Quần áo mặc một tuần xong cứ đến thứ 6 là tôi lại cởi ra giặt sạch, sau đó đợi hong khô rồi lại mặc đến trường. Nhưng không phải lần nào quần áo cũng khô cho, có một lần quần áo còn khá ẩm, nhưng tôi chẳng còn cách nào khác vẫn phải mặc quần áo ẩm đến trường. Lần đó vô tình có một bạn học đến hỏi bài tôi, đứng cách tôi rất gần, cậu ấy chạm phải áo tôi rồi hỏi, quần áo của tôi sao lại ướt như thế. Tôi thực sự rất hoảng. Đúng vậy, tôi từ nhỏ đã chuộng hư vinh như vậy đấy. Tôi liền nói là do em trai tôi nghịch nước, té vào người tôi, khiến quần áo tôi bị ướt. Còn có bạn hỏi tôi, tại sao tuần nào tôi cũng mặc một bộ quần áo giống nhau, lúc đó tôi thực sự rất muốn khóc, nhưng tôi lại chỉ đành trả lời, đó là do tôi mua quần áo giống nhau, tôi không muốn lãng phí thời gian để lựa quần áo.
8. Khi tôi học cấp 3, có một lần trời rất lạnh, nhưng tôi lại không mang quần áo nào dày cả. Mẹ tôi liền nhờ người ta tiện thể đem cho tôi một bộ quấn áo ấm, đó là một bộ áo khoác màu trắng, nhưng bà lại chỉ gửi một bộ. 12 ngày, tôi không cần tắm rửa thay quần áo hay sao?! Những ngày đó thật sự rất lạnh, tay áo của tôi đã rất bẩn nhưng tôi cũng chẳng thể cởi ra để giặt. Bạn cùng giường của tôi không nhìn tiếp được nữa, liền cho tôi mượn quần áo của cậu ấy, để tôi cởi cái áo kia ra mang đi giặt.
9. Đột nhiên nhớ lại, có một chuyện cũng liên quan đến quần áo. Đó là khi tôi học lớp 6, cứ hai tuần lại được nghỉ. Mùa đông năm đó mẹ chỉ để tôi mặc một cái bộ áo bông. Khi đó tôi còn rất nhỏ, rất thích những kiểu quần áo hồng hồng mềm mềm. Nhưng kiểu quần áo đó thì lại rất nhanh bẩn, cũng giống như vải ở phần tay áo, lúc nào cũng bẩn không chịu được. Vậy là tôi luôn không dám giơ tay lên, tôi sợ bị người khác nhìn thấy. Có những lúc về nhà, mẹ tôi nếu không muốn giặt quần áo, bà còn để tôi mặc quần áo bẩn đi học. Những khi như thế tôi liền lấy bàn chải đánh sạch tay áo và những chỗ bẩn khác, sau đó phơi khô lại mặc. Dần dần tôi thích những bộ quần áo tối màu, quần áo tôi bây giờ toàn là màu đen thôi.
10. Mẹ mua cho tôi một đôi giày 40 tệ, hình như gọi là giày ba- ta. Nhưng không ngờ tới đôi giày đắt như thế lại không bền. Tôi mới đeo một học kì, nghỉ hè còn không đeo, thế mà nó đã bung keo hết cả. Hai bên đôi giày đều bị bật ra hết. Nếu giày mà thiết kế cong lên, thì chắc có thể nhìn thấy chân của tôi luôn. Vì thế, mỗi lần đeo nó tôi đều rất chú ý, lúc nào cũng đặt chân ở dưới nền, không cử động lung tung. Nhưng có một lần tôi sơ ý, nhấc chân lên. Bạn cùng bàn của tôi là một nam sinh, bố mẹ cậu ấy đều là giáo viên ở trường, có tiền có địa vị. Cậu ấy thấy thế liền nói tôi giày đã nát đến như thế còn đeo. Đúng lúc đó có một bạn nữ đến hỏi bài tôi, cậu ấy liền cúi đầu, nhìn tôi một cái rồi không nói gì nữa. Đến bây giờ tôi vẫn rất cảm kích cậu ấy. Cảm ơn cậu ấy đã giữ một chút tự tôn cho tôi.
11. Tôi rất ghét trợ cấp cho học sinh nghèo. Hồi cấp 3, mỗi lần có trợ cấp cho gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn tôi đều phải đăng kí xin. Thực ra tôi chẳng hề muốn xin, nhưng mẹ tôi lại cứ ép tôi phải đăng kí. Bà còn gọi điện cho thầy giáo chủ nhiệm hỏi xem gần đây có gói trợ cấp nào không. Nếu mà có lần nào tôi không xin thì không chỉ có mẹ, mà còn có cả cậu, dì, lần lượt từng người sẽ đến quở trách tôi. Nhưng nếu xin rồi thì tôi sẽ phải viết đủ loại thư từ cảm ơn. Các thầy cô giáo đều biết hoàn cảnh của tôi, vì thế mỗi lần có trợ cấp gì đó họ đều ưu tiên lấy cho tôi trước. Tôi rất cảm ơn họ, thực sự rất cảm ơn họ. Nhưng cũng có những lúc rất muốn khóc. Bởi vì mỗi lần nhận trợ cấp họ đều muốn chụp ảnh, quay video các thể loại, chụp rất nhiều rất nhiều ảnh. Có những lần chụp ảnh vào thời gian tan lớp, các bạn cùng lớp tôi liền đứng ở hành lang nhìn tôi chụp. Bởi vì tôi quá hư vinh, tôi không thể chịu nổi cái kiểu chú ý này. Tôi chịu không nổi, tôi chịu không nổi, tôi chịu không nổi rồi. Có những lúc tôi nghĩ chẳng bằng tôi chết quách đi cho sạch sẽ.
12. Khi học cấp 3 tôi từng giữ chức đại biểu môn toán 2 năm. Cô giáo dạy toán của tôi là một người rất có trách nhiệm, cũng rất xinh đẹp. Có một hôm cô nhằm lúc văn phòng không có người gọi tôi đến, đưa cho tôi hai cái áo, còn nói với tôi rằng cô không biết tôi có thích không, có hợp với tôi không, nếu tôi không thích thì nói với cô, cô đi đổi cho tôi. Tại sao cô lại tặng thứ này mà không phải thứ khác đây? Đại khái là cô nhìn ra được, tôi chỉ có hai cái áo, một cái là để khoác vào cái áo trong bị rách, cái còn lại là mua từ năm tôi lớp 7, 20 tệ, tôi đã mặc đến tận lớp 11, cái áo đó sớm đã nát không chịu nổi.
13. Hồi lớp 9, trời chuyển lạnh, mẹ tôi nói giáo viên chủ nhiệm của tôi giúp tìm cho tôi mấy bộ quần áo dày. Đúng vậy, tìm là tìm quần áo của cô giáo. Cô giáo rất để ý đến lòng tự trọng của tôi, cô nói quần áo là mẹ tôi gửi đến. Nhưng tôi căn bản không có bộ quần áo nào đẹp như thế. Sau khi về nhà tôi hỏi mẹ, có phải có người đến cho quần áo nữa không? Mẹ tôi lúc này mới nói đó là quần áo của cô giáo. Đúng là sét đánh giữa trời quang. Cả buổi trưa tôi đều nghĩ, đến trường rồi thì phải đối mặt với cô như thế nào, không không muốn bản thân ở trường cũng ngóc đầu không nổi. Tôi tưởng tượng mình giống như một người bình thường, sống dưới ánh nắng mặt trời. Tôi ghét cuộc sống âm u, ẩm ướt, ghét sống ở nơi không nhìn thấy được ánh nắng.
14. Không biết mọi người đã từng ngồi ở cốp xe chưa, còn tôi thì rất thường ngồi. Nhà tôi không có xe điện, chí có hai chiếc xe đạp. Tôi lại hay phải đi đến nhà bà ngoại, nếu đạp xe đi thì phải đạp một tiếng đồng hồ mới tới, vì vậy mẹ thường để tôi ngồi nhờ xe nhà người ta để đi. Nhưng mà xe nhà người ta cũng đầy người rồi, vì thế tôi chỉ đành ngồi ở cốp xe. Thực ra bản thân tôi vốn là một thân hạ tiện, người ta đồng ý cho tôi đi nhờ đã là tốt lắm rồi. Nhưng mỗi lần tôi nghĩ đến con nhà người ta được sống sung sướng, danh chính ngôn thuận, đàng hoàng ngồi ở ghế trước ô tô, tôi lại cảm thấy thật buồn.
Lại thực ra, tôi thà tự mình đạp xe đi, chứ cũng không muốn nhận bố thí của người khác.
15. Việc khiến tôi tủi thân lớn nhất có lẽ chính là tôi vẫn đang sống trên thế giới này. Tôi không thích nó, nó cũng chẳng thích tôi. Chẳng có ai thích tôi hết. Con của anh họ tôi, chúng có bố mẹ thương yêu, ông bà quý mến. Ông bà ngoại lúc nào cũng muốn để chúng đến nhà ông bà ở, ở được mấy ngày ông bà nội lại gọi chúng về. Sao chúng lại có nhiều người thích đến thế? Tôi thì sao? Người ta chỉ nghĩ, tại sao tôi ở nhiều ngày thế rồi mà còn chưa đi…
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét